• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Sáp nhập xã, thành công đến từ sự ủng hộ của người dân
Ngày xuất bản: 03/10/2024 2:26:17 SA

Ký của DƯƠNG THU PHƯƠNG

 

Ông Thuận, tôi biết tên người đàn ông vừa quen trên chuyến ca nô buổi sáng qua cuộc nói chuyện thủng thẳng.

- Cô đi đâu?

- Cháu vào xã Yên Bình ông ạ!

- Nhà tôi ở đó nhưng chẳng biết mấy năm nữa, có người hỏi về ông Thuận ở xã Yên Bình thì còn ai biết nữa hay không?- Tiếng thở ra ngoài cả lồng ngực, giọng ông buồn và nặng nề, tâm trạng hơn lúc trước.

Tôi thấy ái ngại, định giải thích rằng quê tôi vẫn hay chọn cách gọi, “ông, bác, cô, dì…” thay cho con của mình chứ thực tình ông vẫn còn khá trẻ.

- Không phải như cô nghĩ mà là tới đây, xã chúng tôi sẽ sáp nhập vào xã Bạch Hà và lấy tên gọi chung là Bạch Hà.

Điều chẳng thể nào khác được. Thực hiện Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023- 2030, xã Yên Bình của huyện Yên Bình là đơn vị không đảm bảo cả tiêu chí về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% so với chuẩn và là xã duy nhất của huyện phải thực hiện Đề án sáp nhập giai đoạn 2023- 2030, một nhiệm vụ chính trị quan trọng của huyện Yên Bình năm 2024.

- Việc sáp nhập đã được tiến hành đến đâu rồi ạ?- Tôi hỏi lại cho chắc.

- Vẫn chưa chính thức. Cán bộ bảo chờ có quyết định của kỳ họp HĐND tỉnh gì đó, nhưng mọi thủ tục thì đã xong hết rồi. Chính tôi cũng đồng ý vào phiếu khi được hỏi ý kiến.

Có nghĩa là, ông cảm thấy, việc sáp nhập một xã như Yên Bình là chủ trương đúng đắn?

Có lẽ lòng ông vẫn đang gợn như sóng hồ lúc này nhưng giọng nói thì dứt khoát và đầy trách nhiệm: “Đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước mà cô. Sáp nhập xã Yên Bình vào xã Bạch Hà, cũng là phương án hợp lý khi Yên Bình có vị trí liền kề với xã Bạch Hà cùng nằm trên 01 trục đường liên xã Yên Bình- Bạch Hà nên rất thuận tiện cho hệ thống giao thông, đường xá, càng thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội cho xã mới sau khi sáp nhập. Là người dân thì mình phải có trách nhiệm ủng hộ. Nhà tôi có 5 người, 2 vợ chồng tôi, 2 vợ chồng đứa con trai và cháu nội. Ý kiến khác biệt nhưng tôi cũng đã phải quán triệt ngay từ trong gia đình. Nhưng cũng phải từng bước đấy cô ạ… Bà nhà tôi, người cứ vài tháng lại phải lên trạm xá thăm khám và lấy thuốc cho cái chân khó bảo của mình lo lắng: Trạm Y tế trung tâm như thế, tôi đi lại thế nào. Tôi động viên, đó chỉ là do thói quen, mình thay đổi cách nghĩ đi là được. Ngày trước chưa có trạm xá, phải lên tận Trung tâm Y tế vẫn đi được. Bây giờ đường sá thuận lợi, chưa nói đến việc sau khi hợp nhất, cơ sở vật chất, vật tư thuốc men đều được đầu tư hơn, chất lượng y bác sĩ được nâng cao, biết đâu cái chân của bà chỉ mấy lần thuốc thang là khỏi hẳn”. Ông nói thêm, trách sao được, đàn bà mà, vẫn hay lo lắng vẩn vơ. Ông nói rồi quay sang nhìn tôi ngại ngùng như sự lỡ lời. Nhưng đó không hoàn toàn chỉ là sự lo lắng của các bà các chị. Theo báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri về việc nhập xã Yên Bình với xã Bạch Hà thành xã Bạch Hà của UBND xã Yên Bình thì có đến 51 ý kiến hộ gia đình đại diện cho 157 cử tri đề nghị Trạm Y tế xã Yên Bình tiếp tục được sử dụng để thuận lợi cho người dân trong việc khám chữa bệnh ban đầu và tiêm chủng định kỳ cho trẻ em.

Tôi nhớ lại, một cuộc họp của chi hội Cựu chiến binh, mà chúng tôi vô tình được tham gia. Nói là vô tình, bởi, để thực hiện đề án sáp nhập, huyện Yên Bình đã tiến hành rất thận trọng. Các đoàn công tác từ huyện, xã, cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách, các tổ chức đoàn thể thôn được thành lập để đi đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động và lấy ý kiến. Các cuộc họp từ chi bộ, thôn, các chi hội, hệ thống loa truyền thanh xã đều tập trung chuyển tải chủ trương sáp nhập đến mọi người dân. Hôm đó, một chiều tháng 2 nắng mỏng, dù đôi chân đã rệu rã để đi hết 26 hộ theo phân công, thì khi được biết chi hội Cựu chiến binh thôn bên cạnh họp vào buổi tối, chúng tôi đã cố nán lại. Rất nhiều ý kiến về việc UBND xã sẽ xa hơn bây giờ, giao dịch thủ tục hành chính nhiều nên thời gian chờ đợi sẽ lâu, việc giải quyết các chế độ chính sách nhất là các đối tượng bảo trợ, người cao tuổi sẽ khó khăn hơn… Giọng ông chi hội trưởng thật rành mạch. “Không ai có thể phủ nhận được sự tiến bộ của xã hội, các ông nói có đúng không? Câu chuyện về chuyển đổi số đã không còn xa lạ, hầu hết các thủ tục, các giao dịch đều có thể giải quyết ở đây, vừa nói ông vừa giơ chiếc điện thoại bé xíu của mình lên. Nếu có khó khăn sẽ có tổ chuyển đổi số, các cháu thanh niên đến hỗ trợ”. Tan họp mọi người ra về, cơ mặt cũng dãn ra chứ không căng thẳng như khi vừa nghe về nội dung chính buổi triệu tập.

Cùng với quá trình tuyên truyền tập trung, bài bản của chính quyền, tôi tin, trong 2.947 phiếu, chiếm 98,5% số cử tri của xã đồng ý với phương án sáp nhập, họ đã nhìn nhận được những mặt lợi ích mà công cuộc sáp nhập sẽ mang lại. Bởi vì mục tiêu của sáp nhập nhằm đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; dành toàn bộ nguồn lực tiết kiệm được để đầu tư nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Đây cũng chính là điểm căn cốt trong quá trình tuyên truyền, vận động làm công tác sáp nhập ở Yên Bình.

Nhiều lần đề cập đến chủ đề sáp nhập, chia tách, dù có nhiều ý kiến khác nhau nhưng nhiều người cùng thống nhất ở một quan điểm “Nếu vì cán bộ thì chia tách, vì nhân dân thì sáp nhập”. Quả không sai. Thành lập đơn vị hành chính mới, sẽ có rất nhiều cán bộ được đề bạt bổ nhiệm, thêm nhiều người được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, được trao công quyền, vì thế mà cũng được mang ơn. Quản lý những đơn vị nhỏ, có nhiều hơn những người làm việc cho mình, đó là thuận lợi. Việc sáp nhập xã Yên Bình vào xã Bạch Hà tới đây đồng nghĩa với việc huyện Yên Bình giảm đi một đơn vị hành chính, giảm khoảng 20 cán bộ công chức và 14 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Toàn bộ nguồn lực đó được chuyển vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển hệ thống y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT nhằm đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho người dân. Chính quá trình sáp nhập, tinh gọn bộ máy, tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức sẽ lựa chọn được những cán bộ, công chức có năng lực, trình độ, tín nhiệm để bố trí đảm nhận các chức vụ, chức danh đảm bảo đúng theo quy định; góp phần đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Quá trình phát triển theo hướng công nghiệp hóa, người ta vẫn nói nhiều đến dồn điền đổi thửa, việc sáp nhập cũng giúp quy mô vùng sản xuất chuyên canh, nuôi trồng được mở rộng, tập trung được các nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian để quy hoạch, tập trung đầu tư mở rộng sản xuất theo hướng hiện đại, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên, vị trí địa lý để phát triển theo hướng kinh tế mới.

Không thể có tiêu chuẩn kép cho việc vừa muốn hiện đại, chuyên sâu, quy củ lại vừa muốn dàn trải nhỏ lẻ, chỉ vì để tiện lợi hơn trong sinh hoạt, sản xuất của một bộ phận nhỏ. Vì một tương lai xa hơn, con cháu được học tập trong môi trường hiện đại, khang trang, chất lượng hơn; người già, các đối tượng yếu thế được quan tâm chăm sóc tập trung hơn; đôi khi cần phải thay đổi cả thói quen xưa cũ để hòa nhập, để chung sống, để giảm bớt tình trạng cục bộ... hướng đến phát triển.

Bây giờ thì gió về hun hút trên Quốc lộ 37. Từ cầu Thác Ông, không đi trên trục đường chính xuyên huyện mà rẽ theo hướng Bắc, một vùng quê đất bằng phẳng, phì nhiêu, màu mỡ của vùng hạ lưu sông Chảy mở ra trước mắt. Chúng tôi vào UBND xã để gặp tổng công trình sư của Đề án sáp nhập lần này, anh Hoàng Văn Tư, người đã có 8 năm làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Yên Bình để hiểu hơn về quá trình thực hiện ở địa phương. Không như nhiều người nhận hết công trạng về mình, anh trò chuyện, thân tình và nhỏ nhẹ. “Người dân Yên Bình vốn rất thuần phác, chân chất. Họ sẽ luôn ủng hộ chủ trương mà cấp ủy đề ra. Vì thế quá trình lấy ý kiến không gặp quá nhiều sự phản đối. Sự ủng hộ của người dân là yếu tố tiên quyết để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương nói chung và cả phương án sáp nhập lần này. Dĩ nhiên là chúng tôi đã tập trung tuyên truyền, làm tốt công tác tư tưởng ngay từ khi bắt đầu chủ trương sáp nhập. Chúng tôi cũng xác định, đây là nhiệm vụ lớn nên không được nóng vội, chủ quan duy ý chí, chạy theo chỉ tiêu, thành tích mà phải làm từng bước. Khi xây dựng đề án và tổ chức thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính phải có luận chứng, luận cứ khoa học đầy đủ, nhà quản lý thực tiễn và đồng thuận của Nhân dân địa phương để triển khai thực thi. Chúng tôi hiểu cách làm bài bản thận trọng mà anh nói. Đó là quá trình xây dựng đề án sáp nhập đánh giá một cách khách quan, tổng thể những tác động tích cực và tiêu cực, trong đó có tính đến cả các yếu tố cơ bản khác như lịch sử- truyền thống, địa lý- tự nhiên, dân cư- xã hội, kinh tế, văn hóa, chính trị,... Chỉ thực hiện khi có các giải pháp khả thi giải quyết các vướng mắc, khó khăn. Cách tuyên truyền, vận động phải bài bản, tất cả các cơ quan, đoàn thể cùng vào cuộc, chính người trong gia đình, dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng vận động lẫn nhau, giải thích để mọi người hiểu thật rõ chủ trương, Với một địa bàn có 4 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó có 45% là đồng bào giáo dân với nhiều nét văn hóa khác biệt, đặc điểm về nhân chủng học không đồng nhất thì việc phân chia nhiều đối tượng, nhiều cấp độ để vận động là điều cần thiết. Nhiều người chưa đồng thuận là do họ chưa hiểu rõ về tính mục đích hoặc e ngại quá nhiều phiền hà trong việc giải quyết các thủ tục hành chính sau sáp nhập. Có những hộ gia đình như ông Đinh Công Lương, thôn Cây Thị, bà Hà Thị Bích, thôn Trung Tâm, hay Vũ Đăng Học, Vũ Đăng Chiến, thôn Đồng Tiến, chính bản thân Bí thư Đảng ủy đã phải đi lại không biết bao nhiêu lần, kiên trì giải thích, thậm chí là cam kết với gia đình. Điều đáng quý, anh không coi đó là vất vả mà nó còn là cơ hội để anh đi xuống cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con, thể hiện mối quan hệ khăng khít, cùng đồng hành giữa chính quyền với nhân dân. Bởi anh luôn thiết tha mong muốn, việc đồng ý sáp nhập không chỉ vì bà con ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước mà quan trọng là người dân thấy được những lợi ích lâu dài từ việc sáp nhập, để bà con tin tưởng rằng, mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước chính là để nâng cao hơn nữa chất lượng sống cho nhân dân.

Lường trước được những khó khăn vướng mắc sau khi sáp nhập, chính quyền cũng đã có kiến nghị, đề xuất giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục thay đổi trên sổ sách, giấy tờ hành chính như giấy tờ sở hữu nhà, đất, hộ khẩu, giấy tờ tùy thân, bằng lái… Tính đến cả phương án, trong các ngày cuối tuần cùng dân ở địa phương, đề nghị các cơ quan chức năng đến tận nhà văn hóa các thôn để hướng dẫn và trực tiếp thực hiện các thay đổi, hiệu chỉnh giấy tờ liên quan đến cá nhân cho người dân.

 Là người lãnh đạo quản lý địa phương, chúng tôi cũng đề cao trách nhiệm giải quyết tốt các vấn đề trước mắt như nhanh chóng ổn định các hoạt động hành chính ngay sau sáp nhập; thực hiện ngay công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực thực thi công vụ để phù hợp với vị trí mới có khối lượng công việc lớn hơn, tầm quản trị rộng hơn. Chú trọng đào tạo nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin để vận hành chính quyền điện tử, chính quyền thông minh nhằm cung cấp dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện cho công dân, tổ chức. Cùng với các cơ quan có trách nhiệm thực hiện thật tốt công tác nhân sự. Thực hiện chế độ, chính sách cho cả người ở lại, người chuyển đi, người thôi việc theo nguyên tắc phải bằng hoặc tốt hơn chính sách đã được hưởng khi còn đảm nhiệm công việc ở đơn vị hành chính trước khi sáp nhập bảo đảm cán bộ công chức yên tâm và hài lòng khi chuyển đổi công việc. Về cơ bản, anh em nhất trí với các phương án đã đưa ra.

Có một việc mà bà con nhân dân và cả anh em cán bộ xã tâm tư rất nhiều đó là việc xử lý, sử dụng trụ sở và tài sản công làm sao cho tiết kiệm hiệu quả, tránh lãng phí. Theo dự kiến, sau sáp nhập sử dụng trụ sở làm việc, trang thiết bị hiện có của UBND xã Bạch Hà; Công an xã Bạch Hà; Trạm y tế xã Bạch Hà như vậy trụ sở của UBND xã Yên Bình là 01 nhà xây 3 tầng với 10 phòng làm việc; trụ sở của Công an xã có 03 phòng làm việc; Trạm y tế có 15 phòng làm việc cần có phương án thanh lý, bàn giao. Chúng tôi cũng hi vọng, với kinh nghiệm có được từ việc sáp nhập xã Tích Cốc và xã Cảm Nhân, sáp nhập xã Văn Lãng vào xã Phú Thịnh năm 2019 các cơ quan chuyên môn sẽ tham mưu cho huyện xử lý tốt vấn đề này”...

“Khó khăn còn nhiều, cả trước và sau khi sáp nhập nhưng hơn ai hết, anh em chúng tôi xác định, chỉ có thể sáp nhập thì chất lượng cán bộ, công chức mới được nâng lên, nguồn lực được tập trung tránh dàn trải và đó là tiền đề của một nền hành chính và kinh tế hiện đại. Mà việc gì có lợi cho nhân dân thì khó mấy cũng phải làm thôi”. Anh cười hiền lành.

Trở lại với người đàn ông tôi vừa gặp, ông thuộc về một thế hệ xưa cũ, thứ ông quan tâm không chỉ là vật chất hiện hữu mà là trầm tích văn hóa của một vùng đất, là lịch sử giáo dục nên con cháu muôn đời. Ông nhìn ra xa xăm, giọng trầm buồn xen lẫn hoài niệm. Tên Yên Bình có từ xa xưa, trải qua nhiều biến thiên thay đổi nhưng tên xã chưa bao giờ bị mất đi. Nhớ năm 1967 thực hiện công cuộc đại di dân để xây dựng công trình thủy điện Thác Bà, cùng với việc chuyển dân của các xã vùng lòng hồ, 454/544 hộ dân của xã Yên Bình đã di dời về xã Vĩnh Kiên để sinh cơ lập nghiệp, giải thể xã cũ. Nhưng chỉ sau 18 ngày xã Vĩnh Kiên được tách làm đôi, Yên Bình khai sinh lần nữa. Xã Yên Bình cũng từng là trung tâm huyện lỵ của huyện Yên Bình, được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, niềm tự hào của người dân nơi đây. Đã có 60 ý kiến hộ gia đình đại diện cho 158 cử tri đề nghị giữ tên xã Yên Bình sau khi sáp nhập là vì thế. Và tôi cũng biết, có nhiều xã, vì không thống nhất được tên gọi mà chưa thể hoàn thành được quá trình sáp nhập như kế hoạch.

Thế mới biết có cuộc cách mạng nào mà không phải mất mát, hi sinh. Nhưng người dân luôn biết cân bằng nặng nhẹ, vì đại cục, vì sự tiến bộ mà ủng hộ hết mình. Sáp nhập xã Yên Bình vào xã Bạch Hà thành công nhờ đó. Hi vọng, chính quyền mới, các cơ quan chức năng sẽ phát huy hết nhiệt tình trách nhiệm giải quyết thỏa đáng những vướng mắc sau sáp nhập, đáp ứng sự kỳ vọng của bà con nhân dân.

Nắng nhẹ, loang loáng thứ ánh sáng ấm áp lên sóng nước mặt hồ, bỏ qua những ngổn ngang tâm trạng, dường như, cả ông và tôi và con tàu dường như đang phóng tầm mắt rất xa về phía trước.

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter