• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Triệu Quý Tài- NGƯỜI TRUYỀN LỬA Ở CHI BỘ THÔN TỘC CÀI
Ngày xuất bản: 29/06/2022 2:06:30 SA

                                                                               

                                                                  Ký của NGUYỄN THỊ THANH

 

   Những ngày qua, Đảng bộ các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã chỉ đạo tổ chức Đại hội Chi bộ cơ sở nhiệm kỳ 2022- 2025. Đi đến đâu ta cũng có thể cảm nhận được không khí thi đua sôi nổi, những công trình chào mừng Đại hội, những mô hình hay, những điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực được tuyên truyền sâu rộng để tạo nên sức lan tỏa, khẳng định kết quả lãnh đạo của chi bộ đảng trong nhiệm kỳ qua, tạo đà cho sức bật của nhiệm kỳ mới.

Đến huyện Văn Chấn với ý tưởng tìm hiểu về công tác xây dựng đảng ở cơ sở, tôi được đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy giới thiệu rất nhiều điển hình Bí thư chi bộ giỏi, gắn với vai trò lãnh đạo của cấp ủy, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Xác định chi bộ thôn, bản không chỉ giữ vai trò nòng cốt, hạt nhân chính trị ở cơ sở, mà còn là cầu nối trực tiếp giữa Đảng với nhân dân. Do đó Đảng bộ huyện Văn Chấn luôn coi trọng và phát huy vai trò lãnh đạo của chi bộ thôn, bản trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Theo giới thiệu của huyện ủy, tôi đến xã Nậm Lành, 01 trong 08 xã vùng cao khó khăn của huyện Văn Chấn, một vùng đồi núi đang hồi sinh bởi những rừng quế, rừng sặt và cây lấy gỗ… Tôi được biết xã vừa chỉ đạo Đại hội Chi bộ điểm ở thôn Tộc Cài, một thôn xa nhất, khó khăn nhất của xã với 100% là đồng bào dân tộc Dao. Tuy ngạc nhiên trước sự chọn lựa của Đảng ủy nhưng chính điều đó đã khiến tôi thêm háo hức muốn đến với Tộc Cài. Cuối năm 2019, thôn Tộc Cài được sáp nhập từ hai thôn cũ là Nậm Tộc và Nậm Cài. Như vậy, Chi bộ thôn mới vừa hoạt động được một nhiệm kỳ hai năm rưỡi. Vậy sức hút của Tộc Cài là gì? Hỏi đường đi bao xa thì đến thôn bản? Xa lắm! Gần 18 cây số, nếu đi đường mòn qua núi là phải mất gần nửa ngày. Nếu ở xã Túc Đán huyện Trạm Tấu đi sang, từ xã Nghĩa Sơn huyện Văn Chấn tới hoặc từ xã Nghĩa Phúc của thị xã Nghĩa Lộ lên còn gần hơn đi từ trung tâm xã Nậm Lành đấy! Cho nên đã nhiều lần các đồng chí lãnh đạo bàn đến chuyện có thể cắt Nậm Tộc, Nậm Cài sang xã bên để tiện cho việc giao dịch của người dân khi cần gặp cấp ủy, chính quyền xã. Nhưng không! Xa thì xa, người Dao ta ở Nậm Lành với nhau quen rồi! Nếu nhập vào Nghĩa Sơn sẽ phải có thời gian dài hòa nhập cùng đồng bào Khơ Mú. Nếu vào Túc Đán huyện Trạm Tấu sẽ phải có thời gian làm quen phong tục của đồng bào Mông. Nếu nhập vào xã Nghĩa Phúc với đồng bào Thái, Mường cũng như vậy. Bởi thế, người dân thôn Tộc Cài càng phải cố gắng nhiều hơn, quyết tâm hơn để đóng góp xây dựng xã Nậm Lành ngày càng phát triển. Đồng chí Lê Nghĩa Hải, cán bộ của huyện được điều động luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã quyết định dùng xe đưa tôi đến thôn Tộc Cài bằng đường vòng từ trung tâm xã ra Quốc lộ 32, xuôi về thị xã Nghĩa Lộ, đi qua 4 thôn bản của xã Nghĩa Phúc ngược núi để đến nhà Bí thư Chi bộ Triệu Quý Tài.

Giữa bao la rừng quế, ngôi nhà gỗ năm gian của gia đình ở cuối thôn khá rộng rãi. Vách nhà, trần nhà lịa toàn bằng gỗ óng lên màu vec- ni cánh gián tạo nên một không gian thật thoáng đãng, mát mẻ. Hương quế thơm ngạt ngào thoảng vào từ những giàn phơi quế đầy sân và từ ngoài lề đường quyện với hương rừng tạo cho khách một cảm giác thư thái, dễ chịu. Bởi vậy sự giao tiếp giữa chúng tôi càng trở nên thân thiện, cởi mở. Được biết Triệu Quý Tài sinh năm 1985, có 13 năm tuổi đảng nhưng đây đã là nhiệm kỳ thứ 3 làm Bí thư Chi bộ. Tôi hỏi "So với vùng núi này, đồng chí thuộc lớp đảng viên trẻ, vậy làm Bí thư có gặp nhiều khó khăn không?". Người đàn ông ấy có khuôn mặt chữ điền, vóc dáng to khỏe rất tự tin trả lời: Khó lắm chứ. Nhưng khó thì phải nghĩ cách thôi! Nậm Tộc và Nậm Cài từ lâu đã là những thôn nghèo, ở xa trung tâm, bà con sống rải rác trên địa bàn rộng, đường liên thôn chủ yếu là đường đất, đường rừng núi nên việc đi lại khó khăn, nông sản không lưu chuyển được. Cùng đó việc học hành của con em các gia đình càng khó khăn hơn, nhiều cháu bỏ học giữa chừng… Triệu Quý Tài ngừng lại một lúc trầm ngâm nghĩ về quãng thời gian đã qua, chính bản thân mình cũng từng nếm trải và chịu nhiều thiệt thòi. Cha mẹ anh sinh được ba người con, chưa phải là gia đình quá đông con nhưng vì nghèo, thường xuyên thiếu ăn nên sức khỏe yếu, dẫn đến ốm đau triền miên mà không có tiền đi chữa bệnh. Bố mẹ phải bán cả nhà rồi làm lán ở và cho con theo học cái chữ, nhưng cuối cùng Tài cũng phải bỏ dở lớp 10 để phụ giúp bố mẹ làm nương, khai hoang trồng lúa nước và làm thuê kiếm sống. Rồi các em của Tài cũng không đi học nữa. Sau tiếng thở dài, Tài rót tuần nước thứ hai mời khách như để lấy lại tâm thế. Ngoài sân, cậu con trai chừng hơn hai tuổi kháu khỉnh đang tự chơi một mình, tôi thấy có hai chị gái đã lớn liền hỏi vui "Sao đẻ thưa vậy? Chị em cách nhau dễ đến hơn chục tuổi?". Tài chạy ra ôm thằng con vào lòng, vuốt vuốt mái tóc đỏ hoe của nó nựng bằng tiếng Dao rồi đưa con xuống gian bếp với mẹ. "Nó là con nuôi đấy! Hôm nghe tin bên xã Nậm Mười có đôi vợ chồng trẻ mới sinh con, họ định đem xuống bến xe Nghĩa Lộ bỏ cho người ta nhặt đi nuôi vì kinh tế khó khăn quá, không nuôi nổi. Thế là mình (người Dao hay xưng hô như vậy) tìm đến ngay xem thực hư thế nào. Đúng là bố nó đang mắc bệnh, mẹ là người Thái bên huyện Quỳnh Nhai tỉnh Sơn La. Nhìn thằng bé thương quá, lại cùng họ Triệu nên mình nhận về nuôi lúc đó mới ba ngày tuổi, đặt tên là Triệu Sinh Giang. Bố đẻ nó mới mất gần một năm nay, còn mẹ về quê ngoại sinh sống rồi…!". Câu chuyện làm tôi vừa xúc động vừa thêm khâm phục người cha có tâm ấy biết nhường nào. Trong dòng tâm sự về việc học, tôi hiểu thêm quyết tâm của vợ chồng Triệu Quý Tài là phải cho con cái được học đến nơi đến chốn. Hiện nay, đứa con lớn đang học tại Trường Trung học cơ sở nội trú của huyện Văn Chấn, con thứ hai được gửi học trái tuyến tại Trường Trung học cơ sở Lý Tự Trọng thị xã Nghĩa Lộ với mong muốn con không bị thiệt thòi như đời ông bà, cha mẹ. Từ suy nghĩ đó, cho nên Chi bộ thôn luôn coi trọng công tác giáo dục và đào tạo. Hiện nay trong thôn có 198 cháu trong độ tuổi đều được đến trường, trong đó có 42 cháu học lớp mầm non, 98 cháu Tiểu học và 58 cháu Trung học cơ sở. 100% số cháu được hưởng đầy đủ chế độ đối với học sinh bán trú. Chi bộ còn đưa ra tiêu chí tất cả các gia đình đảng viên không được để con bỏ học, mỗi đảng viên được phân công phụ trách theo nhóm hộ gia đình và thường xuyên phối hợp với các đoàn thể chăm lo vận động học sinh, coi đây là một tiêu chuẩn thi đua của đảng viên và cán bộ chủ chốt các đoàn thể.

Thôn Tộc Cài có diện tích tự nhiên trên 1.900 ha, trong đó diện tích rừng bảo vệ là 230 ha, đất ruộng 30 ha, đất trồng quế hơn 250 ha, trồng chè shan 05 ha, đặc biệt chú trọng phát triển gần 60 ha trên tổng số 157 ha cây sặt lấy măng đặc sản của toàn xã. Thôn có tổng số 168 hộ với 836 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Dao. Cái khó ở đây là làm sao chuyển đổi được nhận thức của người dân về tập quán canh tác, về vệ sinh môi trường, về tư duy phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa và phải xây dựng được hệ thống đường giao thông nông thôn giúp cho việc đi lại và tiêu thụ sản phẩm của bà con. Đảm nhận chức danh Bí thư Chi bộ ở một thôn khó khăn, Triệu Quý Tài trăn trở nhiều lắm. Trình độ văn hóa có hạn nhưng chẳng lẽ cứ mặc cảm với chính mình và không chịu bứt phá để vượt lên ư? Mặt khác, là người lãnh đạo cứ nói theo Nghị quyết mà không bắt tay vào làm thì đảng viên và nhân dân có tin mình không? Lúc đầu mình nghe nói phải đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống thấy nó trừu tượng, khó hiểu, nhưng sau vừa làm vừa học hỏi thì mình thấy bản thân phải gương mẫu thực hành trước. Nghĩ là làm, Tài đã sang xã bạn học tập thấy những vùng có khí hậu, thổ nhưỡng giống nơi mình ở cây quế sinh trưởng tốt và cho thu nhập kinh tế cao. Cùng với chủ trương của Đảng ủy xã, Tài đã cùng Ban chi ủy tích cực vận động đảng viên và bà con phá bỏ rừng tạp, cải tạo đất để trồng quế. Hiện tại cây quế còn non chưa đến tuổi bóc vỏ thì phải làm gì? Sau những ngày đi nghiên cứu tìm đầu ra trên thị trường, Tài đã mạnh dạn vay vốn mua gom quế ở xung quanh vùng về sơ chế, phân loại để bán lấy lãi. Dần dần anh đã có được lòng tin của khách hàng, mỗi năm thu mua vài chục tấn quế vỏ, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID- 19 nên bước đầu anh mới thu mua gần 20 tấn. Đầu vào giá 31.000 đồng/kg, sau khi nạo sạch vỏ sành, phân thành các loại: Quế ống điếu (Loại ống to) bán khoảng 84.000 đồng/kg; Loại ống sáo khoảng 94.000 đồng/kg; Ống sáo đen loại 3 giá khoảng 58.000 đồng/kg, còn lại quế vụn, cành lá cũng có thương lái mua để chưng cất tinh dầu. Thấy có thu nhập, tạo được việc làm cho nhiều lao động, anh đã rủ một số hộ có điều kiện cùng làm quế, vì vậy cuộc sống của các gia đình được cải thiện lên rất nhiều. Nói đến Bí thư Chi bộ Triệu Quý Tài, người làng Dao Tộc Cài luôn trầm trồ khen ngợi "Quý Tài đúng là người tài giỏi! Anh ấy còn là chủ khai thác và thu gom măng sặt của cả vùng này đấy! Nhiều người dân nghèo được anh Tài gọi đi làm lấy công, có thêm tiền mua sách vở, quần áo cho con, mua sắm đồ dùng gia đình…".

Để có được việc làm ổn định lâu dài, giúp nhân dân trong vùng tránh được tình trạng "Được mùa, rớt giá" như câu chuyện của một vài nơi, anh đã thành lập tổ hợp tác thu mua măng, bóc vỏ, sơ chế bảo quản và mạnh dạn liên kết với Công ty thương mại Kim Bôi tỉnh Hòa Bình là đầu mối tiêu thụ hàng hóa. Những năm trước thu mua số lượng lớn lên đến hơn 300 tấn măng. Năm 2021 vừa qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID- 19 nên sản lượng giảm chỉ còn hơn 100 tấn. Tôi không thể tin một đảng viên trẻ người dân tộc thiểu số ở tận thâm sơn cùng cốc này đã đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám thử nghiệm và làm ăn lớn đến vậy? Chưa hết, đồng chí Lê Nghĩa Hải- Bí thư Đảng ủy xã cho biết Triệu Quý Tài còn có sức vươn xa trên cả tầm suy nghĩ của cán bộ phòng chuyên môn cấp huyện. Ấy là anh đã lặn lội vào tận tỉnh Thanh Hóa tìm kiếm bạn hàng, đem sản phẩm măng sặt đi giới thiệu và mời gọi liên kết đầu tư. Ai ngờ cán bộ Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã đến với huyện Văn Chấn liên hệ đăng ký chuyển giao khoa học kỹ thuật và có kế hoạch lập dự án mua cây giống về trồng vùng măng sặt ở rừng núi xứ Thanh. Mong ước của Tài và Đảng ủy xã là tiến tới phải có dự án đầu tư một dây chuyền sơ chế măng và đăng kí thương hiệu sản phẩm. Bởi hiện nay dân vẫn làm thủ công, giá của công ty mua rất rẻ nhưng giá thành phẩm tại các siêu thị lại rất cao, chênh lệch giá gấp tới 8, 9 lần, tiếc lắm! Tôi hỏi vụ măng vừa qua doanh thu được bao nhiêu? Chủ nhà ngại ngùng chia sẻ "Vì ảnh hưởng dịch nên chỉ được hơn một tỷ…! Trừ các khoản đi được lãi vài trăm triệu thôi…". Vậy còn thu nhập từ làm quế nữa chứ? Anh nói làm quế chưa được nhiều lắm đâu. Tôi cười khích lệ "Vậy là đồng chí trở thành triệu phú rồi đấy!". Bí thư Đảng ủy xã ghé tai tôi nói nhỏ "Dân ở đây coi Triệu Quý Tài là tỷ phú ấy chứ. Vì trong tay lúc nào cũng phải có ít nhất trên dưới một tỷ tiền vốn". Tôi thầm thán phục, tôi đã tận mắt nhìn thấy 4 chiếc xe máy trên sân nhà, trong đó 2 chiếc dùng chở hàng, 2 chiếc cho con đi học đường xa và ngoài hiên có chiếc ô tô bán tải giá hơn nửa tỷ làm phương tiên giao dịch hoặc lên xã khi cần dùng. Trong ngôi nhà diện tích 160 m2 có đầy đủ ti vi màn hình rộng, có tủ lạnh và hệ thống điện rất quy củ.

Được đồng chí bí thư chi bộ dẫn đi thăm một số điển hình làm kinh tế giỏi như gia đình anh Triệu Thừa Thanh, ngồi bên sạp hàng tạp hóa phục vụ bà con trong thôn, anh Thanh tâm sự "Thấy đồng chí Tài làm măng, làm quế nên mình học theo, thu nhập đều đều khoảng trên 10 triệu đồng một tháng". Tôi nghĩ có thể đây chỉ là con số nhỏ so với nhiều người khác nhưng ở một thôn vùng sâu, vùng xa còn nhiều gian khó, trắc trở thì đó là cả một bước tiến vượt bậc góp phần làm nên diện mạo của nông thôn mới trong nay mai… Đến thăm mô hình kinh tế của đoàn viên Triệu Toàn Khoa, người cùng với đảng viên trẻ Bàn Quang Minh đứng ra thành lập tổ hợp tác ươm giống quế của chi đoàn thanh niên, thu nhập mỗi vụ khoảng 250 triệu đồng, vài trăm triệu một năm. Nhìn từng luống bầu quế nảy mầm xanh non gối theo lớp lớp những hàng cây giống lên xanh mỡ màng chuẩn bị được xuất bán, tôi hình dung ra những đồi cây, rừng gỗ tạp ở nơi đây và nhiều nơi khác sẽ dần được thay thế bằng loại cây sớm nhả vàng cho cuộc sống. Và tôi tin ở lớp đảng viên trẻ, tin ở con đường mà chi bộ đảng và nhân dân đã chọn. Bàn Quang Minh, Triệu Toàn Khoa vừa hồ hởi giới thiệu về mô hình, vừa cho biết tổ hợp tác của các anh sẽ còn tiếp tục nhân rộng thêm gấp ba, gấp bốn lần diện tích vườn ươm nữa vì hiện nay thị trường đang có nhu cầu rất lớn. Cùng làm mô hình này còn có một số người dân khác trong thôn, họ nói "Nhờ có sự giúp đỡ của anh Tài, anh Khoa mà gia đình mình đã có thu nhập, không lo chống đỡ với cái nghèo, cái đói như bố mẹ ngày trước nữa". Trong thôn còn có gia đình Triệu Văn Phây đã trồng được nhiều đồi quế, trồng hơn 2 ha măng sặt, từ thu nhập hàng năm mà gia đình đã mua được máy xúc làm dịch vụ, có việc liên tục. Anh còn hỗ trợ thôn nhiều ngày công san đất mở đường và làm đường bê tông liên thôn bản.

Nói tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là việc làm đường giao thông, Đảng ủy xã đánh giá thôn Tộc Cài là điểm sáng về công tác vận động quần chúng. Do chi bộ tích cực đề nghị lên cấp trên nên đã được nhà nước hỗ trợ xi măng làm mặt đường, còn tất cả nguyên vật liệu như cát, sỏi, đá và công lao động do thôn đảm nhận hoàn toàn. Người dân hồ hởi tham gia lao động như đi hội, mặt đường đổ bê tông đến đâu là được bảo vệ đến đó, có lúc gặp trời đổ mưa thì bà con vội vã chặt lá chuối, ngắt lá bon che cho con đường, nhiều người cởi cả áo mưa ra che mặt đường với quyết tâm lớn. Bởi như bà con nghĩ "Áo ướt, đầu tóc ướt còn khô được, nhưng mặt đường bị mưa phá hỏng thì tổn thất tiền của, công sức của mình chứ!". Từ nỗ lực đó, trong nhiệm kỳ vừa qua, mỗi năm vài trăm mét đường, thôn Tộc Cài đã làm được 2.280 mét đường bê tông tạo thuận lợi rất nhiều cho cuộc sống của nhân dân.

Cùng với lãnh đạo phong trào thi đua phát triển kinh tế, văn hóa, chi bộ còn chú trọng đến công tác an ninh quốc phòng trong đó trọng tâm là phòng chống cháy rừng. Do địa bàn rộng nên chi bộ chỉ đạo thành lập nhiều tổ tự quản, mỗi tổ gồm 15 gia đình. Công tác xây dựng Đảng cũng được coi trọng, đặc biệt công tác phát triển đảng ở đây là một trong những chi bộ có thành tích cao. Hiện nay chi bộ thôn có 33 đảng viên. Trong hơn hai năm qua đã kết nạp được 07 đảng viên mới, bổ sung lực lượng đảng viên trẻ cho chi bộ, đồng thời mạnh dạn giao việc cho lớp trẻ. Đến nay 100% cán bộ thôn đều là đảng viên. Bí thư chi bộ và trưởng thôn luôn là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức cũng như đi đầu trong phát triển kinh tế. Đội ngũ đảng viên có tư tưởng vững vàng, thực sự là cầu nối giữa đảng với nhân dân. Đảng viên đã trở thành lực lượng nòng cốt trong phong trào phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó đã khẳng định vai trò lãnh đạo của chi bộ theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc "Phát triển kinh tế- xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy chi bộ. Địa phương ổn định, kinh tế phát triển bền vững và xây dựng được môi trường văn hóa lành mạnh cần phát huy tốt vai trò của cấp ủy, chi bộ". Cũng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời "Chi bộ là nền tảng của Đảng, Chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt".

Đến thôn Tộc Cài, nghe người dân nói về sự lãnh đạo của chi bộ đảng, được thăm các mô hình điển hình tiên tiến, được đi trên con đường trải bê tông vững chắc, sạch đẹp chạy lượn vòng theo triền núi, được ngắm những rừng quế, những nương măng sặt là nguồn đặc sản quý, được thấy cuộc sống của người dân vùng cao đang từng giờ đổi thay với nếp nghĩ, cách làm của thời đại hội nhập…Tôi đã hiểu vì sao Đảng ủy xã Nậm Lành và Huyện ủy Văn Chấn lại chọn chỉ đạo Đại hội chi bộ điểm tại thôn này, mặc dù đây là thôn xa nhất của xã. Nhưng hơn thế, ở đây đã có một "cây quế" vươn cao, chắc khỏe và lan tỏa hương thơm. Đó chính là Bí thư Chi bộ Triệu Quý Tài, anh thực sự là người truyền lửa nhiệt huyết cho cả chi bộ và truyền lửa niềm tin cho nhân dân đối với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thôn Tộc Cài còn nhiều khó khăn, nhưng chắc chắn một ngày không xa diện mạo nông thôn mới sẽ có nhiều khởi sắc. Như đồng chí Bí thư Đảng ủy xã khẳng định chỉ vài năm nữa là Tộc Cài sẽ theo kịp bà con xã An Lương, nơi có nhiều tỷ phú từ cây quế. Nếu như trước đây ở trung tâm xã có nhiều người biết làm giầu nhưng bây giờ đã kém xa Triệu Quý Tài, anh làm giầu chân chính trên tư duy mới, luôn nắm bắt và đi theo xu hướng mới của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Anh chính là lá cờ đầu dẫn lối cho bà con nhân dân đi tới ngày mai tươi sáng.

                                                                                                  N. T. T

  

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter