• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Virus tin giả - Công cuộc định hướng thế hệ Z
Ngày xuất bản: 08/04/2020 8:15:13 SA

Nguyễn Khánh Linh

 

Những ngày này, cả thế giới thật tất bật, mọi thứ thật khẩn trương để có thể phòng chống và ngăn chặn sự lây lan mạnh mẽ của đại dịch toàn cầu, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Sars- CoV-2) gây ra. Là một công dân và trước tiên là một công dân Việt Nam tôi hoàn toàn có thể hiểu được tâm trạng, tâm lí của mỗi người chúng ta trong thời điểm này. Lo sợ có, hoang mang có vì chúng ta đều thấy kể cả những nước có nền kinh tế vững chắc, thiết bị y tế tối tân vẫn hàng ngày, hàng giờ có số người tử vong và nhiễm bệnh tăng một cách chóng mặt. Facebook và các phương tiện truyền thông ngập tràn tin tức về diễn biến bệnh dịch. Và có một mối lo chúng ta đáng phải bận tâm: Sự xuất hiện của tin giả đã bắt đầu len lỏi, mọc lên như nấm với tốc độ khủng khiếp trên các trang báo mạng và Internet.

Nếu virus nCoV gây ra những hậu quả xấu về sức khỏe cho con người một cách trực diện thì đại dịch tin giả trên không gian ảo là thứ virus tiêu cực tác động lên tinh thần của mỗi người dân hàng giây, hàng phút. Tin giả, nhưng hậu quả là thật. Tin tức giả làm lung lay niềm tin, méo mó sự thật, nhận thức của con người trước tình hình dịch bệnh căng thẳng. Thậm chí, có người còn dùng chức vụ của người khác để giả mạo, làm tăng độ tin cậy của tin giả đối với công chúng. Và ta chẳng thể đếm nổi bao nhiêu nguồn tin giả xuất hiện trong một ngày, tràn lan trên mạng.

Ảnh nguồn: internet

Vậy từ đâu mà tin giả lại xuất hiện nhiều đến như vậy? Khi mà đại dịch diễn biến càng phức tạp, nhu cầu về thông tin, nguồn tin tìm hiểu thị hiếu của công chúng càng nhiều. Vì được biết thông tin dịch bệnh và biện pháp phòng tránh là quyền lợi thiết yếu của mỗi người. Sự phát triển về công nghệ thông tin của thời đại 4.0 cũng là những môi trường để tin giả hoành hành. Những lượt like, share, comment vô tình giúp virus tin giả tiệm cận gần với công chúng một cách nhanh chóng. Và tôi để ý rằng, nhiều người có cách sử dụng Facebook chưa thật “Chuẩn”. Like một bài viết mà chưa đọc hết hoặc đọc thoáng qua nội dung, bị “mê hoặc” bởi số lượng lượt tương tác, nói theo phong cách ngôn ngữ trẻ đó là hành động quen tay like dạo trên mạng xã hội. Tâm lí cộng đồng trong mùa dịch với số lượng thông tin khổng lồ khiến ta dễ dàng bị chi phối bởi kẻ xấu. Những lượt thích và chia sẻ vô hình chung cho việc tiếp tay cho hành động của “giặc tin giả”, sao chép và thêm mắm muối cho câu chuyện. Những kẻ xấu sẽ viện vào tâm lí và thói quen của công chúng để nhằm đạt được mục đích cá nhân của bản thân. Điều này tạo nên một không gian mạng ngột ngạt, tiêu cực là nguồn gốc của rối loạn xã hội và trật tự an ninh trong thời điểm nhạy cảm như hiện tại.

Theo nguồn tin của VTV Đài Truyền hình Việt Nam, một cô gái trẻ chết vì viêm cơ tim, nhưng cộng đồng mạng lại biến cái chết của cô thành bệnh nhân chết vì Covid 19, lễ tang của cô bạn bè không dám đến viếng, người thân thì bị buộc thôi việc, còn cô lại chẳng thể giải thích được nữa. Những lời bình luận, đàm tiếu dưới bài viết nói về người đã khuất đã trở thành tội ác trên số phận của một con người. Hay khi Bộ Y tế công bố trường hợp bệnh nhân N. (bệnh nhân số 17) có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona, ngay lập tức bức ảnh chụp các nhân viên y tế phun thuốc khử trùng tại T18, Times City được đăng lên mạng xã hội kèm theo dòng chữ “Kinh hoàng quá rồi sợ lắm”. Nỗi sợ ấy được lây lan qua hơn 3.000 lượt like, hơn 5.000 lượt chia sẻ và hơn 70.000 lượt theo dõi trang cá nhân của người đăng bài. Và sau một đêm T18 được coi như là một ổ dịch.

Virus tin giả từng bước xâm chiếm vào nhận thức và hành động mỗi người. Tâm lí hoang mang, sợ hãi sẽ gây ra những hậu quả khôn lường, gây khó khăn trở ngại cho công tác phòng chống dịch bệnh của Đảng và Nhà nước ta. Tâm lí, lòng dân bất ổn làm người dân có ý định rời nơi cư trú, trốn tránh cách li, lách kiểm tra dịch bệnh. Người dân đổ xô ra các hệ thống siêu thị mua đồ tích trữ, làm hàng hóa trở nên khan hiếm, cung không đủ cầu dẫn đến tình trạng hàng hóa bị “đội giá” cao, nhiều người giữ hàng hóa, bán lẻ với giá cao để kiếm lời.. những hành động này làm rối loạn thị trường trong nước, làm nền kinh tế nước nhà bất ổn. Ngoài ra, sự kì thị bệnh nhân nhiễm Covid 19, bắt nạt, tẩy chay cũng là hành vi xuất phát từ tin giả trên mạng xã hội mà ra.

Tin giả, nếu không được khống chế sẽ trở thành một đại dịch chẳng kém gì Covid19 bởi tốc độ lan truyền của nó. Nếu không có đủ bản lĩnh, đủ sự tỉnh táo thì chúng ta sẽ bị “dắt mũi” bởi những kẻ xấu. Việt Nam có khoảng 60 triệu tài khoản Facebook, bao nhiêu phần trăm trong số đó có đủ sức đề kháng để chống lại đại dịch tin giả trên không gian ảo? Sự thật không nằm trên lượt tương tác của mạng xã hội, sự thật nằm ở chính sự tỉnh táo của mỗi người dân khi tiếp nhận thông tin một cách chuẩn xác và có chọn lọc. Vì thế mà “Virus nằm ở chính ngay trên nút Enter”. Không ai khác mà chính chúng ta sẽ là người quyết định số phận của loại virus này. Cẩn trọng trước khi đăng tải thông tin lên các trang mạng xã hội, tỉnh táo và nhận thức đầy đủ trước khi bấm nút thích, thông tin cần được thẩm định ở các trang báo mạng chính thống hoặc Bộ Y tế trước khi chia sẻ và có trách nhiệm trước mỗi bình luận của mình. Ngoài sự tỉnh táo của người dùng thì pháp luật cũng vô cùng quan trọng. Với Nghị định 100 chúng ta đã thấy rõ được tác dụng của nó đối với rượu bia và lần này đối với “giặc tin giả”, ngày 3/2/2020, Thủ tướng kí ban hành Nghị định, điều 101 quy định mức phạt tiền từ 10- 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống. Và thậm chí có thể bị xử lí hình sự tùy theo mức độ nghiêm trọng do thông tin đăng tải.

Ngay lúc này, trước tình trạng loạn thông tin trên mạng xã hội, truyền thông báo chí chính là nơi giữ nhiệm vụ quan trọng trong việc định hướng dư luận. Những thông tin nhanh chóng, kịp thời mang tính chuẩn xác, chuẩn mực vừa đáp ứng nhu cầu thị hiếu của quần chúng, vừa có thể lan tỏa được những hạt giống thông tin lành mạnh, nhân văn đến mỗi người dân, xoa dịu tâm trạng lo lắng, hoang mang. Đối mặt với dịch bệnh, tôi tin Việt Nam ta dù điều kiện trang thiết bị y tế chưa phải là hoàn hảo, tối tân nhất trên thế giới nhưng với tinh thần đoàn kết dân tộc, sự ý thức cá nhân của mỗi người dân Việt, sự lãnh đạo sáng suốt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước thì Việt Nam chúng ta hoàn toàn có khả năng kiểm soát và phòng chống dịch bệnh.

Mong rằng, mỗi chúng ta có thể tự làm chủ được lượng tiếp nhận thông tin của mình, đặc biệt là những bạn trẻ thế hệ Z- những người tiên phong cho thời đại mạng xã hội 4.0. Tin rằng, Việt Nam cũng như toàn thế giới có thể kiểm soát và đẩy lùi được virus nCoV. Hãy bảo vệ bản thân mình trước virus độc hại này, để chúng ta là những công dân văn minh, văn hóa và an toàn.

                                                                

N.K.L

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter