Tùy bút của Bội Đông
Vòm đá nhô ra ở khúc cuối sông Hồng chảy qua Yên Bái để vào vùng đất tổ, mang tên ghềnh Hạc. Ơ hay, cùng một khúc sông ở đây đã có ghềnh Hạc, dưới kia lại có bến Hạc Trì, dưới nữa lại có cầu Bạch Hạc. Người xưa đã tổng kết: “Núi không cần cao, chỉ cần có tiên là nổi tiếng; hồ không cần rộng, chỉ cần có rồng là linh thiêng”. Vòm núi đá nhô ra sông Hồng không cao lắm và cũng không thấy tiên nhưng vẫn được nhiều người biết đến. Ngọn đá mang tên ghềnh Hạc không biết có phải vì dáng núi nhô ra trông như hình con Hạc đứng chầu trước dòng sông lớn. Hay bởi những con Hạc trắng vẫn bay về đây vào dịp cuối năm để tắm mát, tìm mồi dưới dòng nước xanh trong bên cồn cát giữa sông.
Còn với tôi, tôi bị ám ảnh với ghềnh Hạc bởi những nỗi niềm riêng và bởi hình ảnh không thể nào quên. Ấy là vào một buổi sáng mùa thu, sương đêm còn bảng lảng bên bờ sông này, những người du kích áo nâu xuống các chiến thuyền hành quân về cướp chính quyền nơi đô thị. Vũ khí họ mang theo chỉ có vài khẩu súng trường, giáo mác cùng khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng trong lòng, làm nên cuộc khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Cũng ở nơi đây, vào những chiều cuối năm đứng trên vòm đá nghe tiếng vỗ rá hai bên bờ sông vọng lại, biết là tết đã đến. Tiếng rá vỗ bên sông là âm hưởng ngàn đời của làng quê yên bình và no đủ. Nhớ về căn bếp nhỏ ở chái nhà bao phủ khói vương chiều 30 tết. Khói vương trong tóc mẹ. Mẹ gửi vào khói những nỗi niềm riêng mà tôi phải đi gần hết cuộc đời mới hiểu ra. Khói là chứng nhân đời mẹ, chứng nhân thân phận đàn bà với bao thương yêu và cay đắng. Làng quê năm được mùa, năm mất mùa nhưng mặc lòng “đói giỗ cha, no ba ngày tết”. Bao nhiêu yêu thương đùm bọc, chắt chiu mẹ giữ trong khói bếp. Đời mẹ, chỉ có một mong ước đơn sơ là mỗi năm tết đến, căn bếp ở chái nhà có khói vương của nồi bánh chưng và mùi thơm của đồng đất làng quê bay lên trong từng hạt gạo, hạt đỗ của chiếc bánh gói bằng lá dong xanh.
Mãi đến sau này, khi tóc trên đầu đã bạc, tôi mới hiểu ra những ước mơ đơn sơ ấy chính là khát vọng của đời mẹ, của làng quê và cũng là khát vọng của một dân tộc. Có hạt gạo, củ khoai để nuôi con khôn lớn không chỉ về thể xác, mà còn nuôi dưỡng tâm hồn con biết yêu thương, quý trọng những nhọc nhằn và cả ước mong đời mẹ.
Hẳn còn nhớ, những ước mơ, khát vọng của mẹ và nỗi đau của một dân tộc. Hơn hai triệu người chết đói, đói ngay trên mảnh đất màu mỡ làm ra hạt thóc, củ khoai. Xác người đói chết gục bên đường, vùi đầu trong bãi rác ở xó chợ chẳng còn gì cứu được con người, chỉ có ruồi nhặng bám đầy. Nỗi đau không chỉ lụi tàn, nhiều nỗi đau gom góp thành ước mơ và khát vọng. Mãi tới sau này những ước mơ và khát vọng từ nỗi đau đã vun trồng thành những cánh đồng năm tấn, rồi cánh đồng mẫu lớn có máy cày, máy gặt, làm nên những câu chuyện lịch sử của nông nghiệp Việt Nam.
Giao thừa năm nay, ta lắng nghe giọng nói của ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam- giọng nói hùng hồn, hào sảng của một con người giầu lòng tin và trí tuệ rằng: “Hàng năm, Việt Nam sản xuất được một khối lượng lương thực khổng lồ trên 50 triệu tấn, trong đó có 45 triệu tấn thóc, xuất bán ra thế giới vài triệu tấn gạo; có 5,8 triệu tấn thịt, 8 triệu tấn thủy sản, gần 20 triệu mét khối gỗ rừng trồng và một giá trị lớn về cây công nghiệp như cà phê, chè, cao su, hoa quả. Riêng cà phê đứng thứ 2 thế giới. Trong nhóm sản phẩm quốc gia hiện nay, bò sữa Việt Nam đứng đầu trong khối ASEAN và thuộc nhóm đầu châu Á”. Từ một quốc gia, từ người già đến trẻ em đói sữa, nói đúng hơn chưa biết sản phẩm của sữa là gì, bây giờ sản phẩm sữa thỏa mãn nhu cầu, sữa đang chảy vào học đường để nâng tầm vóc con người Việt Nam, cải tạo nòi giống. Điều mà người Việt Nam chưa bao giờ nghĩ tới, có phải thế không?
Trong bức tranh nông nghiệp, nông thôn rực rỡ sắc màu, ta nhận ra gương mặt và tầm vóc của Yên Bái. Từ cánh đồng Mường Lò, niềm kiêu hãnh về tiềm năng của miền núi nhưng hẳn nhiều người chưa quên, hết mùa là người dân Mường Lò hết gạo lại trông vào sự trợ giúp của rừng là củ mài, củ sắn, là rau và măng, là phải trông ngóng nguồn lương thực từ nơi khác đưa về. Xóa được cảnh đói gạo, khát cơm trở thành khát vọng của các dân tộc. Nhưng rồi với đường đi, nước bước, những suy tư, toan tính sáng tạo của Đảng, Nhà nước và tư duy mới, dám bứt phá ra khỏi tập quán bảo thủ và lạc hậu với đồng ruộng ấy và núi rừng ấy chúng ta đã làm ra một khối lượng sản phẩm đủ nuôi sống mấy chục vạn con người và có cả phần để đảm bảo an sinh xã hội. Hơn thế nữa ta đã nghĩ đến những sản phẩm sạch, chất lượng cao để xuất bán cho thế giới. Gạo Séng cù, nếp thơm, cốm xanh Tú Lệ… những sản phẩm mới nghe tên đã thấy thèm được một lần nếm thử. Một cuộc cách mạng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi diễn ra trên địa bàn toàn tỉnh đang vẽ lại bức tranh nông nghiệp trong sáng nhiều sắc màu hơn. Ngoài cây lúa có cây quế, cây tre măng, cây ăn quả, có vùng bờ bãi tằm dâu. Ngoài rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng chúng ta còn có hàng trăm nghìn hé- ta rừng trồng. Cơ sở chế biến gỗ, rừng trồng mọc lên khắp nơi, khắp chốn, cả tỉnh như một công xưởng lớn, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động có thu nhập cao. Nhìn từ Yên Bái với nguồn tài nguyên về đất, về nước, về tài nguyên rất hạn hẹp nhưng cũng đã làm nên những câu chuyện như trong huyền thoại.
Có những chuyện chưa bao giờ ta nghĩ tới, chưa bao giờ là ước mơ và khát vọng. Ấy là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đối với vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tưởng chừng vời vợi, xa xôi. Ta đã mỏi chân trên những con đường mòn, lau lách, của những bản làng heo hút trên núi cao, rừng rậm. Có ai dám nghĩ đến những con đường thảm nhựa, bê tông thay vào những con đường ấy dẫn đến từng làng, từng chòm xóm… Chỉ có những ai đau đáu nỗi đau của dân, của nước mới có tâm huyết và trí tuệ để khởi xướng ra những mục tiêu và khát vọng xây dựng một nền nông nghiệp và một nông thôn giàu bản sắc, đáng sống như nông thôn mới Việt Na - một nông thôn tất cả các xã, các làng có điện sáng lung linh, có đường thảm nhựa hoặc bê tông, có môi trường trong lành, có trường học, trạm y tế, mọi người có thu nhập cao và hơn tất cả là tình yêu thương giữa người với người và có cả những đường hoa dẫn vào ngõ xóm, nồng nàn hương sắc. Mười năm, chưa phải là tất cả của một cuộc cách mạng kỳ diệu ở nông thôn, đã có (76 xã) hơn một nửa số xã đã về đến đích, có cả một huyện, một thành phố, một thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều xã đang xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nhiều làng xây dựng làng nông thôn kiểu mẫu. Thu nhập là cái đích cuối cùng của người dân, từ 10 triệu đồng nay đã lên tới 35- 40 triệu đồng mỗi người một năm.
Nhìn lại những năm tháng đã qua, ta còn nhớ sau mười năm ra khỏi cuộc chiến tranh, đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng, lương thực không đủ ăn, hàng hóa tiêu dùng khan hiếm đến mức từ bánh xà phòng đến lọ mắm tôm cũng phải bình xét chia nhau. Địa phương nào làm ra cái gì thì phải giữ lại mà ăn, mà dùng nên cấm chợ, ngăn sông, là cơ chế mua như cướp, bán như cho (mua theo nghĩa vụ, bán theo phân phối). Trước tình hình kinh tế- xã hội trầm trọng đứng trên bờ vực thẳm của đất nước, bằng bản lĩnh và trí tuệ của mình Đảng đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện, bắt đầu từ đổi mới tư duy, từ khuyến khích mọi người làm cho sản xuất bung ra, hãy tự mình cứu lấy mình trước khi trời cứu.
Còn nhớ, những năm đầu có lúc còn do dự giữa đổi mới hay là quay lại lối cũ, đất nước vẫn khó khăn. Ấy vậy mà mười năm sau chúng ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế- xã hội. Mười ba năm tiếp theo, từ ra khỏi khủng hoảng đến ra khỏi tình trạng của một nước kém phát triển và trở thành nước có thu nhập trung bình, phấn đấu thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa để đến năm 2020 trở thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại. Khát vọng đổi mới như một phép màu để đất nước ta có được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, tạo nên thế và lực mới, sánh vai hội nhập với các nước phát triển trên thế giới. Sau những năm cùng cả nước đổi mới, Yên Bái chưa bao giờ có được cơ đồ như hôm nay. Bộ mặt thành phố, nông thôn sáng ngời sắc mới. Cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội được xây dựng với tốc độ chưa từng có, đặc biệt là giao thông, đường nối đường, cầu nối cầu. Đường nhựa, đường bê tông đến từng xã, từng bản của vùng cao, đó không chỉ làm đẹp cho đất nước mà chính đó là tiền đề để phát triển một xã hội hài hòa, bản sắc, để kết nối và hội nhập với các vùng của cả nước và quốc tế. Thành phố Yên Bái đẹp như tranh đang vươn lên đô thị loại hai; thị xã Nghĩa Lộ đang nỗ lực để trở thành thành phố; nhiều xã đã trở thành thị trấn, thành phường.
Giao thừa này, đất nước tròn 35 năm đổi mới, ta đã nhìn thấy những thành tựu có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Và từ mốc son này ta nhìn ra một tiềm năng mới. Tiềm năng ấy là gì? Đó là khát vọng của mọi con người Việt Nam. Đảng của ta, Đảng cầm quyền bởi chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất có đủ bản lĩnh và trí tuệ để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Mùa xuân này là mùa xuân Đại hội của Đảng, Đảng tự đề ra cho mình một mục tiêu cốt lõi là phải xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh; là phải nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và phải biết khơi dậy niềm khát vọng của mỗi con người Việt Nam, để niềm khát vọng chảy mãi, không bao giờ ngưng nghỉ trong ta. Khi đất nước còn chìm trong nô lệ, Đảng đã khơi dậy niềm khát vọng độc lập tự do; khi đất nước bị xâm lược, non sông bị chia cắt niềm khát vọng khôn cùng là giải phóng dân tộc, đưa non sông trở về một mối dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn; là không có gì quý hơn độc lập tự do dù Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác bị tàn phá. Khi đã có độc lập tự do, khát vọng trong ta là làm sao ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, là gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội.
Mùa xuân này, Đảng lại khơi dậy trong ta niềm khát vọng lớn lao hơn, cháy bỏng hơn là xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Niềm khát vọng ấy được cụ thể hóa thành những mục tiêu làm rạo rực mỗi trái tim người. Ấy là đến năm 2030 đưa nước ta trở thành một nước đang phát triển, có mức thu nhập từ trung bình thấp lên mức thu nhập trung bình. Và đến năm 2045 nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tròn 100 năm, nước ta trở thành một nước phát triển có thu nhập cao. Những mốc son tươi của ước vọng bắt nguồn từ những thành tựu mà chúng ta đã giành được trong những chặng đường qua và bắt nguồn từ những khát vọng của mỗi người, gom góp lại thành khát vọng lớn lao của đất nước và của dân tộc.
Đã gần lắm mùa xuân. Nghe xôn xao gió thổi trăm miền. Đứng ở vòm nhô núi đá, nhìn sông Hồng thư thái trôi xuôi như ngàn năm vẫn vậy. Núi ấy, sông này gợi bao điều suy ngẫm về lịch sử của đất nước và dân tộc. Sông Hồng, bay lên ráng đỏ cùng ta bước vào cuộc hành trình mùa xuân đầy khát vọng. Từ cuộc hành trình này ta nhìn ra một điều thú vị, ấy là khát vọng đã trở thành tiềm năng lớn- tiềm năng ấy nằm trong trái tim của mỗi người Việt Nam và của mùa xuân.
B.Đ