Ký của HOÀNG KIM YẾN
Ông Khổng Minh Quý- Thương binh hạng 1/4, đã từng chiến đấu ở chiến trường biên giới, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sĩ tỉnh Yên Bái ngồi trầm tư trong thùng chiếc xe cứu thương của nhà máy Z183, bên cạnh là em trai liệt sĩ Hoàng Minh San và 1 anh lái xe để thay phiên nhau khi mệt. Đã suốt ba ngày nay ông ngồi trong chiếc thùng này, chiếc thùng xe vừa không có ghế vừa hẹp, chỉ trải đủ 1 chiếc đệm rộng 80 cm để đồ đạc và 3 người ở đó. Đường xóc, xe dằn đến ê ẩm người, nhưng chỗ nằm lại không đủ, thành thử cứ thay phiên nhau 2 người nằm thì 1 người ngồi và ngược lại. Ở cái tuổi 68, mệt mỏi cũng thấy nhưng háo hức thì nhiều hơn, bởi chuyến này cũng như bao nhiêu chuyến khác ông Quý đang vào Nam cất bốc hài cốt liệt sĩ trở về quê hương Yên Bái. Nơi đó đang có một Mẹ Việt Nam Anh hùng chờ đợi trong mỏi mòn suốt 50 năm, giờ đã 100 tuổi, cái tuổi gần đất xa trời thì mong muốn cháy bỏng gặm nhấm mẹ bấy lâu lại bùng lên, để cho mẹ quyết tâm nhờ Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam cất bốc đón hai con về. Mẹ là Bùi Thị Mận, mẹ sinh được 9 người con, 6 trai, 3 gái. Trong chiến tranh, 4 người con trai của mẹ lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc thì có 2 người nằm lại chiến trường. Gần 50 năm, một quãng thời gian đằng đẵng mong con nhưng lực bất tòng tâm bởi hoàn cảnh mẹ khó khăn và các anh lại nằm rất xa quê mẹ. Một người hi sinh bên nước bạn Lào, đang an nghỉ tại nghĩa trang Sông Mã, tỉnh Sơn La- Liệt sĩ Hoàng Văn Hải, một người ở nghĩa trang Tân Biên, tỉnh Tây Ninh- Liệt sĩ Hoàng Minh San. Chuyến này Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Yên Bái có 2 xe đi hai hướng để cùng một lúc đưa cả 2 người con của mẹ trở về. Ông Quý tựa lưng vào thành xe ô tô nghĩ về những chuyến đi đến mọi miền Tổ quốc để đón hài cốt các đồng đội của ông trở về trên mảnh đất quê hương, để họ được yên nghỉ trong vòng tay yêu thương của mẹ, của người thân và của bà con lối xóm, để mẹ mỗi khi nhớ đến con còn có cơ hội thắp lên mộ con nén hương cho nguôi ngoai nỗi nhớ. Thế là năm 2023 này, Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ của ông đã đưa được 5 hài cốt liệt sĩ về quê hương Yên Bái. Mỗi chuyến trung bình hết khoảng hơn 20 triệu, gia đình liệt sĩ chỉ cần lo 5 triệu tiền tiểu, lễ dâng hương, còn mọi chi phí Hội hỗ trợ hết. Nếu quá khó khăn, gia đình không lo đủ 5 triệu, Hội lại tìm cách kêu gọi ủng hộ thêm. Mỗi bà mẹ, mỗi người vợ liệt sĩ có hoàn cảnh, khó khăn khác nhau nhưng ông đều thương bởi họ còn khó khăn và không có cơ hội giao lưu học hỏi, không có các ông đến tận nơi hỏi han, hỗ trợ các thủ tục thì có lẽ mãi mãi các mẹ, các chị cũng không có cơ hội được gặp lại con mình, chồng mình. Ông nhớ người vợ liệt sĩ ở xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn. Năm 1977 ông bà lấy nhau sinh được 1 người con gái. Năm 1978 ông đi bộ đội. Tháng 2 năm 1979 ông hi sinh. Năm 1980 bà ra ở riêng do nhà chồng không nhận bà làm con dâu nữa. Năm 2012, bố mẹ chồng mất, hương khói chuyển sang cho em chú út. Năm 2022, cơ duyên khiến người con gái bà gặp đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng- Chi hội Trưởng Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ huyện Văn Chấn trong một đám cưới. Trò chuyện, hoàn cảnh của bà được Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Yên Bái biết đến. Căn cứ giấy khai sinh của con gái có bố là liệt sĩ, Hội tiến hành làm các thủ tục chứng thực. Nhờ đó, bà được hưởng chế độ vợ liệt sĩ. Biết bà đang sống trong căn nhà rộng 20 mét vuông. Cột nhà đã nghiêng như sắp đổ. Trong nhà chỉ có 1 bộ bàn ghế nhựa và 1 cái giường, bếp nới ra phía đầu nhà để đun nấu. Nhiều lần Hội muốn hỗ trợ 50 triệu để bà làm lại căn nhà nhưng bà không nhận vì bà cũng chẳng kiếm đâu ra tiền để thêm vào số tiền Hội giúp mà làm. “Phải tìm nguồn làm bằng được ngôi nhà cho bà ấy”- Nỗi niềm canh cánh ấy luôn làm cho ông và ông Đồng Quang Hưng- Chủ tịch Hội day dứt.
Tròn 3 ngày xe, trên 2000 cây số thì đến Tây Ninh, đoàn được Đại lý xe máy Tây Ninh thuộc Tập đoàn Hoà Bình Minh đón tiếp nồng nhiệt, lo chỗ ăn, chỗ nghỉ chu đáo. Đó là ân tình của những người cũng vì việc nghĩa như ông. Lo xong chỗ ở cho đoàn, ông Quý gạt đi mọi mệt mỏi, đến các cơ quan liên quan hoàn thiện các thủ tục để kịp cho sáng mai làm công tác cất, bốc, cũng không quên tranh thủ vào nghĩa trang, tìm kiếm các mộ liệt sĩ người Yên Bái, chụp ảnh về. Sau chuyến này về, ông sẽ nhờ các xã gửi ảnh đến thân nhân các liệt sĩ. Có thể chỉ là để họ biết con, em, chồng họ đang nằm ở đâu để viếng thăm, có thể là để chỉnh sửa thông tin sai trên bia mộ hoặc làm cơ sở ban đầu để khi gia đình muốn cất bốc về thì biết nơi mà kiếm. Ông Quý biết đây là cơ hội hiếm hoi để ông làm việc này. Cái công việc mà những người không có tâm không bao giờ làm được.
Mới sáng sớm mà Tây Ninh đã được trải vàng những nắng, đoàn các ông nhẹ chân vào nghĩa trang Tân Biên, tỉnh Tây Ninh trong tâm trạng bồi hồi khó tả. Ông cùng em trai liệt sĩ nhẹ nhàng đặt lên ban chính nghĩa trang chút quà quê để mời các liệt sĩ. Ông Quý nghĩ, đón hài cốt liệt sĩ về giống như một cuộc ra quân, “Tôi đi về, các anh ở lại!”, những người ở lại nhìn theo cũng cần có chút quà, là tấm lòng của người sống gửi đến các anh linh liệt sĩ. Vì thế cả ban chính nghĩa trang và trên mộ liệt sĩ đón về đều có 2 lễ như nhau, đó là những món quà từng là “đặc sản” của người lính như quần áo, điếu cày, thuốc lào, thuốc lá, kẹo lạc, lạc rang, lương khô, xôi, gà. Ông lên hương, nói những lời gan ruột, làm những lễ mà ông nghĩ cần phải làm với người đã khuất. Tiếng sụt sịt của người em liệt sĩ khiến ông rưng rưng, những ngày chiến trường xưa lại ùa về, biết bao người ngã xuống ở khắp các chiến trường hội tụ về đây, họ là anh em, là đồng chí. Chiếc tiểu liệt sĩ được đặt trang trọng trong thùng xe, quãng đường hơn 2 nghìn cây số trở về với xóc, xô, nắng dội liệt sĩ lại phải chịu đựng cùng. Những lúc mệt mỏi ngả lưng, ông lại được nằm bên đồng đội. Dù không chung một chiến trường nhưng vẫn chung một mục tiêu bảo vệ Tổ quốc.
Đến Nha Trang, Khánh Hòa, đoàn được ông Nguyễn Yên Sơn- Nguyên Chánh Thanh tra tỉnh Khánh Hòa đón tiếp nồng hậu. Mâm cơm tiếp đoàn không thể thiếu mâm cơm cúng liệt sĩ. Ông Quý cảm phục tài kêu gọi của ông Đồng Quang Hưng- Thương binh hạng 2/4, nhà báo, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sĩ tỉnh Yên Bái. Những ân tình mà đoàn đi qua nhận được có công lớn của ông Đồng Quang Hưng. Từ ngày nhận trách nhiệm giữ vai trò Chủ tịch Hội, bằng trách nhiệm, bằng mối quan hệ rộng rãi và sự khéo léo, riêng năm 2023, ông Hưng đã kêu gọi ủng hộ được 2 tỷ 712 triệu để hỗ trợ làm 43 căn nhà; cất bốc, di chuyển 5 hài cốt liệt sĩ; tặng 290 suất quà, mỗi suất 500 nghìn đồng; tặng 40 quyển số tiết kiệm, mỗi quyển 3 triệu đồng; tặng 20 suất quà cho con em gia đình liệt sĩ nhân ngày khai giảng, mỗi suất 500 nghìn đồng. 2 đợt vào chiến trường miền Nam (Tây Ninh và Gia Lai) tìm mộ và xác định danh tính liệt sĩ mất khoảng 40 triệu đồng. Ông Quý còn biết, trước khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam (năm 2023), ông Đồng Quang Hưng đã vận động bạn bè, vợ, con làm 55 ngôi nhà tình nghĩa cho cựu chiến binh, thương binh, người có công với cách mạng và gần 2 tỷ để tu sửa, tôn tạo nghĩa trang Trường Sơn (khu vực tỉnh Yên Bái), nghĩa trang Vị Xuyên và mua sắm thêm vật dụng tại Đài hương 468. Đôi lúc hai anh em ngồi nói chuyện với nhau, nghĩ về cuộc sống, ông Hưng vẫn vỗ vai ông động viên: “Anh em mình đi qua chiến tranh, sống sót trở về. Làm được điều gì tốt cho những người có công nuôi liệt sĩ thì mình cố gắng làm thôi. Ai nhờ tìm mộ liệt sĩ anh em mình đều nhận hết. Không tìm được nguồn hỗ trợ thì anh bỏ tiền túi ra. Vì đã 50 năm trôi qua rồi. Những người mẹ liệt sĩ đã hàng trăm tuổi, vợ thì cũng 87, 90 tuổi rồi. Nếu không làm nhanh, họ mà mất đi, có muốn tri ân cũng không làm được nữa”. Nói thì nói thế thôi, nhưng ông Quý hiểu để kêu gọi được từng đấy tiền từ xã hội, ông Hưng cũng phải mất nhiều công sức. Có thể là những chuyến đích thân đi Hải Phòng gặp hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nhựa thiếu niên Tiền phong để xin hỗ trợ. Có thể là nhiều lần tự bỏ tiền túi để cảm ơn những ân tình người ta tin tưởng. Những món quà giá trị không lớn nhưng nó là cái tình để này tỏ sự biết ơn, trân trọng. 170 triệu là số tiền ông Quý nhẩm tính trong năm 2023 mà ông Hưng tự bỏ ra cho các hoạt động Hội để khiến ông trân trọng một người anh, một thương binh đã từng vào sinh ra tử trên chiến trường miền Nam.
Như đã hẹn, 2 đoàn gặp nhau tại cầu Yên Bái. Họ mừng vì chuyến đi thành công trọn vẹn. Nhìn 2 chiếc tiểu của 2 liệt sĩ, ông Quý chợt bùi ngùi. Có lẽ lúc này, hai anh em họ đang vui lắm. Bao nhiêu năm qua rồi, giờ họ mới được gặp lại nhau và hơn thế nữa là họ sắp được cùng nhau trở về bên mẹ.
Nhà mẹ Bùi Thị Mận hôm nay chật cứng người, cái ngõ nhỏ quen thuộc thường ngày giờ không đủ chỗ đỗ ô tô. Bạn bè của các con, bà con lối xóm, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc tỉnh, lãnh đạo huyện Trấn Yên, lãnh đạo xã Việt Thành, lãnh đạo Nhà máy Z 183, lãnh đạo Hội hỗ trợ gia đình Liệt sĩ Việt Nam và cả Ban Chấp hành Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Yên Bái nữa. Họ đã cất công về đây để viếng con mẹ. Nước mắt thoả nỗi nhớ con, nước mắt của sự trân quý những ân tình mà mọi người trao tặng hoà vào một, hiếm hoi lăn xuống 2 gò má nhăn nheo của mẹ Mận.
Ông Quý cảm nhận nét mặt rạng rỡ của Chủ tịch Hưng mà vui lây. Chủ tịch Hưng đặt tay lên vai ông, nắm chặt “Chú vất vả rồi”. Một lời động viên hay gặp ở những người lính như các ông. Hai ông lặng lẽ nhìn nườm nượp người đến viếng. Gần 50 năm qua rồi, nước mắt vẫn lặng lẽ rơi trên khuôn mặt của những người ở lại. Ông Hưng vui lắm, sự hi sinh của các anh xứng đáng được đón như đón anh hùng trở về như thế. Sự có mặt đông đủ của mọi người thế này là một bài học không cần sách vở, giáo dục sâu sắc cho lớp trẻ truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là một việc nhỏ thôi để xoa dịu nỗi đau của những người mẹ, người vợ sẵn sàng động viên con mình, chồng mình liều thân ra trận mạc vì nghĩa lớn.
Hôm nay, ông Quý có lịch trình lên Lục Yên thẩm định nhà cho các hộ là bố, mẹ, vợ liệt sĩ để hỗ trợ làm nhà. Ông Hưng đã kêu gọi được món tiền khá lớn để hỗ trợ làm nhà rồi, còn việc của ông là xuống tận nơi xem hoàn cảnh cụ thể của từng nhà để đảm bảo đưa ra được quyết định hỗ trợ đúng đắn. Ông đã đi xã Mường Lai, Yên Thắng, xuống xã Phan Thanh, lộn ra xã Khánh Hoà, giờ là xuống xã Động Quan. Con đường xuống xã giờ được bê tông nên đi lại khá nhẹ nhàng, không như những lần khác, không đi nổi ô tô, đường nhỏ, gập ghềnh, trơn trượt, phải mượn xe máy, phải tháo cánh tay giả để điều khiển cho thật vững. May quá, vừa rồi ông Hưng đã xin được 900 triệu của một cháu người Bắc Ninh. Cháu nhất định một mình giúp trọn vẹn 5 ngôi nhà cho các bố, mẹ và vợ liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Thế là niềm day dứt phải làm trọn vẹn căn nhà cho vợ liệt sĩ ở xã Thượng Bằng La đã trở thành hiện thực. Hội Hỗ trợ Gia đình Liệt sĩ tỉnh Yên Bái quyết định cho bà 180 triệu, đủ làm trọn vẹn cả ngôi nhà khép kín rộng 66 mét vuông. Niềm vui không thể tả xiết trên khuôn mặt già nua của người vợ liệt sĩ bởi cuộc đời bà, nhờ Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sĩ tỉnh Yên Bái mà năm trước bà được hưởng chế độ vợ liệt sĩ với hơn 2 triệu đồng 1 tháng do Nhà nước hỗ trợ và năm sau bà được 1 căn nhà mới khang trang. Cũng nhờ số tiền ấy mà ông Thắng, con liệt sĩ, sinh năm 1947 nhưng bị liệt, vợ ngớ ngẩn. Ngày xưa khu nhà ông ở là 2 gian trong tổng số 10 gian của các hộ gia đình. Ngày tháng trôi, các hộ gia đình lần lượt đánh thấp nền xây lại căn nhà mới. Trơ trọi ngôi nhà của ông nằm ở giữa, chon von lên 1 mét. Căn nhà xây những năm 1970, xuống cấp nghiêm trọng rồi. Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ đã nhiều lần hỗ trợ 50, rồi đến 100 triệu nhưng ông cũng không dám lấy vì cũng chẳng có tiền mà thêm. Có được 180 triệu hỗ trợ trọn vẹn này, các ông vui như hội, phấn khởi lên chính quyền địa phương, đề nghị phường giúp Hội giải phóng mặt bằng. Ngày trao nhà cho ông, niềm vui không chỉ lấp lánh trong ánh mắt của người đàn ông bệnh tật mà còn nở trên môi những người thương binh thời bình như Chủ tịch Hưng và bao anh em khác của Hội.
Ông Quý và Chủ tịch Hưng ngồi trầm tư uống nước bên bộ bàn ghế đá đặt ngay trước sân ngôi nhà sàn của ông Quý. Nhấp chén nước chè, ông Quý vui vẻ: “Sáu tháng đầu năm 2004 này, anh kêu gọi ủng hộ được 2 tỉ tư rồi đấy. Từ số tiền đó mình đã làm được 24 căn nhà; cất bốc, di chuyển 1 hài cốt liệt sĩ; tặng 120 suất quà, mỗi suất 500 nghìn đồng vào ngày 27/7 và tết Nguyên đán; tặng 5 triệu cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hoà; tặng 100 hộ gia đình thân nhân liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn, mỗi hộ 2 triệu vào ngày 27/7. Đấy là chưa kể 16 xe lăn và gần 100 triệu anh tự bỏ tiền túi”. Ông Hưng cười nhẹ “Chú nhắc làm gì. Tiền xăng xe chú đi khắp ngả để thẩm định, để giám sát công trình, để hỗ trợ thủ tục xác minh cho liệt sĩ chú cũng có nhắc đâu”. Ông Quý cười thành tiếng: “Nhiều người cứ thắc mắc tại sao anh em mình lại làm thế”. Ông Hưng cười, ánh mắt nhìn về phía xa xăm, nghĩ về những đồng đội hi sinh chỉ được bó vội vào tấm bạt. Anh em chôn nhanh để kịp sẵn sàng cho trận chiến tiếp theo. Thế nhưng có những đồng đội chôn xuống rồi cũng chẳng thể yên, bởi bom đạn cày xới, bởi khu vực đó lại bị địch chiếm. Với quyết tâm nhất định phải bảo vệ hài cốt của đồng đội bằng mọi giá, anh em lại phải liều mình vào đón các anh ra vùng an toàn, bởi biết đâu nằm ở nơi đó địch sẽ làm mất xác. Giờ đây trách nhiệm này thuộc về các ông- những người may mắn được trở về sau cuộc chiến. Nghĩ vậy, ông Hưng thì thầm như nói với chính mình “Đón các liệt sĩ về, mình được các liệt sĩ phù hộ, cứ cảm thấy thế thôi, là được.” Không gian như trùng xuống, hai ông ngồi bất động. Họ đang nghĩ về số lượng các liệt sĩ cần phải đón về trong tương lai. Còn nhiều, nhiều lắm, riêng năm nay còn 8 liệt sĩ nữa, chỉ chờ hoàn tất thủ tục là các ông lại lên đường cất bốc về. Đầu tháng 9 này, ông Quý sẽ cùng với thân nhân liệt sĩ vào Gia Lai đón liệt sĩ Nguyễn Văn Bình về xã Cường Thịnh, liệt sĩ Phan Văn Ngó về xã Y Can, tiện thể làm thủ tục giám định ADN thực chứng cho liệt sĩ Quang ở Nga Quán, huyện Trấn Yên. Liệt sĩ Quang hi sinh năm 1974, được ông Nguyễn Lê Thông- đồng đội, đồng hương chôn cạnh khe và đánh dấu cẩn thận. Năm 2013, gia đình và ông Thông vào tận nơi tìm, nhưng không còn nữa, hỏi dân khu vực đó họ bảo có người vô tình đào thấy và quân đội huyện Đắc Pơ, tỉnh Gia Lai đã quy tập về nghĩa trang rồi. Quân đội Đắc Pơ đã chỉ vị trí ngôi mộ rồi. Còn thủ tục để chứng thực, xác định tên cho liệt sĩ trên bia mộ, trăm sự nhờ Hội. Họ đã 2, 3 lần đến gặp ông Quý để nhờ xác thực. 20 năm kể từ ngày vào Gia Lai tìm mộ, một thời gian khá dài trong chờ đợi và mong mỏi của thân nhân liệt sĩ, ông Quý thấy mình cần phải làm điều gì đó cho họ. “Nếu không có gì thay đổi, sau chuyến đi Gia Lai, cuối tháng 9 này sẽ đi thêm 1 chuyến về Bình Dương đón 1 liệt sĩ nữa, ông ạ”. Tiếng ông Hưng chầm chậm, cắt ngang dòng suy nghĩ của ông Quý. Và tới đây, ông cũng phải xuống mấy ngôi nhà đang thi công xem họ làm thế nào, đã xong chưa rồi lên lịch báo với nhà đầu tư, rút tiền để họ trao hỗ trợ- Ông Quý nghĩ thầm, đặt cánh tay trái đã bị bom đạn lấy đi 1 phần tư lên vai ông Hưng, nói như nhận lệnh “Vâng, thưa thủ trưởng!”.
Nắng chiều hắt lên sân những vệt dài lấp lánh, hai cựu chiến binh ở hai chiến trường khác nhau nhưng cùng chung một chí hướng gần như tựa vào nhau. Không hiểu họ nói với nhau điều gì mà bàn tay phải đã mất 2 ngón của ông Quý cứ huơ lên đầy quyết đoán.
H.K.Y
Tin khác