BỘI ĐÔNG
… Đồng bào tuốt gươm vùng lên.
Đã đến ngày trả mối thù chung.
Mau, mau, mau vai kề vai, không phân trẻ, già, trai hay gái...
Vác súng, gươm ta đi lên, ta tiến lên tiêu diệt quân thù.
Việt Nam- Việt Nam- Việt Nam
Ôi đất Việt yêu dấu ngàn năm.
Bài hát “Diệt phát xít” ấy, cùng bài “Tiến quân ca”, “Cùng nhau đi hồng binh”… mang âm hưởng hùng hồn, hừng hực khí thế tiến quân của dân tộc Việt Nam phát ra từ hai chiếc loa công suất lớn được bố trí ở hai bên cánh kỳ đài của cuộc mít tinh ở sân Căng thị xã Yên Bái ngày 22/8/1945, mừng chiến thắng và đón chào Ủy ban cách mạng lâm thời ra mắt.
Những tiếng hát mang cả hồn thiêng sông núi, hừng hực khí thế cách mạng tiến công là tiếng hát của thanh niên đường phố trước khi cuộc mít tinh khai mạc. Người ta nhận ra, những người đang hát bằng cả trái tim yêu nước của mình là Lê Khoa và các bạn của anh- những thanh niên yêu nước vừa hôm qua đã cầm súng, cầm gươm, cùng bộ đội Việt Minh đánh địch quyết liệt trong từng căn nhà, góc phố giữa lòng thị xã ngập nước sông Hồng.
Thị xã Yên Bái chưa bao giờ đông người như thế. Hàng nghìn người từ các ngả, ngay từ trong đêm, tay cầm cờ đỏ sao vàng đổ về thị xã. Người, người đứng kín trước kỳ đài ở sân Căng rồi tràn ra cả vườn hoa Nhà Kèn, họ ngẩng đầu lên lắng nghe như nuốt từng lời những bài hát đang vang lên dưới bầu trời xanh vừa giành được độc lập.
Hình ảnh hàng nghìn người, đủ mặt các dân tộc, vai chen vai chào đón ngày vui. Thị xã tỉnh lỵ kín trời cờ đỏ sao vàng. Những âm thanh hùng tráng, hừng hực khí thế tiến quân là những hình ảnh và âm thanh không thể nào quên đối với thế hệ chúng tôi và cả những thế hệ mai sau, làm sống lại những gì đã diễn ra của mùa thu cách mạng năm xưa.
* *
*
Sau những tháng ngày gây dựng, tháng Tám năm 1945 suốt chiều dài của dải đất bên hữu ngạn sông Hồng, từ Âu Lâu đến Bảo Long, Giới Phiên; từ Phúc Lộc, Đức Quân, Hà Quân đến Hiền Lương, Động Lâm; từ Vân Hội đến Vần, đến Dọc… đâu đâu cũng hừng hực khí thế cách mạng, chờ đợi lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Lực lượng vũ trang của Chiến khu Vần- Hiền Lương được lệnh của Ủy ban giải phóng, tổ chức thành nhiều mũi tiến về các địa phương tổ chức cướp chính quyền, tước vũ khí của địch. Một trung đội du kích của Chiến khu Vần- Hiền Lương được cử ra đón bộ phận lính bảo an của cai Tuấn đóng ở đồn điền Bách Lẫm về cùng lực lượng của ta tham gia khởi nghĩa.
CHỌN NGHĨA LỘ LÀ NƠI ĐẦU TIÊN ĐỂ GIẢI PHÓNG
Nghĩa Lộ là nơi đầu tiên được chọn để giải phóng, vì chiếm được Nghĩa Lộ là cắt được nguồn liên lạc, tiếp tế của quân Nhật, đồng thời ta có một hậu phương lớn, bảo đảm sức người, sức của cho lực lượng của ta về lâu về dài.
Trên đường tiến quân vào Nghĩa Lộ, lực lượng của ta được bổ sung một số lính dõng có cầm theo cả vũ khí và nhiều thanh niên của tổ chức cách mạng ở các làng, xã xin gia nhập quân giải phóng. Một mũi khác của quân giải phóng được phân công tiến ra phá cầu Đá Trắng để cắt đường liên lạc của địch giữa Nghĩa Lộ và thị xã Yên Bái.
Tại Nghĩa Lộ, trước sức áp đảo cả về chính trị, quân sự, tri phủ châu Văn Chấn Nguyễn Công Thuyết cùng quản Nhượng mang cờ trắng ra tận ngòi Thia đón quân cách mạng, xin hàng vô điều kiện, nộp toàn bộ vũ khí, bàn giao sổ sách cùng các phương tiện làm việc và kho tàng, của cải cho lực lượng cách mạng. Như vậy ngày 6 tháng 7 năm 1945 Nghĩa Lộ đã được hoàn toàn giải phóng.
Trong khi lực lượng vũ trang đang tiến công giải phóng các địa bàn ở Nghĩa Lộ, Ban lãnh đạo quyết định chia lực lượng làm nhiều mũi khác nhau để làm những nhiệm vụ khẩn cấp trước mắt. Trong đó lực lượng chính do đồng chí Ngô Minh Loan chỉ huy tiến ra lập sở chỉ huy ở Khánh Môn nhà tằm xã Âu Lâu chuẩn bị kế hoạch đánh chiếm thị xã Yên Bái.
Một bộ phận tiến về tước khí giới quân địch ở châu Yên Lập, tỉnh Phú Thọ sau đó tiến về giải phóng châu Phù Yên. Một bộ phận tiến lên giải phóng châu Văn Bàn và châu Than Uyên.
Một đội công tác khác do đồng chí Trần Đức Sắc và ông Nguyễn Đăng Long (Long Mèo) chỉ huy tiến về Tú Lệ châu Văn Chấn và Ngọc Chấn châu Mường La giải quyết tình hình một số người nổi dậy xưng “Vua”.
GIẢI PHÓNG HUYỆN HẠ HÒA - PHÚ THỌ
Tại sở chỉ huy ở Khánh Môn, xã Âu Lâu, Ban chỉ huy vạch kế hoạch chuẩn bị đánh chiếm thị xã Yên Bái và chỉ đạo một lực lượng giải phóng huyện Hạ Hòa do tri phủ Nguyễn Bạt Tụy cầm đầu. Hạ Hòa là nơi có đông lính bảo an và nhiều vũ khí. Giải phóng Hạ Hòa sẽ mở đầu cho giải phóng các huyện và tỉnh lỵ Phú Thọ.
Nhận chủ trương của Ban cán sự Đảng liên tỉnh Phú Yên và lệnh của chỉ huy sở ở Khánh Môn; ngay đêm hôm ấy quân giải phóng và lực lượng quần chúng ở bên hữu ngạn sông Hồng từ Phúc Lộc, Đức Quân, Hà Quân đã rầm rập về hội quân tại Linh Thông. Ngay từ tinh mơ sáng 2/8/1945 bến đò Linh Thông đã đông nghịt quân. Hôm ấy trời mưa, lũ sông Hồng lên cao, nước chảy băng băng. Những “chiến thuyền” là những chiếc đò nan với những tay lái cừ khôi được lực lượng cách mạng chuẩn bị sẵn đến đón quân giải phóng ở bến Linh Thông và lực lượng vũ trang ở suốt dải bờ sông từ Đan Hà đến Đan Thượng. Những “chiến thuyền” dựa vào lũ sông Hồng xuôi dòng đi như tên bắn về phía trước làm cho quân địch hết sức bất ngờ. Với chiều dài hơn 9 km, chẳng mấy chốc đoàn thuyền đã cập bến Ngòi Lửa rồi đổ bộ lên bờ. Đoàn quân giải phóng do đồng chí Trịnh Xuân Tiến chỉ huy. Cuộc tấn công giành chính quyền ở Hạ Hòa được chuẩn bị rất chu đáo, tỷ mỉ và được giữ bí mật tuyệt đối. Đơn vị chia làm 4 tổ, từ cửa Ngòi Lửa tiến về Ấm Thượng- huyện lỵ Hạ Hòa. Trong đó một tổ do Phan Văn Cấn phụ trách tiến vào áp đảo tước vũ khí bọn lính cơ. Một tổ bảo vệ bên ngoài, đốt pháo nghi binh và chốt chặn ga Ấm Thượng không cho chúng liên lạc với nơi khác do đồng chí Ma Quang Đạt phụ trách. Một tổ làm công tác tuyên truyền treo cờ, căng khẩu hiệu trên phố huyện do đồng chí Chấn phụ trách.
Bị tấn công bất ngờ, trong vòng một giờ đồng hồ quân ta đã làm chủ huyện lỵ lật đổ chính quyền. Tri phủ Nguyễn Bạt Ty và tất cả bộ máy của chúng đã xin hàng. Huyện Hạ Hòa được giải phóng hoàn toàn ngày 2/8/1945, sớm nhất tỉnh Phú Thọ.
Sau khi giành được chính quyền ở Hạ Hòa, quân giải phóng tiếp tục giành chính quyền ở các vùng lân cận và tham gia cướp chính quyền ở thị xã Phú Thọ (ngày 23/8/1945) và ở tỉnh (ngày 25/8/1945) chấm dứt ách thống trị của đế quốc và phong kiến tỉnh trung du Phú Thọ.
VƯỢT SÔNG TIẾN VÀO ĐÁNH CHIẾM THỊ XÃ
Sau khi Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Lục Yên, Văn Bàn, Than Uyên, Yên Bình được giải phóng, bọn Nhật và bộ máy ngụy quyền ở thị xã Yên Bái bị cô lập, tỏ ra rất hoang mang dao động.
Ngày 13/8/1945 tại Sở Chỉ huy ở Âu Lâu, Ủy ban quân sự cách mạng họp đề ra kế hoạch giành chính quyền ở tỉnh (thị xã Yên Bái). Lúc này tình hình thế giới có nhiều chuyển biến rất thuận lợi. Sau khi đánh bại phát xít Đức, ngày 8/8/1945 Liên Xô tuyên chiến với Nhật, trong một tuần đã tiêu diệt hoàn toàn đạo quân Quan Đông tinh nhuệ nhất của Nhật, buộc Nhật đầu hàng Liên Xô và đồng minh vô điều kiện.
Sau cuộc họp ngày 13/8 của Ủy ban quân sự cách mạng ở Âu Lâu, lực lượng của ta từ vùng chiến khu Vần- Hiền Lương tiến ra áp sát hữu ngạn sông Hồng chuẩn bị phương tiện vượt sông. Trong những ngày từ 16 đến 17, 18/8 mưa lũ từ thượng nguồn đổ về nước sông Hồng lên cao chưa từng thấy. Nước sông lên ngập chìm nhiều đường phố ở thị xã.
Trước tình trạng bị cô lập, bọn Nhật và chính quyền tay sai hoang mang dao động, chúng cử người đem thư sang Âu Lâu mời lực lượng cách mạng cử người sang đàm phán tại dinh Tuần phủ Trấn Yên. Hôm sau vào khoảng 9 giờ sáng ngày 17/8/1945 có một chiếc xe tay để mui đi lên dốc Sở Cẩm (dinh của Tuần phủ An Văn Tùng đặt ở đây). Đi bên cạnh chiếc xe tay là một cán bộ Việt Minh làm nhiệm vụ hộ vệ, người này đầu đội mũ sao vuông, lưng đeo một khẩu “pạc- khoọc” có quai vắt chéo qua vai. Chiếc xe đến lưng chừng dốc thì dừng lại. Một người từ trên xe bước xuống dáng người tầm thước, ăn mặc thường phục, tay chống ba- toong chân hơi tập tễnh bước lên những bậc thềm của Sở Cẩm.
Người bước lên Sở Cẩm để đàm phán với Nhật là ông Trần Đức Sắc là tù chính trị được giải thoát khỏi nhà tù Nghĩa Lộ cùng bà Nguyễn Thị Mỹ và mấy đồng chí khác được trên bổ sung giúp đồng chí Ngô Minh Loan về công tác chính trị (sau này là Viện trưởng Viện sử học).
Nghe tin đại diện Việt Minh sang đàm phán, từ bên kia tòa sứ có 3 tên Nhật trong đó có 2 viên sĩ quan và một viên thông ngôn. Phòng khách của ông Phủ Tùng trở thành địa điểm để hai bên đàm phán.
Ông Trần Đức Sắc với vẻ mặt lạnh lùng, tỏ ra rất khôn ngoan và không nhân nhượng. Ông đòi Nhật phải đầu hàng Việt Minh vô điều kiện; phải giao nộp toàn bộ vũ khí kể cả của Pháp và của Nhật cho Việt Minh.
Nghe xong viên phiên dịch, hai viên sĩ quan Nhật nhìn nhau vẻ bức xúc. Sau khi trao đổi với nhau chúng trả lời là chúng sẽ trao trả toàn bộ vũ khí của quân Pháp còn vũ khí của Nhật chúng phải trao đổi với Bộ Rổng chỉ huy ở Hà Nội. Ông Sắc nhất quyết không đồng ý. Thế là cuộc đàm phán không thành. Ông Phủ Tùng lúc đó là người trung gian chứng kiến cuộc đàm phán.
Cuộc đàm phán không thành, ngay đêm hôm ấy và rạng sáng 18/8 mặc cho nước sông Hồng lên rất cao, cả thị xã chìm ngập trong nước, quân giải phóng ém sẵn bên hữu ngạn đã vượt sông tràn sang thị xã, bố trí lực lượng để đánh Nhật. Sáng sớm quân cách mạng tiến vào trại bảo an binh buộc tên cai kho phải để ta thu toàn bộ số súng của Pháp trang bị cho đơn vị và trang bị cho lực lượng tự vệ khu phố. Quân ta bao vây quân Nhật ở đồn cao.
Trưa ngày 18/8 nước sông Hồng bắt đầu rút ở một số đường phố, quân Nhật tổ chức phản công định dồn quân ta vào khu trường tiểu học để tiêu diệt. Nhưng các chiến sĩ của ta phân tán vào nhà dân, dựa vào từng góc phố, ngôi nhà để đánh địch. Cuộc đụng độ nổ súng giữa ta và Nhật diễn ra quyết liệt trong lòng một thị xã ngập lụt suốt mấy tiếng đồng hồ, ta tiêu diệt và bắn bị thương nhiều tên buộc chúng phải dìu nhau quay về cố thủ ở đồn cao. Về phía ta có hai người hy sinh- đó là Trung và anh Bùi, anh Trung con ông Cả Hợi ở nhà máy đèn vừa tròn 18 tuổi.
Cùng thời gian đó lệnh tổng khởi nghĩa của Trung ương truyền tới, Hà Nội và nhiều nơi khác đã giành được chính quyền. Quân Nhật ở thị xã Yên Bái thấy không thể chống cự nổi khí thế như vũ bão của quân giải phóng, chúng xin được đàm phán.
Lập tức ngay chiều hôm đó 18/8/1945 cuộc đàm phán lần thứ hai diễn ra tại dinh tỉnh trưởng Yên Bái, người đại diện đoàn đàm phán của Việt Minh là đồng chí Ngô Minh Loan. Người đứng làm trung gian trong cuộc đàm phán này là ông Tuần Bình, cấp trên của ông Tuần phủ An Văn Tùng. Để mở đường cho quân địch rút lui, trong cuộc đàm phán này ta buộc quân Nhật phải cam kết giao lại chính quyền tỉnh lỵ cho Việt Minh; không được can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Minh, kể cả việc thành lập chính quyền cách mạng lâm thời; quân Nhật phải giao lại toàn bộ vũ khí của Pháp cho Việt Minh, còn vũ khí của Nhật ta đồng ý cho chúng mang về xuôi giao nộp cho quân đồng minh; để tránh những cuộc đụng độ không cần thiết, quân Nhật đi đâu cũng phải báo cáo cho quân đội Việt Minh biết; nếu đi bằng ô tô, xe máy phải treo hai lá cờ: một là cờ của Nhật, một là cờ đỏ sao vàng của Việt Minh. Thực chất là quân Nhật đã phải đầu hàng vô điều kiện.
Ngày 21/8/1945 lực lượng vũ trang của ta tiến vào tiếp quản thị xã tỉnh lỵ, thành lập Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái. Sáng ngày 22/8/1945 một cuộc mít tinh lớn chưa từng có diễn ra ở sân Căng thị xã Yên Bái. Kỳ đài được dựng lên, cờ đỏ sao vàng tung bay rợp trời. Người người từ bên kia sông, từ trong Yên Bình, Phú Thịnh, Hào Gia kéo ra; người từ Cổ Phúc, Bái Dương tràn xuống đem theo cờ đỏ sao vàng. Trên các đường phố nhà nào cũng treo cờ, lá cờ họ đã may, đã ấp ủ bấy lâu nay, giờ thỏa sức tung bay trước gió. Trên kỳ đài được trang trí đơn giản nhưng rất trang trọng với cờ, biểu ngữ. Hai bên kỳ đài là hai chiếc loa nén ở rạp Cinéma của ông Tư Đoan đưa ra phục vụ. Trước cuộc mít tinh khai mạc, thanh niên đường phố thỏa sức hát những bài hát cách mạng như: Tiến quân ca, diệt phát xít, cùng nhau đi hồng binh, cho đồng bào mình nghe.
Người dân Yên Bái chưa bao giờ được chứng kiến cảnh đông người đến như vậy. Sân Căng rộng là thế vẫn không đủ chỗ, đồng bào về dự mít tinh tràn ra cả vườn hoa Nhà Kèn. Người, người, vai chen vai hân hoan chào đón chiến thắng, chào đón chính quyền cách mạng. Bầu trời kín ánh vàng sao, lồng lộng cờ bay. Đồng chí Ngô Minh Loan- Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Phúc phó Chủ tịch và các ủy viên… Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái ra mắt quốc dân, đồng bào. Đồng chí Nguyễn Phúc thay mặt Ủy ban cách mạng lâm thời, nói chuyện với đồng bào và tuyên bố cuộc khởi nghĩa đã thành công, chính quyền đã thật sự về tay nhân dân. Tiếng hoan hô, tiếng vỗ tay từng đợt, từng đợt, cất lên vang trời. Cách mạng tháng Tám thành công, đánh dấu sự sụp đổ của chế độ thực dân và phong kiến. Từ thân phận của người nô lệ, từ đây người dân Yên Bái đã trở thành người dân của một nước độc lập, tự do. Chính quyền thật sự đã về tay nhân dân.
Cách mạng tháng Tám thành công, mở ra một kỷ nguyên cho dân tộc Việt Nam- kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh.
B.Đ