Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới

                                                                NGUYẾN HIỀN LƯƠNG

 

Bài viết tập trung vào 2 vấn đề: Nền tảng tư tưởng của Đảng nhìn từ bình diện tư tưởng, văn hóa và lịch sử; sự chống phá của các đối tượng thù địch, suy thoái về tư tưởng trong tình hình mới. Đó là những vấn đề gốc cần nhận thức sâu sắc để đấu tranh chống những luận điểm sai trái của các đối tượng thù địch, suy thoái tư tưởng, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

 

Phần thứ nhất

Nhận diện nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam

 

Nền tảng tư tưởng nhìn bình diện tư tưởng

Tư tưởng là ý thức của mỗi cá nhân, của một cộng đồng, chứa đựng một hệ thống những quan điểm, quan niệm về các mối quan hệ giữa con người với các vấn đề về thế giới xung quanh. Các tư tưởng, quan điểm lý luận thể hiện sự nhận thức và đánh giá hiện thực xung quanh, xuất phát từ các lợi ích xã hội nhất định tạo thành hệ tư tưởng. Mỗi chính đảng đều có một hệ tư tưởng của đảng mình. Trong hệ tư tưởng, luôn có một yếu tố bộ phận, cơ bản, thiết yếu, vững chắc, để các bộ phận khác dựa vào đó tồn tại và phát triển, được coi là nền tảng tư tưởng. Nền tảng tư tưởng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của  một dân tộc, một giai cấp, một chính đảng, có tác dụng chỉ đạo chủ thể trong nhận thức và hoạt động; được xem là ngọn đuốc soi đường, dẫn lối cho đảng trong mọi hoạt động thực tiễn. Nền tảng tư tưởng đúng đắn sẽ dẫn dắt giai cấp, chính đảng, dân tộc, xã hội phát triển tiến bộ, tích cực và ngược lại. Nền tảng tư tưởng không có sẵn và bất biến; nó chỉ xuất hiện trên cơ sở hoạt động thực tiễn của giai cấp, chính đảng, dân tộc và luôn được bổ sung, cho phù hợp với từng giai đoạn, thời đại.

Đảng Cộng sản Việt Nam, lấy chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng của Đảng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) Đảng ta đã xác định rõ: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”(1). Trong đó, chủ nghĩa Mác- Lênin là một học thuyết lý luận sâu sắc, toàn diện về nhiều lĩnh vực, trong đó cơ bản, trọng yếu, cốt lõi là: Triết học, Kinh tế chính trị học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, có sự kế thừa chọn lọc những thành tựu văn minh của tư duy nhân loại. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, có sự kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu các tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý báu của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi(2). Chủ nghĩa Mác- Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh trong nền tảng tư tưởng của Đảng có sự gắn kết hữu cơ, tạo nên một chỉnh thể không thể tách rời. Loại bỏ một trong 2 yếu tố thì không còn là nền tảng tư tưởng của Đảng.

Nền tảng tư tưởng của Đảng nhìn từ bình diện văn hóa

Theo UNESCO, văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động và sáng tạo trong quá khứ và trong hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên một hệ thống các giá trị, các truyền thống và thị hiếu- những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc. Giá trị văn hóa thể hiện ở nhiều cấp độ: Nhân loại, dân tộc, cộng đồng… Các giá trị tiêu biểu của văn hóa ở cấp độ nhân loại là: chân- thiện- mỹ, dân chủ, tự do, bình đẳng… Văn hóa Việt Nam là văn hoá của dân tộc Việt Nam, bao gồm toàn bộ các giá trị vật chất và tinh thần do con người Việt Nam sáng tạo ra trong quá trình lao động và sinh sống. Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt đã hun đúc, hình thành nên một nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc, truyền thống với các giá trị tiêu biểu: lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống... Đó những tinh hoa được chưng cất qua nhiều thế hệ, tạo thành hệ giá trị văn hóa Việt Nam: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Với những giá trị trên, văn hoá Việt Nam đã trở thành hồn cốt dân tộc, làm nên sự vĩ đại và trường tồn của sức mạnh nhân dân, của dân tộc Việt trong các cuộc đấu tranh giành, giữ nền độc lập dân tộc, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Văn hóa đã trở thành nền tảng tinh thần của xã hội. Đề cương Văn hóa Việt Nam, năm 1943, do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo đã khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, ngày 24/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định sức mạnh của văn hóa: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. 75 năm sau, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 2, ngày 24/11/ 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tiếp tục khẳng định: “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước...”, “Văn hóa còn thì dân tộc còn”.

Văn hóa và tư tưởng có cùng nguồn gốc, đều thuộc lĩnh vực tinh thần, do con người sáng tạo ra để phục vụ cho cuộc sống của mình. Theo nghĩa rộng, văn hóa là tất cả những gì con người sáng tạo ra thì tư tưởng là một bộ phận của văn hóa. Giữa tư tưởng chính trị và văn hóa luôn có mối quan hệ biện chứng hai chiều. Tư tưởng chính trị định hướng và tạo môi trường cho sự phát triển của văn hóa, văn hóa tham gia tích cực vào chính trị, thậm chí còn điều chỉnh tư tưởng chính trị và cách hành xử chính trị. Văn hóa hóa chính trị làm cho tư tưởng chính trị vừa mang tính khoa học, vừa mang tính nhân văn. Chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng của Đảng ta ngoài giá trị tư tưởng, kim chỉ nam cho các hoạt động của Đảng còn mang giá trị văn hóa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp nhận Chủ nghĩa Mác- Lênin, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn Việt Nam, kết hợp giữa các nguyên lý của Chủ nghĩa Mác- Lênin với tinh hoa văn hóa dân tộc tạo nên tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Chính trị và văn hóa đã hòa nhập làm nên tư tưởng Hồ Chí Minh và cả con người Hồ Chí Minh, vừa thức tỉnh tư duy, vừa tác động tới trái tim con người. Văn hóa hóa chính trị, làm cho chính trị có văn hóa là nét đặc sắc riêng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. UNESCO, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc đã vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất”. Đó là sự vinh danh kép, đối với những đóng góp, cống hiến lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam và thế giới; đồng thời tôn vinh những giá trị văn hóa và khát vọng của Người cho văn hóa Việt Nam và nhân loại. Nhìn nhận nền tảng tư tưởng của Đảng từ bình diện văn hóa sẽ càng làm cho nền tảng tư tưởng của một chính đảng không chỉ mang tính giai cấp mà còn mang tính văn hóa, tính dân tộc, tính nhân dân, có sức sống lâu bền trong đời sống nhân dân, được nhân dân bảo vệ, giữ gìn.

Nền tảng tư tưởng của Đảng nhìn từ bình diện lịch sử

Những năm đầu thế kỷ XX, trong hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh đã đến với Chủ nghĩa Mác- Lênin. Người đã khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(3). Người cũng chia sẻ: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(4). Trên cơ sở đó, Người đã sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam và chọn chủ nghĩa Mác- Lênin làm nền tảng tư tưởng của Đảng. Dưới sự soi đường của chủ nghĩa Mác- Lênin, Đảng đã lãnh đạo toàn dân tộc làm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thắng lợi, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội.

Bước vào thời kì đổi mới, tại Đại hội VI (12/1986), cùng với Chủ nghĩa Mác- Lênin, Đảng ta đã bổ sung tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào nền tảng tư tưởng: “Muốn đổi mới tư duy, Đảng ta phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác- Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”(5). Đến Đại hội VII (6/1991), Đảng ta đã xác định rõ: “Nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh”(6); đồng thời, khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, đã trở thành một tài sản tinh thần quý báu của Đảng và dân tộc ta. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), Đảng cũng khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của dân tộc và nhân loại, nắm vững quy luật khách quan và thực tiễn đất nước để đề ra cương lĩnh chính trị đúng đắn và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân”(7). Đến Đại hội IX (4/2001), Đảng tiếp tục làm rõ và khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại… Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta”(8). Đến Đại hội lần thứ XIII của Đảng (1/2021) Đảng ta tiếp tục kế thừa quan điểm về nền tảng tư tưởng của Đảng, đã được xác định tại các kỳ đại hội trước và có sự bổ sung, phát triển để phù hợp với tình hình mới: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”(9). Bổ sung thêm từ “kiên định” nhằm nhấn mạnh yếu tố quan trọng hàng đầu của Chủ nghĩa Mác- Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời thể hiện sự kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Điều đó chứng tỏ, cùng với thời gian và thực tiễn cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã có quá trình tư duy, nhận thức ngày càng sâu sắc về nền tảng tư tưởng của Đảng. Qua các thời kỳ cách mạng, nền tảng tư tưởng của Đảng vừa có sự nhất quán, kế thừa vừa có sự bổ sung, phát triển mới từ những kết quả nghiên cứu mới nhất của khoa học và tổng kết thực tiễn lịch sử trong nước và thế giới, cùng những dự báo khoa học về tương lai, để phù hợp với thực tiễn từng thời kỳ cách mạng Việt Nam. Nhất quán và phát triển là 2 thuộc tính cơ bản của nền tảng tư tưởng Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cách mạng Việt Nam dưới sự soi đường của nền tảng tư tưởng

Thực tiễn cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo cho thấy, trên nền tảng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác- Lênin, có sự vận dụng sáng tạo, phù hợp điều kiện của Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra các chủ trương, đường lối, phương pháp cách mạng đúng đắn ở từng thời kỳ, lãnh đạo toàn dân tộc giành thắng lợi trong cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thắng lợi, thống nhất đất nước, đưa cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.

Bước vào thời kỳ đổi mới, kiên định với nền tảng tư tưởng là Chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực. Nền kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố vững chắc; chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền được giữ vững; quan hệ đối ngoại và hội nhập ngày càng toàn diện, sâu rộng, làm cho “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(10). Những thành tựu đó đã chứng minh cho nền tảng tư tưởng của Đảng là đúng đắn. Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn, đã đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng Việt Nam và phù hợp với quy luật phát triển của thời đại.

 

Phần thứ hai

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới

 

Tình hình thế giới và trong nước

Trong bối cảnh hiện tại, thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Số hóa, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang là xu hướng của thời đại. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin càng thúc đẩy nhanh chóng và sâu sắc hơn quá trình số hóa, toàn cầu hóa, làm thay đổi nhanh chóng lối sống, các mối quan hệ xã hội của mỗi cá nhân, mỗi dân tộc. Ở trong nước, sự nghiệp đổi mới tuy đã được đẩy mạnh toàn diện và thu được những thành tựu quan trọng nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là nạn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Với tinh thần kiên quyết, kiên trì đấu tranh, không có vùng cấm, nhiều vụ tham nhũng tiêu cực đã được phanh phui, xử lý song vẫn có những diễn biến phức tạp.

Tình hình chống phá của các thế lực thù địch:

Nền tảng tư tưởng luôn là đối tượng và mục tiêu chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Sự chống phá của chúng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, trên tất cả mọi phương diện. Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị (ngày 22/10/2018) “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đã nêu rõ: Về đối tượng chống phá, có thể chia thành 3 loại. Thứ nhất, là các lực lượng thù địch bao gồm cả những người nghiên cứu lý luận, thực tiễn ở các nước tiến hành chống phá về ý thức hệ giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, phủ nhận chủ nghĩa xã hội. Thứ hai, là lực lượng cực đoan người Việt ở nước ngoài, lôi kéo một số phần tử chống đối, bất mãn ở trong nước lập ra các tổ chức như Việt Tân, Việt Nam phục quốc, Triều đại Việt… Loại này có số lượng đông đảo nhất, manh động nhất và chống phá trực diện, quyết liệt, nhằm thực hiện âm mưu phá hoại công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Thứ ba, là một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những đảng viên đã từng giữ chức vụ cao trong Đảng và cơ quan Nhà nước, bất mãn, cơ hội, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phản bội lại quá khứ, phản bội lại lý tưởng, tiếp tay cho các thế lực thù địch vu khống, bêu xấu Đảng, hòng làm mất lòng tin của dân với Đảng.

Chúng tập trung chống phá các vấn đề sau: Thứ nhất, phủ định Chủ nghĩa Mác- Lênin và phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh để từ đó phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng. Chúng phủ định chủ nghĩa Mác- Lênin bằng ngụy biện: “Chủ nghĩa Mác- Lênin chỉ phù hợp với thế kỷ XIX và những năm đầu thế kỷ XX chứ không phải là ở thế kỷ XXI- thời đại của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của nền kinh tế tri thức; chủ nghĩa Mác- Lênin không phải là sản phẩm của Việt Nam mà du nhập từ phương Tây, nên không phù hợp với điều kiện Việt Nam; đòi sửa đổi Cương lĩnh của Đảng theo hướng đưa chủ nghĩa Mác- Lênin ra khỏi nền tảng tư tưởng của Đảng mà chỉ giữ lại “học thuyết Hồ Chí Minh”, chỉ giữ lại mục tiêu độc lập dân tộc mà bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội... “. (11). Chúng cũng xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh bằng ngụy biện: “Hồ Chí Minh du nhập những tư tưởng ngoại lai vào Việt Nam”; “Hồ Chí Minh đi trên cỗ xe Nho giáo đến với chủ nghĩa Mác- Lênin”; “Tư tưởng Hồ Chí Minh là tư biện, lý thuyết, giáo điều”; tư tưởng Hồ Chí Minh là sự sao chép, máy móc chủ nghĩa Mác- Lênin, không phù hợp với thực tiễn hiện nay, bởi thế, cần từ bỏ nó để “kịp đi với con đường chung mà thế giới hiện nay đang đi”- con đường tư bản chủ nghĩa. Thậm chí, có người muốn tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác- Lênin hoặc tìm mọi cách đả kích, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh để “hạ bệ thần tượng”; lung lạc những người nhẹ dạ, cả tin và phủ nhận những giá trị cơ bản, đúng đắn trong tư tưởng của Người, nhằm phá hoại và làm thay đổi nền tảng tư tưởng của Đảng”(12). Tất cả những ngụy biện, xuyên tạc trên đều nhằm mục đích phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng là chỉnh thể không thể tách rời giữa chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Hòng chỉnh sửa, làm thay đổi nền tảng tư tưởng của Đảng, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Thứ hai, chúng chống phá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là  các vấn đề nhạy cảm như dân tộc, dân chủ, tôn giáo, nhân quyền, biển đảo. Bất cứ một sự kiện chính trị nào diễn ra, bất cứ một chính sách mới nào ra đời, chúng đều xuyên tạc, bóp méo, bêu xấu, rồi vu cáo trơ trẽn, trắng trợn, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản ở Việt Nam không có nhân quyền, không có dân chủ, không có tự do tôn giáo, để mất biển, đảo vào tay nước ngoài… Thứ ba, chúng phủ nhận những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, như Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Thứ tư, chúng lợi dụng những hạn chế trong quản lý xã hội, thiếu sót trong điều hành của bộ máy nhà nước, những vấn đề bức xúc trong xã hội, những khiếu kiện của dân chưa được giải quyết để tuyên truyền, lôi kéo, kích động nhân dân biểu tình, gây náo loạn, mất an ninh trật tự, xã hội.

Về phương thức chống phá: Thứ nhất, chúng sử dụng các công cụ truyền thông đại chúng, xuất bản tài liệu, sách báo, tạp chí, tập san, tờ rơi, băng đĩa hình có nội dung phản động từ nước ngoài chuyển về phát tán trong nước; tài trợ cho một số cơ quan báo chí nước ngoài như VOA tiếng Việt, RFA, RFI, BBC Việt ngữ để nói xấu Việt Nam; sử dụng không gian mạng lập các trang website, blog để tuyên truyền chống phá từng giờ, hàng ngày. Thứ hai, chúng còn núp bóng nhà yêu nước, nhà dân chủ, nhân quyền, vận động thành lập các hội, nhóm, tổ chức chính trị, dùng tiền bảo trợ của các tổ chức nước ngoài tổ chức hội thảo, tọa đàm, hội thi về các vấn đề có liên quan đến lịch sử, về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo… rồi quay video tán phát trên mạng xã hội, phủ định quá khứ, bóp méo sự thật hòng làm cán bộ, đảng viên và nhân dân hoang mang, dao động, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Bảo vệ nền tảng của Đảng trong tình hình mới

Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch tăng cường chống phá, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn tồn tại, để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, cần tập trung làm tốt một số vấn đề sau:

Công tác tư tưởng của Đảng phải được đặt lên hàng đầu

Công tác tư tưởng phải có vị trí, vai trò hàng đầu trong đấu tranh chống quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Phải bằng cơ sở lý luận và thực tiễn đánh bại những luận điểm sai trái của các thế lực thù địch phủ định chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, hoặc tách rời giữa chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong nền tảng tư tưởng của Đảng. Phải làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu sâu sắc chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; thấm nhuần quan điểm: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”(13).  

Kiên quyết đấu tranh, đẩy lùi tham nhũng tiêu cực; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”:

Đấu tranh với cái xấu, cái sai là bảo vệ cái tốt, cái đúng. Kiên quyết đấu tranh, đẩy lùi tham nhũng tiêu cực; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là con đường tích cực nhất để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đời cũng vì lẽ đó. Cuốn sách đã tổng kết thực tiễn đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam trong thời gian qua, rút ra các bài học kinh nghiệm, nâng lên tầm lý luận để định hướng đấu tranh trong thời gian tới. Cuốn sách cũng chỉ rõ muốn triệt tận gốc tham nhũng, tiêu cực thì phải làm thật tốt, thật nghiêm công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là quét sạch sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Cuốn sách cũng cho thấy sự đồng tình, chung tay, ủng hộ của toàn thể nhân dân, các vị đại biểu Quốc hội, các chính khách và cả người nước ngoài về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng. Vì vậy phải coi cuốn sách là cẩm nang trong đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, làm cho tinh thần kiên quyết, kiên trì trong đấu tranh lan tỏa tới toàn thể cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân. Phải xây dựng được tinh thần đoàn kết, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, không để xảy ra tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, nể nang, né tránh, dĩ hòa vi quý. Phải tăng cường công tác xây dựng Đảng, xử lý kiên quyết những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, không để chúng tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực phản động, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Làm được như vậy, tất yếu sẽ củng cố niềm tin của dân với Đảng, dân sẽ chung tay với Đảng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Phát huy sức mạnh của văn hóa trong đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng:

Đề cương Văn hóa Việt Nam, năm 1943, của Đảng đã khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa, nghệ thuật đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Người chỉ rõ: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Người cũng coi văn hóa, nghệ thuật là một mặt trận đấu tranh tư tưởng và tin tưởng, mong muốn đội ngũ văn nghệ sĩ phải là chiến sĩ cách mạng, đi đầu, xung kích trên mặt trận văn hóa nghệ thuật. Trong thư gửi các họa sĩ nhân triển lãm mỹ thuật, Bác đã viết: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Văn nghệ sỹ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”(14).. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng khẳng định: “Văn hoá là nền tảng tinh thần... là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để hát triển đất nước...”, “Văn hóa còn thì dân tộc còn”.  Vì vậy không có lý do gì lại không sử dụng sức mạnh “mềm” của văn hóa trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trước hết, cần xây dựng văn hóa trong chính trị, làm cho văn hóa thấm sâu vào chính trị. Khi tư tưởng chính trị được văn hóa hóa, sẽ vừa mang bản chất khoa học, cách mạng, vừa thấm đẫm chất nhân văn. Chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không chỉ có giá trị chính trị mà có giá trị văn hóa, kết tinh những giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa thế giới. Khai thác các giá trị văn hóa trong nền tảng tư tưởng, sẽ làm cho cán bộ, đảng viên, nhân dân thấm nhuần nền tảng tư tưởng không chỉ bằng khối óc mà còn bằng con tim, có tác động lâu bền trong đời sống tinh thần của nhân dân. Mặt khác, xây dựng văn hóa trong công tác tư tưởng còn góp phần xây dựng Đảng ta thực sự trí tuệ, đạo đức và văn minh. Thứ hai cần thực sự coi văn hóa, nghệ thuật là một mặt trận. Trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, các nhà báo, các văn nghệ sĩ phải thực sự được coi là các chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, bằng tác phẩm nghệ thuật phơi bày, bẻ gẫy các luận điểm sai trái của các thế lực thù địch, tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái biến chất tư tưởng, đạo đức lối sống; đồng thời ca ngợi, khẳng định những thành tựu trong xây dựng, bảo vệ đất nước, những tấm gương trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Hiện mới chỉ có cuộc thi báo chí về đề tài đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Cần mở rộng cuộc thi sáng tác này sang cả lĩnh vực văn học, sân khấu, điện ảnh để các nhà văn, nhà biên kịch, nghệ sĩ cùng vào cuộc.

Tin tưởng rằng nếu có sự “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân tộc, công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước, công cuộc đổi mới, lợi ích quốc gia, dân tộc sẽ thắng lợi, giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

                                                                     N.H.L

 

------------------------------------------------------------------------------------------

(1)Đảng Cộng sản Việt Nam- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB CTQG, Hà Nội,  2011, tr. 88.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 88.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.30.

(4.)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.2, tr.289.

(5)  Đảng Cộng sản Việt Nam- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, NXB. Chính trị quốc gia- Sự Thật, Hà Nội, 1987, tr.125.

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự Thật, Hà Nội, 1991, tr.127.

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, NXB. Chính trị quốc gia- Sự Thật, Hà Nội 1991, tr.21.

(8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2001, tr.83-84

(9) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội.

(10) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội.

(11), (12). TS Văn Thị Thanh Mai, TS Đặng Quang Thành, Kiên định Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng, Tạp chí Tuyên giáo, Ban Tuyên giáo TW, 3/1/ 2020.

(13) “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”- Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị (ngày 22/10/2018)

(14)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.246.

 

 

 

Các tin khác:

1-5 of 22<  1  2  3  4  5  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter