Để dân chủ không quá trớn

DƯƠNG THU PHƯƠNG

 

Hôm vừa rồi, đứa em tôi, một công chức mới ra trường mẫn cán và đầy nhiệt huyết đã nhất quyết đòi nghỉ việc. Nguyên nhân trực tiếp là do một clip được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, trong đó hình ảnh trung tâm là một công dân đang ra sức gào thét, chửi bới bằng những từ ngữ thô tục nhất và em là một trong những người được nhắc tên trong mớ câu từ hỗn độn ấy, và cũng là người trực tiếp đứng ra can ngăn người dân. Đó chỉ là một việc trong khá nhiều sự việc diễn ra gần đây.

 Gần như mỗi tháng một lần, khu vực trung tâm huyện lại có dịp náo loạn lên vì tiếng chửi bới, lăng mạ thô tục của một công dân chuyên đi kiện cáo, khiếu nại. Mặc dù, những ý kiến, kiến nghị đó đã được các cơ quan chức năng giải quyết theo đúng trình tự thủ tục, thậm chí đã được tòa án phân xử nhưng công dân đó cố tình không chấp hành bất cứ một phán quyết nào. Là lời nói trong lúc nóng giận nên nội dung không chỉ phản đối những vấn đề trong kết luận mà còn trình bày, diễn giải sự việc một chiều, thiên kiến và xúc phạm thô bạo đối với cán bộ, công chức, các cơ quan thi hành pháp luật. Lại có trường hợp, là cán bộ tiền khởi nghĩa, được hưởng các chế độ chính sách của nhà nước, trong đó có chế độ đọc báo, mặc dù không biết chữ nhưng chỉ cần báo được chuyển phát chậm một ngày là người dân đó đi hai ba mươi cây số lên tận cơ quan công quyền, đòi được gặp lãnh đạo cao nhất của cơ quan vào một ngày bất kỳ nào họ muốn, bỏ qua mọi lời giải thích, mọi quy định.

Theo đó, một số tài khoản mạng xã hội không cần đi tìm hiểu nguyên nhân, sự thật, bản chất vụ việc mà quay phim, ghi hình, đưa lên mạng xã hội để kích thích sự tò mò của đám đông.

Dẫu sau đó, những thông tin sai phạm sẽ được gỡ bỏ, xử lý nhưng “chờ được mạ thì má đã sưng”, và trên thực tế, nhiều người đã không chịu được áp lực dư luận để xảy ra nhiều trường hợp như em họ tôi.

Nhưng vì sao lại có những hiện tượng như vậy và nó vẫn xảy ra ở không ít địa phương?

Bởi có lẽ, vẫn còn nhiều người cho rằng, bản thân công dân có quyền được bày tỏ mọi thứ mà mình muốn; việc nói lên mọi suy nghĩ là điều đương nhiên và đó chính là quyền dân chủ của mỗi người. Không ít người nghĩ rằng đã là cơ quan công quyền, là cán bộ công chức thì có phận sự phục vụ người dân khi người dân có nhu cầu, mọi hành động của cán bộ công chức đang thực thi công vụ theo đúng quy trình thủ tục hành chính trở thành hành vi nhằm ngăn cản người dân thực hiện quyền của mình. Nhiều người tự coi mình là đối tượng yếu thế luôn cần được bảo vệ bất chấp đúng sai, bất chấp phải trái. Khi những đoạn video được tung lên, lý lẽ đầu tiên mà mọi người đưa ra là “không có lửa làm sao có khói”, tâm lý a dua đám đông như một cơn gió mạnh đẩy sự việc ngày càng ra xa thực tế, bởi vì thứ mọi người nhìn thấy không phải là toàn bộ sự thật một phần sự thật thì không bao giờ là sự thật. Tựu trung lại, mọi lý do được đưa ra để ngụy biện cho những hiện tượng nêu trên là “thực hiện quyền dân chủ của mỗi người”.

Dân chủ với tư cách là giá trị của sự phát triển và tiến bộ xã hội nó vừa là mục tiêu và vừa là động lực của sự phát triển ấy. Dân chủ có nghĩa là tất cả mọi thành viên của xã hội đều có quyền tiếp cận đến quyền lực một cách bình đẳng và tất cả mọi thành viên đều được hưởng các quyền tự do được công nhận rộng rãi. Xây dựng một nền dân chủ xã hội chủ nghĩa để đảm bảo “tất cả quyền lực Nhà nước đều thuộc về Nhân dân” mà “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng” chính là bản chất thực hành của nền dân chủ.

Những năm gần đây, từ báo cáo của các cơ quan giám sát dân cử, qua theo dõi của các cơ quan báo chí và cả quan sát viên nước ngoài đã ghi nhận nhiều nỗ lực trong thực hành dân chủ. Cơ chế dân chủ được xây dựng ở tất cả các cấp độ, từ các cơ quan trung ương đến cấp cơ sở, trong đó, đặc biệt coi trọng dân chủ cơ sở. Ủy ban nhân dân các cấp thường xuyên cụ thể hóa các chính sách, pháp luật của Nhà nước thành quy định, quy chế của địa phương, đảm bảo phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh để đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện.

Tính dân chủ trước hết được thể hiện bằng việc công khai minh bạch tất các các vấn đề liên quan đến người dân. Bởi trên thực tế, nhu cầu được tiếp cận thông tin là yếu tố đầu tiên và tiên quyết của thực hành dân chủ. Tại 24/24 trụ sở UBND cấp xã mà chúng tôi có dịp tìm hiểu đều thực hiện nghiêm 11 nội dung phải công khai theo quy định tại Điều 5 của Pháp lệnh 34 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Không chỉ được niêm yết thường xuyên tại trụ sở mà còn được công khai trên hệ thống loa truyền thanh cấp xã, được thông tin tại các cuộc họp, có văn bản giấy gửi đến trưởng thôn, bản, tổ dân phố để đảm bảo tất cả người dân đều được biết được hướng dẫn thực hiện các nội dung nêu trên.

Nhân dân được bàn bạc, thảo luận về tất cả các nội dung về việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội đặc biệt là các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình, chính sách an sinh xã hội đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, việc xây dựng kết cấu hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng, công trình xây dựng nông thôn mới, bình xét hộ nghèo, kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại...

Chính quyền các cấp thực sự đã rất nỗ lực trong việc cải cách hành chính, áp dụng chính quyền điện tử trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đã tạo điều kiện giúp cho người dân có thể tìm hiểu, thực hiện các thủ tục hành chính ở không gian, thời gian thuận lợi nhất và nó cũng tránh mọi phiền hà sách nhiễu, tệ nạn tham nhũng vặt (nếu có) trước kia;  đảm bảo mọi thủ tục được giải quyết đúng thời hạn, minh bạch.

Nhân dân được giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, chính quyền thông qua các mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, thông qua Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng...

Hình thức thực hành dân chủ được mở rộng, trong đó coi trọng hình thức dân chủ trực tiếp như tổ chức lấy ý kiến của nhân dân tham gia trực tiếp tại các cuộc họp đại diện hộ gia đình đối với các vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân; thực hiện nghiêm túc lịch tiếp công dân; tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để lắng nghe đề xuất, kiến nghị của nhân dân, đồng thời xin ý kiến nhân dân tham gia góp ý, xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án quan trọng của địa phương; việc lấy ý kiến tại các cuộc họp, các cuộc trưng cầu ý dân, cuộc bầu cử đại biểu quốc hội và HĐND các cấp ngày càng thực chất và hiệu quả.

Lịch tiếp công dân được công khai, cố định để mọi người dân đều được tạo điều kiện để thực hiện quyền trình bày ý kiến của mình. Bên cạnh đó, các hòm thư góp ý được bố trí ở nơi dễ nhìn thấy nhất, không yêu cầu khai báo về danh tính để đảm bảo các ý kiến khách quan không bị trù dập, đe dọa.

Nhìn một lượt trang tin tức hoạt động mới thấy, không có ngày thứ 7, chủ nhật nào lãnh đạo không đi làm việc cùng dân hoặc doanh nghiệp. Không chỉ đổ một đoạn đường, trồng một cái cây, giải quyết một sự vụ mà đó là quá trình lãnh đạo các cấp tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân, cùng trao đổi để tháo gỡ, khó khăn phát sinh trong thực tế.

Dù mất khá nhiều thời gian, sức lực nhưng một năm trung bình mỗi địa phương thực hiện 5 đến 7 cuộc điều tra xã hội học của các cấp, bằng nhiều hình thức từ trực tiếp đến trực tuyến. Mục đích cuối cùng vẫn là chính quyền muốn lắng nghe ý kiến của người dân, muốn biết xem người dân đã hài lòng nội dung nào và chưa hài lòng ở đâu. Muốn nghe người dân nói về mong muốn của họ đối với sự việc được nêu ra.

Việc tỉnh, huyện tổ chức đối thoại trực tiếp với các nhóm đối tượng mang tính đặc thù trong xã hội như đối thoại với thanh niên, y tế, phụ nữ thời gian qua chính là không để sót bất kỳ một ý kiến nào của nhân dân trên cả chiều rộng là đối tượng lấy ý kiến, lẫn chiều sâu là các ý kiến mang tính chuyên môn cao theo ngành, lĩnh vực...

Bên cạnh các hình thức đối thoại mang tính hành chính, tỉnh Yên Bái cũng tổ chức nhiều buổi cà phê doanh nhân như một sáng kiến nhằm tranh thủ ý kiến của đội ngũ doanh nhân vào chiến lược phát triển kinh tế, huy động nguồn lực vào phát triển địa phương, giải quyết việc làm, hỗ trợ an sinh xã hội, cũng tạo không khí thoải mái nhất để các doanh nhân trao đổi về khó khăn vướng mắc để tìm được tiếng nói đồng thuận giữa chính quyền và doanh nghiệp.

Trong thời đại công nghệ số, thực hành chính quyền điện tử, Yên Bái đã đi đầu nỗ lực xây dựng YenBai-S. Đây là trang thông tin với mong muốn cung cấp nhiều nhất các nhu càu cho người dân. Từ việc cập nhật các chủ trương, chính sách, cho đến định hướng, hướng dẫn phát triển kinh tế; cảnh báo thiên tai; tích hợp các tiện tích về giao thông, dịch vụ y tế,  giáo dục, du lịch, nhu cầu mua sắm trao đổi hàng hóa, về các dịch vụ công, thanh toán các loại thuế, phí cố định, tìm hiểu về du lịch, dịch vụ mua sắm; tích hợp các phần mềm riêng lẻ về sổ tay đảng viên điện tử, , bảo hiểm Y tế, căn cước công dân ... Người dân tìm hiểu, thực hiện giao dịch chỉ thông qua vài thao tác trên điện thoại thông minh. Phần được chờ đợi nhất đó chính là chuyên mục phản ảnh góp ý. Trong đó, các ý kiến phản ánh được tiếp nhận 24/24 giờ không kể ngày nghỉ, ngày lễ, được phản hồi trong vòng 2 ngày. Khi xây dựng tiện ích phản ánh góp ý chính quyền còn xây dựng thêm bản tiếng Mông, có thể phản ánh bằng hình ảnh... để mọi đối tượng trên địa bàn tỉnh có cơ hội, điều kiện như nhau trong tiếp cận và thực hiện quyền của mình. Dưới các phản ánh góp ý còn có đánh giá mức độ hài lòng đối với kết quả xử lý. Đó là những cố gắng cao nhất của một địa phương miền núi còn có nhiều khó khăn.

Nhưng một bàn tay vỗ thì không kêu, những nỗ lực của chính quyền là cần thiết nhưng chưa đủ. Lãnh đạo đã hướng về người dân thì người dân cũng cần phải nêu cao ý thức, trách nhiệm của mình. Bởi dân chủ là một quá trình tiệm tiến lâu dài và không thể làm hài lòng được tất cả mọi người khi trình độ nhận thức của mỗi người đang ở những mức độ nhất định. Thực hành dân chủ trước hết là quyền của mỗi người nhưng đồng thời cũng yêu cầu năng lực, trách nhiệm của người thực hiện nó. Giữa dân chủ và dân chủ quá trớn là ranh giới rất mong manh. Việc thực hành dân chủ chỉ đúng nghĩa của nó khi mà được đảm bảo cao nhất quyền lợi của cá nhân nhưng không xâm phạm vào quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.

Việc khiếu nại, tố cáo cả những vấn đề đã được định đoạt bằng pháp luật, ngoài thời gian kháng cáo theo quy định và không đúng quy trình của khiếu nại, tố cáo là hành vi của những người thiếu hiểu biết và coi thường pháp luật. Việc có người thường xuyên chửi bới gây mất trật tự công cộng đã vi phạm vào nhu cầu chính đáng được hưởng một không gian an lành, hài hòa không bị ô nhiễm bởi những ồn ào, ngôn ngữ dung tục của cộng đồng. Việc xúc phạm người khác và đưa, phát tán hình ảnh của cá nhân khi chưa được xin phép đã vi phạm vào quyền cá nhân của mỗi người.Việc đưa tin sai sự thật chính là hành vi xuyên tạc nhằm bôi nhọ danh dự nhân phẩm của người khác. Đưa hình ảnh không đầy đủ, làm hiện tượng bị bóp méo, không phản ánh đúng sự thật là hành vi cố tình gây hấn. Hay hành vi lên tận cơ quan công quyền mà không tuân theo thủ tục nơi công sở chỉ vì một tờ báo có thể châm chước vì thái độ thiếu hiểu biết trong thực hiện các thủ tục hành chính nhưng thật khó để chấp nhận thái độ công thần, cậy quyền, thích thể hiện bản thân của một số công dân.

Để phát huy dân chủ đúng nghĩa, để huy động được trí tuệ tập thể vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, để tạo được sự đoàn kết đoàn kết, thống nhất trong nhân dân, thiết nghĩ, bên cạnh việc đề cao quyền lực, vị thế của nhân dân cũng rất cần bồi dưỡng, giáo dục nâng cao năng lực và trách nhiệm của công dân. Trong đó cần đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật để làm chuyển biến nhận thức, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đề cao tính pháp chế xã hội chủ nghĩa. Tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân, trọng tâm là những quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân. Mỗi người dân phải am hiểu pháp luật, sống và làm theo Hiến pháp và pháp luật, biết đánh giá đúng đắn các hành vi ở góc độ pháp lý. Hình thành ý thức pháp luật, văn hóa pháp luật ở mỗi người dân. Tuyên truyền, giáo dục người dân về kỹ năng thực hành pháp luật, đó là nội dung, quy trình, thủ tục và các hành vi, phản xạ, ứng xử phù hợp pháp luật.

Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, các đòn thể trong việc tuyên truyền giáo dục pháp luật, mối người dân cần có thói quen tìm hiểu và chấp hành pháp luật, biết được những chuẩn mực, quy tắc xử sự chung, giới hạn các hành vi được làm, phải làm, không được làm, hoặc bị ngăn cấm; các biện pháp, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm khi tham gia vào các quan hệ xã hội; biết được giới hạn phạm vi quyền, nghĩa vụ của mình và các chủ thể khác trong từng quan hệ pháp luật cụ thể. Xây dựng thói quen biết lựa chọn cho mình những hành vi xử sự, ứng xử phù hợp pháp luật, không vi phạm pháp luật; không xâm phạm lợi ích công cộng và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác.

Cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương xã hội như điều kiện để đảm bảo quyền làm chủ.

Nhân dân cơ bản là tốt, đoàn kết, yêu thương, xây dựng và đầy hào sảng. Chính họ đã thêu hoa, dệt gấm cho cuộc sống tươi đẹp, nhiều màu sắc này. Cũng chính vì để đảm bảo cho quyền lợi thuộc về số đông nhân dân rất trách nhiệm, có ý thức ấy, chính quyền càng phải ra sức, phát huy dân chủ nhưng đồng thời cũng kiên quyết phê phán và nghiêm trị những hành vi dân chủ quá trớn. Việc cá nhân vi phạm dân chủ, lợi dụng dân chủ là cơ hội để các thế lực thù địch, đối tượng chống phá lôi kéo, kích động, lợi dụng để làm mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Những yêu cầu vượt quá quyền lợi của một vài cá nhân đã xâm phạm vào quyền dân chủ của những người khác. Và cũng chính những đòi hỏi quá mức đã vô tình xâm phạm, tiêu hao ngay cả giá trị của bản thân, đi ngược với sự tiến bộ, phát triển cả xã hội đang nỗ lực xây dựng.

                                                                                   Tháng 5/2013                                                                              Dương Thu Phương

Các tin khác:

1-5 of 22<  1  2  3  4  5  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter