Một gia tài văn chương còn đọng mãi

VĨNH BIỆT NHÀ VĂN TÙNG ĐIỂN

Nhà văn Tùng Điển tên thật Trần Quang Điển, sinh năm 1947, quê quán làng Ngũ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội. Từng tham gia quân đội sau khi tốt nghiệp đại học. Sau này ông là biên tập viên nhà xuất bản Thanh Niên; Giám đốc Quỹ hỗ trợ sáng tạo Văn học nghệ thuật Việt Nam; Phó Chủ tịch Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.

Nhà văn Tùng Điển từ trần hồi 9h ngày 10/7/2022 (tức ngày 12 tháng 6 năm Nhâm Dần) tại Hà Nội; hưởng thọ 76 tuổi.

Tang lễ nhà văn đã được tổ chức vào ngày 14/7/2022 (tức ngày 16 tháng 5 năm Nhâm Dần) tại nhà tang lễ 125 Phùng Hưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội. An táng tại nghĩa trang Lạc Hồng Viên.

Hội Nhà văn Việt Nam, báo Văn nghệ xin chia buồn cùng Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, gia đình, bè bạn và độc giả của nhà văn Tùng Điển, và cầu cho linh hồn ông thanh thản nơi cõi vĩnh hằng.

Văn nghệ

 

Năm 2001, cơ duyên cho tôi có được chuyến đi dài với Tùng Điển trong cuộc giao lưu với cơ quan Văn học ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Tùng Điển giữ vai trò Trưởng đoàn. Gần nửa tháng trời, tôi luôn được ở với anh cùng phòng. Ở gần Tùng Điển, tôi thêm yêu anh nhiều. Tùng Điển thông minh, mẫn tiệp. Tùng Điển gần gũi, bộc trực và ấm áp tình người.

Tùng Điển tuổi Đinh Hợi, quê làng Ngũ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội. Chàng trai cất tiếng chào đời vào giữa ngày Mồng một Tết đã làm “bà đỡ” cùng bà con xóm tộc buổi ấy phải “xuýt xoa”: “Trời... Trai mồng Một, gái hôm Rằm”... Quả tình, nhìn “cậu bé” lạ, kháu khỉnh, ai nấy đều “trộm vía” nói lời tiên đoán ở “cái thấy” và những gì sẽ thấy trong dự cảm, trong thầm lặng chờ mong.

Thế rồi, trước nhỡn tiền, trước cuộc đời - năm tháng, Tùng Điển chưa “danh cao, thế lớn”, nhưng phải nói, Tùng Điển được ông trời phú cho tài năng văn chương khá sớm. Dường như, văn chương đã sẵn nằm trong Tùng Điển. Và, Tùng Điển luôn lấy văn chương để giải thoát những khoảng trống hồn mình ... 

Thật vậy. Năm mới mười ba tuổi, trong nỗi đau đứt ruột khi người cha sớm mất. Một chiều, ra nghĩa trang thăm nơi phần mộ. Tùng Điển đã xuất thần viết những câu thơ máu thịt. Những câu thơ mang hồn vía thi nhân. Những câu thơ mà trong đó Cảnh - Sự - Tình - Và, cái Nghĩ đều quyện hòa. Bài thơ mang tên Làng yên tĩnh có những câu thơ thâm trầm, xác xao và chắc... Hình ảnh “Làng chết” với cảnh giàu nghèo cũng phân chia. Với mộ xây, nhà cao cửa rộng. Với, “nắm đất khô, thanh gỗ cắm chênh vênh”... Rồi, từ “hình thi” lạ, hay từ “tâm thi” lạ, mà câu thơ với những liên tưởng lạ, như: “Áo trắng cha may con mặc/ Mới một cửa đời đã bẩn/ Ai may cho con áo khác/ Để đi tiếp cửa đời sau” ... Rõ ràng, cái nghĩ, tấm áo mặc “Mới một cửa đời đã bẩn” đâu chỉ còn là tấm áo? Câu thơ đa nghĩa này được đẻ ra từ cậu bé mới ở tuổi mười ba, mang sức vóc cao lớn hơn tuổi cậu. Câu thơ viết bằng trải nghiệm. Viết bằng sự thẳm sâu, “cái Biết”. Viết bằng hiện thực cuộc đời khi bước vào thơ đã cô nén, đã trưng cất và thấm loang trong hiện thực tâm tưởng.

Tùng Điển sẵn có “cái mỏ” văn chương ấy trong hồn. Cùng với “cái mỏ” tạo nên nguồn khơi giàu trầm tích. Đấy là cha anh, người tinh thông tiếng Pháp. Người nhiều năm mở trường dạy cho nhiều lứa học trò trên đất làng Ngũ Hiệp. Tùng Điển có cơ được chìm vào núi sách. Mê nghiền văn học Nga, văn học Pháp. Mê nghiền những Sê-khốp, Tuốc-Ghê-nhép, Pautopxki, Ai-ma-tôp; Những Guy-de-Mô-Pat-xăng, Vich-tor Huygo, Banzắc... Những trang sách đọc được đã đốt lên trong Tùng Điển ngọn lửa diệu kỳ. Tùng Điển lao vào viết Tiểu thuyết đầu tay dài hơi Đời góa. Nhà văn mười bốn tuổi này đã biết hư cấu, biết “bịa” từ nguyên mẫu người mẹ góa bụa đầy gian lao, thương cảm và kính phục của đời mình.

Tiểu thuyết dày 300 trang, viết trên giấy xi-măng. Những vỏ bao xin được từ buổi đi phụ vữa, hay đi gánh gạch thuê. Viết xong, đi bộ từ đất quê Ngũ Hiệp, Tùng Điển xông thẳng vào Nhà xuất bản Thanh Niên. Người tiếp Tùng Điển là “Ông đầu hói” mà sau này Tùng Điển mới biết, đó nhà thơ Phan Xuân Hạt. Có điều, “ông đầu hói” thật niềm nở, chân tình. Ông gọi Tùng Điển là cậu bé. Ông vui vẻ nhận đọc tác phẩm, hứa sẽ sớm hồi âm.        

Vào một sớm thu, năm 1961, đúng mười ngày sau khi nhận bản thảo, Phan Xuân Hạt đã đọc xong, ông trả lại tác phẩm cho Tùng Điển với nhận xét: “Cậu  nhỏ có năng khiếu văn chương... Khá đấy. Tiểu thuyết đọc cuốn hút. Nhân vật góc cạnh. Bi thương... Nhưng, cậu hiểu không? Thời buổi này, in sao được, tác phẩm này, hả cậu?...

Không nản chí. Cũng không hiểu từ sự thôi thúc mãnh liệt nào, Tùng Điển xoay ra viết truyện ngắn. Rất vui, những ngày sau đó, truyện ngắn của Tùng Điển được báo Văn nghệ đăng, Đài Phát thanh đọc, khi Tùng Điển còn đang là một cậu học sinh ngồi trên ghế nhà trường.

Tài năng văn chương của Tùng Điển sớm được khẳng định. Chả vậy, năm 1966, khi mới vào tuổi mười chín, Tùng Điển đã trở thành Hội viên sáng lập của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Được Nhà văn Tô Hoài và Đại hội giới thiệu bầu làm Ủy viên Ban chấp hành của Hội Văn học Nghệ thuật Thủ đô.

Là học sinh Trường Chu văn An, Tùng Điển được gọi vào Trường Đại học Thông tin liên lạc thuộc Tổng Cục Bưu điện. Tốt nghiệp Đại học, năm 1970, là sinh viên hạng Ưu, Tùng Điển được giữ lại làm giảng viên, giảng dạy tại trường. Đầu năm 1972, anh được điều vào quân đội, giai đoạn này cuộc chiến tranh đánh Mỹ đang diễn ra ác liệt, trong niềm khát khao được xông ra mặt trận, nhưng hai lần đã sẵn sàng bước vào “bệ phóng,” Tùng Điển đều bị “thất vọng.”

Lần một là, mười bốn giáo viên bổ sung cho mặt trận, nhưng khi “tập trung” rồi, Tùng Điển lại bị nhà trường giữ lại. Lần hai, nhà thơ Thu Bồn đại diện Tạp chí Văn nghệ Quân đội được cử về tận quê làm lý lịch xin cho Tùng Điển “đi B”… Nhưng, buồn thay! Khi chuẩn bị lên đường thì Sài Gòn giải phóng, đất nước đã xua tan bóng dáng quân thù.

                                  *

Trước khi tham gia quân đội, năm 1976, từ một thầy giáo đang dạy Toán ở một trường Đại học, nhà văn Tùng Điển chuyển về làm cán bộ Biên tập ở Nhà xuất bản Thanh niên. Tại đây, nhằm vào quy hoạch, đào tạo “cán bộ nguồn” kế nhiệm, Tùng Điển được Trung ương Đoàn cử đi học hai năm trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Khi tốt nghiệp, trở về cơ quan cũ, muốn thay đổi “không khí” khác, thích hơn, Tùng Điển chuyển sang làm Biên tập ở nhà xuất bản Kim Đồng. Năm 1988, Tạp chí Tác phẩm Văn học của Hội Nhà văn ra đời, Tùng Điển về làm Biên tập viên từ số đầu tiên. Rồi Thư ký Tòa soạn, Phó Tổng Biên tập với sự dẫn dắt của nhà văn Nguyễn Đình Thi, đương kim Chủ tịch Hội Nhà văn, Tổng Biên tập,  tờ Tạp chí Tác phẩm Văn học danh giá nhất thời ấy. 

Năm 1999, ở chặng cuối, cũng là nơi bến đậu dài lâu mà Tùng Điển gắn bó, khi Nhà văn Nguyễn Đình Thi mời ông về làm Giám đốc, quản lý Quỹ hỗ trợ sáng tạo Văn học của Ủy Ban toàn quốc Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam… Đến năm 2010, Đại hội lần thứ lần thứ VII, Tùng Điển được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Là người thầy thông minh, lịch lãm. Là Nhà văn có phong tư, phong cách. Có thành công đáng kể ngay từ thuở tuổi đời còn rất trẻ. Là người Lãnh đạo, quản lý luôn tận tụy, chân tình, chu đáo... Nhà văn Tùng Điển có không ít người ngưỡng mộ, quý yêu, nhất là những Văn Nghệ sĩ, những người quản lý hoạt động Văn học Nghệ thuật ở các địa phương trên khắp tỉnh thành cả nước. Tùng Điển là người sống gần gũi, chăm lo, người in đậm bóng hình nơi con tim mến yêu của họ.

*

Là nhà văn, nhưng quãng thời gian khá dài, Tùng Điển với vai trò một lãnh đạo. Công việc quản lý luôn đè nặng, chi phối không ít cho tư duy lao động sáng tạo nghệ thuật. “Gia sản” văn chương của Tùng Điển có hơn mười cuốn sách. Nhà văn luôn coi trọng cái tinh, cái chất. Bởi vậy, gần như trong các tác phẩm văn xuôi được xuất bản, có tới năm tập Tiểu thuyết, Truyện ngắn (chiếm gần một nửa tác phẩm, xuất bản) Tùng Điển đều giành được Giải thưởng cao từ các cuộc thi sáng tác Văn học. Tập truyện ngắn Bức ký họa in năm 1983 của Tùng Điển được dịch sang Tây Ban Nha. Truyện Mắt xích dịch và in ở Nga. Truyện Bãi vắng được dịch sang tiếng Anh...

Tùng Điển cũng vinh dự  được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017.

Giống như mạch cưa mở ra hai chiều tách rời và dính líu. Tùng Điển có hai mảng sáng tác. Một mảng dài đi trong không gian rộng. Không gian của một thời ôm trùm và đề cao hiện thực. Không gian của “Việc,” của cái chung. Của màu hồng trong lối nhìn, cách nghĩ… Nhưng, là nhà văn, trên những trang văn xuôi, mang trong mình tâm hồn thi sĩ. Văn của Tùng Điển giàu có chất Văn. Văn hướng về phía lọc sàng, nghiềm ngẫm hiện thực để tìm được sức vang động nhiều hơn nơi phía sau hiện thực.

Từ Mạch ngầm, Tiểu thuyết được Văn nghệ Hà Nội trao giải Nhất năm 1976, đến Tiểu thuyết Khoảng trống; rồi các tập truyện ngắn Những ô cửa màu nâu, Bức ký họa, Những đứa con thành phố, Bãi vắng .v.v... Gần 30 năm sáng tác liên tục, cứ hai năm Tùng Điển cho ra đời một đầu sách. Nhưng bẵng đi thời gian Tùng Điển im hơi lặng tiếng trên văn đàn, tính từ tác phẩm Ngọn đèn như quả hồng chín, Truyện dài viết cho thiếu nhi, Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành vào năm 1987. Năm 2018, nhà văn Tùng Điển mới tái xuất với Tiểu thuyết Người cũ, do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành… Cuốn tiểu thuyết hiện đại này không đồ sộ về số trang, nhưng, thực sự tạo được cái lớn hơn “cái Nó đang có” ở sức vang, sức loang thấm, chảy dài với sức ám ảnh ở nhân vật, sự kiện... Phải nói, nét trội của văn xuôi Tùng Điển vẫn là sức cô nén cái bên ngoài để gửi gắm và tìm được chiều sâu nơi tâm tưởng ở những gì qua suy tư, phát hiện... Có lẽ, từ “tự thức” và ý thức ấy, cuốn tiểu thuyết cuối cùng của nhà văn Tùng Điển đã góp vào văn đàn đất nước một tác phẩm hay, với tiếng nói riêng ông. Và đó cũng là mảng văn chương được nối dài, được đắp dầy và được thêm vào một gia tài văn chương còn đọng mãi với thời gian.

Nguồn Văn nghệ số 30/2022

Các tin khác:

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter