Thương tiếc nhà báo, Nhà văn Trần Cao Đàm

HOÀNG VIỆT QUÂN

 

1. Trần Cao Đàm sinh ngày 09/9/1941 tại Nghĩa Lộ, nguyên quán thị trấn Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Anh từng là bộ đội tình nguyện chiến đấu ở chiến trường Lào trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cử nhân báo chí. Từ một cán bộ biên tập- phóng viên của Đài, anh dần trưởng thành, được cất nhắc lên làm Trưởng phòng biên tập- phóng viên Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn, Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh Yên Bái. Năm 2003 anh về nghỉ hưu, cư trú tại Tổ 25 (nay là Tổ dân phố số 5) phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.

Trần Cao Đàm là hội viên các Hội: Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hoàng Liên Sơn (1986- 1991) và tỉnh Yên Bái (1991- 2024) chuyên ngành văn học (văn xuôi), Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (2008), Hội Y học cổ truyền Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Trần Cao Đàm từ trần lúc 8 giờ ngày 20/6/2024 (tức ngày 15/5 năm Giáp Thìn), thọ 84 tuổi. An táng tại Nghĩa trang nhân dân phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái.

Tôi quý Trần Cao Đàm bởi anh sau ngày rời quân ngũ, cứ miệt mài thầm lặng đi và viết, làm chương trình phát thanh, trở thành một nhà báo, nhà văn miền núi có tay nghề và đầy bản lĩnh. Anh sống giản dị, chân thực, khiêm tốn, không ồn ào khoe mẽ, bốc đồng. Anh âm thầm như con tằm nhả tơ, để lại những bài báo và những áng văn chương chân thực, đầy sức sống cùng với những tư liệu lịch sử đáng quý của quê hương Yên Bái, nhất là miền Tây vùng Mường Lò (Văn Chấn- Nghĩa Lộ). Dẫu biết anh tuổi cao, sức yếu, mắt mờ, chân chậm nhưng khi nghe tin anh mất, tôi không khỏi hụt hẫng, tiếc thương anh vô hạn.

2. Tôi nhớ hôm Hội thảo tại trụ sở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái nhân kỷ niệm 15 năm ngày ra số Tạp chí “Văn nghệ Yên Bái đầu tiên (09/12/1989- 09/12/2004)”, Trần Cao Đàm có đọc bài “Tạp chí Văn nghệ Yên Bái là báo chí, là lớp học cùng thời gian”, kể về thời đi học báo chí, luôn nghe lời các thầy căn dặn “Làm báo chí chớ ngoại tình với văn học” nên khi về tỉnh Hoàng Liên Sơn công tác, Trần Cao Đàm chỉ biết miệt mài viết báo. Có lẽ đây là thời kỳ anh chung thủy với nghề làm báo nhất và có nhiều đóng góp công sức cho Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh. Nhưng qua nhiều năm lăn lộn với phong trào, với nghề làm báo, tư liệu và vốn sống phong phú cứ tự “thôi thúc, day dứt” trong lòng anh và đun đẩy anh “ngoại tình với văn học”, khiến anh đã viết thử tác phẩm văn học đầu tay đặt tên là “Hương ngải bên rừng”. Lúc đó anh vẫn “không biết tác phẩm của mình thuộc thể loại nào”, đành để trống gửi đi. Không ngờ được báo “Văn nghệ” đăng hết cả bài, nhưng thể loại “Hương ngải bên rừng” vẫn bị để trống. Cũng may được anh em văn nghệ sĩ đọc, cổ vũ, động viên: “Hương ngải bên rừng là truyện ngắn đấy, sao không đề vào?”. Từ đó, anh mới mạnh dạn viết truyện ngắn, viết ký văn học và được Tạp chí “Văn nghệ Yên Bái” đăng cho đều đặn, trở thành hội viên của Hội Văn học nghệ thuật. Điểm lại trên Tạp chí “Văn nghệ Yên Bái” từ năm 1993 đến năm 2022, anh có 105 tác phẩm được đăng (trong đó có 41 truyện ngắn, còn lại là trích đoạn tiểu thuyết, ký, hồi ký, kỷ niệm). Trên phụ san “Văn nghệ Yên Bái vùng cao” từ năm 2011 đến năm 2021, anh có 14 tác phẩm được đăng (trong đó có 6 truyện ngắn, còn lại là ký và sưu tầm văn hóa dân gian). Với đặc san “Người làm báo Yên Bái”, anh có 99 bài viết về kỷ niệm nghề làm báo, viết văn, những kinh nghiệm và bài học làm báo. Anh có 15 tác phẩm được in chung trong 14 tập sách.

Trần Cao Đàm xuất bản riêng các tập sách và được trao một số giải thưởng tiêu biểu như sau:

1. Lẽ đời (tập truyện ngắn), N.X.B Văn hóa dân tộc 1996

2. Bến Ngòi (tiểu thuyết), N.X.B Quân đội nhân dân, 1999. Giải B Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái năm 2000.

3. Pa Thí mù sương (tiểu thuyết) N.X.B Quân đội nhân dân, 2000. Giải C Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái năm 2021.

4. Âu Lâu bến lửa (tiểu thuyết), N.X.B Quân đội nhân dân, 2006. Giải B Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái năm 2007.

5. Đất Mường (tiểu thuyết), giải A cuộc thi sáng tác “Tự hào truyền thống quê hương Yên Bái” năm 2010.

6. Đất Mường thời dông lũ (tiểu thuyết), N.X.B Công an nhân dân 2014. Giải C Giải thưởng Hội Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2014, được N.X.B Hội Nhà văn tái bản năm 2019.

7. Âm vang Ngòi Vần (tập truyện ký), N.X.B Hội Nhà văn 2019.

8. Bất khuất Mường Lò (tiểu thuyết)- N.X.B Văn hóa dân tộc 2022- Giải C Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm Văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021- 2023.

Ngoài ra, Trần Cao Đàm cũng có nhiều tác phẩm đạt giải thưởng như sau:

- Giải thưởng viết về thương binh liệt sĩ và hậu phương quân đội tỉnh Yên Bái năm 1992.

- Giải thưởng Cây Bút Vàng cho tác phẩm báo chí xuất sắc năm 1996.

- Truyện ngắn “Dòng máu” đạt giải C cuộc thi sáng tác và viết kỷ niệm sâu sắc về tình hữu nghị Việt- Lào năm 1997.

- Bài ký “Anh hùng giữa đời thường” giải Ba cuộc thi viết ký về thương binh liệt sĩ tỉnh Yên Bái năm 2007.

- Bài viết “Khăn piêu tự ái bỏ đi” giải Tư cuộc thi viết “Giữ gìn và phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của báo Yên Bái năm 2009.

- Bài ký “Trang giấy ở chiến trường Lào” được giải trong cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật, báo chí của Bộ Tư lệnh Quân khu 2 năm 2016.

Nhìn chung, sáng tác văn xuôi của Trần Cao Đàm đều có xu hướng viết về đề tài chiến tranh và cách mạng. Nhân vật của anh thường là những người lao động lam lũ, nghèo khổ được giác ngộ cách mạng, có đóng góp vào Cách mạng tháng 8/1945 và tham gia kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi. Anh khá am hiểu đời sống và lịch sử vùng quê Mường Lò (Văn Chấn- Nghĩa Lộ) nên truyện ngắn, tiểu thuyết của anh phản ánh khá chi tiết, sống động xứ Mường thời dông lũ. Sau ngày nghỉ hưu, anh quan tâm nhiều hơn đến các sự kiện lịch sử của toàn tỉnh Yên Bái nên không gian, địa bàn phản ảnh trong tác phẩm được mở rộng hơn, tiêu biểu nhất là hai cuốn tiểu thuyết “Bến Ngòi”, “Âu Lâu bến lửa” và tập truyện ký “Âm vang Ngòi Vần”. Hơn nữa, với vốn sống và sự từng trải của người lính, anh còn viết truyện ngắn, hồi ký, kỷ niệm sâu sắc về những ngày chiến đấu trên chiến trường Lào, tiến tới viết cả một cuốn tiểu thuyết “Pa Thí mù sương có giá trị đề cao người lính tình nguyện trên đất Lào, ngợi ca tình hữu nghị Việt - Lào trong những ngày gian khổ, ác liệt, cùng nhau chiến đấu giải phóng quê hương, đất nước. Phong cách trần thuật của Trần Cao Đàm chủ yếu là kể theo thứ tự thời gian với lối viết giản dị, cụ thể, để lại những trang văn chân thực, dễ hiểu, tuy nhiên đó cũng là hạn chế trong sáng tạo văn học của anh.

Với những cống hiến trong lĩnh vực văn xuôi, sáng ngày 11/8/2018, được Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh với lãnh đạo Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh Yên Bái tạo điều kiện, Chi hội Văn xuôi phối hợp với Phòng Văn nghệ của Đài đã tổ chức buổi tọa đàm văn học với chủ đề “Tác phẩm văn xuôi Trần Cao Đàm” tại Hội trường Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh, đã có nhiều tham luận và ý kiến phát  biểu đánh giá, phân tích các tác phẩm của anh.

Với sự cống hiến cho sự nghiệp chống Mỹ, sự nghiệp làm báo, viết văn, Trần Cao Đàm nhận được nhiều hình thức khen thưởng của các cấp, các ngành, tiêu biểu là: Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (1999), Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát thanh, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam...

Viết về anh, tôi không khỏi chạnh lòng thương tiếc cho một người bạn văn đáng kính, đáng trọng, hết mình cho sự nghiệp văn chương, báo chí, luôn cần mẫn và khát khao viết sao cho hay hơn, thiết thực hơn phục vụ bạn đọc.

H.V.Q

 

 

Các tin khác:

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Kho sách số VHNT

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter