Cảm nhận về sáng tác của nhà văn Hoàng Thế Sinh

HÀ BÍCH NGỌC

(Trường PTDTNT THPT Miền Tây tỉnh Yên Bái)

 

 

Hoàng Thế Sinh là một cái tên quen thuộc trong làng văn xuôi Yên Bái. Từ ngày đầu xuất hiện, cây bút Hoàng Thế Sinh đã vùng vẫy giữa một khoảng trời cao rộng và thoáng đãng, không chịu gò bó trong một thể loại, một mảng đề tài nào nhất định. Gắn bó với văn chương từ khi còn rất trẻ, đến nay ông đã có gần 40 năm chuyên cần sáng tạo và đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Từ một người lính- một thầy giáo dạy văn- một thạc sĩ văn học rồi chuyển sang làm nghề báo, Hoàng Thế Sinh đã sớm có suy nghĩ sâu sắc về nghề văn: “Tôi cảm nhận viết văn đó là một nghề “Giời đầy” một nghề lao động sáng tạo khắc nghiệt và thật hạnh phúc. Tác phẩm phải gắn với thân phận con người, gắn với vận mệnh đất nước, nếu không chẳng có nghĩa gì cả”. Chính điều này đã chi phối tất cả những sáng tác của ông thành phong cách riêng và mang đậm dấu ấn Hoàng Thế Sinh.

Hoàng Thế Sinh đã từng trải qua thời bao cấp, cái thời đầy khó khăn khổ cực. Càng trong khổ cực, thiếu thốn, con người càng được tôi luyện về nhân cách và bản lĩnh. Phẩm chất đầu tiên là họ bất bình trước những thói hư tật xấu của xã hội, cao hơn nữa là họ sẵn sàng đấu tranh để bài trừ chúng cho dù có thất bại. Lên tiếng chống cái hư, tật xấu cái ác độc của đời sống thế sự là cảm hứng lớn của văn học Việt Nam nói chung, trong đó có Hoàng Thế Sinh. Điều đó thể hiện trong phần lớn tiểu thuyết của ông như: Bụi hồ, Rừng thiêng, Thuốc phiện và lửa; và các truyện ngắn như: Người nông dân nhỏ bé, Đảo chanh đào, Chim gâu đôi

 Trong tác phẩm của ông, những nhân vật tử tế thường hay bị vùi dập, oan khuất, hay phải chịu thiệt thòi, còn những kẻ không ra gì thì đắc thắng, trâng tráo, mặc sức tác oai tác quái. Cái nhìn của nhà văn rất sòng phẳng. Có thể những người tử tế chưa chắc đã được cuộc đời đền bù, song dứt khoát những kẻ khốn nạn thể nào cũng bị quả báo. Có lẽ dưới ngòi bút của ông những người có dũng khí luôn được đề cao, tôn vinh nên nhân vật của ông được xây dựng và ứng xử theo tinh thần triết lý dân gian “ác giả, ác báo”. Trong bài “Ở xứ mưa có Hoàng Thế Sinh”, Văn Giá đã viết: “Tôi vẫn cứ nghĩ, tất cả các tác phẩm mà Hoàng Thế Sinh viết ra, cả trong văn xuôi lẫn thơ, cả trong truyện ngắn lẫn tiểu thuyết, cả ký và truyện cười... đều hiện lên một cái nhìn nhất quán về cuộc đời: sự phân minh của đạo lý và công lý trong tư thế làm người. Chính vì thế mà thế giới nhân vật của anh bao giờ cũng được nhìn nhận và mô tả theo cái nhìn phân tuyến: một bên là những người tử tế, còn bên kia là những kẻ đểu cáng bất lương”. Đó là những kẻ bất tài, thiếu nhân cách nhưng biết lợi dụng, luồn lách, nịnh bợ lại có “ô dù” to để dựa dẫm nên đã nhanh chóng thăng tiến. Nhân vật Tam trong Xứ mưa điển hình cho loại người cơ hội này. Được thăng lên chức phó hiệu trưởng vì “hắn có người nhà làm cán bộ có vai vế ở sở Giáo dục, ở tổ chức chính quyền tỉnh và hắn cũng lắm mánh lới”, từ đó hắn trở nên mưu mô, nham hiểm, nịnh trên nạt dưới, gây nên biết bao đau khổ cho người khác... Hay một số cán bộ là những kẻ quan liêu, xa dân, chỉ đứng từ xa để chỉ đạo, ngoài mặt ra vẻ lo cho cuộc sống của nhân dân nhưng thực chất bên trong là lợi dụng để hút máu của dân (Luật rừng, Chuyện quanh núi chúa).

Cái nhìn về đời sống của Hoàng Thế Sinh bao giờ cũng dứt khoát, phân tuyến rạch ròi theo tinh thần “ác giả, ác báo”. Đúng như tên một truyện ngắn của anh: Luật của rừng, trong đó có nhân vật thằng Lường lợn lòi sống độc ác, táng tận lương tâm, phá rừng, đánh người quản rừng cuối cùng bị gấu rừng vả vào mặt suýt chết. Nhân vật thằng Liêng trong Rừng thiêng cũng thế, cả đời chuyên làm những điều độc ác, cuối cùng bị lũ cuốn suýt toi mạng... Nhân vật Hoàng trong Bụi hồ vốn là anh bộ đội đặc công, vì có nhân cách và lòng tự trọng mà đã truy lùng Si Ngoác - kẻ đã giết chết vợ anh, khởi đầu cho tấn bi kịch cuộc đời. Anh bị kết án với tội danh bức tử người khác, phải chịu bảy năm tù giam. Sắp đến ngày được tự do, anh đã đánh tên quản ngục vì bị hắn xúc phạm gọi anh là đồ “súc vật”. Sau đó trốn tù không ra đầu thú, anh lang lang sống chui lủi phiêu bạt khắp nơi. Bị dồn vào chân tường, anh ra nhập vào thế giới Bụi hồ, sống ngoài vòng pháp luật.

Trong sáng tác của Hoàng Thế Sinh, ngoài những vấn đề mang tính chất xã hội, tác phẩm của ông còn đi vào khía cạnh đời tư của con người, đề cao con người, đề cao ý thức cá nhân, quan tâm đến số phận cá nhân với quyền làm người, quyền được tự do, hạnh phúc. Điều đó thể hiện ý nghĩa nhân văn trong sáng tác của ông. Nhà văn để cho nhân vật của mình tự đi tìm hạnh phúc bằng những hành động mạnh mẽ, quyết liệt, dù vấp phải khó khăn nhưng họ vẫn kiên trì vượt lên. Như Noọng Sim trong Rừng thiêng là con gái của thầy lang chữa bệnh giỏi và có uy tín đối với dân bản. Sim thích Đam nhưng từ ngày Đam đi bộ đội, ở nhà Liêng cũng rất thích Sim và muốn lấy Sim làm vợ. Bỏ mặc nỗi sợ từ những lời đồn đại rằng Đam là con của khỉ vàng núi Đán Khao, vượt qua những lời dọa dẫm, những trò ma mãnh, những mưu mô, quỷ kế của Liêng, cuối cùng Sim được hạnh phúc bên Đam.

Bên cạnh việc đề cao sự thức tỉnh ý thức cá nhân, sáng tác của Hoàng Thế Sinh còn thắp lên ngọn lửa sống mãnh liệt của những số phận cá nhân nhỏ bé bị chà đạp. Họ khao khát tìm lại quyền làm người, quyền tự do và hạnh phúc. Trong Bụi hồ, Hoàng là một người liều lĩnh nhưng ham sống, ham yêu. Hoàng và Vân là hai con người có số phận bất hạnh, một người phải sống chốn chui chốn lủi, một người thì cô đơn yếu thế bị đẩy ra đảo hoang. Hai người gặp nhau, họ chia sẻ và cam thông với nhau bằng tình yêu, tình người. Dù gặp bao trắc trở nhưng Hoàng vẫn khẳng định chắc chắn rằng: “Nhưng ngày mai, bên cạnh tình yêu anh còn có danh dự của một người đàn ông. Có thể chúng ta phải chịu nhiều đau đớn, tủi nhục nữa nhưng chúng ta sẽ thức tỉnh được một điều gì đấy về lương tâm, giá trị con người. Còn trên đời này, anh không cho phép bất cứ ai sỉ nhục chúng ta”.

Hoàng Thế Sinh là người miền xuôi, nhưng ông đã sống và gắn bó với mảnh đất vùng cao Yên Bái gần trọn cuộc đời. Bởi vậy, thế giới thiên nhiên của núi rừng bí ẩn, hoang dã với vẻ đẹp lãng mạn luôn là một đề tài khơi gợi cảm hứng sáng tác của ông. Đó là cả một thế giớ ghê rợn của ma quỷ và các loài mãnh thú, một thế giớ tối tăm mà trong đó con người thật bé nhỏ. Nơi đây đã thừng diễn ra những cuộc xung đột giữa con người với con người để tranh giành sự sống, là nơi chứa đầy hiểm họa không lường trước được... Đó còn là vẻ đẹp của đảo Mõm Sói, một trong hơn một ngàn hòn đảo nổi trên hồ Thác Bà trong Bụi hồ. Cảnh sắc thiên nhiên ở đây thật nên thơ và biến hóa vào lúc hoàng hôn “Chiều xuống, mặt hồ màu ngọc bích giống như một chiếc gương thần kỳ chợt đổi màu trong hoàng hôn phớt tím”. Còn buổi sáng mùa thu đảo được miêu tả với một vẻ đẹp huyền ảo ‘Sương mù giăng trắng, biến các hoang đảo thành như những tảng băng lớn ở vùng bắc cực, trôi dập dềnh. Mặt trời chẳng khác gì trái cam hong hanh vàng trôi giữa không gian mông lung…”.

Trong văn xuôi Hoàng Thế Sinh, thiên nhiên và con người còn có mối quan hệ hòa hợp với nhau. Con người dựa vào thiên nhiên để sinh sống, lao động, tồn tại. Thiên nhiên với con người như người bạn thân thiết, con người khao khát sống giao cảm với thiên nhiên. Đặc biệt thiên nhiên dưới ngòi bút của Hoàng Thế Sinh thường được miêu tả gắn liền với những biến cố của cuộc đời nhân vật chính. Đối với nhân vật Hoàng trong Bụi hồ, mỗi khi cảm thấy mệt mỏi, lo âu hay những lúc cần sự yên tĩnh để suy nghĩ anh lại đi lang thang dọc các dòng suối, thả hồn mình vào phong cảnh thiên nhiên đẹp đẽ. Hay nhân vật Sa trong Sao tổn khuổng, cô coi thiên nhiên như một người mẹ nuôi dưỡng bao thế hệ vùng cao bằng những gì ngọt lành nhất… Đôi khi con người như trải lòng với thiên nhiên như với Mỷ Châu, bến nước Pàng Chùa vừa như một người bạn tâm tình, vừa như chứng nhân chúng kiến niềm vui cũng như sự đau buồn trong cuộc đời của cô (Thuốc phiện và lửa).

Thiên nhiên đẹp là thế, đa dạng và phong phú là thế nhưng vì lợi ích cá nhân mà con người sẵn sàng tàn phá thiên nhiên, khai thác gỗ bừa bãi, săn bắn muông thú không thương tiếc đẫn đến hệ lụy. Đây cũng là niềm trăn trở trong sáng tác của Hoàng Thế Sinh. Ông miêu tả nhiều đối tượng tàn phá thiên nhiên như bọn lâm tặc, chính quyền địa phương với những quan điểm chủ trương sai trái… và rồi bị quả báo. Hệ quả là cuộc sống của người dân phải đối mặt với những cơn lũ đa dữ dội suốt cả chục ngày không ngớt trong: “Mưa càng ngày càng to, gió thổi ù ù qua các thung lũng như thổi vào hang đá, nghe rợn người… Gió và sấm tung ra mù trời, vò xé, vặn gẫy, quật đổ không biết bao nhiêu là cây rừng” (Rừng thiêng). Trong Thuốc phiện, lửa “lúc đầu dân bản tưởng mưa bão, mưa đá vội chạy tụt vào trong nhà. Mãi bình tĩnh nhìn ra, mọi người hốt hoảng vì không thấy đá mà thấy toàn chim là chim”. Chuyện kỳ lạ khủng khiếp này chưa từng thấy ở vùng núi Xu Phin, núi Lũng Cung, núi Pú Song Sung, sự việc khiến cho mọi người lo sợ và phần nào nhận ra rằng “đến lúc trời trừng phạt con người”, “trời đất đổi tính nết rồi”.

Trong sáng tác của Hoàng Thế Sinh, các nhân vật được miêu tả chi tiết, cụ thể về ngoại hình, nhất là những người phụ nữ. Mỗi nhân vật được khắc họa với một vẻ đẹp khác nhau nhưng vẫn mang đậm đặc trưng của người phụ nữ vùng cao. Thông qua miêu tả ngoại hình phần nào làm nổi bật lên tính cách và số phận của nhân vật. Mỷ Châu trong Thuốc phiện và lửa được miêu tả “Xinh đẹp như tiên nữ trong cổ tích. Mỷ Châu cao dong dỏng. Nước da nâu. Gương mặt trái xoan tươi sáng. Mũi thẳng. Môi trái đào hơi dày và ướt. Mắt đen thẳm hút hồn...”. Hay bằng sự tưởng tượng cùng với việc sử dụng bút pháp ước lệ, tượng trưng của truyện cổ dân gian và văn học trung đại, tác giả đã phác họa chân dung nhân vật thật đẹp - một vẻ đẹp rất riêng của núi rừng Tây Bắc: “Cô bước đi uyển chuyển, mềm mại như ngọn gió thổi qua rừng cây trúc. Giọng nói của cô trong như tiếng suối mây chảy mùa thu. Người trong bản còn bảo, cô đẹp đến nỗi khi lên nương thì cây cỏ ngả xuống nâng bước chân. Cô ra vườn thì bướm bay theo từng đàn. Cô lội xuống suối thì cá bơi lượn quanh chân. Cô vào rừng thì hoa rừng nở thơm ngát và chim sơn ca thi nhau hót cho cô nghe”.

Chất trữ tình được xuất hiện từ sự hòa quyện giữa cảm xúc, tâm trạng, tình cảm của nhân vật, tạo nên giá trị thẩm mỹ và nhân văn trong sáng tác của Hoàng Thế Sinh. Ông đã đưa vào tác phẩm của mình những bài thơ dài. Ở tiểu thuyết Xứ mưa có rất nhiều bài thơ, đoạn thơ do chính các nhân vật tự sáng tác. Hay có những lúc Hoàng mơ màng trước cảnh vật với tâm trạng lâng lâng trong một buổi sớm mai qua những lời văn giàu chất trữ tình: “Ô kìa! Hoa ngô và hoa keo phết rịm màu vàng nâu tận chân nhà sàn. Gió vờn mây. Mây vờn núi. Sương như tuyết bay trắng mờ thung lũng. Nắng mai vàng hừng lên hòa quyện vào màn sương khiến cho không gian trở nên huyền ảo”.

Hoàng Thế Sinh là một trong những cây bút vạm vỡ của nền văn xuôi Yên Bái, mang ý thức dấn thân mạnh mẽ, thể hiện trách nhiệm cao đối với con người và đất nước. Sáng tác của ông đã đạt được nhiều giải thưởng cấp Trung ương, khu vực Đông Nam Á và địa phương. Ông thực sự là nhà văn giàu tâm huyết và tài năng trong không gian văn học Yên Bái nói riêng và nền văn học Việt Nam hiện đại nói chung.

 

H.B.N

 

 

 

Các tin khác:

1-5 of 68<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter