HỒN QUÊ TRONG TẢN VĂN HÀ NGỌC

THẾ QUYNH

Đã lâu văn chương Yên Bái mới thấy xuất hiện tập tản văn của cây bút trẻ: Nguyễn Thị Thu Hương (Bút danh Hà Ngọc). Hai mươi tám đoản văn, hồn quê cứ cất lên theo lời “Dế gọi mùa yêu” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn- năm 2020).

Tự ví “Tôi chỉ là con dế mèn bé nhỏ, kiễng chân trong chiếc tổ nhỏ ở thảm cỏ ven hồ, cri cri… cất lên lời tình tự, lặng lẽ yêu thương muôn loài”, Hà Ngọc bộc lộ cảm xúc của mình về bao nhiêu chuyện: Nào là vợ chồng nhà Cạp dẫu đôi khi bất đồng trong cuộc sống mà vẫn thương yêu nhau; chuyện về một phụ nữ nghèo người dân tộc thiểu số nơi bệnh viện được an ủi bằng sự cảm thông cùng lời “nói dối tế nhị”; chuyện con chó Bông Manly thân thiện mà dũng cảm; cơn bão trong ký ức lúc đưa ngoại đi bệnh viện Hà Nội; tâm sự với người thương khi đường chia đôi ngả… Nhiều và sâu sắc vẫn là hình ảnh thôn quê nơi lưu giữ bao kỉ niệm êm đềm về tuổi thơ và những người thân quen “Tôi cứ dìu dặt câu Then, men bờ sông Chảy, nhấm nháp cảm giác chộn rộn, đau đáu, nao nao, trở về vùng đông Hồ Thác. Nơi ấy, có những rưng rưng hoài niệm của bao đoản khúc thuở thiếu thời” (Những chiếc bánh chưng gói cả mùa xuân). Vốn nằm trên đất Yên Bình huyền thoại, Hồ Thác Bà, nguồn dự trữ thủy năng của Nhà máy thủy điện Thác Bà- đứa con đầu lòng của thủy điện Việt Nam có trên 1200 hòn đảo lớn nhỏ được ví như Hạ Long thu nhỏ. Nơi đây có Động Thủy Tiên, có Núi Cao Biền với mặt nước yên bình như tự thuở hồng hoang “Nhìn những đàn cò cứ thản nhiên bay, đậu, không màng tới sự có mặt của con người, nghe tiếng cá quẫy lóc bóc, ngửa mặt nhìn những tổ chim san sát trên đầu, bất giác tôi thấy mình biến thành cậu bé An trong Đất rừng Phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi” (Hương tràm Tây Bắc). Tuổi thơ của cô gái xa quê đi học, làm nhiều nghề kiếm sống và nay đang là tiếp viên của Hãng hàng không Bam Boo Airways gắn bó máu thịt cùng Hồ, cùng dòng sông Chảy. Nào là Thác Bà, Thác Ông và rừng lim “ngày ngày rì rào khúc tráng ca của đại ngàn xanh thắm”; nhất là Bãi Giữa “thản nhiên ghềnh đá, thản nhiên bờ cát, dạo ấy là thiên đường, là nơi trú ngụ của cơ man cò vạc, đa đa và bườm bượp cá tôm”. Bãi Giữa cũng là nơi vui chơi và khám phá thiên nhiên của lũ trẻ “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”. Nhưng rồi tác động con người cũng làm biến dạng tự nhiên để lại trong tâm trí đứa con xa quê sự nuối tiếc “Mỗi lần trở về, lặng lòng nhìn, thấy Bãi Giữa sau kỳ xả lũ chỉ còn nhỏ tí, loe hoe cây cối, thấy vạt cát xưa bị người ta khai thác gần hết, nhìn dòng sông đang cố kiết bền bỉ đắp bồi bù lại, không sao nén nổi những rưng rưng” (Bãi Giữa, rưng rưng miền nhớ). Người Việt Nam khi ly hương thường hay nhắc đến “cây đa, bến nước, sân đình”. Cái hồn Việt ấy dường như cũng đang chảy trong huyết quản Hà Ngọc để nhớ về một cây đa Bảo vừa bị bão giật ngã “Nghe người lớn nói ngay từ khi còn nhỏ họ đã thấy nó to như bây giờ rồi. Bao năm nay nó vẫn thế, vẫn đường hoàng đứng cạnh dòng những cánh tay vạm vỡ về nhiều phía như muốn ôm trọn mảnh đất này vào lòng” (Cây đa Bảo). Rồi cây Tếch kiên cường trong lũ dữ cũng vời vợi theo nỗi buồn của một kẻ tha hương trong hành trình tìm Phố “Dòng lũ lớn không bứt được nó ra khỏi lòng đất mẹ. Nó đã chết. Nhưng cho đến chết vẫn kiên cường bám trụ, không chịu chia lìa” (Tìm Phố). Thì ra cây đa Bảo, cây Tếch cũng chỉ là cái cớ, mượn sự vật mà gửi gắm nỗi niềm. Bởi vì quê hương là vị quê, là hương tràm, là hương hoa bưởi Đại Minh, loại cây đặc sản của vùng đất này theo mãi bước chân “Tôi đi như bao người xa quê khác, gói trong tim một nhành bưởi đương hoa” (Ngần trắng tháng Ba).

Đối với quê nội, quê ngoại cây bút trẻ này cũng có những kỉ niệm không kém phần sâu nặng. Đó là một Âu Lâu quê nội bên bờ sông Hồng ngầu ngầu sắc đỏ, lớp phù sa mầu mỡ nuôi lớn bao nhiêu đậu đỗ lạc vừng, bao ngô khoai bầu bí. Nhất là Ngòi Lâu nổi tiếng bởi câu “cá ngòi Lâu sủi đâu ăn đấy”, vào mùa nước ói cá tôm nườm nượp ngược dòng cũng là vụ thu hoạch thủy sản để làm nên món cá thính, cá sấy nổi tiếng. Và “Cha tôi cũng nhờ những thứ chân quê ấy mà lớn lên bên con Ngòi Lâu, mà chọi trâu chọi dế, mà vượt lũ vượt ghềnh, vớt củi, thả bè, kéo tôm đánh cá, mà đến với mẹ tôi”. Rồi mẹ khi về làm dâu nơi đây sớm trở thành người quê mà đồng hành cùng lớp người tham gia giữ gìn bản sắc “Cô con gái nhà công (công nhân) cũng từ ấy biết cấy, biết gặt, biết bó cọ gánh về, khéo léo chọc và đưa cọ bằng sào khi đảo mái nhà, trổ tài nấu bát canh “cá Ngòi Lâu sủi đâu ăn đấy”, để rồi sau này truyền những thứ ấy lại cho tôi, dạy chúng tôi mình cũng được sinh ra từ gốc rạ, mà thêm yêu cây lúa, mà thêm trọng nghề nông”. Với Ngoại, hình ảnh người phụ nữ chân quê nơi đồng chiêm trũng như khắc, như tạc vào ký ức đứa cháu để bây giờ thành một hình tượng trong văn chương thật khó phai nhòa “Và hầu như hôm nào cũng vậy, hòa vào chiều xẩm, theo chân những bó đóm rực hồng, những chiếc thúng còn tòng tong nước cá sẽ lại nối đuôi nhau nghễu nghện trên đầu. Ngoại nó sẽ lại hãnh diện trổ cái tài “Đại đội- đội to- đội nhiều” của người Hà Nam, đội những chàng măng dài thượt, những ả trôi trắng lẳn mình, những lão ngạnh râu dài đầu bẹp kia xuống làng đổi gạo, đổi muối, đổi dầu thắp đem về” (Miền xưa quê ngoại). Ngoại là bà, là người truyền lửa yêu quê bằng tất cả tình thương và trách nhiệm; là người thường mà cũng là nhân vật cổ tích dẫn dụ lớp cháu con gắn bó với những gì gần gũi thân thương đã làm nên truyền thống của nước, của làng “Chẳng biết tự khi nào mà Ngoại đã chuyển hết hoặc gần hết cho tôi những ký ức về quê hương Hà Nam Ninh của Ngoại. Cũng chẳng biết tự khi nào mà tôi biết tự hào về dòng Châu Giang, bến Đò Quan, trạm bơm Hữu Bị, biết yêu màu đỏ thĩm của chùm doi chín kỹ, thích vị bùi bùi của củ ấu, nhận ra vẻ đẹp bình dị của mẫu đơn (một loài hoa mà gần như nhà nào ở Hà Nam cũng trồng) và hơn cả, biết thiết tha yêu tiếng khoát nước dưới cầu ao lũm bũm” (Những viên gạch của làng Vũ Đại).

Yêu quê nhiều khi đã trở thành nỗi khát thèm, để có thể gặp bóng quê ở bất kỳ đâu nơi lòng Hà Nội: gian phòng nhỏ, bộ salon nan, chiếc bàn và tủ kính nhỏ với bát bún riêu cua gợi nhớ bát canh cua rau đay trưa hè quê quen thấy. Thế nên “thèm quê” giúp cô gái tìm lại “cái ngọt ngào của vị đắng” qua các loại rau dại nơi vùng đồi như rau má, tầm bóp, tàu bay, rau dớn, rau sam, chua me đất, cải rừng… Còn là “vị đòng lau”, “khoai của Dế”… tất cả đều được kể, tả kỹ càng bằng mọi giác quan như một chuyên gia ẩm thực. Cái món quê Hà Ngọc khiến nhiều người xa quê lúc nghĩ đến không khỏi ứa nước miếng lại là món cá thính Ngòi Lâu, thương hiệu cá kho làng Vũ Đại và món cháo hến Bãi Giữa dân dã mà mỗi khi kể hay xem ảnh thì “lần nào cũng vậy, dư vị cháo hến còn đọng mãi trên môi, trong mắt”. Nặng tình quê cũng là nặng lòng với người quê. Lúc nhỏ là bạn cắt cỏ, chăn trâu, bắt cua, bắt hến, trèo ổi, bẻ đòng lau. Lớn lên tung cánh bay xa lại nhớ “Bố Xê búc”, “Cất từng giọt mồ hôi mỗi ngày mẹ đổ” với lời răn dạy “Đường dài, ngựa hay cũng có lúc chồn chân mỏi gối, con hãy nhớ gia đình luôn là điểm tựa nâng bước chân con”. Điểm tựa gia đình, điểm tựa quê hương đã giúp cho “Dế nhỏ đã rời xa thảm cỏ cố hương, gom góp yêu thương, đong đầy lòng kiên định, để “kiễng chân chào bầu trời” như thế. Từ ấy, lời tình tự cri… cri cất lên giữa muôn loài, cứ theo mãi hành trang vững vàng cho Những Ngày Trong Phố”.

Đọc tập tản văn, tôi chợt nhớ bài thơ “Tháng Tư em” trong tập thơ “Những bông dành dành đất’ của chính Hà Ngọc: Về với em/ ta chỉ cần kín áo, no cơm/ Sống phận cỏ, hòa mình vào mạch đất/ Trăm năm vô ưu/ Ươm mầm cỏ mật/ Đời thường dân ngút mắt chân trời”. Phải chăng nặng tình quê khiến cho cô gái trẻ có những câu thơ già dặn đến vậy? Cũng phải chăng giữa tản văn với thơ có sự liên hệ mật thiết, bổ sung và hỗ trợ nhau để tâm hồn người viết bay cao, chạm vào chốn sâu thẳm con tim người đọc. Theo cố nhà thơ Y Phương, người có một số tập tản văn hay và luôn coi tản văn là chiếu nghỉ lúc làm thơ Nhưng tôi lén coi tản văn với thơ như hai anh em con dì con già. Viết tản văn phải có chất thơ. Nghĩa là nó biêng biêng trên nền tảng hiện thực. Nó bám hiện thực nhưng rồi đến khi có đà nó bay lên trên hiện thực”. Không bí hiểm nhiều tầng nhiều lớp như thơ, không phải bóc tách luận giải như trong tiểu thuyết, tản văn là loại văn xuôi ngắn gọn, hàm súc. Lối thể hiện đời sống của tản văn mang tính chất chấm phá, không nhất thiết đòi hỏi có cốt truyện phức tạp, nhân vật hoàn chỉnh nhưng có cấu tứ độc đáo, có giọng điệu, phong cách cá nhân. Điều cốt yếu là tản văn tái hiện được nét chính của các hiện tượng giàu ý nghĩa xã hội, bộc lộ trực tiếp tình cảm, ý nghĩa mang đậm bản sắc cá tính của tác giả. Chính vì vậy tản văn dễ thích ứng với lối tư duy nhanh của đời sống thời hiện đại. Viết tản văn, Hà Ngọc đã có sự giãi bày từ những gì mà mình cảm nhận, mục sở thị. Đó là nỗi niềm xa quê sau những ngày xuân đoàn tụ gia đình Và mai, những đứa con quê tôi, sau những ngày nấn ná hội làng sẽ lên xe tỏa về các ngả. Họ đi học, đi làm, đi công tác, đi sinh sống xa, mang theo niềm quê canh cánh” (Tiết xuân đằm thắm vị quê); là sự rung động từ vẻ đẹp bình dị chân quê của một chiều xứ núi “Khói bắt đầu nở ra từ bếp chiều, bò lên mái sàn, lẩn vào tán cọ, quẩn vào khí núi. Khói gọi những chiếc mõ trâu, những đàn dê, những đứa mải khăng, mải nhởn, mải đáo, mải quay… mau mau men mùi cơm mới mà về” (Quanh co chiều). Có khi từ chính nghị lực bản thân qua nỗi niềm của cô gái giàu lòng vị tha khi đứng trước chia li “Trong sâu thẳm lòng mình em hiểu, sẽ khó tìm thấy ai hòa hợp với em như anh, làm động lòng em như anh và làm em hạnh phúc nhiều bằng anh. Những nghĩ suy của chúng ta dường như cùng tần số, niềm vui chia cho nhau dù nhỏ cũng đủ làm cả hai hạnh phúc đến vô cùng” (Mùa trôi trên ngón tay em). Đọc Hà Ngọc, ta bắt gặp giọng văn nhẹ nhàng mà lắng đọng, mỗi dòng là mỗi mảng màu ký ức về tình quê, tình bạn, gia đình và cuộc sống. Không chỉ giàu chất thơ, một số đoản văn hấp dẫn bởi sự hồn nhiên trong lối kể. Và với tôi, thứ lời ăn tiếng nói nhà quê có chọn lọc song hành cùng ngôn ngữ thời hiện đại đang dần làm nên nét riêng của tác giả. Mong rằng “Dế gọi mùa yêu” tiếp tục cri cri… cất lên lời tình tự, yêu thương muôn loài và theo mãi hành trang vững vàng cho những ngày tiếp nối.

T.Q

Các tin khác:

1-5 of 68<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter