Hình tượng rồng trong văn hoá Việt

ĐỖ NGỌC DŨNG

 

           Hình tượng rồng từ lâu đã là biểu tượng gần gũi với người Việt Nam nói riêng và văn hóa phương Đông nói chung. Là biểu tượng thiêng liêng gắn với nguồn gốc “Con Rồng, cháu Tiên” của người Việt. Là con vật trong 12 con giáp được coi là huyền bí, đại diện cho quyền lực, sự may mắn, thịnh vượng, sự thăng tiến, là tín hiệu tốt lành cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Năm Thìn là năm được người Việt quan niệm, mang lại những điều tốt lành, thịnh vượng cho mỗi cá nhân, tập thể, mang lại sức mạnh, luồng sinh khí mới cho đất nước. Người đời cho rằng những người sinh ra trong năm Thìn luôn gặp may mắn trong đời và có sự thăng tiến, thành đạt hơn nhiều năm khác. Vì thế con rồng luôn có vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt.

Nguồn gốc của rồng

            Rồng còn được gọi là Long, loài vật đặc biệt được biết đến cả trong văn hóa phương Đông và phương Tây. Với phương Đông, nó là con vật mang thân hình của rắn, vảy cá, bờm sư tử, sừng hươu, biết bay mà không có cánh, mang trong mình sức mạnh thiên nhiên, đại diện cho 4 nguyên tố tạo nên vũ trụ: Nước, lửa, đất, gió biểu tượng cho sự cát tường. Trong văn hóa phương Tây, rồng được biểu đạt như một con thằn lằn khổng lồ, có cánh và phun ra lửa, là biểu tượng cho sự hung dữ (cái ác). Trái lại văn hóa phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, rồng được coi là linh vật mang sức mạnh siêu nhân, nằm trong bát bộ Thiên Long (Long, Lân, Quy, Phượng) đem lại sự may mắn (cái thiện). Người Việt xưa coi mình là “Con Rồng, cháu Tiên” xuất phát từ truyền thuyết Lạc Long Quân- Âu Cơ, sinh ra bọc trăm trứng, nở ra trăm con, 50 người theo cha xuống biển, 50 người theo mẹ lên rừng. Người con trưởng ở lại đất Phong Châu làm vua, lập nên nước Đại Việt, lấy niên hiệu Hùng Vương. Từ đó, người Việt càng tự hào về dòng giống Tiên- Rồng của mình.

            Theo các nhà nghiên cứu: “Rồng là con vật đặc thù chung cho tất cả các dân tộc Việt và chính từ đây nó đã lan tỏa đi vào văn hóa Trung Hoa”. Chính người Việt từ ngàn xưa ở khu vực sông Dương Tử đã biết trồng lúa nước, đánh cá, săn bắt… Điều đó là cơ sở để chứng minh rằng: “Hình tượng con rồng trong văn hóa Việt Nam và phương Nam, đã đi vào văn hóa Trung Quốc từ chiếc nôi Bách Việt lan truyền ra xung quanh”. Từ các tài liệu nghiên cứu và tìm hiểu thực tế qua họa tiết trang trí trống đồng, cung đình, hoàng bào… cũng như từ các đình, chùa cổ, đặc biệt trên Thạp đồng Đào Thịnh (Yên Bái)… Hình rồng khi đó còn đơn giản cũng được gọi là giao long. Như đã nói ở trên rồng hình thành trong trí tưởng tượng của con người từ sự kết hợp của đa loài: Rắn, cá sấu, cá ngựa, hổ, chó, chim, thuồng luồng, kỳ đà… Tứ chi của rồng cũng có nhiều loại như loại 5 móng, 4 móng, 3 móng; cũng có loại không chân. Rồng 5 móng được bài trí và sử dụng như biểu tượng của vua chúa, quan lại chỉ được phép dùng hình tượng rồng 4 móng, dân gian chỉ được sử dụng hình tượng rồng 3 móng trang trí kiến trúc hay nghệ thuật hội họa.

            Hình tượng rồng qua các thời kỳ

            Thời kỳ Hùng Vương, với đặc thù của dân lúa nước ở các ven sông qua các vật dụng trang trí, trừ các đồ đồng. Đặc biệt là trên trống đồng, hình tượng rồng – linh vật được xếp vào hàng bậc nhất đứng đầu trong tứ linh bát bộ, là con vật có thân dài, vẩy cá sấu còn được gọi là “Giao Long”.

            Đến thời Lý, hình tượng rồng được khắc họa rõ nét. Rồng thường có 4 chân, mỗi chân có 3 móng nhọn, đầu ngẩng cao, miệng há rộng với hàm răng nhỏ, có mào lửa, phía trước đầu có hoa văn hình chữ S, tượng trưng cho sức mạnh, quyền uy hô mưa, gọi sấm. Trong tổng thể hình dáng dài như rắn, đặc biệt thân mềm mại uốn cong nhiều vòng nhỏ dần về đuôi.

            Đến thời Trần, hình tượng rồng được mô tả thân tròn khỏe, mập dài, uốn lượn võng như yên ngựa, đuôi rồng có nhiều dạng, lúc thẳng nhọn, khi thì xoắn ốc, hình vẩy đa dạng, khi thì là những nét cong, khi là nửa hình tròn như bông hoa, nụ hoa… Đặc biệt phía đầu rồng có thêm chi tiết mới cặp sừng và đôi tai mang dáng vẻ uy nghi của vương triều thời kỳ trọng võ. (Thời kỳ đã từng ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông)

            Rồng thời Lê sơ (hậu Lê), hình tượng rồng được miêu tả hoàn toàn khác với thời Lý- Trần. Thân rồng ngắn, lượn hai khúc lớn, đầu to, mũi to, bờm lớn và không mào lửa, chân có 5 móng sắc nhọn quắp lại mang dáng vẻ dữ tợn.

            Đến thời Lê Trung Hưng chính là thời kỳ nở rộ của các kiến trúc đình, chùa. Vì thế hình tượng rồng được sử dụng với nhiều sáng tạo đa dạng, phong phú phụ thuộc vào yếu tố quan niệm vùng miền và chất liệu. Rồng thường được cách điệu cao, họa tiết cứng khỏe hơn, nổi bật là bộ râu bờm, mào lửa cùng duỗi thẳng sắc nhọn như đao mác. Đặc biệt phần đuôi rồng vẫn tồn tại hình đuôi cá, sự kế thừa của thời kỳ Lê sơ- Mạc.

            Đến thời Nguyễn, tiếp tục kế thừa hình tượng rồng thời trước đó nhưng thay đổi về tạo dáng điều này biểu đạt ở những công trình trang trí kiến trúc, nhất là các thềm bậc mà chúng ta thường gặp mỗi khi ghé thăm cung đình Huế, cũng như các lăng tẩm khác, độ uốn khúc chỉ vồng lên 2 khúc vừa phải nhỏ thấp dần về đuôi, phần đuôi rồng không còn xoắn ốc mà duỗi ra, trán rồng thường lõm vào và trượt về phía sau. Đặc biệt có những sợi lông sắc nhọn đâm tua tủa, chi tiết mang ảnh hưởng của rồng nhà Minh. Thân rồng cuộn hoa văn lửa hoặc mây, râu uốn sóng từ dưới mắt chìa ra, rồng được thể hiện trong nhiều tư thế ẩn hiện trong đám mây, hoặc lưỡng long triều nhật, lưỡng long chầu hoa cúc, lưỡng long chầu chữ thọ…

            Khi nhà Nguyễn kết thúc, sự phân tầng xã hội trong sử dụng hình tượng, mô típ rồng không còn tồn tại. Vì thế mọi người có quyền thể hiện rồng theo ý riêng với muôn hình vạn trạng như: vân long (rồng mây kết hợp), ứng long (rồng có cánh bay), quỳ long (rồng chầu), giao long(rồng hợp đôi)… Rồng có chân 5 ngón, 4 ngón hoặc 3 ngón hay rồng lượn, rồng cuốn, rồng- phụng… phụ thuộc vào suy nghĩ và đôi tay của người nghệ nhân, nghệ sĩ. Hình tượng rồng cũng không còn khắt khe trong tính chất tối thượng thiêng liêng vương quyền, mà thay vào đó là rồng được sử dụng rộng rãi trong dân gian, thể hiện qua các công trình kiến trúc, hội hoạ, chạm khắc trang trí nghệ thuật với ý nghĩa bình dị.

            Rồng trong tâm trí người Việt

            Người Việt tự hào là con Rồng, cháu Tiên từ truyền thuyết Lạc Long Quân- Âu Cơ. Vì vậy hình tượng rồng luôn có vị trí đặc biệt trong tư tưởng của người Việt, là hình tượng con giáp đặc biệt, được thể hiện ở nhiều góc độ nghệ thuật và chất liệu khác nhau, nhằm biểu đạt cho sức mạnh, ý chí và khát vọng vươn lên của cá nhân, dân tộc. Trong 12 con giáp, rồng đứng thứ 5, nhưng là loài vật duy nhất không tồn tại trong tự nhiên, nó là sự sáng tạo trong trí tưởng tượng của con người, về một con vật hội tụ những nét đặc trưng ưu điểm nhất của những con vật có thật (Thân rắn, vảy cá chép, đầu lạc đà, mũi và bờm sư tử, chân hổ, sừng hươu, móng vuốt đại bàng, đuôi gà trống…)

            Là con vật được xếp đứng đầu tứ linh, vì thế hình tượng rồng luôn được thể hiện ở tư thế uy nghi, mạnh mẽ trong chốn cung đình, biểu tượng cho bậc đế vương. Trong dân gian thì được coi là con vật linh thiêng, vẻ đẹp hoàn mỹ và sức mạnh phi thường. Nó được xuất hiện sớm trong đời sống người Việt cổ với tục săm hình rồng trên người để thị uy những loài thủy quái. Trong nghệ thuật trang trí rồng xuất hiện trên mọi chất liệu, với những hình thức biểu đạt và ý nghĩa khác nhau, phụ thuộc vào vị trí trang trí như trên bậc lối đi, trên bình phong, bia mộ, lăng tẩm. Nổi bật ở thời Lý- Trần là phù điêu đá trạm tháp tròn ở chùa Phật Tích, tháp Chương Sơn, các điêu khắc đá ở điện Lam Kinh Thanh Hóa, điện Kính Thiên trong Hoàng thành Thăng Long, bia đá Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Đặc biệt hình rồng có niên đại thế kỷ XII- XIII trên các cấu kiện đất nung ngôi chùa cổ đổ nát trên núi ông xã Xuân Áng- Hạ Hoà. Hoặc bức chạm thứ sáu có tên gọi vân long đại hội trong bảy bức chạm nổi tiếng của đình Hùng  Lô- Việt Trì (Phú Thọ) gồm rất nhiều rồng lớn, rồng bé như đang cuốn trong mây vần vũ như ước muốn về cuộc sống nhàn tản, phong lưu, một đất nước thái bình thịnh trị… Hay Lăng tẩm nhà Nguyễn được xem là những tác phẩm tiêu biểu nhất. Trên các chất liệu vàng, bạc, đồng… rồng cũng được thể hiện nhiều và ở nhiều tư thế như uốn cong, ngồi, nằm sấp, nằm ngửa… thể hiện trên các ấn báu, vật gia bảo quý hiếm của hoàng cung. Ngoài dân gian hình tượng rồng được thể hiện nhiều trên các đồ gốm sứ, theo lối vẽ dân gian đường nét kết hợp với mảng đậm nhạt, có hình mây lửa tạo sự lung linh huyền diệu cho rồng. Bên cạnh cách thể hiện bằng trạm khắc và bút vẽ thì nghệ thuật đắp vữa, gắn sành sứ tạo hình rồng cũng rất phổ biến trên nóc, mái các cung điện, đền đài… tiêu biểu như nóc và cổng chính điện Thái Hòa nhà Nguyễn, có thể nói dưới đôi tay tài hoa và óc tưởng tượng phong phú của người nghệ nhân, những hình rồng sống động như đang bay lượn trong bầu trời. Bên cạnh đó, trong trang trí dân gian, hình ảnh chạm trổ rồng trên gỗ trong hệ thống cột, kèo, hoành phi, câu đối, cửa tam bảo, cửa võng ở đình, chùa, đền miếu với những đường nét sắc sảo tinh vi và công phu, chỉ sau trang trí ở các cung điện. Tiêu biểu là hình chạm khắc trên gỗ ở chùa Keo- Thái Bình, trong đó có bộ cánh cửa chạm rồng được công nhận là bảo vật quốc gia. Hình tượng rồng trong trang trí vẫn tồn tại và phát triển cho đến ngày nay, như một nét văn hóa truyền thống của người Việt. Thông qua việc trùng tu, tôn tạo, xây mới các công trình kiến trúc lịch sử văn hóa. Hình ảnh mà ngày nay chúng ta thường bắt gặp khi thăm viếng các lăng tẩm, đình, chùa… Lấy hoa văn trang trí hình rồng làm chủ đạo, vừa đẹp về thẩm mỹ, vừa đạt được ý nghĩa và sự tôn nghiêm. Người Việt như có ý quy tụ nhóm tứ linh (long, lân, quy, phụng), thành một bộ linh ứng thống nhất trong các bố cục trang trí: “Tứ linh hội tụ”Dây lá hóa Long”.

            Với những đặc tính được tạo thành từ sự kết hợp giữa tự nhiên, do vậy rồng mang trong mình hết thảy các ưu thế vượt trội của mọi loài vật, rồng có sự mạnh mẽ phi thường, rồng được cho là biểu tượng của sức mạnh hùng tráng, uy lực trước mọi kẻ thù. Với tính năng siêu việt đó, rồng được tin là vật mang lại điềm lành, sự may mắn, thịnh vượng. Đồng thời là sự tin tưởng gửi gắm ước vọng của con người cầu cho mưa thuận, gió hòa, cầu phồn thực. Rồng xuất hiện là biểu tượng của chân, thiện, mỹ, nơi có thế rồng uốn được coi là long mạch, vượng khí, có mồ mả, nhà cửa tọa lạc trên những khu đất này sẽ được coi là đất tốt, giúp nhiều đời con cháu phồn thịnh, phát tài, phát lộc đế vương. Rồng còn đại diện cho tính dương, sức mạnh của người đàn ông, song cùng với rồng là phượng hoàng đại diện cho người phụ nữ, hình ảnh rồng- phượng được xem như cuộc sống hài hòa âm dương. Chính vì vậy, dân gian mới xuất hiện các mô típ. rồng hút nước biển Đông tưới vào đồng ruộng, cá chép vượt vũ môn hóa rồng, rồng bảo vệ dân lành trừng trị kẻ ác. Trong phong thủy chọn thế đất hợp (long mạch, long hổ hội) mượn tên gọi long- rồng để đặt trên đất (Thăng Long, Hạ Long, Cửu Long, Hải Long, Hàm Rồng…).

Trong ca dao tục ngữ, hình tượng rồng luôn được dùng để chuyển tải ý nghĩa cao quý, ví von có tác dụng tâm lý mạnh mẽ: “Một ngày tựa mạn thuyền rồng/ Còn hơn chín kiếp ở trong thuyền chài”; “Bao giờ cá chép hóa rồng/ Đền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa”; “Dẫu ngồi cửa sổ chạm rồng/ Trăm khôn, nghìn khéo không chồng cũng hư”; “Trứng rồng lại nở ra rồng/ Liu điu lại nở ra dòng liu điu”.

Hay để truyền tải thông điệp tình yêu: “Nhớ chàng như vợ nhớ chồng/ Như chim nhớ tổ, như rồng nhớ mây”; “Tình cờ anh gặp mình đây/ Như cá gặp nước, như mây gặp rồng”…

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, hình tượng rồng vẫn luôn gần gũi với con người, trước hết qua các đồ gỗ nội thất, đồ gia dụng trong gia đình, qua các vật phong thủy, đồ thờ cúng, đồ trang sức như: Nhẫn rồng, dây chuyền mặt rồng, thời trang có hình rồng trên các váy áo sang trọng… Trong nghệ thuật tạo hình, nhiều tác phẩm điêu khắc của các nhà điêu khắc thể hiện rồng rất công phu như chạm gỗ, hay gò đồng, thể hiện sức mạnh khí phách của rồng trong trời đất. Trong hội họa, rồng là một trong những con giáp được các họa sĩ vẽ khá nhiều, với những tìm tòi thể nghiệm mới lạ. Tiêu biểu là các họa sĩ như: Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Lê Trí Dũng, Đỗ Phấn và Thành Chương… Minh chứng qua các cuộc triển lãm mừng Đảng, mừng Xuân do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức mỗi dịp đón xuân mới. Chắc chắn triển lãm mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024 tới, sẽ có nhiều tác phẩm vẽ rồng đa dạng, phong phú với nhiều tìm tòi táo bạo của các hoạ sĩ ra mắt công chúng.

Người Việt luôn cho rằng khi mang theo hình ảnh con rồng bên người như đồ trang sức, thời trang có hình rồng, hoặc treo một bức tranh rồng trong nhà hướng ra cửa chính sẽ thu nạp được linh khí may mắn, xua đuổi được tà ma, mang lại vượng khí cho mọi người trong gia đình (trừ người tuổi Tuất). Khẳng định được giá trị bản thân, sức mạnh cá tính.

         Với các yếu tố trên, chúng ta có quyền hy vọng năm Giáp Thìn 2024 này sẽ là một năm nhiều may mắn, đầy niềm vui, hạnh phúc và những thành công vượt trội đến với mỗi người dân, gia đình cũng như toàn dân tộc Việt Nam; mang lại sức mạnh cường thịnh, vị thế cho đất nước trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.

 

Đ.N.D

 

Tranh vẽ rồng của danh hoạ Nguyễn Tư Nghiêm

 


 

Tranh rồng của hoạ sĩ Lê Trí Dũng

 

Tranh Nhị Thập Long Chủ của Hoạ sĩ Lê Trí Dũng

 

 

Rồng của Họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng

 


 

Các tin khác:

1-5 of 68<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter