Người lính trong trườngca “Miền quê thao thức”

 THẾ QUYNH

I.Mở đầu:

Trong sự nghiệp thơ ca của mình, nhà thơ Ngọc Bái đã dành tâm huyết cho một mảng quan trọng đó là trường ca. Với những tác phẩm “Vầng trăng và cánh rừng”, “Lời cất lên từ đất” và “Miền quê thao thức” ông đã phần nào thỏa tâm nguyện “về những người yêu nước là cảm quan lịch sử mang giá trị tinh thần nhân văn vươt qua thời gian. Viết về quê hương và những người vì quê hương mà chiến đấu hi sinh là cảm hứng anh hùng ca của đất nước một thời ly loạn. Đó là khúc bi tráng của một dân tộc. Quên điều đó sẽ là bất nhẫn.Trường ca “Lời cất lên từ đất” và trường ca “Miền quê thao thức” là lời tri ân với những con người đã sống chết vì sự yên lành của mảnh đất này. Trả món nợ tinh thần là điều thành tâm thiện chí đầy khó khăn, tôi cố gắng thực hiện điều đó”.

II.Nội dung:

Nằm trong xu thế chung viết về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại thời kỳ kháng chiến chống Mỹ,vốn là cảm hứng nổi bật của những trường ca sau năm 1975. Trong sự chiêm nghiệm lại cuộc chiến tranh, các tác giả trường ca ở thời kỳ nở rộ thể loại này đã tạc một cách chân thực hình tượng người chiến sỹ- một hình tượng đẹp với sự ngợi ca trân trọng.Người lính trong “Miền quê thao thức” của Ngọc Bái, bên cạnh cái chung còn mang dáng dấp riêng của con người và quê hương nhà thơ. Mở đầu, “Khúc đề tặng” ông viết: “dòng sông kia sẽ trôi rất xa rất xa/đám mây kia sẽ bay rất xa rất xa/ cánh chim qua có thể không trở lại/hạt phù sa qua rồi không trở lại/bao người đi không về/thời gian đi không về/nhưng bến nước Âu Lâu còn đó”.

Khúc một đến khúc sáu:

Sông Hồng và bến Âu Lâu vốn là địa danh lịch sử song cũng từng gắn bó với tuổi thơ ông, gắn bó với bao biến cố cuộc đời mà người dân nơi đây từng nếm trải. Dòng sông Hồng cứ miên man chảy theo dấu chân người lính, từ tuổi ấu thơ nhọc nhằn đến khi trưởng thành bước chân vào cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc. Dòng sông ấy đã chứng kiến sự ra đời của “một sinh linh bé nhỏ/khóc oa oa dưới mái tranh bạc phếch nắngmưa”. Cùng với sự lớn dậy, đứa bé đã đón nhận bao buồn vui của cuộc đời: nào là “cuộc mưu sinh gian nan truyền nối”; rồi quê hương “đón nắng tự do” trong Cách mạng mùa thu Tháng Tám. Nhưng cũng từ đây bắt đầu của sự ly biệt “rồi rừng xanh núi thẳm/cha vệ quốc quân/áo trấn thủ hun màu khói lửa/tháng ngày biền biệt/mẹ chở đò trong mong nhớ mờ sương”(Khúc hai: Đón nắng tự do). Dòng sông vẫn thao thiết chảy quên ngày quên tháng, cha thì “đi phương trời nào biền biệt”, mẹ tất bật nuôi con. Nhưng một biến cố lớn đã xảy ra “mẹ chết/chết tức tưởi không gặp mặt con/chết tức tưởi ngày con còn thơ bé”. Phút chốc đứa trẻ trở thành mồ côi mẹ, sống cùng ông bà “lớn lên như cây sậy cây măng/vui đùa sỏi cát”. Và chính đau thương, gian khổ đã biến nó trở thành đứa trẻ câm lặng“dường như không biết khóc”; rèn cho nó sức chịu đựng với sự thiếu thốn tình cảm “để cha còn đi đánh giặc” (Khúc ba: Sóng nước không nguôi). Rồi những ngày không bìnhyên là những ngày giặc đến. Nào bom đạn cày sới, người bị bắt, người bị giặc giết, trẻ em cũng nhuốm nỗi đau “tuổi thơ như dao khía/chưa biết vui chơi đã biết chạy giặc càn”. Cả quê hương đứng dậy chống giặc với khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết”. Đám cưới vội để “người đàn ông ra trận” và “người ở lại cùng du kích chống càn”; người ông tuổi già “ngồi như pho tượng không lời” trầm tĩnh vót “những mũi tên nhọn và thẳng” đồng thời đêm đêm “khoát mái dầm đưa trinh sát vượt sông”. Ở “khúc sáu: Những người vượt sông”, tác giả Ngọc Bái làm sống dậy cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm chống Pháp từ một bến sông “bộ đội dân công xe pháo nối nhau/gạo và đạn hành quân hối hả/nỗi chờ mong như than ủ lửa/sẽ bùng lên ở phía chiến trường”.Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến “chiến sĩ công binh/dầm mình trong buốt lạnh triền miên”; “đám trẻ trâu đi kiếm lá ngụy trang/các thiếu nữ xung phong lên tiếp đạn”… Rồi “Điện Biên toàn thắng” và “thương binh về làng/cha thành lính mới” lại học cày bừa, học be bờ tát nước, trồng ngô gieo mạ như “biết bao lóng ngóng buổi ban đầu”.

Từ khúc bảy: “Đồng quê”, khúc tám: “Vượt Trường Sơn”, khúc chín: “Khoảnh khắc mặt trận” đến khúc mười: “Chào nhé Trường Sơn”, tác giả dành cho bước chân người lính trong cuộc chống Mĩ cứu nước. Vẫn đứa bé ngày nào “Cậu bé giờ đã thành trai tráng/nước da nhuộm nhức sông Hồng/chân bùn lún đất ngoài đồng trong bãi/đã biết theo người cầy bừa cấy hái/trên cánh ruộng cha mới được chia”. Nhưng nước còn giặc còn đi đánh giặc, và “rồi một hôm cả đám trai làng ra lính/người tiễn đưa chật một bến phà”. Hình ảnh người lính bây giờ đã khác anh Vệ quốc đoàn năm xưa “mũ tai bèo/ba lô/dép lốp/lỉnh kỉnh súng đạn lương khô cuốc xẻng”. Vượt Trường Sơn “qua bao dốc bao đèo”, vượt qua cái đói và cả sự chết chóc “đói mắt trắng dã/đói đến nỗi có người toan tự sát/có người chết trên dốc đá tai mèo/có người chết bên dòng suối khát/có người chết vì ăn phải nấm độc”. Rồi sốt rét, đạn bom, nhất là phải vượt qua nỗi buồn nhớ hậu phương da diết.. Khúc chín: “Khoảnh khắc mặt trận” nhà thơ Ngọc Bái tập trung miêu tả khó khăn cũng như hi sinh mất mát của những ngày giữ chốt. Cuộc chiến đấu nơi này cũng là cuộc đối đầu lịch sử, không chỉ “khói đạn trùm khắp trận địa” khi “một tiểu đội đối mặt một tiểu đoàn” mà còn cả “cuộc chiến bằng ngọn lưỡi/không kém dữ dội/dai dẳng/như khoan như xoáy vào óc”. Thiếu nước uống, thiếu rau xanh, không chợp mắt nổi, hi sinh thì vô cùng “cùng một ngày chiến trường/tên người mất dài thêm mãi”. Rồi chiến thắng đã về ta, người chiến binh rời Trường Sơn hòa theo bước chân thần tốc “Đạp lên  đồn bốt chông gai/có đôi dép lốp thay quai mấy lần/phía trước thành phố rất gần/Trường Sơn chào nhé mấy lần biết ơn!”.

Tình đồng đội, nghĩa bạn bè làm tiền đề cho lòng biết ơn, sự tri ân những người đã khuất ở khúc mười một: “Ban mai tìm bạn”. Trước những hàng bia im lặng, nỗi xót xa muốn cất thành lời “Những người chết đã trở nên bất tử/đã đem máu xương thấm vào trang sử/của một thời đất nước lắm bi thương/sẽ mãi tươi xanh/cùng đất đai màu mỡ/dưới vầng mây vẫn thấp thoáng bóng hình”.Ở khúc mười hai: “Vĩ thanh”, người lính trở về với quê hương, với phù sa đồng bãi. Thay áo lính, sống đời thường, gặp lại bạn bè cùng bao thay đổi, giấc ngủ thời bình mà “cứ chập chờn/lay thức/ chẳng nguôi yên”. Bởi vì “chiến trang đã qua/ta được sống như thể người mắc nợ/chẳng bao giờ trả được/một chút hương hoa mong bạn về đông đủ/theo khói theo sương nhận mặt những con người”.

III.Nghệ thuât:

1.    Về kết cấu tác phẩm

Trường ca “Miền quê thao thức” được tác giả khởi viết tháng 9 và hoàn thành tháng 12 năm 2007. Tác phẩm là một câu chuyện dài 1372 câu với 12 chương và mỗi chương là một khúc ca kể về một đoạn đời – một giai đoạn của lịch sử quê hương. Hình thức có vẻ giống tiểu thuyết chương hồi nhưng hoàn toàn khác biệt, nó là bài ca với nhiều đoản khúc mang hơi hướng sử thi khá rõ. Nguồn cảm hứng từ truyền thống dân tộc và thời đại anh hùng đã tạo tiền đề cho tác giả viết nên nó mang tính chất anh hùng ca khá rõ.Chính cảm hứng anh hùng đó đã giúp cho những vần thơ bay lên, lay động  trái tim người đọc.

2.    Về ngôn ngữ nghệ thuật

Dù kết cấu tác phẩm theo kiểu chương hồi nhưng ta không bị câu thúc bởi cốt truyện mà lôi cuốn theo dòng cảm xúc trữ tình. Những dòng sông, con đò, quê hương, con người theo dấu chân người lính ở hai thời kỳ chống Pháp và chống Mĩ được kể theo dòng tâm tưởng với câu thơ xuống dòng không viết hoa đầu dòng, liền mạch thành một câu chuyện nối dài đã tạo dựng nên bức tranh hoành tráng về một dân tộc anh dũng, bất khuất “từ máu lửa, rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

Lôi cuốn và hấp dẫn còn bởi tác giả khéo léo lồng ngôn ngữ biểu cảm trong ngôn ngữ tự sự. Yêu cầu biểu hiện những đau thương tột độ, khát vọng lớn lao, niềm vui vô hạnđã khiến tác giả biến những lời kể thông thường thành trữ tình thông qua tình cảm, cảm xúc: ví như tình yêu ngày đất nước độc lập “cây đu bổng tự tình cùng trăng gió/nghiêng bên vai lất phất bóng mưa nhòa/ lất phất qua thời tuổi trẻ/bóng cây đu còn thổn thức người xa”; hayniềm vui giải phóng “chào nhé Trường Sơn giấc mơ về biển/biển đang reo đang hát/khúc đoàn viên dưới ánh mặt trời/ biển reo và biển hát/vỗ sóng niềm vui điệp khúc không nguôi”.

Thơ tự do song thành công của tác giả trong sự kết hợp này còn chính ở chỗ biết phát huy lợi thế câu thơ lục bát vốn dĩ hiệu quả để diễn tả tâm tình ở mỗi trường đoạn. Nó không chỉ là lời kết mà mở ra một khúc mới, một trạng huống mới của tình cảm. Đoạn suy ngẫm về đất đai và cái giá của sự hy sinh  là ví dụ đất này rộng lượng vô cùng/nhận vào lòng những lạnh lùng đớn đau/máu xương thì cũng một màu/nhưng máu xương ấy vò nhàu đất đai/dày thêm những vạt rồng gai/nở trên cát trắng không phai không nhòa”.

Sau 1975, khi chiến tranh đã qua đi, các nhà thơ bắt đầu có thời gian chiêm nghiệm về cuộc sống, về nhân tình thế thái. Những suy tư, bộc bạch, những câu hỏi được đặt ra trước muôn vàn vấn đề nan giải của đất nước không dễ giải đáp. Và những câu hỏi như là tự vấn được gọi là “phản tư”.Điều này đã được nhiều tác giả đưa vào văn học nói chung cũng như trường ca nói riêng. Ở nhà thơ Ngọc Bái, ta hay gặp trong thơ ông sự dằn vặt trước trái ngang của cuộc sống, của gánh nặng sự thật muốn nói mà chưa thể thành lời…Còn trường ca“Miền quê thao thức” lại là “chuyện đỏ đen mánh lới”, phân hóa giai tầng xã hội và nguy cơ hơn cả là sự phản bội của những kẻ lợi dụng xương máu đồng đội mưu cầu lợi ích cá nhân “Đất nước yên bình/còn điều gì đáng sợ/sợ những tên cơ hội/cùng thời chúng đã từng đào ngũ/chúng đã từng giả trá tranh công/đã có tên đầu hàng/chỉ sơ…”.

IV. Kết luận:

Viết trường ca “Miền quê thao thức” coi như Ngọc Bái phần nào trả được “món nợ tinh thần là điều thành tâm thiện chí đầy khó khăn” mà ông cố gắng thực hiện điều đó. Đãđi qua gần hết chặng đường đời, buồn vui từng trải, sứ mạng thơ ca tiếp sức cho thi sĩ cho ra đời những thi phẩm mới mang hơi thở thời đại. Và nén tâm nhang hôm nay mãi là khúc tri ân khói nhang khấn bạn giữa trời/mong sao hồn bạn ở nơi yên lành/thiêng liêng giữa bạt ngàn xanh/xin về gieo hạt cho thành mai sau/về cho lắng lại nỗi đau/vui buồn chia sẻ vì nhau trọn tình”.

Các tin khác:

1-5 of 92<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter