Từ những cuộc trao đổi chuyên môn

(Nhân gặp gỡ Trại sáng tác Văn học Trẻ Yên Bái 2023)

PGS.TS. Nhà NCPB VĂN GIÁ

 

Một số cây bút trẻ mới bước vào nghề viết thường băn khoăn nhiều về việc viết cái gì, tìm kiếm đề tài, chủ đề gì để viết? Băn khoăn này rất cần thiết. Bởi vì viết cái gì là hết sức quan trọng.   

Tôi thường hay nghe một số bạn trẻ nói là cần phải viết về cái tôi của chính mình, với một khát vọng được là mình, chứ không phải giống người khác, theo người khác... Điều này cũng có thể xem là đúng một phần. Khi viết, có lẽ cần bắt đầu từ cái cảm, cái nghĩ, từ những trải nghiệm vui buồn và khát vọng của chính mình. Nó cho phép những cái viết của mình sẽ chân thành hơn, sâu sắc hơn. Nếu ngay từ đầu đã vội viết về những cái ngoài mình, không phải của mình sẽ rất khó có khả năng sâu sắc và thành thực được. Nên bắt đầu đi từ chính cuộc sống của mình, sống sâu sắc với chính mình sẽ bắt gặp cộng đồng. Có thể viết về những câu chuyện trong ngôi nhà của mình, trong lớp học của mình, trong thế giới bạn bè, người thân của mình. Cũng có thể lắng nghe, nắm bắt và thể hiện thật sâu sắc, tinh tế những chuyển động nội tâm của chính mình: một nỗi nhớ, một âu lo, một tiếng reo vui, một quan sát thiên nhiên, ngoại cảnh… Điều này phải tập phát hiện, nắm bắt và miêu tả. Rất giống với bài học đầu đời của một họa sĩ trẻ: phải ngồi hàng giờ để nhìn ngắm và nhận biết cho được sự biến đổi màu sắc của một chiếc lá từ khi bình minh tới tận lúc ban trưa, hoặc màu của ngọn núi phía xa thay đổi theo bước đi của thời gian trong ngày… Chỉ có như thế, khi dụng công vẽ tranh, người họa sĩ mới thể hiện lên “toile” chính xác đường nét, hình khối, màu sắc của chúng được.

Tuy nhiên, cần nghĩ thêm một chút. Mỗi cái tôi cá nhân không bao giờ là một ốc đảo khép kín, mà bao giờ cũng cộng thông với nhân quần, với cuộc sống xung quanh. Chỉ cần một việc tăng giá xăng thôi cũng đã liên quan đến túi tiền của mỗi chúng ta, đến việc đi chợ và bữa ăn hàng ngày của mỗi chúng ta. Đặc biệt, những chính sách xã hội, những thiên tai địch họa… thường liên quan mật thiết tới sinh mệnh của mỗi cá nhân. Cho nên giữa cá nhân và xã hội bao giờ cũng trong mối quan hệ mật thiết, không thể tách rời. Một người viết văn nói riêng, làm nghệ thuật nói chung phải biết đặt mình vào trong cộng đồng, vừa biết cảm thông vừa thấy trách nhiệm của mình trong đó. Nếu ai dửng dưng trước một cánh rừng bị cháy, chắc chắn không thể làm văn chương nghệ thuật được. Văn chương nghệ thuật chân chính bao giờ cũng là tiếng nói cảm thông đối với cuộc đời, nó ngược lại với sự vô cảm, lạnh lẽo. Người nghệ sĩ chỉ nghĩ/viết về cái tôi không thôi sẽ trở nên nông cạn và ích kỷ. Song nếu họ chỉ viết về cái cộng đồng, cái tha nhân mà quên đi mối liên hệ sâu xa với cái tôi thì cũng lại dễ sa vào những chuyện “Đao to búa lớn”, “Đại ngôn tráng ngữ” viển vông.

Đề tài có mặt vô kể trong thực tại đời sống. Đề tài cũng có trong chính mỗi người cầm bút. Quan trọng nhất đối với người viết là tìm ra được những mối liên hệ giữa cái tôi cá nhân của mình và thực tại xã hội để cất lời. 

2. Đã đành là viết văn phải rất cần cảm xúc, ý tưởng, sự độc đáo. Nhưng tất cả những điều đó chỉ có ý nghĩa khi người viết có khả năng biểu đạt chúng ra thành hình tượng nghệ thuật, tạo nên một chỉnh thể tác phẩm sống động bằng nghệ thuật ngôn từ. Chính vì thế, người viết rất cần phải hiểu và làm chủ được các thủ pháp, các ngón nghề, các mẹo mực, y như người thợ kim hoàn vậy.

Trước nhất phải nắm được đặc trưng cơ bản nhất của mỗi thể loại. Trong cách hình dung phổ biến ngày hôm nay, người ta chia văn chương ra làm 2 loại lớn: văn chương hư cấu (fiction) và văn chương phi hư cấu (non-fiction). Những thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản sân khấu thuộc loại văn chương hư cấu. Các loại ký như ký sự, bút ký, phóng sự, hồi ký, nhật ký, tùy bút, tản văn chính là văn chương phi hư cấu. Cả hai loại này bình đẳng và có giá trị như nhau. Không nên cho rằng ký là kém hay thấp hơn tiểu thuyết. Tùy bút Nguyễn Tuân, bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường, hồi ký Tô Hoài không thua kém bất cứ tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ của chính các nhà văn đó và của các tác giả khác. Quan trọng nhất là cả hai loại văn chương này phải được viết hết sức bút, phải hay, có giá trị.

Mỗi người cầm bút phải nắm được một cách cơ bản nhất những đặc trưng và theo đó là sự khác nhau giữa hai loại văn chương này. Văn học hư cấu là văn học phản ánh/biểu đạt đời sống bằng hình tượng nghệ thuật, do nhà văn tưởng tượng mà thành thông qua nhân vật, bối cảnh xã hội và thiên nhiên, nội thất (không gian và thời gian mà nhân vật sống trong đó)… Ở văn học hư cấu, không nên đòi hỏi các nhà văn viết như thật, tức là viết giống với thực tế ngoài cuộc đời. Thế giới được miêu tả trong các tác phẩm hư cấu này chính là thế giới được kiến tạo của riêng nhà văn, không giống với bất cứ ai. Ngược lại, ở văn học phi hư cấu, nhà văn chỉ việc “ghi chép” có chọn lọc thực tiễn cuộc sống bên ngoài, có kết hợp với quan niệm, cảm xúc riêng của người viết; tiêu chuẩn của loại văn học này là phải phản ánh trung thành bức tranh đời sống, không được phép “tưởng tượng”, “bịa” ra. Gần đây, tác giả Phan Thúy Hà đã xuất bản hàng loạt các tác phẩm văn học phi hư cấu, ở dạng văn học tư liệu, ghi chép về những sự kiện to lớn đã từng xảy ra trong quá khứ: công cuộc cải cách ruộng đất, cuộc chiến tranh chống Mỹ (Đừng kể tên tôi, Tôi là con gái của cha tôi, Gia đình…). Cách làm của chị là đi tìm gặp các nhân chứng còn sống của các sự kiện đó để phỏng vấn, trò chuyện, ghi lại những thông tin, rồi dựng thành những câu chuyện về/của lịch sử. Các tác phẩm của chị chính là những mảnh ghép lịch sử nhỏ trong quá khứ của dân tộc, những “vi lịch sử” dễ bị bỏ quên.

            Sau khi đã nắm được một cách khái quát về hai loại văn học kể trên, cần tiến tới tìm hiểu đi sâu vào đặc trưng của mỗi thể loại. Đối với truyện ngắn, tiểu thuyết, phải nắm được các vấn đề trong cấu trúc thể loại như đề tài, kết cấu, nhân vật, nghệ thuật kể chuyện, chi tiết, giọng điệu, ngôn ngữ… Đối với thơ phải biết các dạng/ kiểu thơ, thể thơ, nhân vật trữ tình, mạch trữ tình, hình ảnh, chi tiết, ngôn ngữ… Nắm vững được các đặc trưng thể loại để không bị mắc những lỗi sơ đẳng, chưa sạch nước cản. Thí dụ, làm thơ lục bát mà thất vận là hỏng. Vần là khuôn mẫu kinh điển. Đến lượt mỗi nhà thơ phải tuân thủ quy luật của vần. Cái sáng tạo của những người làm lục bát chỉ là tạo nhịp, tạo đối, taọ điệp… để làm nên tính nhạc của câu/bài thơ. Hay trong truyện ngắn chẳng hạn, vấn đề cách thức trần thuật là vô cùng quan trọng. Chọn ngôi/ vai kể là tôi hay ngôi thứ ba, điểm nhìn trần thuật, lười trần thuật… là cả một lựa chọn, tính toán của mỗi nhà văn. Cho nên, đối với những người viết trẻ, điều tối quan trọng là phải tìm cách trang bị các tri thức thể loại, các công việc bếp núc lắm khi rất tỉ mẩn của người sáng tạo.

            3. Xin nói thêm điểm cuối cùng về việc lao động ngôn từ trong sáng tạo văn học. Cái nghề viết văn chỉ có mỗi một phương tiện duy nhất trong tay đó là chữ, tức là ngôn từ. Từ xưa tới nay, Đông Tây kim cổ, hễ là nhà văn không một ai dám xem thường chữ; ngược lại cả đời họ đi học chữ trong nhân dân, trau dồi ngôn ngữ sao cho giầu có, tinh tế, độc đáo.

Trong mỗi tác phẩm văn học, ngoài lớp ngôn ngữ đại trà ai cũng sử dụng, mỗi người cầm bút phải có được một “hệ lời” (ngôn từ) độc đáo khác nhau, mang giá trị biểu đạt nghĩa, biểu đạt cảm xúc một cách chính xác, tinh tế. Nhà văn Tô Hoài, một bậc thầy về chữ nghĩa có nhiều ví dụ sống động trong cách trau dồi và sử dụng ngôn từ. Các bậc thầy khác như Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, sau là Đỗ Chu, Hoàng Phủ Ngọc Tường… đều là những bậc thầy về lao động chữ nghĩa. Văn của “Nỗi buồn chiến tranh” (Bảo Ninh) góp phần quan trọng làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm.

            Ngôn ngữ trong văn chương là ngôn ngữ hình tượng, mang tính hình ảnh, cảm xúc, tinh tế nhờ vừa biết chọn lọc, vừa biết sử dụng các phép tu từ linh hoạt hiệu quả như ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa, thậm xưng, nói giảm, nói tránh, nói lái, nói mỉa, nói nước đôi… Điều này phải chịu khó học, chịu khó đọc mới có được. Khi nhà thơ Phạm Công Trứ viết: “Đường làng bề bộn rơm phơi/ Trong rơm lẫn cả tiếng cười trẻ con”, thì chữ “lẫn” là một chữ xuất thần. Nhà thơ Phạm Tiến Duật có câu thơ: “Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay” thì không chỉ hay về ý tứ mà còn hay ở từng chữ.

            Cần phải nói thế này, do văn chương sử dụng ngôn ngữ hình tượng, nên nó rất kiêng những chữ mang tính khái niệm, những chữ của lối văn hành chính, sự vụ, báo chí. Nó cũng kiêng với những chữ được cho là cũ, lười, mòn, sáo (rỗng), hoặc nông, hoặc bị lặp lại… Tất cả những chữ kiểu này đã bị trơ về nghĩa. Người viết văn phải luôn luôn làm mới những chữ đã có bằng cách kết hợp, đưa nó vào những cấu trúc mới. Người viết cũng lại phải có khả năng đẻ ra chữ mới. Điều này rất khó, nhưng là một thử thách và vẫy gọi đối với người sáng tạo.

                                                            ***

Mấy điều chia sẻ trên đây không có gì mới, bất cứ ai yêu văn chương, chịu khó đọc đều thấy. Tuy nhiên, trong vai một người chia sẻ kinh nghiệm với các bạn viết trẻ, tôi xin gợi ra một số những vấn đề trên để tất cả chúng ta cùng nghĩ.

Tôi cho rằng, nếu giữ được niềm đam mê viết, lại không ngừng tự rèn, chắc chắn mỗi chúng ta sẽ được đền bù bằng những tác phẩm sáng giá do chính mình sáng tạo và cống hiến.

V.G

Các tin khác:

1-5 of 68<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter