Nụ cười và nhân cách

Tác giả: Nghiêm Thị Hằng

Cười là một trong những hình thức diễn đạt cảm xúc tinh tế nhất của con người. Các nhà nghiên cứu đã liệt kê ra các kiểu cười khác nhau: cười vui vẻ, cười chào đón, cười đồng thuận, cười quyến rũ, cười phòng thủ, cười táo bạo, cười gượng… Những nụ cười được xem là cơ bản của con người đã có sự giải mã ngay trong tên gọi. Trong bài viết này tôi lưu ý đến nụ cười thứ 7, nụ cười gượng - là một nụ cười có thể nở trên môi chúng ta khi chúng ta vừa mới phạm phải một hành động vụng về nào đó hoặc khi chúng ta thẹn thùng, xấu hổ hoặc biểu thị một tâm lý rối loạn.

Đã 52 năm qua nhưng dân tộc Việt Nam vẫn không thể quên được nụ cười chiến thắng của chị Võ Thị Thắng trước tòa án của quân thù. Vào tháng 7/1968, chị Võ Thị Thắng khi ấy mới 17 tuổi, được tổ chức điều về Sài Gòn hoạt động trong phong trào thanh niên - sinh viên - học sinh. Chị được giao nhiệm vụ ám sát Trần Văn Đỗ, người được cho là “mật vụ chỉ điểm” tại quận 6. Trong khi thực hiện, không may mắn, chị bị địch bắt, tù đầy và tra tấn dã man. Ngày 2/8/1968, Võ Thị Thắng được đưa ra trước tòa án quân sự mặt trận 3 vùng chiến thuật của chính quyền Sài Gòn. Tấm ảnh chụp lại nụ cười của người đảng viên cộng sản kiên trung tại phiên tòa hôm ấy đã trở thành biểu tượng của sự bất khuất, được xem như một nụ cười chiến thắng, sống mãi với dân tộc Việt Nam và trong lòng bạn bè quốc tế như một nhân cách Việt Nam.

Gần đây trong vụ án gian lận thi cử và nhận hối lộ 15 quan chức, công an, giáo viên tỉnh Hòa Bình, sau phiên tòa, một số bị cáo đã có những nụ cười mà dư luận xã hội lên tiếng coi đó là những nụ cười vô liêm sỉ, nụ cười nhục nhã. Mới đây, trong phiên tòa sơ thẩm ngày 21/5 vừa qua, Hội đồng xét xử Tòa ánh Nhân dân tỉnh Hoà Bình đã ra phán quyết đối với các bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hoà Bình. Nhiều bị cáo bị tuyên phạt án tù, riêng bị cáo Nguyễn Quang Vinh, kẻ chủ mưu, nhận án phạt 8 năm tù giam, bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn, tổng hợp hình phạt của hai tội danh Nhận hối lộ và Lợi dụng quyền hạn và chức vụ bị tuyên phạt 10 năm tù. Bản án sơ thẩm khép lại, nhưng dư âm của vụ án chưa lắng xuống. Công luận cho rằng Hội đồng xét xử đã giơ cao đánh khẽ, bởi từ sau năm 1945 đến nay ngành giáo dục chưa bao giờ có một vụ gian lận thi cử nào nghiêm trọng như vậy. Không chỉ riêng ở Hòa Bình. Chuyện gian lận trong thi cử còn bị phát hiện trên quy mô lớn thuộc các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang. Trong phiên xét xử nói trên, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa ánh Nhân dân tỉnh Hòa Bình xác định hành vi phạm tội của các bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, vi phạm quy chế thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các bị cáo đều là người có chức vụ, quyền hạn nhất định, đặc biệt bị cáo đều là thầy giáo, cô giáo. Đây là hành vi gây mất uy tín, lòng tin nhân dân và mất công bằng với các thí sinh, ảnh hưởng đến toàn ngành Giáo dục.

Những nụ cười vô liêm sỉ và nhục nhã mà dư luận đã lên tiếng

Thế nhưng có những tấm ảnh chụp được từ phiên tòa này cho thấy có những bị cáo bị tòa tuyên phạt án tù đã nở nụ cười tươi rói. Chính những nụ cười này khiến cho dự luận một lần nữa nóng lên. Dư luận coi đó là những kẻ không biết xấu hổ, không biết nhục. Bộ mặt đắc thắng của họ và những nụ cười nham nhở đã thể hiện thái độ coi thường pháp luật. Họ cười vênh váo vì bản án quá nhẹ, không thấm thoát gì so với khoản tiền kiếm chác được mà gia đình họ đang thụ hưởng, hay còn vì lý do nào khác nữa?... Nhưng dù có vì lý do gì thì những nụ cười như vậy, liên quan đến những hành vi như vậy, cũng là biểu hiện của một nhân cách suy đồi.

Có bạn đọc viết trên trang cá nhân: Nhìn họ cười mà tức... Nụ cười của họ phơi ra trước mắt bàn dân thiên hạ, là nụ cười ngạo nghễ của hạng gian manh, nụ cười nhơn nhơn coi thường pháp luật. Đến nhục phải tra tay vào còng, cũng không biết là nhục, họ đã gây họa cho nền giáo dục mà còn cười được, rõ ràng chẳng coi ai ra gì. Nụ cười đểu giả ấy, không còn một chút gì gọi là tự trọng. Buồn thay cho nền giáo dục nước nhà, đã nuôi dưỡng nên những thầy cô, tay đã tra vào còng mà còn có những nụ cười nham nhở, những nụ cười cô hồn trên bản mặt trơ trẽn.

Ông Vũ Việt Thắng, nói về nhóm tội phạm gian lận thi cử ở Hòa Bình “có bị cáo đáng án chung thân mà tòa cho tù vài năm, là họ “lãi” to, không mừng, không cười sao được, nụ cười của họ trước cửa tòa là nụ cười viên mãn”. Bạn đọc Hồng Ái Lâm, Văn Tiến  và Đàm Lê, thì coi nụ cười của bị cáo là nụ cười ngu xuẩn và trơ trẽn nhất của kẻ vô lương tâm và sẵn sàng làm điều ác, nụ cười không biết liêm sỉ là gì, nụ cười trơ tráo hết chỗ nói. Ông Nguyễn Văn Thọ nhận xét: “Những bị cáo này không biết xấu hổ còn cười nham cười nhở, như vừa nhận chiến thắng vinh quang không biết nhục. Có bị cáo còn cười tươi, lại còn giơ tay hình chữ Victorious rồi cười toe toét không chút ăn năn sám hối”.

Chưa bao giờ ngành giáo dục lại có nhiều sai phạm nghiêm trọng đến thế. Thế nhưng điều quan trọng hơn, đáng suy ngẫm hơn, là thái độ của những người đã gây ra hay có liên quan đến những sai phạm ấy. Thái độ của bạn đọc, của nhân dân trong trường hợp này phải được xem như một phản ứng của xã hội đối với sự xuống cấp về đạo đức và nhân cách trong một bộ phận những người đang làm công việc cần phải có sự tôn nghiêm cao nhất về nhân cách và đạo đức.

Theo nguồn: Báo Văn nghệ

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter