Những chuyện tình cờ mà nên… kiệt tác

Vanvn- Người ta từng kể lại câu chuyện về sự khởi đầu văn nghiệp của nữ văn sĩ Mỹ Harriet Beecher Ttowe (1811-1896), tác giả cuốn truyện “Túp lều bác Tôm” từng được dịch in và rất được hoan nghênh ở Việt Nam.

 

Nhà văn Mỹ Harriet Beecher Ttowe

Harriet Beecher Ttowe đến với văn học chẳng qua là bởi một sự tình cờ: Bà đọc phải một cuốn sách viết rất dở. Bà bày tỏ thái độ chê trách và khi nhận được sự “thách thức” của chồng, bà liền lao vào viết truyện và không ngờ đã đạt được vinh quang chói lọi. Sách bà viết được độc giả khắp nơi trên thế giới mến mộ và tên tuổi bà trở nên bất tử.

 

Nhà văn James Fenimore Cooper

Một nhà văn Mỹ khác là James Fenimore Cooper (1789 – 1851) cũng “đến” với văn học bằng cách tương tự như vậy. Khi đã ba mươi tuổi, Cooper chưa từng viết lấy một dòng văn, cũng như chưa từng nảy ra một ý đồ nào về việc sáng tác. Một đêm nọ, như thường lệ, ông đọc cho vợ nghe một cuốn tiểu thuyết Anh. Đột nhiên, ông ném mạnh quyển sách xuống sàn nhà và nói:

– Viết thế này mà cũng gọi là viết! Tôi viết còn hay hơn!

Bà vợ nghe vậy thì bĩu môi:

– Vậy thì anh cứ thử viết đi.

Không phải thử mà Cooper viết thật. Mặc dù quyển sách đầu tay của ông chưa thật thành công như mong muốn, nhưng đến quyển thứ hai, quyển “Tên gián điệp”, thì tên tuổi ông đã được cả thế giới biết đến. Sau đó, Cooper còn viết đến mấy chục cuốn sách về thiên nhiên, về cuộc sống của người da đỏ. Ông đặc biệt nổi tiếng với cuốn “Người cuối cùng của bộ lạc Mohicans”, cuốn sách đã được dựng thành phim và được dịch in ở Việt Nam. Cooper hiện vẫn được xem là một trong những nhà văn Mỹ đặc sắc nhất thế kỷ XIX.

Robert Louis Stevenson (1850-1894) là nhà văn Scotland nổi tiếng thế giới. Trong sự nghiệp văn học đồ sộ của mình, gồm thơ ca, truyện vừa, truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký… thì mảng sách viết cho thiếu nhi của ông không nhiều. Tuy nhiên, bởi giá trị lớn lao của nó mà nhắc đến Stevenson, người ta dường như quên đi khá nhiều tác phẩm mà lúc sinh thời, nhà văn đã dày công sáng tạo. Có thể nói, đến nay, nhắc tới Stevenson, hầu hết độc giả chỉ còn lưu ý tới cuốn tiểu thuyết rất đỗi hấp dẫn của ông, cuốn “Đảo giấu vàng” mà thôi.

Đây là một kiệt tác có thể xếp bên cạnh những tác phẩm mẫu mực được toàn thể thiếu nhi thế giới hâm mộ, như: “Gulliver du ký”, “Robinson Crusoe”… Sự ra đời của cuốn sách này cũng hết sức tình cờ, ngẫu nhiên và vì thế cũng… hết sức độc đáo.

Hôm ấy, bất chợt cậu bé con riêng của vợ Stevenson năn nỉ ông bố dượng viết cho “một cuốn truyện thật lý thú”. Thấy Louis (tên cậu bé) đang cầm bút loay hoay vẽ một cái gì đó, nhà văn cũng cầm bút vẽ phác bản đồ một hòn đảo tưởng tượng. Hình bản đồ trông tựa như “một con rồng mập mạp đứng thẳng bằng hai chân sau”. Stevenson viết lên bản đồ những cái tên kỳ lạ như: Đồi Kính viễn vọng, đảo Bộ xương người, mũi Tàu kéo. Và sau đó ông bắt tay vào viết cuốn truyện. Sau này, trong bài báo có tính chất hồi ký “Đảo giấu vàng – cuốn sách đầu tiên của tôi”, Stevenson đã cho hay: “Tấm bản đồ trong chừng mực nào đấy đã đẻ ra cốt truyện. Tôi có thể nói rằng, chính nó cũng là cốt truyện”. Bởi vậy, khi đưa bản thảo cho Nhà xuất bản Ketsel in, tác giả đã gửi kèm tấm bản đồ đó. Tiếc thay, khi in thử, tấm bản đồ đó đã bị thất lạc. Ngay lập tức, tác giả đã phải kỳ công vẽ một tấm bản đồ khác…

Theo Vanvn.vn

 

Các tin khác:

1-5 of 104<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter