Một “khoảng trời đã nằm yên trong đất”…

Vanvn- Sáng 6.7.2023, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã nói lời chia tay với chúng ta để bước về vùng trời của bà – một vùng trời mà ở đó có lẽ sẽ không còn cô đơn, không còn phải gồng mình chống chọi như lời thơ từng làm nhói lòng bất cứ ai khi đọc: “Em tựa vào em- đơn độc quen rồi/ Em tựa vào em – gắng vững giữa đời”.

 

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ (1949-2023)

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã nói lời chia tay với chúng ta để bước về một vùng trời khác

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh năm 1949, tại Quảng Bình; là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; từng là ủy viên BCH Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế, BCH Hội Nhà văn Việt Nam,…và từng có thời gian công tác tại Tạp chí Sông Hương. Năm 2007, bà được trao tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với 3 tập thơ: Trái tim sinh nở” (1974), “Bài thơ không năm tháng” (1983) và “Đề tặng một giấc mơ” (1988).

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ để lại một gia tài thơ đáng kể mà gần như bài nào, câu chữ nào cũng lay động trái tim người đọc bằng những rung cảm chân thành. Ngoài ra, bà còn có nhiều tập truyện viết cho thiếu nhi. Các tác phẩm chính của bà có  thể kể đến như: “Trái tim sinh nở” (thơ, 1974), “Bài thơ không năm tháng” (thơ, 1983), “Danh ca của đất” (truyện thiếu nhi, 1984), “Nai con và dòng suối” (truyện thiếu nhi, 1987), “Phần thưởng muôn đời” (truyện thiếu nhi, 1987), “Hái tuổi em đầy tay” (thơ, 1989), “Mẹ và con” (thơ, 1994), “Đề tặng một giấc mơ” (thơ, 1998), Cốm non (thơ, 2005), Tuyển tập thơ và truyện thiếu nhi (2006), “Hồn đầy hoa cúc dại” (thơ, 2007).

Độc giả biết đến tên tuổi Lâm Thị Mỹ Dạ nhiều nhất qua 2 tác phẩm: Khoảng trời hố bom và Chuyện cổ nước mình. Bài thơ “Khoảng trời, hố bom” được bà sáng tác vào năm 1972, nằm trong chùm thơ đạt giải Nhất cuộc thi thơ trên Báo Văn nghệ. Từ đây, tên tuổi Lâm Thị Mỹ Dạ bắt đầu được ghi dấu trên văn đàn. Với nhiều người, những câu thơ như “Cái chết em xanh khoảng-trời-con-gái/Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em…” không đơn giản chỉ là thơ, nó là điều gì đó thiêng liêng, là cả vùng trời ký ức với bao xúc cảm khó phai mờ.

Bài thơ “Khoảng trời, hố bom” được bà sáng tác vào năm 1972, nằm trong chùm thơ đạt giải Nhất cuộc thi thơ trên Báo Văn nghệ.

Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ chạm đến chúng ta bằng sự nhạy cảm của trái tim, sự chân thành của cảm xúc và độc đáo của tứ thơ. Là người đã trải qua bao thăng trầm, đắng cay của cuộc đời nhưng bà vẫn luôn giữ cho mình một tâm hồn trong trẻo và đầy dịu dàng. Nếu người đọc nhắc nhiều đến những tác phẩm về quê hương, đất nước của bà thì tôi lại đặc biệt chú ý đến một Lâm Thị Mỹ Dạ đầy nữ tính, mong manh, khắc khoải trong những vần thơ về tình yêu. Ở đó có một vẻ đẹp đến tội tình, cái đẹp thánh thiện bị đủ vang động của cuộc đời và nỗi cô đơn giày vò: “Bây giờ chỉ một mình ta/Một mình ta với bao la một mình/ Bây giờ chỉ một trái tim/Một mình tung hứng, một mình vết thương…” hay “Ước gì cầm được cô đơn/ Ném thia lia để hoá buồn thành vui”; “Em chết trong nỗi buồn/Chết như từng giọt sương/Rơi không thành tiếng/Trái tim em còn trẻ dại/Trắng trong […] Ai cất giùm em/nước mắt/Biết giấu nụ cười đi đâu/Khi phải cười…”

Cuộc sống đã không ưu ái nhiều cho một khuôn mặt mang vẻ đẹp thánh thiện, một tài năng và một trái tim tha thiết, chân thành. Nhiều năm nay, chồng bà, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường bệnh nặng và bà cũng phải chống chọi với căn bệnh Alzheimer. Những tưởng người nói lời chia ly trước trong cuộc tình này không phải là bà, vậy mà hôm nay bà đã bước về một khoảng trời khác trong niềm nuối tiếc khôn nguôi của tất cả những người ở lại…

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn rằng: “Thơ như cuộc đời đầy tràn vết thương. Trên đường đi vào thể nào cũng bị cào rách nát. Nhưng khi đến được thì đó là đích cuối cùng.” Tôi tin rằng bà đã tìm được đích đến của mình, dù ở thơ hay đời. Bà đã chắt chiu từ tất cả đắng cay, cô đơn cuộc đời trao tặng thành những con chữ gửi lại cho chúng ta. Giờ đây, bà xứng đáng được bước đến một nơi khác, ở đó trái tim trong trẻo và đầy rung cảm kia sẽ thôi phải chịu những vết xước. Và chúng ta, sẽ mãi nhớ về hôm nay, nhớ về những vần thơ của bà bằng tất cả sự trân trọng, nâng niu…!

TRANG ĐOAN

Theo Vanvn.vn

Các tin khác:

Luận về những tiếng đàn

Đỗ Anh Vũ

 

Trong bảy môn nghệ thuật mà loài người đã sáng tạo ra, âm nhạc có thể nói là bộ môn dễ thưởng thức nhất đối với đông đảo công chúng. Âm nhạc của thiên nhiên có lẽ đã đến với con người từ những thứ thật gần gũi như chim hót líu lo, suối chảy róc rách, sóng biển rì rào... Âm nhạc đến với mỗi tuổi thơ từ lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ...

1-5 of 94<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter