Suối Giàng trong hương sắc mùa xuân

Ký của NGUYỄN THỊ THANH

 

            Ở độ cao trên 1.250 mét so với mực nước biển, xã Suối Giàng thuộc huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái được biết đến như một viên ngọc bích đang tỏa sáng lung linh giữa đại ngàn Tây Bắc. Bởi đây không những là thủ phủ của cây chè Shan tuyết làm nên thương hiệu "chè Suối Giàng" nổi tiếng mà còn đang là điểm đến của rất nhiều du khách có nhu cầu thưởng ngoạn vẻ đẹp nơi đỉnh núi mờ sương, nơi lưu giữ những nét đẹp văn hóa giầu bản sắc của đồng bào vùng cao, nơi cảnh vật và cuộc sống của người dân đang từng ngày đổi mới.

            Mùa xuân về, những rặng hoa dã quỳ vàng rộm từng làm nên khoảnh khắc tuyệt vời cho rất nhiều du khách đã đi qua mùa đông, nhường lại không gian ấm áp để những nụ đào xuân khoe sắc hồng chúm chím. Tôi trở lại Suối Giàng sau bao nhiêu năm xa cách, xa từ cái ngày được nghe kể về những thiếu nữ miền xuôi xung phong lên lao động, công tác góp phần phát triển kinh tế- văn hóa miền núi những năm sáu mươi của thế kỷ hai mươi, cuộc sống vật chất và tinh thần tưởng như bế tắc. Họ đã truyền miệng câu ca "Bao giờ Nghĩa Lộ có kem, Suối Giàng có điện thì em lấy chồng". Vậy mà chỉ vài năm sau đó, Suối Giàng đã lung linh ánh điện, xưởng chè hương phát triển thành nhà máy chế biến chè, nhiều cô công nhân đã nên duyên vợ chồng với những chàng trai Mông. Nhưng đường lên Suối Giàng còn quanh co, gập ghềnh lắm, đời sống của đồng bào còn gian nan lắm… Ấy thế mà hôm nay, trước mắt tôi là một Suối Giàng trù phú, tươi tắn, kiêu sa!

 Từ trung tâm huyện lỵ Văn Chấn, qua hơn 12 km đường dốc quanh co tôi đến trụ sở xã tọa lạc giữa mênh mông, ngút ngàn rừng chè Shan tuyết, bên cạnh là chiếc hồ nhỏ với cây cầu tạo tiểu cảnh như một điểm nhấn trên đỉnh núi cao. Đồng chí Mùa A Giàng, PChủ tịch Ủy ban nhân dân xã niềm nở đón khách và hồ hởi giới thiệu về quê hương mình, chỉ có 7 thôn bản nhưng nhiệm vụ chính trị thì không đơn giản chút nào. Đó là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc đang phải tích cực chạy đua với thời gian để hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, mời gọi đầu tư và phát huy nội lực xây dựng Suối Giàng trở thành điểm du lịch sinh thái, thu hút khách du lịch đến với Văn Chấn nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung, góp phần cải thiện đời sống của bà con nơi đây. Giữa nắng xuân ấm áp, hương chè xanh tỏa lan khắp núi rừng, tôi mải mê nghe Mùa A Giàng một cán bộ trẻ người dân tộc Mông được đào tạo bài bản đang nói về những kết quả đạt được trong năm qua. Do tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay xã đã đạt được cả 19/19 tiêu chí. Đặc biệt đạt và vượt 23 chỉ tiêu theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân xã đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội. Có thể điểm một số chỉ tiêu vượt kế hoạch đó là thu ngân sách đạt 152% chỉ tiêu giao, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 109%, sản lượng chè búp tươi đạt 102%, số lao động được tạo việc làm mới đạt 104,5% kế hoạch… Phát huy lợi thế đồi rừng, xã đã chỉ đạo tập trung phát triển chăn nuôi, đến nay tng đàn gia súc chính có 2.189 con trong đó đàn trâu có 360 con, đàn bò có 554 con, tổng đàn lợn 1.125 con, đàn dê 150 con, đàn gia cầm trên 15.000 con. Trồng rừng được 130 ha, trong đó trồng rừng tập trung 25 ha, trồng rừng lâm nghiệp xã hội 105 ha; đồng thời chỉ đạo các thôn bản chăm sóc tốt diện tích chè hiện có, phối hợp với hợp tác xã quản lý, thu mua hết sản lượng chè búp tươi trong dân với giá ổn định, tạo niềm tin, niềm phấn khởi cho người lao động. Xã đã triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia như giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân; phân bổ nguồn vốn hỗ trợ làm nhà ở cho 10 hộ nghèo khó khăn; cấp phát 32 téc nước cho các hộ nghèo, hỗ trợ kinh phí mua sắm máy phát cỏ, bình phun động cơ điện cho các hộ thiếu đất sản xuất. Thực hiện tiểu dự án phát triển sản xuất nông- lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng thế mạnh để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị như hỗ trợ phát triển nuôi bò sinh sản, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để Suối Giàng thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển thành khu du lịch có tính bền vững, xã đã được đầu tư triển khai dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Đồng thời liên kết với các tổ chức trong và ngoài nước kêu gọi đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế, làm nhà ở cho các hộ nghèo như Quỹ từ thiện "Biến ước mơ thành hiện thực", Quỹ ủng hộ của Đảng ủy Khối cơ quan Doanh nghiệp tỉnh Yên Bái, Công ty Cổ phần bệnh viện Quốc tế Hà Nội, Quỹ Thiện tâm, Hội từ thiện Sen vàng- Berlin… Các tổ chức từ thiện đã phối hợp hỗ trợ hơn 525 triệu đồng di chuyển và làm mới nhà ở cho gia đình ông Sùng A Của thôn Suối Lóp có nhà bị sập hoàn toàn do ảnh hưởng cơn bão số 3 năm 2024. Thành tựu đạt được trong năm qua còn nhiều lắm. Đó là những bông hoa trong phong trào thi đua yêu nước dâng tặng mùa xuân mới, là động lực để Đảng bộ và nhân dân tiếp tục dành nhiều thắng lợi mới trong năm 2025 đầy hứa hẹn.

Giữa cái nắng vùng cao vẫn lảng bảng sương giăng, hơi lạnh thỉnh thoảng lùa đến mơn man. Chị Sổng Thị Lầu, PChủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã cùng tôi đi trải nghiệm thực tế. Điều làm tôi ngưỡng mộ là đội ngũ cán bộ của xã bây giờ đều rất trẻ, thông minh và năng động quá! Không chỉ những lúc làm việc tại văn phòng mà trên đường đi cơ sở Sổng Thị Lầu luôn nghe điện thoại và chỉ đạo công việc từ xa. Thỉnh thoảng tôi lại thấy một bảng hiệu dựng bên đường có nội dung "Xã quyết tâm thực hiện chuyển đổi số", "Mục tiêu phủ sóng điện thoại thông minh 100%", "Chuyển đổi số, kết nối công nghệ, kết nối tương lai"… Chị Lầu cho biết xã đang quyết tâm về đích nông thôn mới nên nhiều việc phải làm, bận nhưng mà vui. Bước vào căn nhà mới của ông Sùng A Của thôn Suối Lóp, bưng tách trà nóng bên bếp lửa hồng chủ nhà rưng rưng nói "Tết này nhà mình không sợ nhà sập, không sợ rét nữa cán bộ ạ! Mình được giúp đỡ làm nhà, lại còn được nhiều áo ấm, chăn ấm và đồ dùng đầy đủ hơn trước rồi!". Chị cán bộ Mặt trận tâm sự với ông Của bằng tiếng Mông rồi dịch cho tôi hiểu chị vừa tuyên truyền cho gia đình là phải biết ơn Chính phủ, biết ơn sự giúp đỡ của mọi người, phải cố gắng khắc phục hoàn cảnh, chịu khó lao động để thoát nghèo, chăm sóc đồi chè cho đẹp để khách du lịch tham quan, góp phần làm giàu cho quê hương. Chị Lầu giới thiệu cho tôi rất nhiều cơ sở du lịch cộng đồng, nhiều Homestay hoạt động có hiệu quả, nhất là vào mùa du lịch, ngày lễ tết và bây giờ kể cả ngày cuối tuần cũng thu hút lượng khách đến với Suối Giàng khá đông. Riêng năm 2024 mặc dù bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 nhưng lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến Suối Giàng ước đạt hơn 70.000 lượt người, có những ngày không còn phòng nghỉ để phục vụ du khách. Vậy điều gì làm nên sức hút diệu kỳ ấy? Phải chăng chính là nhờ cảnh quan thiên nhiên ban tặng, nhờ tình người chân chất, hồn hậu nơi miền sơn cước, nhờ tư duy đổi mới trong phát triển kinh tế- xã hội của cán bộ và của chính những người con đất mẹ! Vâng, tôi đã tìm gặp họ để khẳng định điều đó. Nằm trong thôn Giàng B gần trung tâm xã có Công ty trách nhiệm hữu hạn Sổng Gia Trà của anh Sổng A Sẻo, người thanh niên sinh năm 1990 đã dám nghĩ, dám làm, dám khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công. Anh chọn cái tên cho công ty có ý nghĩa là giữ cho hương trà Shan của gia tộc họ Sổng trên đỉnh núi mờ sương này mãi trường tồn. Sổng Gia Trà đã có thương hiệu trên thị trường, trong gian trưng bày sản phẩm của công ty có những mẫu mã bao bì bắt mắt, logo đẹp, màu sắc đặc trưng cho từng sản phẩm như Hồng trà, Lục trà, Hoàng trà, Bạch trà… Vì vậy hầu như du khách đến đây tham quan đều mua sản phẩm chè của A Sẻo về làm quà, anh còn cho biết đã ký hợp đồng giao dịch với một số siêu thị, nhà hàng và giới thiệu sản phẩm ra nước ngoài. Trên bàn trà cùng với bộ đồ pha trà liên hoàn cho khách tận hưởng hương vị còn có tấm thẻ quét mã tài khoản, mới thấy chuyện cập nhật chuyển đổi số ở xã không còn là khẩu hiệu chung chung nữa. Không dừng lại ở đó, Sổng A Sẻo còn đang mở rộng kinh doanh bằng việc xây dựng thêm một nhà hàng giới thiệu sản phẩm kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng tại thôn Giàng A. Tôi tin chắc ý tưởng làm giàu bằng trí tuệ và niềm đam mê của Sổng A Sẻo sẽ thành công hơn mong đợi! Với quyết tâm và tinh thần vươn lên làm chủ cuộc sống, Sổng A Sẻo đã được tặng thưởng nhiều giấy khen, Bằng khen của các cấp, các ngành. Năm 2024 anh đã được Ủy ban nhân dân huyện khen thưởng thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Văn Chấn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chúng tôi tiếp tục sang thôn Pang Cáng đến nhà Sùng A Hềnh, chủ của Homestay có cái tên rất gợi "Homestay Cổng Trâu". A Hềnh đang đi sửa cái ô tô, một lúc sau trở về do có cuộc điện thoại của chị Sổng Thị Lầu. Tôi lại được gặp một ông chủ người bản địa nhanh nhẹn, hoạt bát và cởi mở. Ngôi nhà sàn rộng rãi, thoáng đãng nhìn xuống thung lũng mùa này các loại rau thay thế cho mùa hoa cải đang lên xanh mỡ màng như bắp cải, su hào, đậu Hà Lan… Ngôi nhà vừa là nơi thưởng trà bên bếp lửa hồng, vừa là nơi nghỉ cộng đồng với giá cả hợp lý. Do đó Homestay Cổng Trâu luôn kín khách trong mùa du lịch. Không chỉ làm dịch vụ giỏi, A Hềnh còn là chủ nhân của những rừng quế, đồi chè cho thu nhập cao. Tôi thầm cảm phục những người con xứ núi đã bứt phá đi lên, vượt qua mọi rào cản để bắt nhịp với tư duy đổi mới trong phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và góp phần làm giàu cho quê hương.

Để khẳng định kết quả của việc mở rộng thu hút đầu tư góp phần thay đổi diện mạo cho Suối Giàng, chúng tôi ngược dốc lên đỉnh cao nhất của khu du lịch, nơi được gọi là "Cổng trời" và tại vị trí đắc địa này đã khiến cho một khách du lịch chọn làm điểm dừng chân đầu tư phát triển kinh doanh, dịch vụ. Đó là anh chị Chung Hương chủ doanh nghiệp vàng bạc đá quý ở km 12 huyện Yên Bình đã quyết định mở khu du lịch phục vụ lưu trú, nghỉ dưỡng, ẩm thực và tổ chức sự kiện mang tên "Suối Giàng Sky Gale Cổng trời Homestay". Hệ thống nhà nghỉ cộng đồng mang lối kiến trúc thân thiện với môi trường thiên nhiên có diện tích hơn 2.000 m2, vốn đầu tư trên 20 tỷ đồng, tạo nên một địa chỉ du lịch nổi tiếng. Bên cạnh đó, anh chị còn đầu tư vào hơn 3,8 ha chè Shan tuyết cổ thụ, bố trí hệ thống xe điện phục vụ khách tham quan trải nghiệm, có bãi đỗ xe rộng rãi, xung quanh tạo điểm nhấn bởi những tiểu cảnh rất ấn tượng. Vì vậy mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng đã thu hút được một lượng lớn khách du lịch, góp phần tô đẹp cho miền sơn cước này. Trên từng ngả đường chúng tôi đi qua có rất nhiều điểm đón khách như Homestay "Nhất núi hoa sơn", Nhà nghỉ Cốc Tình, điểm tham quan hang Cốc Tình, Homestay "Thác Chử Lầu", Nhà hàng "Không gian văn hóa trà", "Homestay Bản Mới", "Vàng Hòa Bình Homestay", điểm du lịch cộng đồng Thôn Pang Cáng, "Homestay Chu Liên", "Homestay Đồi sim"… Mỗi địa chỉ mang một phong cách riêng nhưng đều chung xu hướng thân thiện với môi trường, cảnh quan thiên nhiên và phục vụ các món ẩm thực mang đậm đà bản sắc dân tộc khiến ai đã đến một lần thì luôn mong ước sẽ có dịp trở lại Suối Giàng. Vượt qua Cổng trời sang thôn Tập Lăng, do địa hình và thổ nhưỡng của vùng sâu nên những năm gần đây bà con dân tộc Mông đã thay thế diện tích chè năng suất kém chuyển sang trồng quế. Điển hình là hộ ông Vàng A Tồng đã mạnh dạn trồng hơn 10 ha, như đồng chí phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã giới thiệu đây là hộ tiêu biểu về phát triển kinh tế từ đồi rừng, gia đình đã thu hoạch quế đúng thời vụ trúng giá được hơn 5 tỷ đồng. Ông Vàng A Tồng thì khiêm tốn nói "Tổng thu được khoảng vài tỷ thôi! Có lúc tưởng mình đang mơ, vì từ trước tới nay người Mông ta có bao giờ biết đến tiền tỷ đâu!". Chị cán bộ Mặt trận cũng chung cảm xúc đó, thật là nhờ ơn Đảng đã hướng dẫn cho bà con chuyển đổi cây trồng rất hợp với vùng đất, thấy ông Vàng A Tồng làm giàu từ cây quế nên bây giờ cả thôn cùng nhau trồng quế, cùng trao đổi kinh nghiệm chăm sóc để cây nhanh lớn và cho năng suất, sản lượng cao. Nhìn những đồi quế đang lên xanh, hương thơm thoảng bay trong gió, hương của mùa xuân mới, mùa no ấm đang tỏa lan đến mỗi ngôi nhà, mỗi gương mặt rạng ngời của người dân nơi đây khiến lòng tôi xốn xang một niềm vui, niềm tin tưởng vào những ngày xuân tươi sáng.

Không chỉ chăm lo chỉ đạo, điều hành công tác phát triển kinh tế, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã còn chú trọng đến việc tổ chức các hoạt động văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân đồng thời tạo cơ hội kết hợp với phát triển du lịch như tổ chức "Lễ hội trà Shan tuyết", đây là lễ hội lớn nhằm quảng bá sản phẩm chè Suối Giàng đến du khách gần xa, ký kết được các hợp đồng kinh tế với các đối tác trong và ngoài nước; cùng đó là việc tổ chức "Lễ hội tôn vinh cây Chè Tổ" và tổ chức "Đêm tiệc trà Suối Giàng". Chuỗi hoạt động đó đã giúp cho tên tuổi Suối Giàng được vang xa, được nhiều người biết đến, tạo tiền đề cho việc xây dựng thành công Nông thôn mới mang đặc sắc riêng của vùng cao Văn Chấn. Mùa xuân đến, đồng bào nơi đây thường tổ chức các lễ hội tại từng thôn bản với các trò chơi dân gian như đẩy gậy, ném pao, thi trình diễn khèn Mông, thi giã bánh giày… Trên khoảng sân rộng ở thôn Tập Lăng tôi được hòa mình vào không gian lễ hội với trò chơi kéo co thể hiện sức mạnh đoàn kết và niềm vui náo nức của các thế hệ từ trẻ đến già. Bên kia, trò chơi đẩy gậy, đánh quay và đặc biệt trò chơi ném pao được phục dựng lại sau nhiều năm bị lãng quên, giờ đã trở nên quen thuộc với các nam thanh nữ tú. Vừa xem hội, chị Sổng Thị Lầu vừa giải thích cho tôi về trò chơi dân gian được gọi là trò chơi duyên tình của người Mông, đây là hình thức văn hóa cộng đồng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc của đồng bào. Ngày xưa, trai gái tìm hiểu nhau qua trò ném pao này, người con gái khéo léo, đảm đang là phải biết se lanh, dệt vải và làm pao, khi bắt quả pao có độ chắc, độ nẩy là có thể đánh giá được phẩm hạnh của người con gái. Ngày nay mặc dù ảnh hưởng của nếp sống văn hóa mới, có nhiều cơ hội và hoàn cảnh tìm hiểu nhau nhưng vẫn có nhiều đôi trai gái tìm đến nhau qua trò chơi này. Những câu hát trữ tình của người Mông vẫn được cất lên khi ném sang nhau quả pao tình tứ "Anh ném pao/ Em không bắt. Em không yêu/ Quả pao rơi rồi…" và họ giao ước với nhau "Em yêu anh mười lần/ Quả pao vào tay em còn hơn mười lần/ Anh cõng em qua mười con suối/ Anh bắt về làm vợ trong nhà…". Ôi thật là thú vị! Trên nương mấy cây đào phai đang trổ bông khoe sắc hồng trong nắng. Sổng Thị Lầu lặng đi hồi lâu rồi nói, các cụ già bảo vùng này trước đây là rừng đào, mùa hoa đào nở có lễ hội Gầu Tào vui lắm. Bây giờ không còn rừng đào nhưng xã đang có ý tưởng sẽ khôi phục giống đào rừng trồng hai bên đường, sắp tới triển khai dự án đường giao thông nông thôn vào Tập Lăng sẽ giao cho Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên đảm nhận việc này.

Mùa xuân trẩy hội Suối Giàng thật thi vị. Sắc hoa đào hồng thắm hòa quyện với sắc tím hoa sim trên không gian xanh của chè, của quế như vẽ nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ. Người Suối Giàng lặng lẽ mà thanh tao, tình người Suối Giàng hồn hậu mà lắng sâu như hương chè, hương quế. Tôi gọi đó là hương sắc của một mùa xuân mới, mùa xuân chứa chan niềm tin, hy vọng về cuộc sống hạnh phúc vẹn tròn./.

                                                                            N. T. T

Các tin khác:

51-55 of 348<  ...  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter