VỀ MIỀN TINH HOA HỘI TỤ

Ký của NGUYỄN TÂM

 

Ngược miền Tây vào những ngày cuối thu tháng chín, tôi như lạc vào dòng người nườm nượp từ khắp muôn phương đổ về Mường Lò trảy hội. Vào đến thị xã Nghĩa Lộ, dù còn 2 ngày nữa mới chính thức mở hội nhưng không khí nhộn nhịp, náo nhiệt, vui tươi đã được nhân lên gấp bội bởi không chỉ lữ khách phương xa háo hức tìm đến, mà ngay cả những người con xa quê của Mường Lò, Yên Bái cũng mong chóng trở về để được đắm mình trong ngày hội lớn, và hơn cả là để không bỏ lỡ cơ hội được tận mắt chứng kiến thời khắc quan trọng và đầy ý nghĩa trong sự kiện tôn vinh nghệ thuật múa Xòe của người Thái Tây Bắc tại Lễ đón nhận bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ Thuật Xòe Thái” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Khai mạc Lễ hội Văn hóa Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Gọi tắt là Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội).

Từ nhiều năm nay, Mường Lò năm nào cũng mở hội và mỗi mùa hội đi qua đều để lại trong lòng du khách những ấn tượng đặc biệt. Năm nay, ấn tượng đó sẽ càng trở nên đặc biệt hơn khi ở mùa hội này, Mường Lò sẽ là nơi hội tụ rất nhiều những tinh hoa di sản của cả một vùng Tây Bắc. Theo đúng kế hoạch của Ban Tổ chức, để hưởng ứng Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội, trong thời gian từ đầu tháng 8/2022 đến hết tháng 12/2022, nhiều hoạt động sự kiện văn hóa, du lịch cũng đã và sẽ được diễn ra tại tất cả các địa phương trong toàn tỉnh. Còn ngay tại thị xã Nghĩa Lộ, bắt đầu từ sáng ngày 23/9, hàng loạt sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội đã lần lượt được khai mạc. Mở đầu cho chuỗi hoạt động đó chính là Triển lãm ảnh di sản “Nghệ thuật Xoè Thái” và “Ảnh đẹp du lịch 8 tỉnh Tây Bắc” mở rộng , do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh chủ trì tổ chức tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ. Triển lãm trưng bày 250 tác phẩm ảnh nghệ thuật. Tại đây, 55 tác phẩm ảnh về “Di sản Nghệ thuật Xòe Thái Việt Nam” đã giới thiệu đầy đủ hình ảnh, nét đẹp trong nghệ thuật múa xòe của đồng bào Thái Mường Lò nói riêng và của vùng Tây Bắc nói chung, còn bộ 195 tác phẩm “Ảnh đẹp Du lịch 8 tỉnh Tây Bắc” lại khiến cho người xem được mãn nhãn bởi những hình ảnh đẹp, phong phú, sinh động và đa sắc màu về cảnh quan, thiên nhiên của miền đất và con người ở 8 tỉnh Tây Bắc. Ngay sau sự kiện khai mạc Triển lãm ảnh, du khách và nhân dân còn mê mải thưởng lãm và chụp hình bên những bức ảnh đẹp thì sự kiện Khai mạc Không gian trưng bày, trình diễn văn hóa các dân tộc và Triển lãm ảnh, tư liệu về các dân tộc tôn giáo ở Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc đã được diễn ra tại Trung tâm Truyền thông và Văn hóa thị xã Nghĩa Lộ. Đến với sự kiện này, mọi người lại thêm một lần được thỏa thích thăm quan, trải nghiệm trong không gian văn hóa đa sắc màu của Tây Bắc. Không kể đến gần 200 khung ảnh, tư liệu về dân tộc và tôn giáo Việt Nam được trưng bày, giới thiệu và chương trình nghệ thuật đặc sắc của buổi lễ khai mạc; 14 gian trưng bày tái hiện chân thực, sống động không gian văn hóa các dân tộc tỉnh Yên Bái và các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu với các hoạt động giới thiệu, quảng bá, trình diễn đã thực sự cuốn hút nhân dân và du khách.

Hòa mình trong không gian nhộn nhịp của khu trưng bày, thay vì ngắm nhìn những bộ trang phục rực rỡ sắc màu của người Dao, người Thái, Người Mông, người Khơ Mú, hay những màn trình diễn dân gian đặc sắc của cô gái Thái quay tơ dệt vải, của những chàng trai Mông say điệu múa khèn, người Cao Lan trong điệu múa xúc tép hay trò chơi Tó mák lẹ huyên náo cả một khu… thì tôi lại đặc biệt chú ý đến những gương mặt thích thú và rạng ngời hạnh phúc của những du khách khi họ được tự mình trải nghiệm điệu múa sạp vui nhộn, được tự tay cầm và thử những lóng đan chiếc rọ tôm xinh xắn hay đơn giản chỉ là chụp ảnh bên những gian hàng để check in khoe với bạn bè, người thân. Cầm trong tay chiếc máy quay phim nhỏ, anh Trần Khánh- một du khách trẻ đến từ Ninh Thuận mê mải ghi lại hình ảnh của từng hoạt động, như thể sợ mình sẽ bỏ lỡ những điều thú vị ở nơi này. Anh chia sẻ “Là người thích khám phá và trải nghiệm nên tôi  đi rất nhiều nơi, song đây là lần đầu tiên tôi được thấy nhiều hoạt động trình diễn văn hóa dân gian độc đáo, sống động như vậy. Mường Lò, Yên Bái đã không làm tôi thất vọng và khiến tôi thấy mình thật bõ công khi phải đi thật xa để đến với nơi này”.

Tiếp nối chuỗi sự kiện, tối 23/9, nhân dân và du khách lại thêm một lần nữa được chiêm ngưỡng và thưởng thức những tinh hoa văn hóa tại Hội chợ sản phẩm OCOP, đặc sản các vùng miền và văn hóa ẩm thực. Với quy mô 50 gian hàng tiêu chuẩn, trong đó có 18 gian hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP, đặc sản của 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; 18 gian hàng giới thiệu sản phẩm, ấn phẩm du lịch của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh; 6 gian hàng triển lãm không gian chợ đá quý Lục Yên; 4 gian hàng triển lãm không gian văn hoá trà Suối Giàng; 4 gian hàng triển lãm giới thiệu sản phẩm Quế Văn Yên và 300m2 khu ẩm thực giới thiệu các món ẩm thực dân tộc của người Thái và đồng bào các dân tộc tại địa phương; Hội chợ đã đem đến cho du khách những trải nghiệm vô cùng thú vị trước khi bước vào không gian đặc biệt của ngày hội lớn. Và rồi cuối cùng, ngày hội ấy cũng đã đến trong bao nỗi mong chờ, háo hức của nhân dân các dân tộc Mường Lò, Yên Bái cũng như đồng bào Thái vùng Tây Bắc. Tôi còn nhớ trước đó hai ngày, trong đêm tổng duyệt chương trình Lễ đón nhận Bằng ghi danh của UNESCO và khai mạc Lễ hội, mặc dù thời tiết không được như ý, những cơn mưa rào cứ liên tục rình rập đổ xuống nhưng lòng người vẫn không thôi rạo rực, màn diễu diễn đường phố vẫn được diễn ra thành công, đem đến cho nhân dân và du khách một bữa tiệc nghệ thuật vô cùng đặc sắc trên phố núi Mường Lò. Và đêm nay (24/9) vẫn là một đêm mưa nhưng tinh thần của người Mường Lò và du khách bốn phương cũng không hề nao núng. Cơn mưa rào trút xuống từ 17h, kéo dài tưởng chừng như không ngớt. Thế nhưng, màn diễu diễn vẫn được diễn ra. Người đứng xem diễu diễn, người có vé tranh thủ kéo nhau đi sớm để có chỗ ngồi vừa ý trong sân vận động khiến cho con đường Điện Biên rộng thênh thênh của thị xã bỗng trở nên nhỏ bé, chật chội. Sân vận động rộng gần 12.000m2 với quy mô 10.000 chỗ ngồi, nay lại được Ban Tổ chức bố trí thêm 2 khán đài phụ mà vẫn không đủ chỗ cho nhân dân và du khách. 18h trời vẫn mưa tầm tã, trên những khán đài và những hàng ghế được sắp xếp thêm dưới sân dù không có mái che nhưng tất cả đã gần như được phủ kín. Dưới màn mưa, khán giả trên khán đài người trùm áo, kẻ che ô, nhưng gương mặt ai nấy đều hiện rõ sự hào hứng, nét tươi vui, hứng khởi và chờ đón; còn ở dưới sân, gần 3000 nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng hòa mình vào mưa để tập trung chỉnh đốn đội hình, chuẩn bị sẵn sàng cho đêm diễn. Có lẽ, thấu tỏ tấm lòng, tình yêu lớn và lời khẩn cầu của tất cả những người có mặt trong đêm hội mà trời đã kịp ngừng mưa ngay khi tiếng trống, tiếng nhạc hội vừa cất lên. Tất cả như vỡ òa trong cảm xúc vui mừng, xúc động. Hàng vạn ánh mắt của những người có mặt, hàng triệu trái tim của đồng bào các dân tộc Tây Bắc hòa với triệu triệu trái tim của nhân dân cả nước và kiều bào ở nước ngoài cùng hướng về sân khấu chính để chứng kiến khoảnh khắc thiêng liêng khi tấm Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được bà Pauline Tamesis- Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam trực tiếp trao cho Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương và lần lượt được Thứ trưởng trao đến tay các đồng chí lãnh đạo và đại diện cộng đồng của các tỉnh có di sản: Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.

Sau nghi lễ trao Bằng và được nghe những lời phát biểu chỉ đạo giàu tâm huyết và tình cảm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng những chia sẻ đầy ý nghĩa của bà Pauline Tamesis- Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam về những giá trị và sự xứng đáng cũng như ý nghĩa trong quyết định của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; tất cả những người có mặt trên sân vận động và khán giả truyền hình đã thực sự được đắm mình trong một không gian nghệ thuật vô cùng đặc sắc; được chiêm ngưỡng, trải nghiệm và cảm nhận những nét văn hóa độc đáo nhất và tinh túy nhất trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng người Thái ở Tây Bắc Việt Nam qua Chương trình nghệ thuật “Xòe Thái- Tinh hoa miền di sản”. Với trên 80% âm nhạc, giai điệu, lời hát của dân tộc Thái, cùng toàn bộ trang phục, đạo cụ sân khấu được sử dụng bằng chính trang phục truyền thống và những nông cụ, vật dụng hàng ngày của đồng bào, Chương trình nghệ thuật là một vở đại vũ kịch xuyên suốt với những câu chuyện tái hiện cội nguồn cho đến sự phát triển như ngày nay của đồng bào Thái. Chương trình gồm có 3 chương. Chương đầu Thiên di - Dựng bản lập mường là câu chuyện tái hiện truyền thuyết từ hàng ngàn năm trước, thưở “Tạo đi tìm mường”, hai anh em Tạo Xuông, Tạo Ngần đã dẫn dắt các họ người Thái làm nên những cuộc thiên di lịch sử. Sau nhiều thế kỷ, tiếp nối đời này qua đời khác, người Thái đã xuôi theo các dòng sông, con suối và những thung lũng trù phú, để dựng bản, lập mường, khai phá những vùng đất mới và tạo nên những cánh đồng lúa rộng lớn “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” của vùng Tây Bắc. Chương hai- Miền di sản là 4 hoạt cảnh “Tắm suối”, “Hạn Khuống”, “Đám cưới- Tằng cẩu” và “Dệt thổ cẩm” đã thể hiện những nét văn hóa độc đáo trong đời sống của cộng đồng người Thái Tây Bắc. Đó là nét đẹp thuần khiết, hoang sơ của người con gái Thái; là một sinh hoạt văn nghệ dân gian độc đáo, nơi để mọi người thỏa sức sáng tạo, để những chàng trai cô gái trao đổi tâm tình, mượn lời ca tiếng nhạc để tỏ lời yêu thương; là một đám cưới truyền thống với đầy đủ nghi thức, sính lễ và những lời dặn dò ân cần của người mẹ, răn dạy cô dâu về sự chung thủy và tuân theo các khuôn khổ, phép tắc của nhà chồng; là sự khéo léo của đôi tay cô gái Thái khi trao gửi tình cảm và dành tâm huyết để dệt nên chiếc khăn Piêu- tín vật của tình yêu đôi lứa, cũng là gìn giữ, bảo tồn một nghề thủ công truyền thống bao đời của người Thái Tây Bắc

Bước vào chương ba- Tinh hoa nghệ thuật Xòe, khán giả được mãn nhãn với những màn trình diễn nghệ thuật Xòe vô cùng hoành tráng, đẹp mắt và độc đáo, hội tụ những giá trị văn hóa dân gian đặc sắc tiêu biểu đã trở thành di sản của người Thái ở Tây Bắc với sự tham gia của 2.022 nghệ nhân, diễn viên quần chúng và đồng bào các dân tộc 4 tỉnh có di sản. Sử dụng toàn bộ diện tích mặt sân gần 12.000m2 để làm sân khấu, đêm đại xòe được mở đầu bằng một màn Xòe cộng đồng với 1 vòng tròn trung tâm và 4 vòng tròn nhỏ đại diện cho 4 cộng đồng người Thái ở các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu và Điện Biên. Các vòng xòe cộng đồng mang đến thông điệp đoàn kết, giao thoa và chan hòa trong không gian văn hóa của miền Tây Bắc. Từ bao đời nay, Xòe đã quay tròn trong các cộng đồng dân tộc Thái tại Yên Bái, Sơn La, Lai Châu Điện Biên. Xòe sinh ra từ người Thái, lớn lên cùng người Thái, hòa quyện vào những tâm hồn của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc. Trải quan bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, những điệu Xòe đã trở thành biểu tượng của tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa các dân tộc, được các nghệ nhân tâm huyết dành trọn cuộc đời để gìn giữ, trao truyền cho các thế hệ. Những vòng đại Xòe trong đêm hội đặc biệt này khiến cho người xem vừa đắm say với điệu Xòe Yên Bái đầy quyến rũ, lại bị cuốn hút bởi điệu Xòe Sơn La ngả nghiêng giữa thảo nguyên xanh mướt chân trời, thướt tha cùng Xòe Điện Biên trên cánh đồng Mường Thanh chiến địa ngày nào, và ngất ngây trong những điệu Xòe Lai Châu khoan nhặt trong tâm thức người Thái miền Tây Bắc. Sau vòng Xòe cng đồng là liên tiếp những vòng xòe trình diễn các hình tượng đặc sắc mang đậm ý nghĩa văn hóa và nhân văn sâu sắc như vòng Xòe thời gian, thể hiện giá trị tinh thần độc đáo được lưu truyền ngàn đời trong nghệ thuật Xòe Thái; vòng Xòe mang hình tượng hoa văn thổ cẩm thể hiện ứng xử với thiên nhiên, con người, muôn màu thiên nhiên hòa trong bức tranh thổ cẩm Tây Bắc; vòng Xòe mang hình tượng “Khau cút”- một biểu tượng của đồng bào người Thái, thể hiện nét văn hóa trong kiến trúc nhà sàn, ẩn chứa những quan niệm sâu sắc về cuộc sống và cội nguồn dân tộc và cuối cùng là vòng Xòe hoa Ban nở, tượng trưng cho vẻ đẹp thuần khiết, bừng sáng của núi rừng Tây Bắc mỗi dịp xuân về. Có mặt trong đêm hội xòe, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng toàn thể đại biểu có mặt đã cùng nắm tay hòa vào vòng Xòe hoa ban với nhân dân. Vòng xòe tưởng chừng như kéo dài bất tận bởi tinh thần đại đoàn kết cộng đồng, bởi vòng xòe ấy chính là vòng tròn của tình yêu lứa đôi, của tình mường, nghĩa bản; của khát vọng đổi thay miền Tây Bắc và niềm tự hào, hạnh phúc của người Yên Bái, của cộng đồng người Thái Tây Bắc và cả dân tộc Việt Nam khi khát vọng Nghệ thuật Xòe Thái được tôn vinh là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại nay đã trở thành hiện thực.

                                                                                                   N.T

Các tin khác:

51-55 of 333<  ...  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter