Lỡ hẹn với dòng Lam

Truyện ngắn của HOÀNG TƯƠNG LAI

            Khi đang làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào, cùng đồng đội đã bao lần được tắm mình nơi dòng Nậm Khan thuộc cao nguyên Xiêng Khoảng. Dòng nước mát đã rửa sạch bao bụi bậm của chiến trường ác liệt ở Cánh Đồng Chum thuở ấy. Khi đơn vị rút về Đô Lương, Nghệ An củng cố để chuẩn bị vào chiến trường Miền Nam. Lúc đó tôi cùng đồng đội lại được tắm mình ở sông Lam. Sông Nậm Khan ở đầu nguồn chảy xiết thì ở Đô Lương, sông Lam lại hiền hòa lững lờ như dải lụa trắng uốn mình qua các xóm làng, những khóm tre ngày ngày khum mình chải tóc bên dòng Lam thêm trong xanh mát rượi. Khi đó tôi là cây văn nghệ đặc biệt của đơn vị tiểu đoàn. Với giọng hát được cả nam lẫn nữ, tôi được mệnh danh là giọng ca vàng thời đó, tôi quay nghiêng người về phía khán giả hát giọng nam, đoạn hát giọng nữ tôi lại quay bên kia ra sân khấu, trên tai đeo chiếc khuyên giả khi hát bài "Trước ngày hội bắn". Tiếng hò reo, hoan hô vang dội cả một góc trời. Đơn vị có đồng đội tên Thành cùng quê có giọng ca nam rất hay hợp tông với tôi. Đội trưởng văn công giao tôi tìm mượn quần áo nữ để sắm vai nữ trong các vở ca cảnh của đơn vị đi hội diễn toàn sư đoàn. Theo giới thiệu, tôi cùng Thành vào một đơn vị thanh niên đang khai phá những cánh đồng gần đó. Tôi gặp bác phụ trách trình bày ý kiến của mình. Bác đội trưởng bảo chờ lát nữa khi các o đi làm về để ướm quần áo cho vừa, trong đội phần lớn các o là thanh niên xung phong tuổi mười chín đôi mươi cũng vừa hoàn thành nhiệm vụ từ chiến trường Xiêng Khoảng về đấy. Các o đi làm về trên vai cuốc xẻng cười nói vui vẻ trêu đùa nhau khi thấy có hai chúng tôi ngồi đợi. Bác đội trưởng lên tiếng:

            - O Hạnh đội phó ra tiếp khách quý này!

            O Hạnh thay bộ đồ mới bước ra từ cửa buồng, nở nụ cười chào hai chúng tôi!

            - Ôi O Hạnh, trời đất xoay vần, lại may mắn gặp o ở đây.....

            Ngày ấy, đợn vị chốt ở cao điểm 1516 phía Tây Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng. Địch ngày ngày tung quân lên chiếm chốt. Đầu tiên là những loạt pháo từ Long Chẹng bắn ra rồi cối bắn như vãi trấu vào cao điểm. Đại đội giữ chốt ít dần đi vì phần hy sinh phần bị thương vì bom pháo vì các đợt tấn công lên chiếm chốt của quân ngụy Vàng Pao, nhưng chốt chặn vẫn vững vàng. Tôi bị thương vào cẳng chân phải vì đạn cối cá nhân của địch. Đồng đội khiêng tôi xuống viện Toa Tàu rồi chuyển ra viện C1 điều trị vài ngày lại chuyển ra viện 139 nằm ở hang Nậm The. Từ viện C1 ra Nậm The có các cô thanh niên xung phong cáng đi một đoạn khá xa rồi đưa lên chiếc xe tải. Lúc đầu tôi nghĩ đó là các cô gái Lào, khi thấy các cô chào hỏi chúng tôi bằng giọng Nghệ An, giọng nói nhỏ nhẹ, ấm áp khiến vết thương chẳng còn đau nhức nữa. Đêm đó trời không trăng, xe chạy trên đường sỏi đá vượt qua Cánh Đồng Chum. Tôi cùng hơn chục đồng đội bị thương nằm trên thùng xe cạnh các cô thanh niên xung phong, trên trời bỗng thấy chiếc đèn đỏ trông giống ngôi sao đang chuyển động. Tôi không lạ gì loại máy bay C130 của địch đêm nào cũng bay để nhả đạn xuống bất kỳ chỗ nào mà chúng nghi, từng loạt đạn như kẻ chỉ xuống những cao điểm ở phía sau chiếc xe chở thương binh đang chạy. Chiếc xe hãng "giải phóng" bật đèn rùa vẫn lặng lẽ đi trong đêm. Bỗng chiếc xe quay ngoắt vào cạnh đường một đoạn thì khựng lại. Lái xe nhảy khỏi buồng lái nói như ra lệnh: tất cả xuống xe vào hầm trú ẩn phía mũi xe chừng mười mét. Không đợi nằm lên cáng nữa, cô thanh niên xung phong ghé lưng cõng tôi lao xuống chiếc hầm cạnh đấy, từng loạt đạn nổ tung tóe ngay cạnh nóc hầm. Chiếc hầm hẹp, em lấy thân mình che chở cho tôi. Đạn ngưng nổ, chiếc C130 đã bay xa, tôi hỏi: Các cô quê ở đâu? Dạ quê em ở Đô Lương, Nghệ An ạ! Thế anh phải gọi các em là o đúng không? Rứa o tên chi? Dạ em tên là Hạnh còn các bạn em cũng quê ở Nghệ An cả anh à. Chiếc xe bị đạn từ chiếc C130 bắn trúng bị hỏng máy không chạy được. Tốp thanh niên xung phong lại phải khiêng chúng tôi chạy bộ khoảng năm cây số mới gặp xe đến đón. O Hạnh lại cõng tôi lên xe, cùng đưa chúng tôi tới viện 139 ở Nậm The rồi tạm biệt, cõng đạn, gạo vào tuyến trước rồi lại chuyển thương binh ra. Nhìn o nào cũng trẻ trung xinh đẹp nhưng o Hạnh là xinh nhất với hai lúm đồng tiền trên má cùng nụ cười hiền hậu. Hạnh đến chào tôi rồi nói quê em ở thị trấn Đô Lương, khi nào về nước có dịp anh ghé thăm nhà em nhé!

            Và rồi như ông trời sắp đặt tôi gặp Hạnh ngay gần đơn vị chúng tôi đóng quân. Hạnh cho tôi mượn quần áo, má o ửng đỏ hỏi tôi có mượn áo ngực không? Có chứ! Không có áo ngực thì đóng con gái thế nào được! O Hạnh cho tôi ướm thử, tôi mặc vào, o Hạnh giúp tôi cài áo ngực, chiếc áo bà ba màu tím, quần phíp đen mềm, mát rượi, ôi vừa tăm tắp. Bác trưởng đoàn nói: O Hạnh là đội phó của đội khai hoang, các o ở đây tuổi còn trẻ, chưa chồng con chi cả, bộ đội các anh muốn làm rể Nghệ An thì cứ đến tìm hiểu, tôi giúp cho.

            Tôi phải mượn quần áo của o Hạnh gần tháng trời, vì hết hội diễn ở tiểu đoàn lại hội diễn ở trung đoàn. Tiết mục của đơn vị tôi còn mấy buổi diễn giao lưu ở các tiểu đoàn bạn rồi hội diễn cấp sư đoàn. Tôi ra sông Lam giặt bộ quần áo mượn của Hạnh phơi chưa kịp khô đã phải mặc cho đêm biểu diễn khác. Lần biểu diễn tại nơi đóng quân, khi vừa hóa trang xong lúc trời nhá nhem tối, Hạnh đến tận nơi tôi đang tô son vào môi. O nghiêng bên má, nói trong hơi thở gấp gáp: Anh cho xin nụ hôn vào má em để làm kỷ niệm đi, nhanh nào! Tôi cũng mạnh dạn đặt nụ hôn lên hai cái lúm đồng tiền trên má em để lại hai vệt son môi của mình. Đêm công diễn thành công tốt đẹp, vai diễn con gái, giọng hát con gái của tôi được quân và dân hoan hô náo nhiệt. Đêm ngủ tôi cứ trằn trọc về nụ hôn vào đôi má của o Hạnh rồi mơ được đưa Hạnh về Thác Bà, Yên Bái ra mắt mẹ, mẹ khen con trai khéo chọn được cô dâu Nghệ An vừa xinh đẹp, tốt nết thế. Sáng hôm sau trong lúc đánh răng rửa mặt thì Hạnh đi làm ngang qua chỗ tôi, ngạc nhiên thấy hai má Hạnh ửng đỏ, nhìn kỹ không phải, hai nụ hôn tôi hôn vội lúc chập tối hôm qua trên má Hạnh vẫn để nguyên. Hạnh cười nói: Em giành để hết ngày hôm nay, mặc chúng bạn trêu, tối về em mới tẩy anh nhá! Tôi ngây người về món quà Hạnh dành cho tôi buổi sáng hôm đó. Đơn vị thường phân công các đại đội tới giúp đội khai phá tiếp những mảnh ruộng, cánh đồng dần được mở rộng xanh mướt những lạc, khoai lang. Những buổi tập ngắm bia gần đấy, các cô hò sang:..."Hò ơi... Thao trường anh tập xong chưa.../ Cùng em ví dặm đò đưa quê nhà....”. Đồng đội lại đẩy tôi hò giả các o, tôi đành đứng lên cất lời hò "... Ơ hò... Sông Lam hò ợi núi Hồng... Hỏi em bên nớ có chồng hay chưa?..". Có tiếng hò đáp trả: "  Hò ơi... Anh ơi em nỏ có chồng.... Anh hò bên nớ có bằng lòng lấy em?..."  Đúng tiếng o Hạnh rồi. Cả giờ nghỉ hôm ấy rồi những buổi tập trên thao trường chúng tôi cứ hò đi hò đáp lại. Điệu hò ví dặm cứ như sợi dây vô hình bện chúng tôi vào nhau, giục giã thôi thúc, thắm đượm tình quân dân thêm bền chặt.

            Sông Lam đoạn gần đơn vị đóng quân chảy lững lờ, thỉnh thoảng có những cây sung ngả là là mặt nước để cho những người lính thường ra đây tắm giặt. Trưa hôm đó tôi đem áo quần của Hạnh ra sông Lam giặt rồi định ngày mai đem trả Hạnh khi đơn vị đã hết thời gian hội diễn. Bỗng ở bến dưới- bến dành riêng cho chị em tắm giặt, có tiếng kêu thất thanh như người kêu cứu đuối nước. Tôi cùng Thành chạy đến thấy có cánh tay đang chới với giữa dòng nước cùng những tiếng kêu: “Bộ đội ơi mau cứu cứu...”, tôi vội ào xuống. Thời trai trẻ lặn ngụp ở dòng sông Chảy quê tôi cùng những ngày trên thao trường tập bơi đã giúp tôi nhanh chóng đưa được cô gái đang "giã gạo" giữa dòng Lam lên bờ. Tôi vội xốc cô gái ngược lên lưng mình rồi chạy. Các o kể: o Lành bị đuổi nước, o Hạnh lao xuống cứu được o Lành lên bờ rồi o Hạnh đuối sức chới với giữa dòng, nỏ ai biết bơi mà xuống cứu. Lại là Hạnh của tôi. Bốn mắt nhìn nhau thẹn thùng đầy biết ơn thương cảm. Tôi lau tóc lau má cho em, bảo mấy o đưa Hạnh về lán, qua khỏi rồi, sẽ không sao đâu. Sau lần ấy, cả hai đều bận với nhiệm vụ chả được gặp em, dù  ở cách nhau chưa đến cây số, tôi đã gửi thư hỏi thăm sức khỏe Hạnh. Và Hạnh đã gửi cho tôi tới hai lá thư. Lá thư thứ hai Hạnh xin phép mượn lời thơ của cây bút trẻ nào đó gửi cho tôi nói hộ lòng mình, bức thư có đoạn: “Nói thương người lính trong tem/ Chính là thương lắm người bên cạnh mình/ Xin cho em được ân cần/  Phong thư nhỏ dán tem gần tên anh.....".  Chính cử chỉ đó đã như một sợi dây tình cảm vô hình gắn kết hai chúng tôi không thể rời xa nhau được nữa.

            Đơn vị bước vào kỳ nghỉ huấn luyện ăn theo chế độ "tiểu táo" để chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới. Hạnh đến tận đơn vị mời tôi lại nhà o ấy để cho biết cửa biết nhà. Được phép của thủ trưởng tiểu đoàn, tôi ngồi lên chiếc xe đạp của Hạnh đến thị trấn Đô Lương. Hạnh cùng mẹ ở trong căn nhà nhỏ đơn sơ giữa thị trấn. Thị trấn vừa qua khỏi cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, đã có điện thắp sáng nhưng nhà cửa còn đơn sơ. Nhà Hạnh chỉ có ba mẹ con, bố Hạnh đã hy sinh tại chiến trường Lào, em cậu Hạnh đang học một trường nghề trên tỉnh. Mẹ của Hạnh mừng ra mặt vì lần đầu tiên thấy con gái dẫn bạn trai về như kiểu ra mắt. Tôi lễ phép thưa cùng mẹ: Dạ thưa mẹ, con và Hạnh gặp nhau ở chiến trường Xiêng Khoảng tận bên nước bạn Lào, Hạnh đã cõng con xuống hầm trú ẩn, lấy thân mình che chở cho con. Ngày về nước con lại gặp Hạnh cùng các o ở đơn vị khai phá đất hoang ngay gần đơn vị. Hạnh tranh tôi nói cùng mẹ: Mẹ ơi! Không có anh Hiếu thì con đã chết đuối hôm đang tắm ở sông Lam đoạn chảy qua xã Giang Sơn rồi. Anh Hiếu có giọng hát được cả nam và nữ mẹ à! Anh là cây đơn ca nổi tiếng của toàn đơn vị đấy. Rứa là phước lắm rồi con ạ! Rứa quê con ở nơi tận mô? Dạ quê con ở tận Yên Bái mẹ ạ! Hơi ngái, nhưng không sao, quý trọng nhất vẫn là tình người phải không con. Mẹ Hạnh còn hỏi tôi nhiều nữa, hỏi về tuổi tác, làm ăn ở quê, là con cả hay thứ, bố mẹ làm gì có khỏe không... Rứa là con nhiều hơn Hạnh hai tuổi, nhiều anh em trai, hòa bình rồi con về làm rể mẹ hầy!... Tôi nhìn Hạnh rồi ấp úng: Dạ, miền Nam giải phóng con sẽ về đây ở với mẹ và Hạnh... Ăn tối xong, lại chuyện một hồi nữa, mẹ giục tôi đi nghỉ. Mẹ Hạnh vào gian trái ngủ trong buồng, còn buồng bên phải kê hai chiếc giường đơn gần nhau, giữa nhà mẹ Hạnh treo chiếc đèn điện bọc lớp bìa tỏa ánh sáng mờ mờ khắp ba gian nhà. Chiếc giường của Hạnh liền kề đặt hai chiếc gối mới tinh, còn chiếc giường một tôi ngồi có một chiếc gối cũng mới tinh. Nhớ hôm lên tiểu đoàn xin phép về nhà o Hạnh chơi, thủ trường nhắc: quân dân như cá với nước, yêu là chuyện khác, đồng chí phải giữ gìn không được vượt qua giới hạn rồi sau này khó xử lắm đấy... Hết giặc, đất nước hòa bình về rồi hẵng tính.... Nói chuyện một lúc ôn lại những kỷ niệm với Hạnh ở bên Lào rồi những ngày mặc quần áo Hạnh trên sân khấu. Tôi hỏi Hạnh về dòng sông Lam của quê mình. Hạnh kể: Em nghe các cụ kể: Xưa kia có một người con gái xinh đẹp yêu một người con trai dưới núi. Họ yêu nhau thắm thiết nhưng vì gia đình ngăn cấm nên không thể lấy nhau được, người con gái đứng trên núi cao mà khóc suốt mấy ngày đêm, hai dòng nước mắt của cô đã tạo thành hai dòng sông Nậm Nơn và Nậm Mộ. Người con trai thương người yêu quá đã hứng lấy hết hai dòng nước mắt dồn lại thành một dòng sông lớn đó chính là sông Cả còn gọi là sông Lam ngày nay. Lần đầu tiên quãng đời trai trẻ được ngủ cạnh giường một cô gái xinh đẹp, tôi thổn thức đấu tranh giữa tình cảm và lý trí giằng xé nhau đến khó xử. Nhìn Hạnh hôm nay đẹp hơn mọi ngày, mái tóc em đen óng mượt dài buông quá thắt lưng, da trắng, thân hình cân đối đẫy đà với đôi lúm đồng tiền trên má cùng đôi mắt hiền dịu. Nhớ hôm bác đội trưởng đơn vị của Hạnh nói, trong xứ Nghệ vẫn có câu " Trai Cát Ngạn/ Gái Đô Lương/ Nhút Thanh Chương/ Tương Nam Đàn..." Phải chăng con gái Đô Lương có một cái gì đó đặc biệt nên người đời mới truyền nhau câu nói ấy. Còn đối với Hạnh quả thật là một cô gái dịu dàng, nết na, xinh đẹp và thật đáng yêu... Gà đã cất tiếng gáy. Chẳng thấy buồn ngủ nhưng cứ nhắm mắt như đã ngủ say, Hạnh chắc cũng vậy. Đêm sao mà dài đến thế. Sáng hôm sau, nhìn mắt Hạnh là biết em không chợp mắt. Hạnh đạp xe đi một lúc về đưa tôi một cây thuốc lá "Sông Cầu" cùng đôi dép nhựa "Tiền phong". Hạnh nhỏ nhẹ: thuốc lá anh đưa về cùng đồng đội hút, còn dép để anh đi, số 41 chắc vừa chân anh đó. Những lá thư của bố, của bạn bè, của em gái ở quê gửi tôi đều đem cho Hạnh đọc rồi giữ hộ. Tôi nói cùng Hạnh: Anh vào miền Nam đợt này cho ngày thống nhất hai miền Nam- Bắc, nhưng cũng không nói trước được điều gì, trông cậy ở người anh yêu thương, vào cuộc chiến lần này. Chiến trường thay đổi liên tục sẽ không có điều kiện viết thư cho em và gia đình anh, nhờ em viết thư tới người thân trong nhà anh, động viên mọi người giúp anh với. Hạnh nghẹn ngào: em tin anh sẽ có ngày chiến thắng trở về, em sẽ đợi anh.

            Vào một chiều mưa tầm tã, đơn vị hành quân khoảng ba cây số đến địa điểm tập kết để lên xe vào chiến trường miền Nam. Các o cùng Hạnh theo tiễn, đoàn quân lặng lẽ như con rắn xanh trườn mình dọc bờ sông Lam, luồn qua những rặng tre trên đường làng đến chỗ tập kết. Hạnh mặc bộ đồ hôm tôi mượn, chiếc áo màu tím quen thuộc, khoác áo mưa, đeo ba lô hộ tôi, cùng sánh bước nắm chặt tay tôi ra chỗ tập kết. Khi trao lại ba lô em ôm lấy tôi, má em kề má tôi nghẹn ngào: Anh cùng đơn vị đi chiến đấu mạnh giỏi. Em vẫn đợi anh! Tôi trao lại đôi dép nhựa cùng những bì thư mới nhận được từ quê nhà cho em giữ.

            Trong đội hình sư đoàn 316, đơn vị hành quân bằng cơ giới ngày đêm tức tốc vào Tây Nguyên nằm trong đội hình quân đoàn 3. Đơn vị vào đến Công Tum chuẩn bị đánh vào thị xã thì được lệnh bí mật luồn sâu vào đánh thị xã Buôn Mê Thuột. Đó là vào đầu tháng 3 năm 1975. Trận đánh bất ngờ, địch tan tác tháo chạy, đơn vị lại truy kích địch cho đến ngày hai mươi bảy tháng tư năm 1975 thì bao vây cứ điểm Đồng Dù. Trưa ngày hai tám tháng tư, tôi cùng chính trị viên Quán, Hoàn là y tá cùng một hầm. Bọn địch trong cứ điểm mở đường máu hòng thoát ra. Quả bom từ chiếc phản lực ném xuống ngay cạnh hầm, hất cây lát hầm bay đi lấp đầy đất lên hầm, cả ba người không còn biết gì nữa. Như có hàng ngàn tiếng chuông rung bên tai, tôi hai tay cào cấu đất và cố gọi đồng đội rồi không thở nổi nữa, bỗng thấy mẹ cùng các em, cả Hạnh nữa cố giơ tay ra kéo tôi nhưng không nổi, tôi cứ bay lên cao cao mãi cố gọi mẹ ơi, các em ơi, Hạnh ơi, nhưng vô vọng. Mãi đến hai ngày sau tôi mới hồi tỉnh khi thấy mình đang nằm ở một bệnh viện dân sự, xung quanh toàn những người xa lạ nói giọng Nam. Cố nhớ lại, tôi hỏi về Hoàn về Quán trưa hôm ấy, cô y tá trả lời: mọi người hy sinh hết rồi anh ạ. Tôi đau đớn rồi ngất đi, khi tỉnh lại, hỏi về mình. Tổ du kích chiều đó cáng ba anh cùng đi tới chỗ khâm liệm chuẩn bị chôn cất thì một cáng bỗng có tiếng ho nhỏ rồi thở khò khè, thật phúc đức may mắn người đó chính là anh, mọi người bới tìm thấy anh khi thấy chiếc mũ cối úp vào mặt nhưng đầy đất lấp kín rồi. Khi đó đơn vị các anh đã truy kích địch đi về hướng khác. Chỉ còn tổ du kích ở lại khắc phục hậu quả của trận đánh. Hỏi về chiếc ba lô, cô y tá nói: đơn vị mang theo làm thủ tục chính sách cho các anh rồi. Anh bị sức ép nặng, cứ yên tâm điều trị ở vùng giải phóng này. Nằm viện vài tháng tôi mới tự đi lại được trong bộ quần áo dân sự do bệnh viện cấp, người lúc nhớ lúc quên. Hồi phục, tôi tìm về đơn vị trong sự ngỡ ngàng của đồng đội. Thủ trưởng đơn vị nói: đơn vị được biết cả ba đồng chí đã hy sinh ngay chân cứ điểm tiếp cận đó, nên mọi thủ tục báo tử đã hoàn tất. Miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, bây giờ là tháng 11 năm 1975, đơn vị chuẩn bị ra Bắc nhận nhiệm vụ mới. Đơn vị sẽ gửi đồng chí vào một bệnh viện điều dưỡng của quân đội để hồi phục sức khỏe rồi chuyển ra Bắc sau, mọi thủ tục sẽ được đính chính lại cho đồng chí.

            Bốn tháng sau, tôi mới dần dần hồi phục về trí nhớ và ra Bắc rồi an dưỡng ở Vĩnh Yên ba tháng, thời gian đó tôi mới biết viết thư về cho gia đình. Sau khi làm thủ tục xác nhận thương binh tôi được phục viên. Hôm các anh ở huyện đội đưa xe về tận nhà, mọi người ai cũng mừng, mừng mà lại ôm lấy tôi mà khóc. Mẹ ôm lấy tôi, sờ nắn từ đầu đến gót chân, ôi phúc đức cho nhà ta, con không sao trước hòn tên mũi đạn chứ. Bố thì sụt sùi thắp hương lên bàn thờ khấn vái, khi biết tôi còn sống, ảnh cùng bài vị đã được cất dọn đi. Mẹ nức nở: Sau khi xã tổ chức lễ truy điệu liệt sĩ cho con thì gần tháng sau cô gái tên Hạnh từ Nghệ An ra ở với mẹ gần tháng trời. Cô ấy kể về con nhiều lắm. Hạnh nhận làm con của mẹ, giúp mẹ gặt lúa, giặt áo quần, gội đầu chải tóc cho mẹ. Hạnh đưa toàn bộ những lá thư của mẹ cùng các em con gửi cho con cả đôi dép nhựa trắng nói là của anh Hiếu giao cho con giữ. Hạnh thắp hương khóc nhiều lắm trước di ảnh của con rồi xin phép về lại quê Nghệ An vì còn mẹ già đang mong đợi. Cả tháng sau tôi viết bốn lần thư gửi cho Hạnh ở thị trấn Đô Lương, Nghệ An nhưng không có một thư nào trả lời. Hai tháng sau nữa, nhận được thư o Lành trả lời thay cho Hạnh báo tin cho tôi. Sau khi Hạnh ra viếng anh ở quê nhà, trở vô thì mẹ Hạnh ốm nặng rồi mất. Hạnh theo em cậu vào tận Củ Chi tìm mộ anh nhưng không thấy. Hai chị em công tác sinh cơ lập nghiệp ở trong đấy luôn và Hạnh đã... đọc đến đấy như có  tiếng sét nổ bên tai, đất trời như đổ sụp.

            Tôi chỉ biết ngửa mặt lên trời nhìn về phương Nam mà bái vọng: Hạnh ơi! Cầu chúc em ở phương trời ấy hạnh phúc và gặp muôn vàn may mắn. Vậy là anh đã một đời lỡ hẹn với dòng Lam.

                                                                       

                                                                          H.T.L.

                                                                       

 

Các tin khác:

6-10 of 332<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter