Người giữ hồn dân tộc Mông ở Trạm Tấu

Ký của Hoàng Tương Lai

Đến với huyện Trạm Tấu vùng cao của tỉnh Yên Bái là đến với suối khoáng nóng cách thị trấn Trạm Tấu khoảng 2 km, là đến với Eo gió đồi thông. Đến với Trạm Tấu là biết đến những Homestay du lịch cộng đồng của dân tộc Thái ở xã Hát Lừu... Đến với Trạm Tấu là biết đến chè Shan Phình Hồ, biết đến Táo (Sơn tra), biết đến gà đen, biết đến gạo ngon, khoai sọ nổi tiếng cả vùng Tây Bắc. Đến với Trạm Tấu là được thấy các cô gái Mông trong váy áo sặc sỡ cùng với tiếng khèn tiếng sáo tiếng đàn môi dìu dặt tìm gọi bạn tình của các chàng trai Mông nơi lưng chừng núi có những làn mây trắng quấn quýt theo nhịp váy đung đưa.

Được cùng đoàn văn nghệ sĩ Yên Bái lên Trạm Tấu lần này, sau buổi gặp mặt trao đổi thông tin nhanh về tình hình mọi mặt của huyện do đồng chí Khang A Chua- Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu trình bày; Đoàn tranh thủ thời tiết còn chút nắng, những nhà nhiếp ảnh, mỹ thuật, những người viết văn vội lên săn mây ở Tà Xùa thuộc xã Bản Công cao hơn mực nước biển 2800 mét. Phần thì thuê xe ôm lên Tà Chì Nhù cũng để săn mây cao hơn 2900 mét so với mực nước biển. Phần đi Tà Si Láng, bản của người Mông giáp xã Bản Mù, phần đi Cu Vai xã Xà Hồ. Tôi được nhà văn Hà Lâm Kỳ dẫn đến một cây đại thụ trong rừng văn hóa truyền thống người Mông của huyện Trạm Tấu. Căn nhà hai tầng của ông giản đơn nhỏ nhắn cách suối Nậm Tung không xa. Con suối Nậm Tung đã qua mùa lũ, những hòn đá to tròn như những đàn trâu đàn lợn đang nằm phơi mình trần trụi giữa lòng suối nước chảy ào ào.

- Chào bác Giàng A Su, bác khỏe không?

- Mình vẫn khỏe mà! Cơn gió nào đưa hai người anh em đến đây thế!

Bác ra tận cửa đón hai anh em chúng tôi vào nhà. Ngồi tâm sự mới biết ông sinh năm 1943 ở xã Bản Mù. Là một thanh niên yêu thích múa khèn, mê các làn điệu hát của dân tộc mình từ lúc còn nhỏ, ông thuộc lòng câu thành ngữ của người Mông: "Sống mà không biết chữ/ Như trâu đằm ruộng bùn". Ông chăm chỉ học tập, học hát, học thổi khèn, tập múa khèn, đến năm 15 tuổi đã biết hát biết múa khèn và năng nổ tham gia các phong trào ở địa phương. Năm 1960, ông làm A trưởng dân quân, Bí thư Đoàn xã tới ba năm rồi Xã đội trưởng từ 1964 đến 1967. Ông được cấp trên điều động làm Trung đội Trưởng đưa đơn vị sang giúp Lào ở tỉnh Luông Pha Băng. Sau ba năm hoàn thành nhiệm vụ trở về, từ năm 1970 đến năm 1974 ông làm Phó Chủ tịch kiêm Trưởng công an xã. Giai đoạn từ năm 1974 đến năm 1996 ông làm Chánh án tòa án, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch huyện Tạm Tấu, thời gian đó ông học xong Trung cấp Chính trị ở tỉnh. Năm 1997 đến 2005, ông làm Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu  rồi đặc phái viên của tỉnh đến năm 2008, ông nghỉ hưu lúc đó đã 63 tuổi. Thời gian công tác ông được vinh dự đi thăm quan học tập nhiều mô hình ở các quốc gia như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Nhật.

NNƯT Giàng A Su (bên trái) chụp ảnh lưu niệm cùng nhà văn Hà Lâm Kỳ tại gia đình- Ảnh: Tác giả

 

Ông hiểu tường tận về bốn ngành Mông đang sinh sống ở Trạm Tấu. Đó là Mông Đơ (Mông trắng), Mông Đu (Mông đen), Mông Lềnh (Mông hoa), Mông Si (Mông đỏ). Mỗi nhóm Mông có những đặc điểm về trang phục, vấn tóc khác nhau. Mông Đơ mặc váy màu trắng, Mông Đu mặc váy thiên màu đen, ngôn ngữ cũng có những điểm khác nhau. Tôi hỏi ông: Thế bác thuộc nhóm Mông nào? Ông bảo: Mình thuộc nhóm Mông Si. Ông thủ thỉ: Người Mông cho rằng mọi đồ vật đều có linh hồn, ngôi nhà cũng vậy. Ngôi nhà có thần cửa, thần cột, thần bếp, có ma nhà để luôn bảo vệ người Mông trước mọi thế lực bên ngoài. Khi ra khỏi nhà phải mang theo vật gì đó bên mình như một thứ bùa hộ mệnh. Bố mẹ ở với con trai út để thờ cúng tổ tiên trong gia tộc. Trang phục của phụ nữ người Mông luôn sặc sỡ hoa văn, phải mất rất nhiều thời gian để làm nên bộ váy áo. Là phụ nữ người Mông phải biết thêu thùa váy áo của mình. Khi đi làm dâu được mẹ tặng bộ váy áo mới, khi về nhà chồng con dâu tặng mẹ chồng, mẹ đẻ bộ váy áo đẹp nhất. Phụ nữ Mông luôn lo cho chồng con mặc đẹp. Việc làm đó đánh giá phẩm hạnh của người con gái Mông. Con trai người Mông phải biết múa khèn, thổi sáo, thổi khèn lá, biết đánh quay, con gái Mông phải biết múa, múa tung khăn, phải biết làm những quả Pao thật đẹp để ném Pao chọn bạn tình. Tôi hỏi: Thế bác giờ còn múa khèn tốt chứ? Ồ, thì vẫn thổi khèn múa khèn tốt, nhưng người Mông cả đàn ông, đàn bà khi thành người già thì không múa hát nữa, mà để cho bọn trẻ, dạy cho bọn trẻ làm thôi. Người già trở thành kho báu để truyền cho các con các cháu làm hay, làm đẹp hơn những người già chúng tôi. Ông kể thời trẻ lấy bà nhà bây giờ: Mình thấy mọi người ném Pao cho nhau, cô ấy đẹp, quả Pao cũng đẹp, bao chàng trai đón quả Pao của cô ấy. Nhưng khi các chàng trai ném Pao trả lại thì cô ấy không bắt. Mình thuộc câu mọi người thường hát: "Anh ném quả Pao/ Em không bắt/ Em không yêu/ Quả Pao rơi xuống đất". Đến lượt mình vào ném, quả Pao chao đi chao lại, cô ấy đã bắt, mình ném lần nào cô ấy cũng đón bắt được. Mình lấy quả Pao của cô ấy làm vật minh chứng cho tình yêu. Mình thổi sáo bài: "Cái bụng anh thương em như lá rừng, em không có lòng thì thôi, có lòng thì ta về với nhau một đêm. Em không có lòng thì thôi, có lòng thì ta về ở với nhau một ngày". Mấy tối sau trăng sáng khi mờ khi tỏ, mình lại thổi sáo bài: "Người ta có đôi có lứa, ăn cơm xong ngồi trò chuyện vui cười. Anh không có đôi có lứa, ăn tối xong vừa buông đũa chỉ có cây sáo làm bạn với trăng suông...". Cô ấy đã theo mình về làm bạn cho tới bây giờ. Tôi hỏi: “Thế người Mông ta có những điệu hát gì?” Ông kể: “Nhiều lắm, như hát lên nhà mới, hát trong đám cưới, hát giao duyên, hát than thân...” “Ông có biết nhiều các làn điệu hát không?” “Có chứ! Lúc nữa mình sẽ kể, bây giờ xin nói về lễ hội, hát nhiều nhất vui nhất vẫn là ở các lễ hội của người Mông mình. Này nhá: Đầu xuân có lễ hội Gầu Tào thường tổ chức vào những ngày đầu xuân. Khi xưa lễ hội này thực chất nó là lễ hội cầu có con (Xanh hấu tào, xanh hấu pề) là lễ cúng thần phụ hộ cho các cặp vợ chồng hiếm muộn con sinh được con trai con gái. Việc chọn cây nêu, chặt cây nêu, chọn ngày, chọn chỗ, khiêng cây nêu từ rừng về không được đặt xuống đâu giữa đường, chọn ngày dựng. Dựng cây nêu ở chỗ đất bằng đã chọn. Mổ lợn mổ gà cúng rồi làm cỗ mời anh em đến tổ chức thi bắn nỏ, đánh quay, thi bắn cung, múa khèn, hát Gầu Piềng, ném Pao (Pó po), phụ nữ Mông khâu quả Pao có thể một màu, có thể nhiều màu sặc sỡ. Nhìn quả Pao của cô gái là biết người đó khéo tay hay không. Việc ném Pao cấm kỵ anh em dòng họ ném Pao cho nhau. Quy ước với nhau số lần ném, nếu yêu thương nhau không để quả Pao rơi xuống đất, khi con trai ưng người con gái thì giữ quả Pao của cô gái đó làm vật kỷ niệm đánh dấu cho tình yêu. Rồi trong năm còn lễ hội Nào Sống, lễ mừng nhà mới, lễ cúng bản, lễ hội giã bánh giày.. Còn các loại hát của người Mông mình thì có mấy loại. Vì có từ xa xưa nên các câu hát đều mượn cỏ cây hoa lá, mượn chim thú để tả tình tả cảnh. Điệu hát phong phú nhất là Tiếng hát tình yêu (Gầu plềnh), các cô gái nghe tiếng khèn, tiếng kèn môi là biết chàng trai ấy thổi bài gì, nói gì trong bài khèn đang thổi đó. Còn tiếng hát cưới xin (Gầu xống) là lúc hát trong đám cưới, từ đón đưa dâu, dặn dò đôi vợ chồng trẻ sống thế nào cho phải đạo, chịu khó vất vả làm ăn ra sao… để thành gia đình no đủ bằng bạn bè. Tiếp đến là Tiếng hát làm dâu (Gầu ua nhéng)  nói về thân phận của người con gái Mông của người xưa để lại... Nữa là Tiếng hát mồ côi (Gầu túa giùa) nói lên nỗi khổ của người con mất cha mất mẹ, có người phải đi ở làm con nuôi... Sau cùng là Tiếng hát cúng ma (Gầu taơ), có thể nói tiếng hát ấy là một bài điếu văn nói đầy đủ về cuộc đời của con người từ khi sinh ra, lớn lên làm việc gì, có nỗi khổ gì, niềm vui gì, nay về với tiên tổ, để lại tiếng thơm cho dòng tộc”. Tôi hỏi ông:

- Thế bác có thuộc và hát được mấy loại hát đó?

- Biết chứ! Mình hát được mà, mình đã hát làm ông mối cho bao nhiêu đám cưới, hát trong mọi dịp đi cúng: cúng lên nhà mới, cúng ở các lễ hội...

- Thế bác thích nhất bài ca nào?

- Thích thì thích nhiều, nhưng mình yêu thích nhất bài ca công ơn cha mẹ: "Nơi ở của người Mông cheo leo trên núi cao/ Tay với đến mặt trời mặt trăng/ Nơi mà từ những kẽ đá cũng mọc ra hạt ngô căng mẩy.../ Nơi mà dù khó khăn mọi người vẫn vui cười, vui hát...".

Tôi dừng lại câu chuyện, muốn để ông nghỉ chút, mặc dù câu chuyện đang bon, tôi thong thả lên ngắm "kho của cải" của ông ở tầng hai. Cạnh đấy là phòng để treo các loại trang phục người Mông, từ váy, áo đến các loại khăn đủ màu sặc sỡ, nào là khèn, sáo cùng nhiều loại nhạc cụ khác mà lần đầu tôi được thấy. Trên tường treo hơn chục bằng khen lại còn một xấp xếp đấy (chắc là giấy khen). Treo ở giữa là Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì, Bằng Nghệ nhân ưu tú được phong năm 2015, Kỷ niệm chương vì giai cấp nông dân Việt Nam. Ông còn được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cấp Bằng công nhận Nghệ nhân dân gian, hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Yên Bái. Ngần ấy khẳng định sự cống hiến, đóng góp công sức, trí tuệ của cá nhân ông cho dân, cho Đảng nói chung và lĩnh vực văn hóa truyền thống của dân tộc Mông ở Trạm Tấu quê ông. Ông xứng đáng được gọi là người giữ hồn dân tộc Mông ở huyện vùng cao Trạm Tấu

Tôi hỏi tiếp ông:

- Trong quá trình công tác ở huyện và sau khi được nghỉ hưu về với cuộc đời bình dị của người dân, điều gì làm ông vui sướng nhất, điều gì khiến ông còn lăn tăn?

- Cái làm mình vui sướng nhất là huyện Trạm Tấu vùng cao nơi mình đang ở ngày nay đang thực sự đổi mới. Biết khai thác thế mạnh để vượt lên làm giàu làm đẹp, ngày càng có nhiều khách du lịch đến thăm quan. Bản làng đổi mới và được đầu tư ngày càng khang trang, không đói nghèo như xưa, không du canh du cư tự do như xưa. Từ cưới xin, làm ma cho người chết dần xóa bỏ mọi hủ tục lạc hậu. Mọi người dân vui vẻ ăn tết Nguyên đán theo tết chung của dân tộc Việt Nam. Từ tiếng nói, trang phục của người Mông cùng các dân tộc khác trên địa bàn vẫn được giữ gìn và phát huy bản sắc của dân tộc mình. Các lễ hội được duy trì tạo ra khí thế vui tươi lành mạnh, ổn định về chính trị, trật tự an ninh được đảm bảo.

Giọng ông trùng xuống, ông tâm sự cái điều băn khoăn lo lắng:

- Lớp trẻ bây giờ dùng điện thoại để giao lưu, nên một số không biết thổi kèn lá, kèn môi nữa, không biết gọi nhau từ vách núi này sang vách núi kia bằng khèn nữa. Cứ thế tiếng khèn, tiếng kèn lá mất dần đi. Một số bà con người Mông đi nhà thờ theo đạo Thiên chúa và đạo Tín lành, tự do tín ngường cũng có lý, nhưng sẽ mất dần đi bản sắc vốn có của người Mông... Ông cứ thấy lo lo, buồn buồn thế nào đấy.

Rót một chén trà, hương trà Shan tuyết tỏa ra thơm quyến rũ, nhấp một ngụm, ông tâm sự tiếp: “Nhưng mà phấn khởi hai người anh em ạ! Ngày trước nạn du canh du cư, tình trạng tảo hôn rồi hôn nhân cận huyết. Nạn trồng và hút thuốc phiện, tổ chức đám ma linh đình, để người chết trong nhà nhiều ngày. Ngày nay được hạn chế, xóa bỏ. Cái mừng nữa là đội ngũ cán bộ lãnh đạo huyện hiện nay là một đội ngũ trưởng thành được đào tạo bài bản, có tâm huyết, lăn lộn với phong trào. Mình được biết: huyện hiện nay có 8 thạc sĩ, 724 người có trình độ đại học và trình độ hiểu biết làm giàu của người dân ngày càng nâng cao. Con em dân tộc ít người được học hành đến nơi đến chốn, nhất định ngày mai, những ngày mai sẽ đưa Trạm Tấu trở thành huyện giàu và đẹp, có cuộc sống hài hòa, hạnh phúc”. Ông lục trong tủ ra hai chiếc ống, mỗi đầu chiếc ống bịt da ếch và sợi chỉ dài nối từ mặt chiếc da ếch. Ông kể: “Ngày trước mình cùng chúng bạn hát giao duyên bằng chiếc ống này, người con gái ở đầu bên kia dù xa vẫn nghe được giọng hát của mình”. Tôi cầm một đầu ống ra khỏi cửa nhà ông đi một đoạn khá xa. “Mình hát nhé!”. Ông cầm ống lên hát. Một giọng hát âm vang nhẹ nhàng ư ư i i vang lên. Cũng lạ, sợi chỉ mỏng manh mà truyền được giọng hát của người hát khi chiếc ống ghé vào tai người nghe. Dù là hôm xưa, nhưng nó còn mãi những kỷ niệm về cách thể hiện nền văn hóa của tộc người Mông nơi đây.

Biết ông nóng lòng lên trang trại của mình ở tận Bản Mù cách đây 12 cây số. Tôi hỏi: “Trang trại của bác có những cây con gì, có rộng không?”. Ông nói: “Vài héc ta thôi mà, cây hồng, cây chè suối Giàng cùng đàn gà, đàn lợn đủ để cải thiện”. Tạm biệt ông. Cả hai anh đều tiếc, chẳng có thời gian lên Bản Mù, lên với trang trại của ông.

Ông hẹn. Mùa xuân tới, mời anh em văn nghệ sĩ lên đỉnh Tà Chì Nhù ngắm hoa đào, hoa mận, hoa ban, hoa tớ dày, hoa dã quỳ, hoa mua cùng các loại hoa rừng khác đua nhau nở để đón lễ hội mừng xuân của Trạm Tấu.

 

Trạm Tấu, tháng 10 năm 2021

                 H.T.L.

 

 

Các tin khác:

131-135 of 335<  ...  22  23  24  25  26  27  28  29  30  31  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter