Cơi nới

Truyện ngắn của PHAN LONG ĐỊNH

 

   Bà Chắt cơi nới cái nhà vườn cấp bốn của mình lần này là lần thứ hai. Lần thứ nhất bà cho xây cái bếp lò đun củi đằng đầu chái. Lần này bà cho xây thêm hẳn một căn buồng phía sau rộng mười bốn mét vuông. Còn hệ thống chuồng trại gia súc gia cầm thì không biết bà đã cho cơi nới bao nhiêu lần rồi.

   Nghe thấy ý đồ vợ muốn cơi nới thêm một phòng ngủ ra phía sau, ông Sọt tỏ  vẻ không đồng tình. Nhất là hôm bà dẫn thằng Thơm thợ xây trong xóm đến đo đo đạc đạc rồi tính toán. Ông Sọt ngồi trên ghế xích đu, mắt cắm vào cái điện thoại đứa con gái út vừa biếu. Thấy thái độ của chồng như vậy, bà Chắt bực lắm nhưng cố nhịn. Khi sờ đến cái phích nước rỗng tuếch, bà không chịu được nữa gắt với chồng:

   - Ông bỏ ngay cái điện thoại cho tôi nhờ!

   Đến lúc đó ông Sọt mới đi nhóm bếp lò. Bà Chắt tiếp tục nói với Thơm:

   - Cháu tính cho bác xem số nguyên vật liệu phải chuẩn bị nhé.

   - Dạ, vâng! Diện tích… tường cao… vị chi là ba nghìn rưỡi gạch chỉ, một tấn rưỡi xi măng, ba khối cát vàng, hai khối cát đen, bốn cây sắt phi mười bốn, khoảng hai mươi cân sắt sáu và một khối sỏi.

   Nghe Thơm trình bày lưu loát bà Chắt gật gật đầu. Khi Thơm trình bày xong, bà Chắt quyết định luôn:

   - Được! Chiều tập kết vật liệu, sáng mai tiến hành luôn. Mà thợ là mấy người?

   - Dạ! Cần ba người có hai thợ chính và một phụ xây ạ. Đội của cháu hơn mười người đang hoàn chỉnh bên cô Ngoãn. Cháu sẽ rút về đây ba người.

   - Cứ để anh em làm bên đó. Mai đích thị cháu phải sang, bà bảo thêm ông Tạo làm cùng cháu. Còn phụ xây thì…- Bà Chắt hất hàm về phía ông Sọt đang lúi húi đun nước.

Thơm hiểu ý gật đầu, nhưng vẫn phân vân:

- Ông Tạo… cháu e là… ông ấy làm ẩu lắm.

- Nhưng được cái ông ấy khỏe và nhanh. Cháu quản lý tốt vào thì ông ấy cũng chả đến nỗi nào.

- Vâng…

Vừa lúc đó ông Sọt xách phích nước từ dưới bếp lên. Chưa kịp pha chè thì Thơm đã đứng dậy:

- Uống nước đã cháu- Bà Chắt đon đả.

- Cháu xin phép ông bà. Cháu đang làm đằng nhà chị Ngoãn tranh thủ chạy sang đây một lúc thôi ạ.

Thơm đi nhanh ra sân, cưỡi lên cái xe máy cũ nát phành phạch phóng đi. Ông Sọt giờ mới ngần ngừ nói:

- Có hai ông bà già, cái nhà vườn đủ rộng rồi bà còn bày đặt xây với xướng làm gì cho tốn kém?

- Thế ông không thấy các cháu về chơi nằm chất đống lên nhau hả? Mấy đứa con trai còn được chứ bọn con gái chúng lớn cả rồi. Phải có cái buồng kín đáo chứ. Tôi đã quyết rồi. Cứ thế mà làm.

***

   Sọt và Chắt cùng làng, cùng lứa nên chăn trâu cắt cỏ với nhau từ tấm bé. Nhưng Sọt chả để ý đến Chắt bao giờ, mà chỉ nhớ những lần cãi nhau phần thắng luôn thuộc về Chắt. Vừa bước vào tuổi mười chín, bố mẹ Sọt cứ thủ thỉ mãi chuyện vợ con nhưng anh chả ừ hữ gì. Cho đến một hôm, Sọt chép miệng: “Ừ thì bố mẹ muốn làm thế nào thì làm”. Thế là Chắt về làm vợ của Sọt. Khi thằng Bình vừa được một tuổi thì Sọt có giấy gọi nhập ngũ. Lúc khai lý lịch quân nhân, Sọt điền vào hàng chữ tên khai sinh là Lê Văn Sọt, tên thường gọi là Lê Hoài Nam. Thế là vào bộ đội cái tên Sọt biến thành Hoài Nam từ ngày đó.

   Năm Sọt đi bộ đội là năm máy bay Mỹ bắn phá dữ dội ra miền Bắc. Các cơ quan của huyện sơ tán sâu về vùng nông thôn. Xóm Đình được đón Trường Đảng của huyện về án ngữ trên đồi cọ phía sau nhà Sọt. Những dãy lán lụp xụp ẩn dưới những tán cọ lúc nào cũng chứa hàng chục học viên là cán bộ các xã trong huyện về tá túc học tập. Chắt lân la gặp anh Hiệu trưởng và được nhận vào nấu cơm cho cán bộ học viên Trường Đảng. Hàng ngày để con ở nhà, Chắt làm quần quật đến tối mịt mới về. Chắt xin anh Hiệu trưởng cơm thừa canh cặn về nuôi lợn. Đàn lợn nhà Chắt được ăn ngon lớn nhanh như thổi. Bố mẹ chồng của Chắt phấn khởi lắm. Hàng ngày ông bà chăm chút thằng Bình cho Chắt yên tâm công tác. Được cái siêng năng, chịu khó, miệng nói tay làm, Chắt được cán bộ học viên Trường Đảng yêu mến. Cùng với việc có chồng là bộ đội đi B nên Chắt được tuyển thẳng vào biên chế nhà nước làm cấp dưỡng. Năm giải phóng miền Nam, các cơ quan sơ tán trở về huyện lỵ. Mẹ con Chắt bồng bế nhau đi theo cơ quan. Huyện ủy bố trí cho mẹ con Chắt một gian nhà tập thể.

   Sọt vào bộ đội được đi học lái xe. Sau giải phóng anh tiếp tục lái xe của đơn vị  sang Lào xây dựng kinh tế, chở quân sang Cam Pu Chia đánh Pôn Pốt. Là lính lái xe nên Sọt hay được tụt tạt về thăm nhà, thăm vợ con. Cứ mỗi lần Sọt về là một lần Chắt lại đẻ thêm một đứa con. Sau thằng Bình là thằng Minh, thằng Chiến, thằng Thắng, con Sáng, con Tươi và khi Sọt về mất sức Chắt đẻ thêm con Quỳnh là út ít nhất. Đông con mà vẫn sung túc, bởi lúc đó được bao cấp nên Chắt chẳng phải lo cái ăn cái mặc bao giờ. Nhất là khi Chắt được điều chuyển sang làm cấp dưỡng cho Huyện ủy. Mỗi lần đong gạo hay mua thực phẩm cho cơ quan Chắt đều ghé phần mình vào. Thành ra nhà Chắt được ăn ngon hơn các gia đình khác trong các cơ quan huyện. Đối với con cái, Chắt chỉ lo rèn thằng Bình đến nơi đến chốn. Thế là về sau đứa lớn rèn đứa bé, học hành đâu ra đấy. Chắt rảnh ra lo công tác, mua đất, xây nhà rồi xin việc cho các con. Nói vậy nhưng thực tình Chắt quản lý các con rất chặt chẽ. Có lần mấy đứa trẻ nghịch ngợm, đến đêm Chắt kể tội từng đứa vanh vách, vừa kể tội vừa quất roi vào những cái mông trần truồng, làm chúng sợ phát khiếp. Ngay cả khi anh em thằng Bình đã đi công tác, có vợ con đàng hoàng vẫn phải tuân thủ bà Chắt một phép. Bởi có lần mấy đứa rủ nhau đến nhà đứa bạn đánh phỏm ăn tiền. Bà Chắt lẳng lặng theo dõi rồi xô cửa xông vào. Anh em thằng Bình mặt tái mét lạy mẹ như tế sao. Nhưng bà Chắt đâu có tha. Bà tụt chiếc dép lê ra và cứ mặt anh em thằng Bình mà nã, thậm chí bà còn đánh cả những đứa bạn thằng Bình nữa. Thế là anh em thằng Bình chừa hẳn tật đánh phỏm ăn tiền từ đấy.

Ông Sọt bước sang tuổi bốn lăm thì được nghỉ bệnh binh. Một lần ông ở nhà trông con Quỳnh, nó chạy nhảy làm vỡ lọ hoa quý. Ông Sọt tức mình vút cho con Quỳnh mấy roi. Vừa lúc đó bà Chắt về đến ngõ liền tru tréo:

- Ừ. Ông cứ đánh chết nó đi rồi tôi lại đẻ đứa khác cho mà đánh. Ông đi biền biệt từng ấy năm trời nay về là ông đánh con. Ông là cái thá gì hả?

Ông Sọt giận, tay run run buông cái roi xuống đất đi vào buồng nằm. Từ lần đó ông chẳng bao giờ đánh con nữa. Bọn trẻ ngày càng quyến luyến ông hơn.

Thấy ông về mà chẳng có việc gì làm. Bà Chắt đặt mua một bộ đồ sửa chữa xe máy cho ông. Ông Sọt tiếng là lính lái xe nhưng ông nào có biết sửa chữa là gì. Mỗi lần xe hỏng hóc đều có bộ phận sửa chữa của đơn vị đảm nhiệm. Khi trưng cái biển sửa chữa xe máy to đùng trước cửa và vài bận thử tay nghề, ông Sọt mất hết khách. Thế là ông xoay ra bơm vá xe đạp cho học sinh. Ông sắm bộ cờ tướng rồi hàng ngày cùng mấy ông nghỉ hưu trong phố xúm vào đánh và cãi vã nhau ỏm tỏi. Mấy đứa trẻ con đến bơm xe, ông hất hàm bảo chúng tự bơm lấy. Nhiều đứa bơm xong đi thẳng chẳng thèm trả ông đồng nào. Đến chiều ông lại cùng các ông bà trong tổ dân phố quần đùi áo lót đi đánh bóng chuyền hơi.

Bà Chắt nghỉ hưu tháng trước thì tháng sau bà kéo ông Sọt về quê. Bà giao lại toàn quyền ngôi nhà đang ở trên thị trấn cho vợ chồng thằng Bình quản lý. Đến lúc đó ông Sọt mới biết bà Chắt đã mua mảnh đất và xây một ngôi nhà vườn nho nhỏ cấp bốn ba gian khép kín, bố trí khoa học như kiểu nhà chung cư trên thành phố. Anh em thằng Bình bàn nhau góp tiền hỗ trợ bố mẹ. Bà Chắt tuyên bố thẳng thừng:

- Chúng mày không phải đóng góp gì sất, để đấy cho bọn trẻ con ăn học.

Biết tính mẹ nhưng thằng Bình vẫn bí mật cho người lắp một cái điều hòa để bố mẹ về quê dưỡng già. Hôm chuyển về, ông Sọt tỏ ý khó chịu, bà Chắt vặc lại:

- Sao lại không về? Hay ông ăn phải bả mấy con nạ dòng quần đùi áo lót nhảy nhô nhảy nhào chuyền hơi rồi hả?

Ông Sọt miễn cưỡng phải theo bà về quê.

Công bằng mà nói bà Chắt là người luôn tính toán hết sức cặn kẽ. Ngoài việc xây ngôi nhà nhỏ xinh xinh ra, bà còn mua thêm được cả mảnh vườn, đồi cây và ao cá nữa. Bà đã thuê người trồng các loại bưởi, mít thái, ổi bo, xoài, na, chuối… trên mảnh vườn tám sào, nhiều cây đã cho thu hoạch. Phía trước là cái ao thả cá, phía sau nhà là đồi keo hơn hai héc ta sắp đến kỳ khai thác. Nhìn cơ ngơi đẹp, ai đến xem cũng khen. Thế nên được trở về nơi chôn nhau cắt rốn, sống với cánh bạn bè thời thơ ấu ông Sọt cũng thấy yên lòng.

Bước đầu bà Chắt làm chuồng lợn, chuồng gà tạm bợ với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Vài tháng sau bà cho xây chuồng trại cẩn thận, rồi cứ thế cơi nới thêm các ô chuồng nuôi lợn nái, lợn thịt, lợn con. Riêng ô nuôi lợn thịt cũng đã có ba ô nuôi ba lứa lợn thịt khác nhau. Chuồng gà bà cũng cơi nới thành các ô nuôi gà đẻ, gà thịt rồi bà còn nuôi cả vịt bơ, ngan Pháp nữa. Từ việc cơi nới dần dần đã thành hệ thống khu chăn nuôi gia đình. Hằng ngày bà giao cho ông Sọt nhiều việc phải cùng bà làm. Không những thế, ông Sọt còn phải đảm nhiệm việc làm cỏ cho vườn cây ăn quả nữa. Những đám cỏ mần trầu dai ngoách, những vạt cỏ thài lài bò kềnh càng khắp vườn, ông Sọt phải cố công nhặt nhạnh cỏ đổ xuống ao cho cá ăn với mục tiêu một công đôi việc. Mà cái giống cỏ thài lài chỉ sót vài đốt sau một trận mưa lại mọc tốt um. Vợ chồng ông Sọt cứ thế làm hầu như chẳng được ngơi tay. Bộ quần áo rằn ri ông mua ngoài chợ về làm quần áo lao động lúc nào cũng ướt sũng mồ hôi. Ông Sọt bị sai vặt làm nhiều việc nên bực bội thì bà Chắt lại cười hề hề:

- Đấy! Ông cứ chịu khó làm thế này vừa có thu nhập lại khỏe khoắn ra gấp mấy lần chơi bóng chuyền hơi ấy chứ.

Nghe vợ nói, ông Sọt lặng im lùi lũi làm. Lúc mới về quê, ông Sọt tính thỉnh thoảng thăm thú lũ bạn ngày xưa. Nhưng cả một ngày làm quần quật, người ông bã ra. Đến tối cơm nước xong là ông leo tót lên giường ngủ chứ sức đâu mà thăm với thú nữa. Đã thế bà Chắt còn bóng gió sẽ mua cặp bò để ông chăn dắt quanh nhà lấy thêm nguồn phân bón cây cối trong vườn nữa.

 Ngôi nhà vườn ba gian khép kín, bà Chắt cho xây để hai gian thông làm phòng khách, nửa gian làm buồng ngủ và nửa gian còn lại là khu bếp với khu vệ sinh. Như thế kể cũng đàng hoàng đối với vợ chồng trong việc sinh hoạt. Hôm đầu mới về, ông Sọt bật điều hòa trong buồng ngủ mát rười rượi. Bà Chắt la toáng lên và từ đó chỉ cho ông bật mười phút để khỏi tốn điện. Khi vừa đủ mát trong phòng, bà Chắt bắt tắt điều hòa và bật cái quạt con cóc từ thời bao cấp. Tiếng cái quạt khô dầu kêu rào rào tựa tiếng máy xát gạo của chú Thu ngoài chợ. Cái nóng hầm hập ba tám độ được đà xâm lấn khắp buồng. Trong ánh sáng lờ mờ do cái bóng điện ngủ từ phòng khách hắt vào, ông Sọt nhìn sang bên thấy bà Chắt kéo quần cao đến đùi, áo thì tốc đến ngực ngủ ngon lành, trông thật đáng ghét. Ông Sọt lặng lẽ tụt khỏi giường cầm theo cái điếu cày ra hiên hóng gió. Hút thuốc lào ông không dám rít to sợ vợ thức mà chỉ nhè nhẹ rít từng hơi, từng hơi ngắn. Một hôm con thằng Bình theo bố về chơi nhìn thấy cái quạt điện, nó hỏi:

- Sao bà lại dùng cái quạt cóc ghẻ thế này?

- Ghẻ gì? Vẫn mát lắm cháu ạ.

- Hôm nọ mẹ cháu bán cho bác đồng nát cái quạt vẫn chạy được còn đẹp hơn cái này nhiều.

- Úi giời ơi! Con mẹ mày phí đi!.

- Sao bà có điều hòa mà còn dùng cái quạt này?

- Tại ông mày say không chịu được mùi điều hòa.

- Ôi vậy là cũng như bà ngoại cháu đi ô tô điều hòa lại bị say đấy bà ạ.

- Thế à? Bà Chắt hỏi lại cháu và vội lảng sang chuyện khác.

Khi xây xong cái bếp lò, bà Chắt tuyên bố:

- Ông chịu khó lên đồi sau nhà nhặt cành keo khô về đun cho đỡ tiền mua ga.

Thế là từ đó cái bếp ga chỉ còn là vật trang trí và nó chỉ được sử dụng khi các con bà về chơi mà thôi.

Một lần ông Sọt đi dự kỷ niệm ngày thành lập đơn vị, ông được tặng cái ấm ủ nghe đâu giá tiền trên ba triệu đồng. Ông Sọt gọi ngay thằng cháu nhà bên cạnh đã học sửa chữa điện gia dụng sang hướng dẫn cách sử dụng. Khi nó vừa cắm điện vào đun nước, bà Chắt liền ngăn lại:

- Cái ấm này chỉ có cơ quan nhà nước mới dùng được, chứ nhà mình thì bao nhiêu tiền điện cho lại?.

- Bà ơi, cái ấm này chỉ tốn điện lúc đun thôi. Khi nó sôi chuyển về nấc ủ điện tiêu thụ chỉ ngang với cái bóng ngủ chút xíu thôi mà- Thằng cháu thợ sửa chữa giải thích.

- Bóng ngủ mà không phải điện à? Thôi cứ bếp củi mà đun đổ vào phích dùng cả ngày cho đỡ tốn kém.

Ngay hôm sau bà Chắt mang cái ấm ủ ra chợ bán với giá chỉ bằng nửa giá gốc. 

Hà tiện là thế, nhưng mấy đứa cháu nội, cháu ngoại từ thị trấn về chơi với ông bà, chúng đang léo nhéo ngoài ngõ bà Chắt đã vội chạy ra:

- Chúng mày nhanh nhanh lên kẻo nắng vỡ đầu bây giờ. Vào buồng bà bật điều hòa lên cho mát nào.

Thế là chúng bật điều hòa chạy ro ro cả buổi. Thậm chí chúng chạy nhảy ra vườn chơi, điều hòa vẫn chạy mà bà Chắt chả nói gì.

***

Đúng như đã nói với thằng Thơm, ngay đầu buổi chiều hôm ấy bà Chắt cho tập kết vật liệu. Ông Sọt đang ngủ trưa thì nghe tiếng ô tô ì ạch bò vào ngõ. Bà Chắt liền bảo ông:

- Ông ra chỉ cho nó chỗ đổ gạch đi, cẩn thận với mấy cành bưởi đang có quả non ấy.

Ông Sọt lẽo đẽo ra, hai tay giơ cao vẫy vẫy. Cậu lái xe hết ga, phanh, đánh lái lùi lùi tiến tiến mãi chẳng được. Ông Sọt điên tiết quát to:

- Mày lái thế quái nào thế? Xuống ngay! Để tao!

Cậu lái xe đầm đìa mồ hôi vội tắt máy nhảy xuống. Ông Sọt trèo lên ca bin nổ máy, từ từ lùi vào đúng chỗ rồi nâng cái ben lên. Gạch rào rào rơi xuống gốc cây bưởi chẳng rụng quả non nào. Khi ông Sọt tắt máy nhảy xuống, cậu lái xe vui vẻ khen:

- Ôi! Bố già lái xe Trường Sơn “lụa” thật! Con bái phục bố đấy!

Nghe cậu lái xe khen ông Sọt, bà Chắt mỉm cười mãn nguyện. Những chuyến cát, sỏi sau nữa đều do ông Sọt lái đổ ben hết.

Sáng sớm hôm sau, thằng Thơm đến. Ngồi sau xe Thơm là ông Tạo khệ nệ ôm bó đồ nghề. Chưa kịp tắt máy Thơm đã oang oang:

- Đúng hẹn với ông bà đấy nhé.

   - Ừ thì làm chén nước thảo luận kỹ đi đã nào!- Bà Chắt hồ hởi với hai người.

   - Thảo luận gì cơ?

- Về công cán ấy.

- Vâng! Thế bà tính thế nào?

- Là tôi tính trả công nhật, nhưng hai người phải cố gắng hết mình đấy. Hiện nay mỗi công là ba trăm ngàn, nhưng tôi sẽ trả hẳn ba trăm rưỡi được không? Về phụ xây có ông Sọt đảm nhiệm.

- Dạ! Tùy ông bà ạ.

Thơm cầm cái thước mét đo đếm dưới sự chỉ huy của bà Chắt. Cả buổi sáng, ba người hì hục đào xong phần móng. Đầu giờ chiều, Thơm hướng dẫn ông Sọt trộn vữa:

- Vữa xây thì ông cứ cho một xi bốn cát là được.

- Có nghĩa là…- Ông Sọt định hỏi lại.

- Vâng! Ông cứ đếm một xẻng xi măng trộn với bốn xẻng cát ấy mà.

Ông Sọt gật đầu làm theo với sự trợ giúp của ông Tạo. Thơm dùng cái xe rùa chở mấy xe gạch đổ xung quanh móng. Ông Tạo và Thơm bắt đầu xây. Phần móng và phần tường thấp hai người xây rất nhanh. Ông Sọt mồ hôi vã ra như tắm cũng chẳng kịp cho hai người. Đã thế thỉnh thoảng bà Chắt lại ra ngó nghiêng và giục ông:

- Kìa hết gạch rồi, ông chở thêm vào đi.

Nghe vợ giục ông Sọt bực lắm, vừa chở gạch ông vừa lẩm bẩm trong mồm chứ chả dám nói to.

Đến khi bắc giàn giáo tiến độ xây có vẻ chậm hơn, nhưng việc chuyển vật liệu lên cũng khá mệt. Vừa tung gạch, ông Sọt vừa thở phì phò làm cho Thơm thấy ái ngại. Vậy là phần mộc sang ngày thứ tư mới hoàn chỉnh. Bắt đầu vào chát, Thơm hỏi ông Sọt:

- Ông ơi phần điện nhà mình bảo ai làm chưa ạ?

- Mày hỏi bà chứ tao không biết- Ông Sọt trả lời.

- Bà ơi! Phần điện bà làm thế nào ạ?

Nghe Thơm hỏi bà Chắt vội chạy ra.

- Tao làm điện chìm cho nó đồng bộ với điện trên nhà.

- Hay bà gọi thằng Tuấn Mến nó làm được đấy.

- Thằng Tuấn Mến làm thế nào được. Tao gọi thằng Ngọc trên thị trấn xuống làm. Nó còn làm cả cửa nhôm hệ, trần và mái tôn xốp nữa cơ.

Thế rồi bà gọi điện thoại cho Ngọc. Ba mươi phút sau, Ngọc phóng xe máy với lỉnh kỉnh bộ đồ nghề. Ngọc đon đả:

- Dạ con vừa thấy sếp Bình bảo con chiều hôm qua, không ngờ hôm nay bà đã gọi.

- Ai nói mà thằng Bình biết?

- Dạ! con không biết ạ, chỉ thấy sếp bảo vậy thôi.

- Cái thằng… trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường. Thôi mày xem xét lắp điện chìm cho bà rồi xem đo đếm làm cả cửa sổ, trần và mái tôn xốp nữa nhé.

Thằng Ngọc vội ngó nghiêng một lúc rồi nói:

- Để con đặt đường điện chìm trước, phần mái và cửa để các bác thợ xây hoàn chỉnh con mới đo được. Mà bà đặt bao nhiêu bảng điện và bóng đèn nữa để con tính luôn.

- Ừ thì tao chủ trương kê giường thế này, tủ quần áo để đây. Vậy thì mày tính thế nào cho hợp lý là được- Bà Chắt chỉ vị trí cho thằng Ngọc.

- Vâng! Con hiểu rồi ạ!

Bà Chắt quay ra hớn hở nói với Thơm và ông Tạo đang đứng trên giàn giáo:

- Đấy bọn thợ thị trấn tay nghề cao, nói cái nó hiểu luôn chứ chả bù cho mấy đứa thợ vườn chán bỏ mẹ!

Thằng Ngọc giải dây điện và ôm cái máy khoan chui vào dưới gầm giàn giáo. Tiếng máy khoan rào rào điếc cả tai. Thằng Thơm hết vữa gọi khản tiếng thì ông Sọt mới nghe thấy. Thằng Ngọc đang khoan tự nhiên kêu lên:

- Ối! Các bác làm vữa rơi hết vào đầu cháu rồi. Hay các bác nghỉ giải lao cháu khoan một lúc xong thì các bác làm tiếp vậy.

- Nghỉ là nghỉ thế nào! Chúng tớ nghỉ thì ai trả công cho hả? Thôi! Chịu khó “sống chung với lũ” đi chú em- Thơm vặc lại Ngọc.

Ngọc chạy ra lấy cái mũ xe máy đội vào đầu rồi chui vào khoan tiếp. Gần hết buổi sáng, thằng Ngọc mới khoan xong. Mồ hôi nó vã ra như tắm cùng với vữa bám đầy từ đầu đến chân. Nó nói với bà Chắt:

- Cháu đặt xong dây rồi, lúc nào các bác thợ xây vào áo xong thì bà gọi cho cháu xuống đo cửa, đo mái nhé.

Nhìn thằng Ngọc phóng xe về, thằng Thơm bĩu môi nói khẽ với Ông Sọt:

- Gớm! Có hơn quái gì thợ quê đâu, Bà cứ để chúng nó múa mất tiền oan.

- Ừ! Nhưng tính bà ấy thế thì biết làm sao được- Ông Sọt thủng thẳng trả lời Thơm.

Mọi người tiếp tục làm. Bỗng thằng Thơm nói to:

- Ơ ông Tạo ơi! Ông làm thế không được rồi, cho thêm nước vào xoa đi không cháy tường bây giờ.

- Cháy là cháy thế nào?- Ông Tạo đáp lại.

- Cháy thật chứ! Ông cho thêm nước vào đi.

- Kệ tao!

- Không được! Ông ra đây để cháu làm chỗ ấy cho.

- Không cần!

- Ông chả biết đằng nào cả, làm thế hỏng hết bây giờ.

- Mày mày bảo ai không biết? Mày có biết tao đi công nhân xây dựng từ lúc bố mẹ mày còn cởi truồng không mà mày dám? Hả?

Vừa vặc lại ông Tạo vừa sừng sộ túm cổ áo thằng Thơm:

- Ông thì tát cho mày một cái bây giờ, mày tinh tướng vừa thôi!

Đang xúc vữa, ông Sọt ngẩng lên can:

- Kìa ông Tạo! Đừng làm thế!

- Nhưng mà thằng nhãi ranh xấc mé!

Nghe mọi người nói to, bà Chắt đang nấu cơm chạy ra hỏi:

- Cái gì đấy hả?

Ông Tạo vội buông cổ áo thằng Thơm ra. Thằng Thơm vội thanh minh:

- Bà ơi! Cháu vẫn biết bác Tạo đi công nhân xây dựng từ trước. Nhưng ngày xưa xây vữa tam hợp chẳng việc gì, nay xây toàn vữa xi măng làm không đúng kiểu là hỏng hết đấy.

- Ừ thì cháu nó nói đúng, chúng mình phải nghe chứ ông Tạo.

Ông Tạo lặng im. Mọi người lại lẳng lặng làm như chưa có chuyện gì xảy ra.

Khi công trình đã hoàn thành, ông Sọt nhét cái ví “quỹ đen” vào túi quần sau, ngồi lên cái xe thống nhất cũ cọt kẹt đạp ra trung tâm xã. Trong đầu ông nghĩ “Hôm nay sẽ tự thưởng cho mình một cốc bia hơi”. Vừa bước vào quán nhà Hà Dũng đầu chợ, chưa kịp gọi thì mấy đứa thanh niên choai choai ồ lên:

- A! Hôm nay ông Sọt đi uống bia chúng mày ạ!

- Ôi bố ơi! Vào ngồi đây với chúng con luôn đi- Một thằng vừa nói vừa kéo tay ông Sọt lại và hất hàm với chủ quán- Cho thêm một vại nữa nào!

Khi vại bia vừa được chủ quán đưa đến, một thằng vừa đón lấy rồi ấn vào tay ông Sọt:

- Chúng con vừa trúng quả đề. Mời bố Sọt… À không, mời bố Hoài Nam uống chia vui với chúng con nào!

Ông Sọt thoáng chút ngần ngừ, nhưng thấy mấy đứa mời nhiệt tình liền mạnh dạn nâng cốc bia cạch với mấy thanh niên. Ông Sọt vừa đặt cái cốc không xuống bàn thì cốc khác lại được chúng đưa vào tay. Ông Sọt đang định đứng dậy thì một thằng nói:

- Kìa bố! Cứ thoải mái đi. Hôm nay chúng con đãi mà!

Ông Sọt lại uống tiếp cùng bọn chúng. Bỗng một thằng nhìn ông hỏi:

- Hôm qua nó về tám tám, hôm nay ông bảo nó về bao nhiêu?

- Không biết!- Ông Sọt ậm ừ.

- Kìa bố Hoài Nam! Bố nói xem hôm nay nó về bao nhiêu?

- Tao không biết!

- Không biết. Không có nghĩa là đầu không. Biết là vần bờ, mà bờ chỉ có thể là ba, là bốn, là bảy. Thôi tốt nhất cứ táng đầu không thể nào cũng ăn, mà lâu lắm rồi đầu không không thấy về.

- Đúng rồi! Hôm nay đánh đầu không. Nào mời bố!

Ông Sọt mặt nóng bừng và bắt đầu thấy chếnh choáng. Một thằng giọng tỉ tê:

- Bố Hoài Nam lượng bia khá thật chúng mày nhỉ. À mà bố ở trên thị trấn nhà cao cửa rộng thế mà lại về quê làm vườn nhỉ?

- Ôi! Vườn nhà bố tuyệt vời luôn nhé. Mà bố lại vừa cơi nới thêm một phòng buồng rõ rộng, sắp tới sếp Bình, sếp Minh lại lắp tiếp cho cái điều hòa nữa cơ.

- À! Phải rồi cơi nới xong nhà, tới bố cơi nới thêm một cô bồ trẻ, ngon hơn bà Chắt già nhiều lắm… ha…ha… ha.

Ha ha ha.

Cả lũ nhìn vào mặt ông Sọt đỏ lự và cười ngả nghiêng.

Ông Sọt say bia, xiêu vẹo đạp xe về. Ông cố lẩm bẩm: “Tổ sư lũ chúng mày!”.

Thấy ông Sọt về. Bà Chắt vội lên tiếng:

- Trời đất ơi! Ông uống ở đâu mà say vậy?

- Uống… đâu… kệ… kệ tôi!- Ông Sọt bực mình đáp.

- Là tôi sợ ông say, ông ngã thì khốn ấy chứ. Nhà mình bia với thức ăn đầy trong tủ lạnh. Ông thích thì bảo tôi nấu nướng rồi mời mấy bác hàng xóm là bạn ông ngày xưa đến nhâm nhi có vui hơn không? Mà ông cũng lạ thật, về quê bao nhiêu lâu mà chả chơi bời bè bạn là thế nào, không sợ họ cười cho à?

Nghe bà Chắt nói vậy, ông Sọt chột dạ: “Ôi! Hóa ra bà ấy cũng chả đến nỗi nào. Được! Thế thì để chủ nhật này…”

Và ông chìm vào giấc ngủ.

P.L.Đ

 

Các tin khác:

1-5 of 289<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter