Đại Minh mùa bưởi chín

                                                        Ký của THẾ QUYNH

 

Câu ca “Có tiền chợ Ngọc, chợ Ngà” đưa tôi về với Yên Bình, vùng quê được lưu truyền là trù phú, giàu truyền thống văn hoá. Đến với nơi đây là đến với những trải nghiệm, khám phá thú vị về danh thắng quốc gia Hồ Thác Bà, về giá trị văn hoá cộng đồng của đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao, Cao Lan. Ngoài ra du khách còn được tham quan các vườn bưởi đặc sản Đại Minh và thưởng thức khám phá văn hoá ẩm thực độc đáo của đồng bào vùng ven sông Chảy.

Vào dịp khai mạc “Lễ hội Bưởi Đại Minh và Khám phá Danh thắng Quốc gia hồ Thác Bà năm 2023”, chúng tôi có chuyến thực tế đến với quê hương của loại cây đặc sản nức tiếng. Dọc theo quốc lộ 70, từ địa phận xã Đại Minh đã thấy bên đường những vườn bưởi rực vàng quả chín; những ki ốt bưởi quả xếp hàng trên giá bán như mời như gọi khách mua. Bưởi Đại Minh là sản phẩm đặc sản nổi tiếng của huyện Yên Bình. Đây là giống bưởi có hương vị đặc trưng riêng được trồng cách đây khoảng trên 300 năm. Bưởi có đặc điểm vỏ màu xanh, khi chín chuyển sang màu vàng nhạt. Vỏ mỏng, múi đều và mọng, ngọt nước, thơm hương. Bưởi Đại Minh còn được gọi là “Bưởi tiến vua”. Khi giao thương, lưu thông hàng hoá phát triển, nhiều sản phẩm bưởi nổi tiếng của các địa phương đã có mặt trên thị trường như bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh), bưởi Năm Roi (Đồng Nai), bưởi Diễn (Hà Nội), bưởi Da xanh miền Đông Nam Bộ… song bưởi Đại Minh vẫn được đánh giá cao và được người tiêu dùng ưa chuộng. Chẳng thế mà ca dao cũ đã có câu: “Bưởi Đoan Hùng lừng danh chí tiếng/ Là hai nơi Chi Đám- Đại Minh". Do đặc thù của khí hậu, thổ nhưỡng nên Bưởi Đại Minh trồng ở vùng đất này mới cho chất lượng quả ngon và ngọt nhất. Đã có rất nhiều người mang giống bưởi Đại Minh trồng ở nhiều địa phương khác trên cả nước, song chất lượng thì không thể bằng nơi gốc gác của nó. Cây bưởi Đại Minh thấp, lá tròn, dày, tán rộng. Quả có hình dẹt, nhẵn bóng, trọng lượng từ 0,8kg- 1,2kg, khi quả chín chuyển sang màu vàng, những quả ở cây bưởi già nhỏ nhẵn dễ phân biệt với loại bưởi khác. Do có nhiều đặc điểm quý và giàu chất dinh dưỡng giúp bồi bổ sức khỏe con người nên bưởi Đại Minh từ lâu đã trở thành đặc sản của vùng quê này và là niềm tự hào của người dân Yên Bái. Mùa thu hoạch bưởi thường vào tháng 10 âm lịch năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau, bảo quản tốt sẽ sử dụng được khoảng 3- 6 tháng không bị giảm chất lượng.

Nói về bưởi Đại Minh là phải nhắc đến bưởi trồng tại thôn Khả Lĩnh, bởi đây chính là "dòng bưởi tổ" sản sinh ra loại quả đặc sản thơm ngon. Nguồn gốc của giống bưởi và cái tên Khả Lĩnh, theo như lời kể của các cụ cao tuổi họ Nguyễn: ông tổ của làng Khả Lĩnh xưa là quan tải lương thành Bầu- Nguyễn Viết Lãng dưới triều Mạc. Trong một lần tải lương từ thành Bầu về kinh đô, đi đến Đoan Hùng thì nghe tin triều Mạc sụp đổ nên ông đã dừng chân bên bờ sông Chảy vỡ đất hoang làm ruộng cấy lúa nước, trồng ngô khoai, trồng bưởi lập nên làng từ đó. Dòng họ Nguyễn đặt tên làng là Khả Lĩnh vì muốn có sự liên quan đến vùng đất thiêng núi Nghĩa Lĩnh (Phú Thọ), nơi có đền thờ các vị vua Hùng. Khi tướng quân mất, để tưởng nhớ công khai hoang lập địa, dân làng đã lập đình thờ và tôn tướng quân là Thành Hoàng Thượng Đẳng thần Cao Sơn Đại vương. Như vậy, Đình làng Khả Lĩnh được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Đình nằm ở khu đất đẹp với diện tích gần 3000m2, xây theo kiểu chữ nhị, có tường vây bốn phía. Tuy không lớn nhưng vị trí thật là đắc địa: lưng dựa vào quả đồi có trồng nhiều bưởi, mặt trước hướng ra sông Chảy đúng với thế “lưng tựa núi, mặt hướng sông” trong thuật phong thủy. Tháng 7 năm 2004, ngôi đình này chính thức được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Lễ chính “Nhị kì Xuân- Thu”, hằng năm tổ chức 2 lần vào mùa Xuân (ngày mùng 6- 7 tháng Giêng) và mùa Thu (ngày 11- 12 tháng Tám âm lịch). Vui nhất có lẽ là lễ hội mùa Xuân. Từ sáng sớm ngày mùng bẩy tháng Giêng, người dân trong xã nô nức hướng về Đình làng Khả Lĩnh để dâng hương, tế lễ và tham gia lễ hội. Phần lễ bắt đầu vào buổi sáng với nghi lễ rước nước từ giếng Mỏ Cò vào đình tế lễ. Sau lễ dâng nước là lễ dâng hương, dâng rượu và dâng lễ vật. Lễ dâng cúng bao giờ cũng có hoa bưởi và quả bưởi đẹp nhất được dân làng lựa chọn để dâng lên Thành Hoàng làng. Kết thúc phần lễ là nghi thức hóa chúc văn dâng lên Thành Hoàng những lời thành kính của dân làng cầu một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt; cầu thái bình, an khang thịnh vượng, mọi sự tốt lành. Tiếp sau phần lễ là phần hội hết sức sôi động với màn biểu diễn trống hội, múa lân cùng các hoạt động thi đấu thể thao của nhân dân và học sinh các trường học trong xã. Lễ hội đình Khả Lĩnh không chỉ là nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân thôn Khả Lĩnh mà còn là nơi người dân giao lưu, rèn luyện sức khỏe để tích cực tăng gia lao động sản xuất, gìn giữ giống bưởi đặc sản, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình và xã hội.

Đưa chúng tôi đi thăm vườn bưởi, chị Dương Thị Thắm- Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đại Minh cho biết: Giống bưởi Khả Lĩnh có đặc tính khá độc đáo, đó là cây bưởi càng lớn tuổi thì càng quý. Người ở thôn Khả Lĩnh truyền tai nhau, bưởi cao niên gốc bám chặt vào đất, bộ rễ khỏe hút dinh dưỡng nên cây đủ chất cho tán rộng, quả đều và ngọt nước. Bởi thế người mua có kinh nghiệm khi đến Đại Minh thích tìm mua quả từ những cây bưởi già, thường gọi là bưởi cỗi. Thôn Khả Lĩnh có 70 hộ dân thì có 66 hộ trồng bưởi. Nhà nhiều có hơn trăm gốc, nhà ít cũng 20- 30 gốc bưởi. Tổng diện tích trồng bưởi cả thôn hiện nay khoảng 80 ha. Kể một loạt những cái tên triệu phú bưởi: Trần Quang Khải, Trần Văn Quý, Bùi Văn Chí, Nguyễn Đăng Doanh, Nguyễn Văn Hòe, Nguyễn Mạnh Ân… Một trong những hộ trồng nhiều nhất làng là gia đình ông Nguyễn Trọng Thảo. Trong vườn hiện có hơn 200 gốc bưởi già, có những cây đã 60- 70 năm tuổi, còn bưởi trồng sau này thì chưa tính hết. Cũng theo chị Thắm, người cán bộ nhưng cũng là dân trồng bưởi giàu kinh nghiệm thì những cây phải có tuổi đời từ 10- 15 năm sẽ cho quả ngon. Nghe đến đây lại nhớ tới bài viết của cô bạn văn Hà Ngọc quê Yên Bình mà càng cảm phục cho sự quan sát tinh tế Những cây bưởi tuổi đời ba bốn mươi năm có lẻ, gốc sần mốc thếch, sẽ cho quả nhỏ mà nặng, vị ngọt tựa cam. Những cây mới bói chừng dăm năm, quả tròn nây nẩy, vì chưa đủ khôn nên còn chưa mặn múi. Trong cái nắng vàng nhạt cuối Thu đầu Đông, chúng tôi tới vườn bưởi của gia đình ông Nguyễn Mạnh Ân. Ông chủ mắc chuyện đi vắng, chỉ còn bà Minh vợ ông và cô con dâu tên Huyền ở nhà tiếp khách. Vườn bưởi nằm bên bờ sông Chảy, những cây bưởi cổ thụ được trồng theo hàng cách nhau khoảng chục mét. Cây nào cây nấy tán xòe rộng, quả sai lúc lỉu, nây nấy tròn đều. Gia đình ông Ân diện tích trồng khoảng 1 ha, trong đó có 60 gốc bưởi từ 35 năm đến 60 năm tuổi đang kỳ cho thu hoạch. Chỉ cây bưởi chừng đã cỗi ở phía giữa vườn như một người già mà xung quanh là lũ con cháu mơn mởn, bà Minh bảo cây có độ tuổi ngót trăm năm. Hiện gia đình đang nhân thêm diện tích chừng 0,5 ha nữa và trồng thêm các loại bưởi Diễn, bưởi Soi Hà nhằm có thêm sản phẩm bán khi bưởi Khả Lính hết vụ. Cũng theo bà, năm nay dự kiến gia đình sẽ thu được 15 tấn quả bưởi Đại Minh cùng 15 tấn bưởi loại khác. Nói về thu nhập, bà cho rằng trồng bưởi giá trị kinh tế cao hơn hẳn các loại cây trồng khác, thu nhập hằng năm của gia đình từ bưởi xấp xỉ 400 triệu đồng. Còn cô Huyền vừa có chuyến đi tiếp thị bán sản phẩm tại hội chợ tỉnh Hà Giang về, chừng như phấn khởi với kết quả bán hàng nên chuyện trò khá xởi lởi. Chọn một quả bưởi không to nhưng chắc tay, cô bảo: bưởi Khả Lĩnh ngon phải là da nhẵn, núm nhỏ, đít phẳng và có màu vàng. Lúc gọt không được gọt sâu vì lớp vỏ loại quả này rất mỏng. Rồi như để chứng minh, cô cầm dao lướt nhẹ quanh cái khối tròn nhỉnh hơn chiếc bát ăn cơm, bóc hết lớp cùi đã thấy những múi bưởi căng mọng đều tăm tắp, hương vị thanh mát lan tỏa khiến ai cũng muốn thưởng thức đã cơn thèm. Và cũng để giới thiệu thêm với khách thăm về vùng cây đặc sản quê mình, chị Thắm cho biết: Vài năm trở lại đây Hội thi vườn bưởi đẹp, cây bưởi đẹp được huyện Yên Bình tổ chức trên địa bàn hai xã có diện tích bưởi lớn nhất là Đại Minh và Hán Đà. Tham gia Hội thi "Vườn bưởi đẹp, cây bưởi đẹp” năm 2023, xã Đại Mình đã lựa chọn được 10 hộ trồng bưởi từ 6 thôn trong xã. Tất cả các cây bưởi, vườn bưởi đều lựa chọn kỹ càng đảm bảo thuần giống bưởi Khả Lĩnh, cây có tuổi đời trên 30 năm. Những mô hình vườn bưởi đẹp phải có diện tích từ 0,5ha đến 1,5ha; vườn đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát, cây được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Cây bưởi đẹp được chọn dự thi cũng phải đảm bảo các tiêu chí: cây có tán tròn đều, lá xanh tốt, cây sai quả, chất lượng quả ngon. Việc tổ chức Hội thi nhằm khuyến khích các hộ dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chăm sóc cây bưởi, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, xây dựng vườn bưởi thông thoáng, sạch đẹp phát triển theo hướng hữu cơ. Đồng thời với “Ngày hội khám phá danh thắng quốc gia hồ Thác Bà và sản vật bưởi Đại Minh” sẽ là dịp để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, sản phẩm bưởi Đại Minh, tôn vinh giá trị cây bưởi và người trồng bưởi gắn với phát triển du lịch. Nghe mà như vừa phát hiện ra điều mới mẻ, Đại Minh sẽ phát triển Du lịch Nông nghiệp. Đã từng đến với vườn nho tỉnh Ninh Thuận, thanh long Bình Thuận và miệt vườn Tây Nam bộ…, nay được tham gia trải nghiệm vườn bưởi thì còn thú gì bằng. Ví như đoàn nghệ sĩ chúng tôi đây: người viết thì nghe, ngắm nhìn, hít hà hương bưởi mà cảm xúc tìm tứ lạ; mấy nhiếp ảnh gia ngó nghiêng tìm góc, sắp đặt tạo dáng tạo hình. Nàng Phó chủ tịch xã dường như cũng có sự hòa điệu để hóa thân thành diễn viên trong màn trình diễn hái bưởi ngoạn mục. Hai tay cầm miếng vải căng ra hứng, người trên cây ngắt từng quả bưởi thả xuống, sao mà giống cặp đôi “Hứng dừa” trong tranh dân gian Đông Hồ. Tự nhiên câu thơ nôm đề trên tranhKhen ai khéo dựng lên dừa/ Đấy trèo đây hứng cho vừa một đôi cứ hiện về, để xúc cảm thành thơ “Trời còn rét lộc, rét đài/ Áo dài xúng xính giêng hai lễ chùa/ Cầu năm nay bưởi được mùa/ Dành em quả ngọt trái chua cho mình”.

Rời Khả Lĩnh, chúng tôi còn đến thăm vườn bưởi của gia đình ông Nguyễn Văn Định ở thôn Minh Thân. Chỉ thoáng qua cơ ngơi đủ thấy sự giàu có của gia chủ: cổng xây bề thế, đường bê tông rộng lươn theo độ dốc của sườn đồi dẫn vào sân ngôi nhà hai tầng thoáng đãng; rồi ao thả cá, khu chăn nuôi và vườn bưởi. So cùng nhiều hộ trong xã Đại Minh thì đây xứng đáng gọi là nông trại. Với diện tích 1,5 ha, bưởi tiếp bưởi trên cao dưới thấp, cây nào cây nấy quả trĩu cành. Hiện gia đình có chừng 500 gốc bưởi đã cho thu hoạch, trong đó nhiều cây tuổi 50- 70 năm. Ông Định cho biết, đây là thừa hưởng “gia sản” cha mẹ để lại và thế hệ con cháu tiếp tục trồng thêm. Bưởi ở đây cũng có nhiều loại, phần lớn là giống Khả Lĩnh còn thì bưởi Diễn, Soi Hà và nhất là có cây bưởi lạ mỗi quả nặng chừng năm, bẩy kg. Lúc chúng tôi đến đã thấy có xe chờ và ông bà chủ đang bận đóng hàng chuẩn bị giao cho khách. Ngàn quả, mỗi bao ba chục quả, giá trung bình 12- 15 ngàn đồng/quả. Ước tính sản lượng bưởi mỗi vụ cũng có nguồn thu dăm trăm triệu đồng. Đi dạo trong vườn, cỏ rả sạch tinh, hệ thống tưới nước tự động khiến ta có cảm giác như đang chứng kiến sự phát triển của công nghệ tiên tiến nơi quê hương vừa xây dựng thành công Nông thôn mới. Khi tiếp chuyện, ông Định kể về những năm tháng thăng trầm của bưởi: Hơn chục năm về trước, do lối canh tác truyền thống nên nhiều vườn bưởi bị thoái hóa, năng suất và sản lượng giảm, giá rẻ. Diện tích bưởi Đại Minh sụt giảm nhanh chóng, nhiều vườn bưởi bị chặt bỏ để trồng loại cây khác, vùng bưởi quý có nguy cơ bị xóa sổ. Trước thực trạng đó, Uỷ ban Nhân dân huyện Yên Bình đã phối hợp với Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Yên Bái, Trường Đại học Nông- Lâm Thái Nguyên cùng Viện Nghiên cứu rau quả tổ chức khảo sát, nghiên cứu rồi tập huấn cho các hộ dân về "Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi Đại Minh", bón tổng hợp cân đối các loại phân, thụ phấn nhân tạo bổ sung… Trong đó, đáng chú ý nhất là việc dùng hoa bưởi chua thụ phấn cho cây bưởi ngọt. Nhờ đó đã giúp vùng bưởi hồi sinh. Năng suất bưởi Đại Minh hiện đạt 18- 20 tấn/ha, thu nhập bình quân đạt 500 triệu đồng/ha/năm.

Mang theo niềm vui của người trồng bưởi, đoàn công tác càng phấn khởi khi được nghe những thông tin về việc bảo tồn và phát triển bền vững vùng cây đặc sản. Về vấn đề này, ông Nguyễn Kiều Hưng- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Minh cho biết: “Diện tích trồng bưởi toàn xã khoảng 400 ha. Để bưởi Đại Minh phát triển đúng với tiềm năng vốn có, cấp ủy và chính quyền địa phương đã quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm thông qua việc thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP; mời các viện nghiên cứu, các trường đại học Nông nghiệp chuyển giao biện pháp kỹ thuật để duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm bưởi Đại Minh đảm bảo đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao; nhất là xây dựng Dự án "Tạo lập và quản lý nhãn hiệu chứng nhận bưởi Đại Minh”. Tháng 12/ 2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Bưởi Đại Minh” cho huyện Yên Bình, tạo điều kiện để bưởi Đại Minh khẳng định vị thế trên thị trường, mở rộng nguồn tiêu thụ sản phẩm”. Ông cũng hồ hởi báo tin vui, năm nay bưởi Đại Minh ước tính sản lượng khoảng 53 nghìn tấn, cho tổng thu nhập trên 60 tỷ đồng. Sản phẩm đã có mặt tại các siêu thị, nhà hàng ở Hà Nội cũng như nhiều địa phương trong cả nước. Lại nhớ chuyện trước khi về, mấy cô bạn đặt gia đình ông Ân hơn trăm quả bưởi thuộc loại “gốc” làm quà. Lúc chuyển ra xe, chủ vườn tuyên bố xanh rờn “hết hàng”. Thì ra quả ngon sẽ “hữu xạ tự nhiên hương”, thương lái tìm đến tận vườn để mua. Ngoài ra địa phương còn mở rộng thị trường tiêu thụ bằng các hoạt động quảng bá trên sàn thương mại điện tử, mạng Facebook, Zalo; chủ động liên kết sản xuất theo hình thức hợp tác xã. Đại Minh hiện có ba cơ sở là Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp, Hợp tác xã Bưởi đặc sản Đại Minh, Hợp tác xã Bưởi VietGAP cũng đang góp phần lớn tiêu thụ sản phẩm. 

Thăm vườn bưởi Đại Minh lại nhớ chuyện mấy cây bưởi nơi rừng Mường Phăng. Đó là vào dịp Tết Giáp Ngọ, tỉnh Phú Thọ có cử đoàn đại biểu lên mặt trận Điện Biên động viên tặng quà dân công, chiến sĩ và biếu Đại tướng Võ Nguyên Giáp ba quả bưởi Đoan Hùng. Mọi người cùng ăn, ai cũng khen bưởi thơm ngọt. Đại tướng đã cho thu nhặt những hạt bưởi và bảo ông Đỗ Hải, Đại đội trưởng cảnh vệ đem gieo xuống chỗ đất tốt để các thế hệ sau sẽ được ăn quả. Mấy cây bưởi hôm nay chính là được mọc lên từ những hạt giống ngày ấy. Bưởi Khả Lĩnh- Đại Minh (lúc bấy giờ thuộc đất Đoan Hùng) đã sớm gắn với tấm lòng thương dân, yêu nước của người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” âu cũng là truyền thống quí báu của dân tộc Việt Nam. Mừng cho Đại Minh, mừng cho những người trồng cây mà lòng lại xốn xang “Cầu năm nay bưởi được mùakhi bước vào niên vụ mới.

 

T. Q

Các tin khác:

136-140 of 333<  ...  23  24  25  26  27  28  29  30  31  32  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter