Bác sỹ tận tâm - bệnh nhân hạnh phúc

HỒNG THANH TÂM

 

Năm nay, Tết đến sớm nên sang tháng Hai rồi mà nàng Xuân vẫn đang dùng dằng như muốn ở lại lâu hơn trên cành non hoa thắm, lộc biếc tươi xanh. Xuân của đất trời vẫn chan hòa khắp muôn nơi, len lỏi và rộn ràng trên từng đường làng, ngõ xóm trên khắp xứ núi yêu thương cửa ngõ vùng Tây Bắc. Nhà nhà vui Xuân, người người đón Tết trong hân hoan. Còn với riêng tôi, niềm vui như nhân lên gấp bội khi mùa Xuân này, gia đình vẫn được hưởng trọn hạnh phúc của sự đoàn viên.

Tháng Hai nhắc nhớ chúng ta về một ngày kỷ niệm đầy ý nghĩa: Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2). Tháng Hai này, tôi muốn dành những tình cảm tri ân tự đáy lòng tới những người Thầy thuốc- các bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái. Bởi, những ngày chuẩn bị kết thúc năm 2022 để bước sang năm mới 2023, tôi đã có những trải nghiệm không mong muốn tại Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái). Từ những điều mắt thấy, tai nghe và cảm nhận thực tế sau quãng thời gian 21 ngày liên tục chăm sóc người nhà điều trị tại đây đã mang đến cho tôi thật nhiều cảm xúc. Tôi đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác và hiểu được trọn vẹn ý nghĩa của cụm từ ngắn gọn mà chứa đựng biết bao thông điệp: “Bác sĩ tận tâm - Bệnh nhân hạnh phúc”.

 

Những "siêu nhân không ngủ" ở nơi không phân biệt đêm- ngày

Nằm ở tầng 3, tòa nhà 8 tầng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc là một nơi hết sức đặc biệt.

Nơi đây, được ví như “tuyến cuối của bệnh viện địa phương” với rất nhiều bệnh nhân đang ở ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết; nơi không ai muốn đến, và nếu đã phải đến thì chỉ mong cầu sớm được ra khỏi nơi đó trong may mắn, bình an. Cả Khoa là một phòng bệnh lớn, tất cả bệnh nhân được nằm trong một không gian chung với hàng loạt thiết bị, máy móc phát tín hiệu liên tục, không có phòng điều trị theo yêu cầu, người giàu cũng như người nghèo, tất cả đều được đối xử công bằng và chăm sóc đặc biệt như nhau.

Ngày cũng như đêm, áp lực công việc luôn đè nặng, các bác sĩ, điều dưỡng (sau đây gọi tắt là Nhân viên y tế) thực sự như những “siêu nhân” để xử trí nhanh, kịp thời các tình huống xảy ra. Tiếp nhận, điều trị rất nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch, hoàn toàn không có bất cứ sự tương tác nào với người xung quanh nên hơn ai hết, nhân viên y tế của Khoa là những người thấu hiểu nhất tâm trạng của người nhà bệnh nhân. Khi nhập Khoa, hầu hết người nhà không giấu nổi sự lo lắng, sợ hãi người thân của mình sẽ không qua khỏi, nhiều người không giữ được bình tĩnh. Đã có nhiều trường hợp bệnh nhân và người nhà bệnh nhân vào viện trong tình trạng tinh thần bị kích động, do uống rượu hoặc trước đó xảy ra mâu thuẫn; có trường hợp người nhà thái độ hung hãn, bất hợp tác, gây gổ, đòi hỏi nhân viên y tế phải cấp cứu thật nhanh, phải tập trung khám và chữa trị cho mình hoặc người thân của mình mà không biết được quy trình làm việc, thứ tự ưu tiên…

Nơi đây, có những ngày giống như một nhà dưỡng lão vì hầu hết bệnh nhân đều tuổi cao sức yếu, gần đất xa trời. Nhiều cụ vẫn còn tỉnh táo, khó tính, trái nết, liên mồm gào thét, chửi bới, nhất quyết không cho nhân viên y tế động vào người, người nhà bón không chịu ăn, cứ lắc đầu nhổ phì phì. Nhiều cụ lại như trẻ con, luôn mồm than thở, khóc lóc ỉ ôi, kêu la ầm ỹ khiến nhân viên y tế vừa làm việc chuyên môn, vừa đối xử lễ phép, nhẫn nhịn, dỗ dành, kiên trì như với chính ông, bà mình. Cũng có khi, nơi đây lại giống như bệnh viện tâm thần, vì chỉ cần có một bệnh nhân sảng rượu thì cả Khoa lại nhộn nhịp cả lên vì phải nghe bệnh nhân “độc thoại”, “kể chuyện đêm khuya”, thậm chí hò hét, gào thét, giãy dụa liên hồi...

Nơi đây, nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân luôn phải đồng hành trong quá trình điều trị và chăm sóc. Nhiều gia đình phải đối mặt với các vấn đề kinh phí và việc chăm sóc người bệnh, vì với những bệnh nhân nặng, có những loại thuốc điều trị không nằm trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả, để đạt kết quả điều trị tốt nhất phải mua thêm thuốc tự túc bên ngoài thì gánh nặng về chi phí điều trị thực sự khủng khiếp đối với những trường hợp không có bảo hiểm y tế, những gia đình nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn...

Cùng với nhân viên y tế, những nỗ lực, cố gắng của nhiều người nhà bệnh nhân đã khiến họ trở nên mạnh mẽ, bền bỉ, cũng trở thành những “siêu nhân không ngủ” vì mỗi ngày trôi qua thật dài, không có khái niệm phân biệt ngày- đêm, không biết bầu trời phía bên ngoài kia “là sương hay là nắng”. Ngày nào cũng như ngày nào, tất cả vận hành liên tục như một vòng tròn khép kín 24 tiếng đồng hồ. Mỗi bệnh nhân có một bảng theo dõi các chỉ số, dấu hiệu sinh tồn cơ bản, không cần ghi ngày tháng năm mà được xác định theo 8 mốc thời gian cụ thể (0h, 3h, 6h, 9h, 12h, 15h, 18h, 21h); chỉ có một cách để xác định ngày mới bắt đầu, ấy là khi tiếng điều dưỡng viên nhẹ nhàng cất lên: “Mời các bác xếp giường gấp, cân nước tiểu, đo nhiệt độ cho bệnh nhân và ghi vào mốc 6 giờ ạ”.

Khi ấy kim đồng hồ chỉ 4 giờ 45 phút sáng hằng ngày.

More than a Hospital

Nhiều lần ra vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, song thực sự những ngày vừa qua, tôi mới chú ý đến dòng chữ tiếng Anh “MORE THAN A HOSPITAL” (dịch nghĩa: Hơn cả một bệnh viện) ở ngay sảnh chính của Bệnh viện.

Hơn cả một bệnh viện, chỉ có thể là một gia đình mà ở đó, đồng nghiệp với đồng nghiệp như anh em, bác sĩ với bệnh nhân như người thân. Tôi đã thực sự ngạc nhiên khi chứng kiến những gì xảy ra tại Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc. Không có sự hách dịch, lạnh lùng, không có lời lẽ nặng nề, khó nghe, quát nạt, nhân viên y tế nơi đây đã phải nỗ lực vượt lên những áp lực và cường độ làm việc. Họ chuyên nghiệp, mạnh mẽ nhưng lại luôn nhẹ nhàng, bình tĩnh xử trí trước những các tình huống. Họ “tinh nhuệ”, quyết đoán nhưng lại luôn đồng cảm, chia sẻ, an ủi, động viên người nhà những bệnh nhân nguy kịch, bằng sự giải thích, phân tích về góc độ chuyên môn, bằng trách nhiệm và tình thương yêu thực sự của con người, nhất là khi người bệnh nằm kia đang phải đối diện với quy luật của tuổi tác, của “sinh - lão - bệnh - tử”... Họ nghiêm khắc, chuẩn mực nhưng luôn nhẫn nhịn, kiên trì và bản lĩnh mỗi khi phải đối diện những tình huống không mong muốn, trước thái độ, lời nói, hành vi ứng xử mất bình tĩnh, thậm chí thiếu văn hóa của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Hơn cả một bệnh viện, chỉ có thể là một gia đình mà ở đó, nhân viên y tế quan tâm, lo lắng, sẻ chia, đồng cảm với người bệnh và người nhà bệnh nhân bằng tình yêu thương thực sự, tất cả vì người bệnh. Họ ân cần hướng dẫn người nhà bệnh nhân từng chi tiết để quá trình chăm sóc người bệnh được chu đáo, hiệu quả nhất. Họ nhớ từng đặc điểm, diễn biến bệnh tình, thực trạng, thậm chí nhớ cả tính cách của từng bệnh nhân và những người nhà bệnh nhân có cá tính đặc biệt.

Những ngày ở Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc, tôi sẽ nhớ mãi những cái tên Chúc, Hảo, Cường, Giang, Thuận, Sơn, Ngọc, Lộc, Uyên, My...; thực sự cảm động, trân trọng, biết ơn những bóng áo trắng, áo xanh, những ánh mắt biết cười trên gương mặt đã che kín sau lớp khẩu trang, những hành động nhỏ, những lời nói nhẹ nhàng với những câu nói tưởng như đơn giản mà chứa đựng sự ân cần, chu đáo, để lại bao cảm xúc và ấn tượng khó quên:

“Các bác đo nhiệt độ, cân nước tiểu cho bệnh nhân để ghi vào mốc ... giờ ạ”;

“Các bác cho cháo nguội để chúng cháu chuẩn bị cho bệnh nhân ăn xông ạ”;

“Còn bệnh nhân nào ăn qua xông mà chưa được bơm xông không ạ?”;

“Mời các bác ra lấy giường gấp ạ”;

“Bệnh nhân nào có thuốc tự túc thì để sẵn ra giúp chúng cháu với ạ”;

“Hôm nay bệnh nhân đã đi ngoài được chưa ạ?”...

Hay là những khi đêm đến, điều dưỡng trực bước tới động viên người nhà bệnh nhân: “Bác tranh thủ chợp mắt đi ạ. Có vấn đề gì, có tín hiệu monitor chúng cháu sẽ xử lý ngay ạ”.

Hay chỉ là một lời nhắc: “Cô đi dép vào đi ạ. Chúng cháu bẻ thuốc có thể có mảnh thủy tinh văng trên sàn, nguy hiểm lắm ạ”.

Hoặc là những câu đùa vui hài hước của nhân viên y tế với bệnh nhân; hay chỉ là những câu hỏi tưởng như “không đâu vào đâu”: “Ông ơi, ông có nhận ra cháu không ạ?”, khi bệnh nhân trả lời là “Không” thì lời đáp lại là: “Tốt quá rồi ạ. Vậy là ông tỉnh táo rồi đấy ạ. Vì cháu với ông có quen biết nhau đâu mà nhận ra ông nhỉ”.

Chữ “ạ” lúc này không chỉ thể hiện sự lễ phép mà thực sự đã mang lại cảm giác ấm áp của tình thân. Và đôi khi, một cử chỉ rất nhỏ lúc nửa đêm, thấy bệnh nhân làm rơi chăn, điều dưỡng trực lại nhẹ nhàng nhặt lên đắp mà không nỡ gọi người nhà đang thiếp đi vì mệt mỏi đã khiến chúng tôi dâng trào cảm xúc...

Thay lời kết

Gõ tìm kiếm cụm từ “Bác sĩ tận tâm- Bệnh nhân hạnh phúc” trên Google, có khoảng 260 kết quả trong 0,53 giây. Song, qua những kết quả tìm kiếm thì có một điều khá thú vị, cụm từ này lại là tên gọi một phong trào thi đua riêng có của Ngành Y tế tỉnh Yên Bái, được ra đời từ năm 2021, nhằm nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân. Được biết, trong ba tiêu chí về Chỉ số hạnh phúc- một chỉ tiêu mang tính đặc trưng, riêng có của tỉnh Yên Bái nhằm xác định mức độ hài lòng của người dân Yên Bái- thì có một tiêu chí có nội dung về “tuổi thọ trung bình và số năm sống khỏe”. Tôi vẫn nhớ mãi và vô cùng tâm đắc khi có lần được nghe ông Trần Huy Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái nói về chỉ số hạnh phúc: Hạnh phúc tuy là khái niệm hết sức trừu tượng, khó có thể “lượng hóa” nhưng thực tế ở Yên Bái những năm gần đây đã chứng minh một điều là: Người dân sẽ hạnh phúc khi bản thân họ hài lòng về cuộc sống, hài lòng về môi trường sống xung quanh, hài lòng về tuổi thọ trung bình và có sức khỏe tốt...”.

Trở lại với câu chuyện về Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái). Đây thực sự là một nơi đặc biệt. Điều đặc biệt không chỉ nằm ở tính chất chuyên môn hay những vấn đề trong ngành y tế, mà là ở chỗ người viết bài này đã được chứng kiến những điều đáng trân trọng trong việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhân viên y tế- Bệnh nhân- Người nhà bệnh nhân.

Nơi đây, lời dạy đã trở thành đỉnh cao của y đức Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh “Lương y phải như từ mẫu” đã và đang được các nhân viên y tế học tập hằng ngày, được cụ thể hóa bằng sự “thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình”; bằng tinh thần, ý thứcthái độ nhã nhặn và có tinh thần phục vụ tốt nhân dân”, đã làm nên “thương hiệu riêng” của Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái), góp phần làm nổi bật giá trị nhân văn của thông điệp đầy ý nghĩa “Bác sĩ tận tâm- Bệnh nhân hạnh phúc” trong triết lý phát triển chung vì mục tiêu xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

 

H.T.T

 

Các tin khác:

1-5 of 332<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter