Yên Bái trong bão dữ Yagi

Bút ký của HOÀNG KIM YẾN

 

Những ánh mắt lo âu, những khuôn mặt thất thần, những nỗi đau đến tê dại cảm xúc trong mưa trắng trời, trong ngập trắng đất. Những ngôi nhà với bao tích cóp một đời nháy mắt bị đất đá san phẳng. Bố mẹ, vợ con, anh chị em bỗng chốc mất dạng trong cơ man bùn đất. Nỗi đau chồng chéo nỗi đau, nước mắt không còn có thể chảy. Những con người mặc khó khăn, nguy hiểm theo những lời cầu khẩn đến tận nơi đón người dân ra khỏi nơi bị mắc kẹt, mang những món quà thiết yếu trao tận tay người hoạn nạn. Trong bất lực, trong đói khát, trong ranh giới mong manh sinh- tử, không còn tia hi vọng nào ở sự trợ giúp thì những bàn tay cứu hộ lại với ra đón người dân thoát khỏi lưỡi hái của tử thần, trao cho họ những túi quà quá quý giá trong thời điểm hiện tại. Họ đã quá xúc động, họ đã quá vui mừng để rồi không thể nói được một lời cảm tạ, chỉ là những cái chắp tay bái tạ trong âm thầm, nhưng cả người cho và người nhận đều thấy cay cay sống mũi. Đó là những hình ảnh có lẽ không thể quên trong cuộc đời người dân Yên Bái.

Yagi- Sự cuồng nộ của thiên nhiên

Yagi là một siêu bão. Sức gió tàn phá Hà Nội, Quảng Ninh. Gió xô đổ bao nhiêu cây cổ thụ, gió giật phăng từng mái nhà, cả một khoang lớn cửa kính quăng đi giận dữ. Mưa tát ràn rạt, người dân Hà Nội trong những căn nhà kiên cố mà vẫn sợ run bởi sức gió. Thế mà Yên Bái cũng là địa phương cơn bão đi qua. Sự lo lắng đang dần bủa vây người dân Yên Bái. Mọi động thái như chặt cây, chằng lại mái nhà, chống lại căn bếp chưa được vững trãi đã được thực hiện từ rất sớm. Lãnh đạo, cán bộ phường, tổ dân phố đến từng nhà có nguy cơ ngập lụt, sạt lở thuyết phục tạm di dời lên nơi an toàn. Lãnh đạo từ cấp tỉnh, huyện đến cấp xã, phường chủ động lên kế hoạch, phân công trực 24/24 giờ, sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Thế nhưng Yên Bái không phải đón những cơn gió mạnh nhường ấy mà là mưa. Chưa bao giờ gặp những cơn mưa dai mà ào ào như trút đến thế. Đêm 9/9 có thể gọi là một đêm kinh hoàng. Nước từ thượng nguồn đổ về lấn dần vào các dãy nhà ven sông, chảy ngược theo từng con suối vào các hồ trong lòng thành phố. Trong khi mưa vẫn không ngừng đổ xuống, nhiều tới mức những nơi chưa bao giờ nước có thể xâm phạm được thì giờ đây thất thủ. Nước cuồn cuộn đạp phăng những cánh cửa nhôm kính vỡ tan, ùa vào, cuộn lấy, lôi ra ngoài biết bao tài sản tích cóp cả nửa cuộc đời, nào tủ, bàn ghế, tủ lạnh, giường, ô tô, két sắt nổi lềnh phềnh, trôi phăng phăng theo dòng nước. Con đường quen thuộc hằng ngày trở thành sông, cuốn phăng mọi thứ cản dòng chảy của nó. Người dân Yên Bái bất lực nhìn tài sản của mình trôi đi mất dạng. Ngập tràn trên mạng xã hội là những tiếng kêu cứu, là những lời khẩn khoản “Nhà em đang bị kẹt trên tầng 2, có người già và trẻ nhỏ. Nước đã lên đến tầng 2 rồi. Mong mọi người cứu giúp”, “Chúng em ở địa điểm …, có đông người già và trẻ nhỏ, nước đang ngập đến nơi, chúng em đang bị cô lập. Mọi người giúp em với”. Quá nhiều những lời kêu cứu. Lực lượng cứu hộ đã căng mình vật lộn với mưa lũ cả đêm. Điện mất, nước mênh mông, chảy siết, sẵn sàng cuốn trôi cả những chiếc xuồng cứu hộ, biết lối nào mà đi cứu trong đêm mịt mùng nhường ấy. Vậy mà họ vẫn đi, vẫn ghé vai đưa những cụ già, em nhỏ lên thuyền ra khỏi nơi nguy hiểm. Cũng đã có rất nhiều người dân có kỹ năng và phương tiện cứu hộ trong nước lũ tự nguyện đưa số điện thoại của mình lên mạng xã hội những mong ai cần cứu giúp thì gọi. Nhưng vẫn không đủ người để đến được hết những nơi kêu cứu. Người kêu cứu bất lực, người đi cứu cũng đành buông xuôi, nhưng nỗi ám ảnh khi thấy hiểm nguy mà không làm gì được cứ dằn vặt mọi người dân Yên Bái. Những ngôi nhà nước không thể ngập tới, cứ tưởng sẽ bình yên trong cơn bão. Họ ngồi trong nhà lên mạng xã hội mà lo lắng cho đồng bào mình, lo lắng đến đau thắt tâm can. Nhưng bỗng “Uỳnh, Uỳnh! Uỳnh!” Định thần, họ hiểu mái taluy dương sau nhà đã sạt, nửa ngôi nhà đã sập và có nguy cơ sập cả nhà. Trú ở đâu trong mưa xối trên đầu và nước lấn dưới chân. Họ đã bỏ nhà, liều mình băng qua dòng nước lũ, tìm một nhà hàng xóm trú chân. Bỗng chốc họ trở thành vô gia cư, và khối tài sản bao năm tích cóp trong nhà kia rất có thể sẽ nát dưới muôn vàn đất đá, xi măng. Đã thế mưa vẫn không ngừng và nước vẫn dâng lên. Lo lắng trong hiện tại, sợ hãi cho tương lai. Vậy là Yên Bái trọn một đêm không ngủ.

Sáng, những thông tin của nhà ngập, của sạt lở đất, của người chết khiến người ta sững sờ. Cả một gia đình 4 người với 2 cháu còn quá nhỏ bị đất đá vùi sâu, có những người chỉ ra sau nhà vài phút đã vĩnh viễn nằm lại. Nỗi đau tắc nghẹn nơi cổ khiến cho người bố vừa mất con vừa mất vợ không nói nổi thành lời, chỉ có nước mắt là không ngừng tuôn. Và những ngày sau đó, mọi thông tin đưa về khiến cho người ta cảm thấy con người thật bé nhỏ trước thiên nhiên giận dữ: 54 người chết, 40 người bị thương; 27331 nhà bị thiệt hại; 7006,38 ha cây trồng bị thiệt hại, ảnh hưởng; trên 336.000 gia súc, gia cầm, vật nuôi khác bị chết, bị cuốn trôi... Ước tính thiệt hại khoảng 5.783 tỷ đồng (Tính đến 16 giờ ngày 20/9) là những con số khiến người ta bàng hoàng, đau xót.

Tình thương và trách nhiệm

Em hàng xóm thất thần khi taluy dương sạt sập đi phần bếp. Bỏ lại tất cả, em kéo 2 đứa con xuống nhà anh trai chồng ở tạm. Thế nhưng khi biết tin, chồng em chỉ kịp tạt về ngó nhà, hỏi độc 2 câu: “Đã đưa con sơ tán ở đâu chưa?” “Giấy tờ, hồ sơ cá nhân đã mang được ra ngoài để gửi chưa”, rồi lại đi. Bởi anh là chủ tịch của một xã. Xã anh đang có cả một gia đình 4 người còn nằm trong đất lạnh, anh phải ở đó để cùng với các lực lượng bới đất tìm thi thể nạn nhân. Mấy ngày đêm trực trong xã, anh gầy rộc đi, đen nhẻm, đến hàng xóm còn chẳng nhận ra. Vợ anh đầy lo lắng khi biết đêm hôm nước lũ tràn về, con suối dọc theo xã dâng lên ngang ngực, chảy cuồn cuộn mà anh dám bơi qua cứu đứa nhỏ phía bờ bên kia. Hỏi đến, anh chỉ cười “Thằng bé kêu cứu bên kia, sợ hãi đến hoảng loạn, sao có thể không sang cứu nó”. Rồi cả những lúc anh quần mình trên đống bùn đất cùng anh em tìm được thi thể cháu bé. Anh đã từng trầm buồn nói với vợ “Thằng bé đang mặc chiếc áo đồng phục, chạc tuổi con nhà mình mà thấy thương quá.”. Lãnh đạo cấp tỉnh, cấp thành phố cũng đang gồng mình cùng nhân dân chống lũ như vậy. Họ xuống dân bất kể lúc nào dân cần, bất kể việc gì lãnh đạo cấp trên gọi đến. Ngày qua ngày, đêm qua đêm, họ liên tục vắng nhà. Lẽ tất nhiên nhà bị ngập, bị sập, hay có biến cố gì từ mưa bão, trăm sự nhờ người bạn đời của họ. Cũng với cái tâm vì dân ấy, lãnh đạo tỉnh Yên Bái đã rất nỗ lực, kịp thời đưa ra nhiều hướng dẫn, quy định để hỗ trợ những người dân bị thiệt hại nặng nề sau mưa bão như Hướng dẫn số 05/HD-UBND hướng dẫn một số nội dung hực hiện chính sách hỗ trợ đối với các hộ gia đình bị thiệt hại về nhà ở; ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ thiệt hại sản xuất nông nghiệp do ảnh hưởng của cơn bão số 3 năm 2024 trên địa bàn tỉnh; chính sách hỗ trợ học phí đối với trẻ mầm non, học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm học 2024- 2025. Giao các địa phương tích cực tìm kiếm, xây dựng khu tái định cư cho những hộ gia đình vừa mất nhà vừa mất đất. Tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp tìm kiếm biện pháp hỗ trợ khôi phục sản xuất cho các doanh nghiệp… Tất cả là những động thái nhằm nỗ lực đến mức cao nhất đối với những mất mát của người dân do cơn bão gây ra. Vậy là sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau. Nhân dân Yên Bái đang được các cấp lãnh đạo đồng hành, chia sẻ.

Tôi chợt nhớ đến những lời nghẹn ngào của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi nhắc về nỗi đau ở làng Nủ. Những giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt của vị Thủ tướng khi đích thân vượt mọi khó khăn đến với dân vùng lũ, mặc mồ hôi đẫm ướt vai áo và nước ngập dưới chân. Những lời chia sẻ, hay đơn giản chỉ là một cái vỗ vai, một ánh mắt thân tình của Thủ tướng cũng đủ làm ấm lòng người dân trước đau thương mất mát.

Thủ tướng và những lãnh đạo cấp bộ, ngành trung ương và cấp tỉnh đã rất thận trọng để đưa ra một quyết định cực kỳ sáng suốt cho thủy điện Thác Bà. Thế mới biết Thủ tướng và lãnh các cấp bộ, ngành trung ương và cấp tỉnh đang lo cho dân, đứng về phía dân để đưa ra quyết định. Nếu như tình trạng mưa lũ xấu đi, buộc phải đưa ra phương án phá đập số 4 thì nhất định phải sơ tán bằng xong 3186 hộ dân với hơn 11 nghìn người rồi mới được phá đập. Thế có nghĩa là Thủ tướng đang hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về tính mạng và tài sản cho nhân dân. Dự định thì dự định thế nhưng Thủ tướng cùng với lãnh đạo các cấp bộ ngành, tỉnh vẫn đắn đo, suy tính từng giây lượng nước vào, lượng nước ra, vẫn cân não để có những bước đi thận trọng và thực sự đúng đắn trong thời điểm định mệnh này. Bởi họ xót cho hơn 3 nghìn ngôi nhà, bao nhiêu của cải tích cóp cả đời của người dân, rồi vườn tược, hoa màu bị nước nhấn chìm, biết bao giờ mới hồi lại được. Và rồi chính những bước đi thận trọng ấy đã góp phần cứu hơn 3 nghìn hộ dân, cứu nhà máy thủy điện đầu tiên của ngành thủy điện Việt Nam. Ân tình của các cấp lãnh đạo không ai nói ra nhưng người dân Yên Bái đều thấu hiểu.

Trong những ngày bão lũ, hình ảnh găm vào tâm thức mỗi người dân Yên Bái còn là những chiến sĩ trong lực lượng quân đội, công an, dân quân, đoàn thanh niên. Những thanh niên mang trên mình quân phục của ngành, họ trẻ lắm, đôi mươi và tràn đầy sức lực. Họ không ngại hiểm nguy, không ngại việc khó, dốc toàn sức, toàn tâm cứu người ra khỏi hiểm nguy, dọn dẹp biết cơ man nào là bùn, rác. Những thanh niên mang sắc phục quân đội, công an chênh vênh đứng trên thuyền cứu hộ đang dập dềnh theo sóng nước, cố dướn mình để đỡ lấy một bà, một mẹ hay một em nhỏ nào đó còn non nớt từ vòng tay mẹ lên nơi an toàn. Rồi đến khi nước rút, cả thành phố ngập chìm trong bùn rác, mọi người dân nhìn quang cảnh tan hoang mà chán nản, muốn buông xuôi thì có công an, bộ đội và dân quân. Họ làm việc quần quật, người lấm lem bùn đất, mồ hôi ướt đẫm lưng áo nhưng hễ thấy ai đi qua là hồ hởi: chào cô, chào chú. Nhìn họ làm việc cật lực, ngày qua ngày, không nghỉ; nhìn những bàn tay run run vì mệt vì đói, ăn vội miếng cơm với ít rau, ít thịt; nhìn những giấc ngủ ngồi trong chốc lát mà vẫn không giấu nổi nét mệt mỏi trên khuôn mặt của các chiến sĩ chẳng ai mà không thương. Chỉ tính riêng lực lượng quân đội, Quân Khu 2 đã huy động hơn 1000 cán bộ, chiến sĩ cùng 35 phương tiện, máy móc, thiết bị giúp đỡ người dân Yên Bái trên 12 nghìn ngày công. Biết bao lời cảm tạ của người dân Yên Bái được cất lên, biết bao cái bắt tay, bao nụ cười đầm ấm được trao gửi bởi họ hiểu trên cả trách nhiệm còn là tình thương đối với dân mình. Ngày chia tay các đồng chí hoàn thành nhiệm vụ trở về đơn vị, người dân Yên Bái ra tiễn rất đông. Nhìn những chiếc ôm thắm tình quân dân và cả những giọt nước mắt bịn rịn của bà của mẹ để thấu hơn truyền thống văn hóa ngàn đời của cha ông ta đến giờ vẫn được lưu truyền và tỏa sáng, để hiểu hơn câu thơ của nhà thơ Tố Hữu “Con đi mỗi bước gian lao/ Xa bầm con lại có bao nhiêu bầm”.

Nghĩa đồng bào

Cơn bão Yagi để lại hậu quả nặng nề cho Yên Bái. Nhưng Yên Bái chưa bao giờ đơn độc. Những ngày sau bão, khắp các ngả đường, đi đâu cũng gặp những đoàn xe thiện nguyện. Họ có thể là nhóm đem cơm đến vùng bị cô lập, có thể họ vừa trở về sau chuyến hỗ trợ những đồ thiết yếu cho người dân ở những vùng nguy hiểm, xa xôi; có thể họ vừa đặt chân đến Yên Bái sau nhiều ngày lăn lộn đường trường, mang theo những thứ mà người dân Yên Bái rất cần. Họ làm tất cả những việc này chẳng vì lý do nào khác ngoài nghĩa đồng bào. Tôi dám khẳng định, không ít người rớt nước mắt xúc động vì những ân tình ấy. Ngày xưa, trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, ông cha ta từng “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, ai có cuốc thuổng gậy gộc thì dùng cuốc thuống gậy gộc”. Ngày nay, trong cuộc hồi sinh sau bão này cũng thế. Người kinh doanh nhà nghỉ sẵn sàng nhường phòng cho người phải sơ tán; người có xuồng, sẵn sàng mang đến tận nơi cứu hộ; người có ô tô, máy xúc, bỏ phương tiện, đích thân đến tận nơi san, gạt bùn rác chở đi; các cây xăng nguyện miễn phí cho những đoàn xe chở vật phẩm cứu trợ cho đồng bào bị lũ; thợ sửa xe máy sẵn sàng miễn phí khắc phục những xe bị ngập nước; doanh nghiệp đồ dùng nhà bếp sẵn sàng miễn phí sửa bếp ga, bếp từ; phòng khám đa khoa miễn phí tiêm huyết thanh uốn ván, vacxin uốn ván cho người dân và các chiến sĩ công an, bộ đội có vết thương trong quá trính chống bão; các nhà thuốc miễn phí các mặt hàng thiết yếu như thuốc sát khuẩn, thuốc đường ruột, bông, băng,...; các nhà hàng ăn uống tổ chức nấu ăn miễn phí cho bà con... và các bà các chị, sẵn có bàn tay khéo léo, họ quên mệt mỏi, ngày ngày gắng sức nấu hàng trăm suất ăn cho đồng bào bị cô lập và cho cả những lực lượng đến giúp đỡ đồng bào. Đến cả những xã vốn rất nghèo như La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải họ cũng đã vượt 200km về thành phố, đóng góp chút thành ý cho đồng bào bị lũ. Và rất nhiều tỉnh thành trong cả nước như Đắc Nông, Tây Nguyên, Hà Tĩnh, Thái Bình, Sài Gòn, Nghệ An, Hà Nội... cũng đã có mặt tại Yên Bái để cùng chung lưng đấu cật. Yên Bái gọi, mọi miền quê trả lời. Và mọi miền quê lên Yên Bái đều được người dân đón tiếp nồng hậu. Người ta không thể quên những lời mời cơm nhiệt tình của người dân Yên Bái đối với từng đoàn thiện nguyện. Đoàn thiện nguyện đã cảm thấy bất ngờ khi vào ăn cơm mà chủ quán nhất định miễn phí. Những con người chân chất, lớn lên cùng củ khoai củ sắn, dù họ không giàu có về vật chất nhưng họ đã sẵn lòng cùng nhau góp công góp của nấu những bữa ăn miễn phí cho những đoàn thiện nguyện. Người góp con gà, người mớ rau, người cân gạo. Những món quà đơn sơ, nhưng ấm tình người, thể hiện được cái nghĩa đền ơn của người dân Yên Bái. Những chuyến xe tải lặc lè được người dân Yên Bái hăm hở san đường, gắng sức đẩy lên để vượt qua quãng đường lầy lội đến tận tay người dân vùng lũ. Những con người bé nhỏ như hoà cùng với đất lở vùng lũ, vai gùi hàng, chân rắn rỏi vượt lên dốc đứng, vượt lên trơn trượt để trao tận tay người dân những món quà nặng tình nặng nghĩa đồng bào, khiến người ta hiểu thật sâu sa thế nào là đoàn kết.

Chung một truyền thống thương người như thể thương thân, đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước cũng đồng lòng hướng về Yên Bái, cùng đau trước những đau thương của dân mình. Bằng tình yêu thương ấy, Hội Nhà văn Việt Nam, đại diện là Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều- Chủ tịch Hội đã kêu gọi và tự mình ủng hộ văn nghệ sĩ Yên Bái và trang thiết bị cần thiết tặng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái với tổng số tiền 141 triệu đồng; Văn nghệ sĩ Quảng Bình, Thừa Thiên Huế ủng hộ 40 triệu đồng. Trong gian khó, văn nghệ sĩ càng hiểu thêm tình thâm của họ trao cho nhau. Có nhà văn đã rất xúc động khi thấy những bạn văn của mình lội bùn đến ngang chân vào tận nhà trao cho cái bắt tay động viên và món quà tình nghĩa. Dẫu chẳng nhiều về vật chất, nhưng trước những bộn bề, lo toan, trước những thất thoát về tiền của, họ vẫn cảm thấy mình không đơn côi trong giông bão. Không chỉ riêng với nhà văn ấy mà tất cả văn nghệ sĩ tỉnh nhà đều rất muốn nói lời cảm tạ, từ tận đáy lòng của sự biết ơn. Và tôi tin chắc rằng, ân tình ấy sẽ mãi không phai trong trái tim những người được sưởi ấm.

Tính đến ngày 16 giờ ngày 20/9/2024, Ban vận động cứu trợ các cấp tỉnh Yên Bái đã tiếp nhận ủng hộ và đăng ký ủng hộ của 5.504 tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước với số tiền 186,9 tỷ đồng, đã tiếp nhận được hơn 173,6 tỷ đồng. Ngoài ra Ban vận động cũng đã nhận được ủng hộ và đăng ký ủng hộ bằng hiện vật của 155 đoàn. Và những ngày sau đó Yên Bái vẫn đón thêm rất nhiều đoàn thiện nguyện. Lòng biết ơn đang ngân lên trong tâm thức mỗi người dân Yên Bái. Nghĩa đồng bào- Truyền thống văn hoá Việt đang toả sáng không chỉ trên đất nước Việt Nam mà còn lan toả trên thế giới.

Cho tôi xin được nhắc lại câu nói của rất nhiều người khiến triệu triệu trái tim Việt nghẹn ngào: “Nếu có kiếp sau, tôi vẫn muốn là người Việt Nam”.

 

H.K.Y

 

 

Các tin khác:

136-140 of 333<  ...  23  24  25  26  27  28  29  30  31  32  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter