Thanh xuân hy sinh cho những mùa quả ngọt

Ghi chép của Nguyễn Phương Thùy 

Con đường bê tông vắt lên đỉnh núi về bản Tà Ghênh xã Xà Hồ huyện Trạm Tấu trong tiết thanh minh phong quang sạch đẹp. Những cành đào phai nở muộn dập dìu ven đường tỏa hương thơm dịu dàng, con đường đã gắn liền với cả thanh xuân của những thầy cô giáo vùng cao ở Xà Hồ. Con suối đầu nguồn chảy qua con đường lên núi này bao năm chứng kiến những đôi chân trần cõng trẻ đến trường của các thầy cô giáo trong những ngày mưa bão. Đồng bào Tà Ghênh cũng đã coi thầy cô như máu thịt của mỗi gia đình, họ tin tưởng yêu mến và coi đó như biểu tượng tốt đẹp của tương lai con trẻ để từ đó dù có khó khăn đến đâu cũng cho con ra lớp học.

Tà Ghênh hôm nay không còn đói ăn, thiếu mặc, mái trường Tà Ghênh đã được xây dựng kiên cố để học sinh của các thôn Tà Ghênh, Sáng Pao, Háng Thồ, Cu Vai thuộc xã Xà Hồ có thể yên tâm sống và học tập, dù chưa rộng rãi khang trang nhưng các thầy cô giáo đã làm tất cả để các em có nơi ăn, chốn ngủ đàng hoàng, như chia sẻ của em  Mùa Thị Dê học sinh lớp 5 thì “Mái trường đối với em đã trở thành ngôi nhà thứ 2 ấm áp và hạnh phúc, thầy cô như cha mẹ, bạn bè như anh em, chúng em được sống trong tình yêu thương của thầy cô, sự chia sẻ của bạn bè, cơm đủ dinh dưỡng, mùa đông có chăn ấm, mùa hè có quạt mát, em cảm thấy rất vui và hạnh phúc, cảm ơn sự chăm lo của các thầy cô.”

Điểm trường Tà Ghênh là phân hiệu 2 của Trường PTDTBT TH&THCS xã Xà Hồ. Ở đây có 14 giáo viên và 271 học sinh trong đó có 157 học sinh ở bán trú, tỷ lệ chuyên cần luôn đạt 95% trở lên. Nhiều lứa học sinh của Xà Hồ đã trưởng thành. Những thầy cô giáo gắn bó với mái trường này từ thuở sơ khai đến khi trường khang trang, hạnh phúc như hôm nay mái tóc đã điểm bạc, câu chuyện đời câu chuyện nghề của họ còn in đậm mãi trong tôi. Đầu tiên chính là cô giáo Hoàng Thị Hạnh Nguyên người đã có 20 năm cõng chữ lên non

Năm 1993 sau khi tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm Nghĩa Lộ, cô giáo trẻ Hoàng Thị Hạnh Nguyên lên nhận công tác tại điểm trường thôn Tà Đằng xã Xà Hồ huyện vùng cao Trạm Tấu, một bản làng không điện, không đường, trường là ngôi trường tạm, nắng hay mưa đều hắt vào trong, bàn ghế học sinh là những tấm ván gỗ xẻ tạm. Để lên được đến điểm trường cô Nguyên phải leo núi khoảng 2 giờ đồng hồ, một mình cô giáo trẻ giữa chốn rừng xanh núi đỏ, tiếng Mông không biết, cô Nguyên không nhớ nổi bao đêm thức trắng, khóc sưng cả mắt vì sợ đủ thứ. Nhưng rồi nhìn đám nhỏ và nghĩ đến công sức của bao năm tháng đi học, cũng như kỳ vọng của người thân, cô Nguyên nỗ lực học tiếng bản địa, rồi trong khó khăn cô nên duyên cùng thầy giáo Lường Văn Hiệu. 14 năm ở với đồng bào Mông Tà Đằng, cô con gái đầu lòng cùng bố mẹ lớn lên ở bản. Không ít lần ốm sốt, anh chị phải thay nhau bế con chạy 2 giờ đường rừng về bệnh viện huyện. Khi sáp nhập các điểm lẻ về bán trú thầy Hiệu vì bạo bệnh qua đời đúng dịp năm học mới năm 2011, cô Nguyên nén nước mắt tiếp tục sự nghiệp trồng người. Về bán trú với đám trò nhỏ vừa mang trên bản xuống, mọi nếp ăn nếp ngủ với chúng như tờ giấy trắng, cô lại cùng đồng nghiệp của mình lăn lộn, rèn rũa các em, 20 năm làm cô giáo vùng cao, cả thanh xuân gửi chốn núi rừng Trạm Tấu, cô Nguyên vẫn vẹn nguyên tình yêu nghề. Cô chia sẻ: “Có những thời điểm ở trên thôn bản, cảm giác đã chạm đến đáy của sự kiên trì. Tưởng rằng bỏ núi về với bố mẹ nhưng nghĩ đến những ngày khó khăn lắm mới được đứng trên bục giảng và nhìn đám trò nhỏ dù nghèo nhưng không nghỉ buổi học nào, vợ chồng tôi lại cố gắng bám trụ. Khi chồng tôi ốm nặng, đã sát ngày khai trường tôi động viên anh cố gắng để đi khai giảng với học sinh. Anh chỉ cười, rồi khai trường xong anh đi cấp cứu và khi trên con đường đi qua điểm trường Tà Đằng nơi anh gắn bó hết thời trai trẻ thì anh trút hơi thở cuối cùng.” Nói đến đây cô Nguyên không cầm nổi nước mắt, thầy giáo Lường Văn Hiệu ra đi còn lại cô Nguyên với 2 đứa con gái nhỏ, thương mẹ các cháu luôn nỗ lực học hành và vào trường nội trú huyện theo di nguyện của bố. Chuyện buồn đã đi qua, nay các cháu đã trưởng thành, cô Nguyên sau nhiều thăng trầm đã yên bề gia thất. Cô Nguyên cho biết: “Nhìn thấy nền giáo dục huyện nhà thay đổi như hôm nay, tôi cảm thấy rất tự hào và phấn khởi vì trong đó có công sức nhỏ bé của những thầy cô giáo vùng cao như chúng tôi đã dành cả thanh xuân ở chốn rừng xanh núi đỏ thay đổi tư tưởng cho phụ huynh về việc học tập.”

Câu chuyện đời, chuyện nghề của các thầy cô giáo vùng cao với tôi không bao giờ vơi cạn. Không ít lần vô tình trên những đoạn đường tác nghiệp ở miền núi tôi thấy những người thầy người cô sẵn sàng nhường chiếc áo mưa duy nhất cho đám trò nhỏ. Những cô giáo tuổi đời còn trẻ nước mắt ngắn nước mắt dài đưa học sinh bị ốm vào bệnh viện, vì có gọi điện bố mẹ chúng cũng nửa ngày mới đến được trường. Những thầy cô bỏ lại gia đình phía sau để ra trường quản học sinh cách ly vì Covid, con mình không đưa được đi tiêm nhưng sẵn lòng đứng cả ngày ở trung tâm y tế đợi mấy trăm học sinh tiêm xong đưa chúng về trường. Cô giáo Hoàng Thị Thu Bắc- Hiệu trưởng Trường PTDT BTTH&THCS xã Xà Hồ cho biết: “Một đàn con hơn 800 đứa từ tiểu học đến THCS ăn ngủ tại trường 6 ngày/ tuần, bé thì nhớ nhà khóc mếu, nay ốm mai đau, lớn thì sợ chúng nó yêu sớm, nên thầy cô lúc nào cũng hết pin với chúng nó. Trực trường 24/24 vừa dậy chữ vừa làm cha, làm mẹ, làm luôn cả bác sĩ, vừa rồi dịch Covid qua trường thầy cô dậy học rồi kiêm luôn Shipper chạy cơm từ trường mang ra viện cho học sinh. Phụ huynh thấy con dương tính gửi luôn nhà trường chăm sóc vì sợ về lây cả nhà. Nhiều lúc mệt mỏi nhưng nhìn thấy học sinh quấn quýt trưởng thành lại mừng rơi nước mắt, tôi nghĩ chúng tôi về hưu rồi chắc lại buồn không chịu được vì vắng “lũ quỷ” này.”

Ngày nay các thầy cô giáo dạy tiểu học và trung học cơ sở ở các xã vùng cao của huyện Trạm tấu không còn những gian truân khi cắm bản, nhưng để xây dựng ngôi trường hạnh phúc thì những sự hy sinh khoảng trời riêng vẫn không thể kể bằng lời. Dạy học, dạy người, dạy kỹ năng sống, các thầy các cô tạo ra một môi trường giáo dục an toàn, vui vẻ, bổ ích để phụ huynh yên tâm gửi con, học sinh thích đến trường, coi mái trường như gia đình, thầy cô như cha mẹ, bạn bè là người thân chính là hạnh phúc giản dị mà không phải ai cũng làm được. Đây cũng chính là nhân tố quyết định cho sự trưởng thành của nền giáo dục Trạm Tấu trong những năm qua.

Chia tay mái trường Xà Hồ tôi tìm về Sán Trá xã Bản Công, con đường trở thành nỗi ám ảnh của những người quen dạo bằng xe máy như chúng tôi. Trời mưa xe bê bết đất, “hận” một nỗi không thể quẳng cái xe vào vệ đường mà đi bộ, cứ người đủn người đẩy đi qua những vũng bùn lầy. Đôi ủng cũng chẳng hợp tác khi đất dính nặng chịch, cô giáo Lương Thị Sinh vóc người nhỏ nhắn đã quá quen với con đường này, cô cho xe đi lại con đường vết xe của những người đi trước, ngã lại đứng lên, cả người bê bết đất vẫn nở nụ cười tươi, trò chuyện với cô Sinh tôi thấy cổ họng mình nghẹn đắng.

Chồng cô giáo Lương Thị Sinh công tác ở tận xã vùng cao Tà Xi Láng cách huyện Trạm Tấu đến 50km đường rừng. Dịch Covid diễn biến phức tạp nên chồng của Sinh cũng thường xuyên ở bản, cả tháng mới gặp nhau được một lần. Bố mẹ già yếu, cô con gái và cậu con trai nhỏ một năm không biết phải gửi bao nhiêu người nhưng cô giáo Lương Thị Sinh vẫn vượt qua hoàn cảnh kiên trì bám bản vì học sinh thân yêu. Cô giáo Lương Thị Sinh chia sẻ: “Giờ em chỉ mong nhất có đường bê tông về bản, để con đường về nhà gần hơn, mưa gió đỡ khổ, chứ nhiều hôm mưa em khóc dọc đường chị ạ. Nhưng nhiệm vụ thì không thể nghỉ được, lại lỡ buổi học của các con, 1 năm em chỉ đưa con em đi học được vài buổi đấy là những ngày được về cơ sở chính tăng cường, những ngày như thế với em thật quý giá, nhìn con được mẹ đưa đi học hớn hở mà chảy nước mắt.”

Điểm Trường Mầm non Sán Trá cheo veo trên đỉnh núi, trường vẫn làm bằng gỗ, hàng ngày từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối cô Sinh và cô bạn đồng nghiệp của mình ở đây với 22 học trò, lúc học sinh ngủ 2 cô tranh trủ trồng hoa, làm đồ dùng dạy học, cô Sinh nói: “Ở trên bản học trò đã thiệt thòi nên chúng em làm tất cả những gì tốt đẹp nhất cho trẻ. Có đồ dùng dạy học, đồ chơi, tranh thủ xin tài trợ các đoàn từ thiện để các em được tiếp cận tất cả”. Mái trường đơn sơ ở Sán Trá ấm áp hơn bởi tiếng trẻ nhỏ ríu rít như bầy chim non, em Trang A Lềnh bé con con líu lo: “Con thích đi học, ở lớp được cô giáo cho ăn bánh kẹo, ăn cơm và ngủ ngon lại được học chữ, đọc thơ, nghe cô kể chuyện, đi lên nương với bố mẹ nóng lắm, con ở nhà với cô.”

Chia sẻ với các cô giáo mầm non, Đảng ủy chính quyền địa phương xã Bản Công cùng các tổ chức hội, đoàn thể thường xuyên phối hợp với nhà trường trong công tác tu sửa vật chất đầu năm học, vận động phụ huynh đón học sinh đúng giờ tan trường để tạo điều kiện cho các cô giáo về trước khi trời tối. Ông Giàng A Hồ- Chủ tịch UBND xã Bản Công cho biết: “Gửi con cho các cô rồi phụ huynh yên tâm lên nương chả biết giờ giấc, có lúc tối mịt mới về làm các cô cũng không về sớm được, nên họp thôn tôi yêu cầu trưởng các thôn bản chia sẻ, để tuyên truyền cho người dân đón con đúng giờ. Đồng bào Mông trên bản yêu quý và tin tưởng các cô giáo, nhờ có các cô cắm bản mà trẻ nhỏ được chăm sóc sức khỏe, được học tập tốt hơn.”

Hiện nay trên địa bàn huyện Trạm Tấu có 12 xã, thị trấn với 39 điểm lẻ mầm non trên thôn bản, có 189 giáo viên và 3339 học sinh mầm non, với tỷ lệ chuyên cần từ 98% trở lên, và giữ chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Những năm qua được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước hệ thống cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm đã được đầu tư khang trang hơn nhưng xã nào cũng vẫn có một vài điểm lẻ chưa có đường bê tông khiến các cô giáo mầm non phải chật vật, khốn khổ trong những ngày mưa bão. Nhưng bằng tình yêu nghề mến trẻ các cô giáo vẫn nỗ lực vượt qua để thắp sáng ước mơ cho trẻ em nghèo. Ông Khang A Chua- Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu chia sẻ: “Những đóng góp của các thầy cô giáo vùng cao, đặc biệt là các cô giáo mầm non hiện nay là rất to lớn đối với sự phát triển của hệ thống giáo dục huyện Trạm Tấu. Họ hy sinh cả thanh xuân cho tương lai của những trẻ em nghèo, từ khi mái trường tạm bợ tranh tre, nứa là đến sự phát triển của ngày hôm nay. Huyện Trạm Tấu đã có nhiều hình thức động viên khen thưởng kịp thời đối với sự cố gắng, nỗ lực của thầy cô giáo vùng cao và cũng có những đãi ngộ nhất định để luân chuyển hợp lý các đồng chí giáo viên về gần với gia đình để các thầy cô yên tâm công tác. Tuy nhiên đặc thù giao thông vùng cao còn nhiều khó khăn, huyện Trạm Tấu rất mong tiếp tục được sự quan tâm của các cấp các ngành các tổ chức cá nhân để xây dựng đường và các điểm trường lẻ trên thôn bản khang trang hơn.”

Tôi không biết những yêu cầu xa xôi hào nhoáng nào cho một ngôi trường hạnh phúc. Nhưng tôi biết những mái trường vùng cao nơi tôi đã đi qua, con trẻ được học tập, được chăm lo từ bữa ăn giấc ngủ. Và với những đám trò nhỏ vùng cao thì mái trường, thầy cô như gia đình, chúng cảm thấy tin yêu thân thuộc để thỏa sức nuôi dưỡng ước mơ. Học trò của các cô nay có người trở thành đồng nghiệp, người đã là lãnh đạo địa phương, những điều đó đã tiếp thêm sức mạnh để thầy cô hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “trồng người”, sẵn sàng hy sinh cho những điều tốt đẹp. Có lẽ đó chính là hạnh phúc. Học trò thành công đó chính là những mùa quả ngọt mà các cô dùng cả thanh xuân để gieo trồng.

 

N.P.T

 

 

 

Các tin khác:

206-210 of 335<  ...  37  38  39  40  41  42  43  44  45  46  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter