Vạn lý hồi hương…

Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang

Xìu nhìn vào bóng đêm hun hút chạy dọc theo xóm trọ, buột miệng nói: “Phải về thôi”. Không rõ Xìu nói với người vợ đang ôm đứa con gái nhỏ nằm quay mặt vào tường, hay nói với chính những bề bộn lo toan trong mình. Xóm trọ vài chục phòng dành cho công nhân chưa bao giờ vắng vẻ thế này. Kể từ ngày dịch covid bùng phát, Bình Dương thực hiện giãn cách xã hội thì cái đói nghèo cũng bắt đầu ập đến. Lương công nhân ba cọc ba đồng, vừa đóng tiền trọ, sữa bỉm cho con, đủ thứ chi tiêu đâu cóp nhặt được nhiều. Mồ hôi ráo cũng là lúc hết tiền. Dịch từ năm ngoái đến năm nay, bùng hết đợt này đến đợt khác. Cứ nhìn Sài Gòn oằn mình chống dịch là thấy sợ, hệ thống y tế quá tải, nhiều F0 phải tự theo dõi ở nhà. Đợt dịch này không biết bao giờ mới kết thúc. Nếu kéo dài thì không biết lấy gì mà sống, tiền nhà trọ cũng không có đóng nữa rồi. “Phải về thôi”, câu nói ấy lần lượt buột ra từ miệng những người con tha phương đang mắc kẹt nơi này. Quê hương sẽ chẳng bao giờ chối bỏ ai. Vài người bật khóc khi nghe cuộc điện thoại của bố mẹ già: “Về nhà có rau ngoài vườn, cá dưới ao, thóc trong thùng chẳng lo chết đói con ơi. Lỡ chẳng may có bệnh cũng còn được chữa trị tử tế. Chứ ở trong đó quá tải, nói dại chứ nếu có mệnh hệ gì…”Nửa đêm, vài căn phòng sáng đèn. Đồ đạc được chất lên chiếc xe máy cà tàng. Họ bế trên tay, địu trên ngực mình đứa con nhỏ còn đang ngon giấc. Những lời từ biệt nghẹn lại trong cổ họng, bóng họ chìm dần vào bóng tối. Đêm nay đến lượt nhà Xìu…

Mừng nâng lên đặt xuống thứ này thứ kia, không muốn bỏ lại gì. Nhưng từ Bình Dương về Lào Cai là hơn 1.800 cây số. Cái xe mua lại của người ta lúc mới vào đây lập nghiệp giờ cũ quá rồi. Xìu không chắc nó thồ được bốn con người về đến quê an toàn mà không hỏng hóc giữa đường, nên anh bảo vợ:

- Đã bảo rồi. Chỉ quần áo, ít nước uống và lương khô thôi. Một cái chăn mỏng quấn cho con nếu chẳng may gió rét. Càng nhẹ càng nhanh về nhà.

- Nhưng còn con Mun? Hai đứa nhỏ nhà mình cưng nó lắm. Biết bỏ lại nó chắc các con buồn lắm.

- Trời ơi. Đi chạy dịch chứ đâu phải đi dạo phố. Sao mà tha nổi con mèo gần hai ngàn cây số. Bỏ nó lại hoặc cho nhà chủ.

- Mọi người về hết bỏ lại nó chết đói. Nhà chủ anh lạ gì, tháng nào chả kiếm bữa thịt mèo.

- Khổ quá! Coi chừng nặng quá tôi thả từng người một giữa đường cho chừa cái tội đèo bòng.

Xìu càu nhàu khi thấy Mừng ôm ghì lấy con Mun. Chính lòng anh cũng không nỡ bỏ nó lại nơi này. Đứa con gái nhỏ ngồi đằng trước, gục đầu vào đùi bố ngủ ngon lành. Đứa nhỏ hình như vừa ngủ mớ, dụi đầu tìm ngực mẹ đòi ti. Xe rời xóm trọ lẫn vào màn đêm hun hút. Chẳng biết có phải vì ngược chiều gió mà Xìu thấy lồng ngực mình nghẹt thở. Sao chưa gì anh đã thấy tay chân mình bã bời. Sắp đến địa điểm tập trung rồi, không biết mấy gia đình đồng hương đã đến điểm hẹn chưa. Trên đường từng đoàn xe lầm lũi hồi hương. Con búp bê vừa tuột khỏi tay em nhỏ nào đó rơi xuống lòng đường. Vài tiếng khóc trở mình thét lên trong đêm rồi im bặt. Đèn xe loang loáng. Vài tiếng gọi í ới vang lên. Xìu đã nhận ra nhóm đồng hương của mình. Không kịp dừng lại, mọi người đã nổ máy tiếp tục hành trình. Xuyên đêm. Xuyên qua nỗi bất an. Đằng đẵng…

Xe trôi trên quốc lộ 1A. Không ai nói với ai lời nào. Xìu chợt nhớ đến một câu văn nào đó mình từng đọc được trên tờ báo gói xôi: “Đi đường dài chớ ngóng vọng xa xôi. Chân hưởng niềm vui của từng bước nhỏ”. Xìu không dám nghĩ đến ngày mai. Thấy đồi núi hiện ra rồi lùi lại phía sau. Thấy biển cả vỡ òa ngay trước mắt. Mừng ngồi sau im lặng. Con mèo đã thôi căng cựa, chịu nằm ngoan trong bọc bé Đậu Tương. Chặng đường dài khiến những đứa trẻ mệt nhoài. Đã thôi không còn thích thú như buổi sáng đầu tiên mở mắt ra thấy cả nhà đang ở một nơi khác hoàn toàn với căn phòng trọ chật trội, tù túng. Đậu Tương từng reo lên thích thú khi thấy những cánh chim bay trên sóng biển. Từng giục bố chạy nhanh nhanh để đuổi theo đoàn tàu. Từng lo lắng hỏi: “Sắp tối rồi cả nhà mình sẽ ngủ ở đâu?”. Khi cả đoàn dừng lại, dải chiếc áo mưa ra đâu thì nơi đó thành nhà. Nhà ù ù gió, giấc ngủ chập chờn tiếng còi xe rít lên trong đêm. Mừng ngủ mà thấp thỏm trong mơ cứ sợ phải thức dậy để đi. Ngồi xe nhiều mông không còn cả cảm giác ê ẩm nữa. Hai cánh tay mỏi nhừ có lúc muốn gãy lìa vì bận giữ con, thay Đậu Tương giữ cả chú mèo Mun mỗi khi con bé ngủ. Đã có lúc Mừng ước gì ngất đi một lúc, tỉnh dậy đã thấy quê nhà. Sao càng đi càng xa. Càng đi càng thấy phía trước mịt mờ. Mừng liếc nhìn những người đàn bà khác. Xơ xác, te tua, tóc xịt gió, mặt trát bụi đường, môi tái nhợt. Họ không còn đủ sức ngồi co cụm vào nhau than thở. Mừng rướn cổ cố nuốt miếng lương khô mắc nghẹn trong cổ họng. Chai nước mang theo chỉ còn có ít, đoạn này không hàng quán, lại đi đêm nên Mừng phải để dành cho con. Giờ này mà được tắm một cái thì thích nhỉ. Quần áo mặc trên người đã mấy ngày không thay, ngứa ngáy râm ran khắp nơi. Bé Đậu Đũa đã thiu thiu ngủ. Mừng khẽ khàng đặt con rồi nằm xuống lịm đi. Chẳng kịp vuỗi mấy viên sỏi đâm nhoi nhói dưới lưng mình.

Trong đoàn không chỉ có đồng hương Lào Cai mà còn kèm cả mấy gia đình ở Phú Thọ, Yên Bái đi cùng. Cái kiểu xa nhà cứ níu lại thành gần, cùng một dải trung du miền núi phía Bắc cũng coi như đồng hương rồi. Đoàn gồm mấy chục người, không phải ai cũng quen biết nhau. Trước khi quyết định hồi hương bằng xe máy, Mừng lên mạng tìm người về cùng. Dù gì đi xa có người nọ người kia vẫn hơn, để lúc khó khăn còn đỡ đần, bao bọc lấy nhau. Có nhà ba đứa con, cái xe quá khổ không kham nổi đường dài đành phải gửi con đi nhờ cùng mấy xe ít người. Có khi đang đi giữa đường cả đoàn dừng lại. Người sau hỏi người trước: Sao vậy? Xe ai có chuyện gì à? Thấy vọng lại tiếng ai đó: Có xe hết xăng anh em ơi; tưởng gì, có ai mang theo đoạn ống hút nào không? Lấy của mỗi xe một ít, cố đến cây xăng. Có khi xe dừng lại vì một đứa trẻ nào đó sốt cao.

- Lo quá! Hay là nhiễm Covid mất rồi?

- Cũng có thể đi đường gió máy, sức đề kháng của cháu kém thì ốm sốt thôi. Ai có thuốc hạ sốt không?

- Chết thật, rõ ràng đã tính nhét túi thuốc vào ba lô mà sao giờ tìm không thấy nhỉ. Không biết đã bỏ quên hay rơi dọc đường rồi.

- Để hỏi xem gần đây có bệnh viện nào không?

Nhốn nháo, quýnh quáng hết cả lên. Lúc ấy là 11giờ đêm. May sao nhà người dân bên đường đèn còn bật sáng. Ngần ngừ mãi nhóm của Xìu cũng gọi cửa xin sự trợ giúp. Suốt dọc đường đi vài trăm cây số tụi Xìu gần như không dám làm phiền ai vì tự biết mình vừa di chuyển từ vùng dịch. Nhỡ chẳng may trong người nhiễm bệnh sẽ có nguy cơ lây nhiễm cho người khác. Nhưng tình huống này thì khác, đứa trẻ cần có thuốc. Cần một chỗ nghỉ ngơi. Chủ nhà thò đầu ra, nhìn đứa trẻ sốt li bì trên tay mẹ thì vội vàng bảo: “Bế vào chỗ kín gió nhanh lên. Để tôi đi lấy thuốc hạ sốt rồi ra vườn kiếm nắm lá tía tô nấu cháo trứng. Sẽ hạ sốt nhanh thôi”. Mọi người vẫn đeo khẩu trang và nhắc nhau giữ khoảng cách an toàn với nhà chủ. Một nồi cháo to được mang ra, nóng hổi. Mùi thơm của cháo đánh thức cơn đói cồn cào. Húp bát cháo tỉnh nửa người. Đêm ấy mọi người thay nhau thức canh cơn sốt của đứa nhỏ. Cũng may chỉ sau nửa tiếng uống thuốc cơn sốt đã hạ dần. Đoàn nghỉ ngơi tới sáng, thấy cháu nhỏ đã cắt sốt lại tiếp tục lên đường. Mùi vị của bát cháo tía tô còn quanh quẩn mãi trong tâm trí những con người đang mải miết chạy thi với dịch bệnh và cái đói.

Suốt gần một tuần qua thứ âm thanh mà Mừng nghe nhiều nhất là tiếng gió. Ràn rạt, rin rít bên tai. Thứ âm thanh mà Mừng ít nghe nhất ấy là tiếng của chồng mình. Cứ im lặng mà đi. Nặng nề trôi đi. Thỉnh thoảng có một cánh tay nào đó ven đường giơ lên vẫy vẫy. Cả đoàn mừng húm khi những tấm lòng thơm thảo dúi vào tay suất cơm nóng hổi, chai nước suối để tiếp sức tụi Mừng. Đó là người mẹ già miền Trung, tóc đã lơ thơ sợi bạc bảo: “Để bà vào lấy cho tụi nhỏ cầu sữa uống đi đường”. Đó là những chiến sĩ công an giao thông, thanh niên tình nguyện đang đứng giữa cái nắng chói chang để chắt từng chai xăng cho mọi người đổ đầy bình. Đó có khi là thùng tiền đặt ở bên đường, không thấy ai, chỉ ghi dòng chữ: “Mỗi người đi xe máy về quê vui lòng nhận 1 phong bì 500K”. Cầm chiếc phong bì trên tay mắt Mừng nhòe nước. Ngay cả câu cảm ơn cũng không biết nói với ai. Mừng bỗng nhiên nhớ đến mẹ mình. Người đàn bà cả đời lam lũ, gót chân chai cứng vì leo núi, móng tay đen đúa nhựa cây. Mẹ không biết chữ. Cả đời không đọc trang sách nào. Nhưng lại nghe được tiếng đau của những thân cây vừa đổ xuống. Nghe được mầm lương thiện ẩn trong mỗi con người. Mẹ nghèo nhưng những mùa đói ấu thơ luôn dành một phần khoai sắn của mình để chia cho hàng xóm. Có năm dân dưới xuôi lũ lụt, lúa mất trắng phải tìm lên miền ngược xin ăn. Mẹ vét cả bát gạo trắng cuối cùng trong chum dúi vào bọc người ta. Có lần bực quá bố Mừng càu nhàu vài câu. Mẹ cười bảo: “Mình cho người ta cũng là tích đức cho con. Con mình sau gửi cả vào thiên hạ”. Lúc ấy Mừng đâu nghĩ ngợi gì. Giờ mới thấm thía lời của mẹ.

Về đến Đà Nẵng nhà Mừng phải gửi lại con mèo Mun ở một quán cơm ven đường. Bé Đậu Tương quyến luyến không muốn rời xa. Ánh mắt con nhìn bố mẹ như van vỉ nhưng tuyệt nhiên không có tiếng gào khóc nào cất lên. Nước mắt con rơi lã chã trên bộ lông trắng đã đổi màu vàng khè toàn bụi của chú mèo. Nếu là trước đây con sẽ không chấp nhận thế này. Con sẽ tìm mọi cách bảo vệ người bạn nhỏ của mình. Mèo Mun là chú mèo đáng thương được Đậu Tương nhặt ngoài bãi rác khu xóm trọ công nhân về nuôi. Chắc mèo nhà ai đó đẻ, họ không nuôi mang ra đó vứt. Nó gầy nhom, yếu ớt lẩy bẩy kêu meo meo trên tay bé Đậu Tương. Kể từ đó nó là thành viên trong nhà, trở thành bạn của hai đứa nhỏ. Nếu không vì suýt nữa gây tai nạn trên đoạn đường đèo thì Mừng đã không quyết định gửi Mun lại giữa đường. Giờ nghĩ lại Mừng vẫn còn run. Xe đang đi bỗng va phải ổ gà xóc nẩy lên. Con mèo đang nằm quắp lấy chân Mừng nằm mơ màng cũng bị cú xóc làm cho xuýt bắn xuống đất. Mừng vội vàng nhoài người ra, một tay tóm lấy chú mèo, một tay còn ôm con nhỏ. Đường về nhà còn xa. Không cần mang vác thêm cái gì trên người cũng thấy nặng nề. Huống hồ Mừng còn con nhỏ, hai cái tay tê dại và đôi mắt lúc nào cũng cố giương lên để không ngủ gật. Trong hoàn cảnh ấy việc phải lo thêm cho một con mèo cũng là quá sức. Trên đoạn đường còn lại xa cả ngàn cây số hỏi còn bao nhiêu cái ổ gà?

- Nó rất thèm hơi người. Nó thích ăn cá mắm. Nó không uống nước bẩn đâu bà.

Bà chủ quán cơm đón con mèo từ tay bé Đậu Tương mắt rơm rớm vỗ về:

- Chừng nào hết dịch cả nhà vào lại Bình Dương thì nhớ ghé qua đây đón Mun nhé. Bà sẽ chăm sóc tốt cho nó. Không để nó đói ăn. Không đánh mắng nó đâu.

Lúc này Đậu Tương mới òa khóc nức nở, nó không lỡ rời xa người bạn nhỏ của mình. Nhưng con cũng đủ lớn để hiểu hoàn cảnh hiện tại nên không dám mè nheo. Mừng hứa với con lần sau sẽ quay lại đây đón Mun nhưng chính lòng chị cũng hoài nghi về những gì mình vừa nói. Mừng không chắc sẽ quay lại đây. Càng không chắc sau lần này còn đủ can đảm để ly hương nữa. Không ai nói với ai thêm lời nào. Ngay cả mấy tiếng nấc tủi thân của một đứa nhỏcũng bị gió ràn rạt thổi đi. Thỉnh thoảng chuông điện thoại lại rung. Mẹ hỏi: Về đến đâu rồi con? Có còn tiền trong người không? Có bị đói không? Bố dặn: Đi chậm thôi đừng vội, sớm muộn gì cũng về được đến nhà. Mấy đứa em ngày nào cũng nhắn “Cẩn thận lũ nhỏ. Tránh gió máy”. Mừng không dám khóc, cứ tự dặn lòng chờ về đến nhà rồi khóc một thể cho thỏa lòng. Nhưng thời gian cứ kéo dài thêm vì trong đoàn có người hỏng xe, có người lả đi vì đói mệt, có người vốn bị bệnh run tay giờ lẩy bẩy không cầm lái nổi. Cả đoàn dừng lại xúm xít lo cho nhau. Mừng sốt ruột được trở về nhà. Nhưng Mừng cũng sợ phải bỏ rơi ai đó. Tụi Mừng giờ là những người cùng khổ, nếu không dựa vào nhau thì còn biết dựa vào đâu?

***

Cuối cùng thì trong đoàn cũng có người đã về tới nhà. Lúc dừng chào nhau ở Phú Thọ có vài người đã khóc. Cố thêm chút nữa thôi. Về đến đây là đã như nhìn thấy quê hương ngay trước mặt rồi. Mừng đòi đổi tay lái để Xìu địu con ngồi phía sau cho chồng đỡ cực. Rừng cọ, đồi chè thấp thoáng bên đường. Chỉ ngày mai thôi là về đến Lào Cai. Chắc chưa thể về nhà gặp người thân vì còn phải cách ly, nhưng chỉ cần được đứng trên mảnh đất quê hương là thấy an lòng. Trong đầu Mừng hiện ra những bãi sắn, nương ngô. Đã sắp rằm tháng bảy rồi đúng không? Liệu Mừng có kịp về làm bánh gai đón tết “Pây Tái” cùng bố mẹ mình? Những người phụ nữ Tày như Mừng, đi lấy chồng là cả năm quanh quẩn làm ăn, hương khói thờ phụng tổ tiên nhà chồng. Chỉ mong rằm tháng bảy được về nhà đẻ, nấu bữa cơm tươm tất cúng xá tội vong nhân. Xìu nói lần này về phải kiếm con vịt béo biếu ông bà ngoại. Đang mải suy nghĩ bỗng một luồng sáng chói lóa chiếu thẳng vào mặt Mừng. Rất nhanh trong tích tắc Mừng thấy mình bay lên…

Người dân ven đường xúm lại. Ai đó gào lên ôm lấy hai đứa trẻ. Ai đó giục nhau gọi xe cấp cứu. Ai đó nói “nhanh lên, phải cứu người nhanh lên”. Tất cả cứ loang loáng trong đầu Xìu trước lúc lịm đi. Cánh tay vừa giơ lên quờ quạng tìm kiếm vợ con mình đã buông xuống bên vũng máu. Cả nhà Xìu được đưa vào bệnh viện đa khoa gần đó. Các y bác sĩ đã test nhanh SARS-CoV-2, cả gia đình Xìu và mười bốn người trong đoàn đều dương tính. Hôm sau vụ tai nạn xuất hiện đầy trên mặt báo và các bản tin nóng của truyền hình ba tỉnh Phú Thọ- Yên Bái- Lào Cai. Vì tất cả đám đông xúm vào cấp cứu người bị nạn đều vô tình trở thành F1. Những người đi cùng đoàn đều đã được đưa về địa phương ở Yên Bái, Lào Cai để cách ly. Bốn vợ chồng cái con nhà Xìu được các bác sĩ tỉnh Phú Thọ điều trị hết lòng. Xìu và hai đứa con gái bé nhỏ đã may mắn hồi phục. Nhưng Mừng đã không thể trở về mua con vịt béo sang đón tết “Pây Tái” cùng bố mẹ. Mừng mất vì đa chấn thương và viêm phổi ARDS nặng. Chẳng phải lời cầu nguyện nào cũng thấu tận trời. Chẳng phải sự trở về nào cũng là đoàn tụ. Mừng sẽ về với nương lúa, nương ngô. Về với rẫy, với rừng, với cọn nước, con suối Nậm Luông. Về bên nhà sàn để nghe tiếng khung cửi quen thuộc của mẹ, của chị. Về với cầu thang, bếp lửa. Về nghe tiếng chim rừng… Mừng nhất định phải về với quê hương. Dù thân xác hay tro bụi, cũng về. Lần trở về này là mãi mãi…

Nơi Mừng nằm có thể nhìn xuống những nương lúa đang mùa trổ đòng thơm ngát. Bảng lảng khói chiều bay lên từ những mái nhà sàn. Suối róc rách chảy, chim hót líu lo. Tiếng chày giã bánh rằm tháng bảy vang lên nhức nhối lòng Xìu. Đến tận lúc này Xìu mới đau đớn nhận ra rằng quê hương trù phú và bình yên đến thế mà sao bao năm qua phải mải miết bươn trải xa xôi. Có một thời cơn lốc ly hương đổ về Sài Gòn. Giấc mộng đổi đời cũng đã thôi thúc Xìu kéo theo người vợ trẻ vào miền Nam kiếm kế sinh nhai. Để rồi năm tháng nhọc nhằn đã giúp Xìu nhận ra không có vùng đất hứa nào đẹp như trong mường tượng. Chỉ có quê nhà vẫn ở đây, bao dung chờ đón những đứa con xa trở về nhà. Xìu sẽ không đi đâu nữa. Sẽ ở nhà cuốc đất trồng rừng. Sẽ phủ xanh mảnh đất đã bỏ không cằn cỗi bao năm. Sẽ thay Mừng nuôi dạy các con khôn lớn lên người…

 

V.T.H.T

Các tin khác:

1-5 of 333<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter