Anh của một thời hoa lửa

Ký của NGUYỄN THỊ THANH

 

            Chiều tháng bảy, Mường Lò chang chang nắng mà cũng mênh mang gió. Những cơn gió chiều dịu dàng xua tan dần cái nóng hè oi ả và như muốn ngắt cả tiếng ve cuối mùa để nghe ngân vang đâu đó tiếng pí pặp, pí thiu, một nhạc cụ làm từ ống trúc của đồng bào dân tộc Thái đang xen lẫn tiếng tằng bẳng gõ lên sạp nhà sàn chuẩn bị đón khách. Tôi, một người khách không mời đang đi tới gần nhà văn hóa Bản Xa, vì người tôi hỏi thăm để gặp anh đã bảo "Muốn gặp bác Bùi Xuân Đông cựu chiến binh thì đừng tìm vào buổi sáng hoặc lúc hoàng hôn. Đó là thời điểm bác đi săn ảnh. Còn muốn gặp luôn hôm nay thì cứ đến nhà văn hóa Bản Xa, hội đồng ngũ 30 tháng 4 của các bác ấy kết nghĩa với chi hội phụ nữ ở đó, đang chuẩn bị cho sinh hoạt văn nghệ đấy!".

Ngôi nhà sàn bên bờ suối Thia rộn rã tiếng nói cười, các mẹ, các chị trong trang phục dân tộc Thái đều phô lên cái dáng thắt đáy lưng ong vốn có hồ hởi đón khách từ trên đầu cầu thang. Trong tiếng "nhạc" của nhịp gõ ống nứa lên mặt sàn và nhịp sáo vi vu, một phụ nữ trung tuổi, tôi đoán là đội trưởng văn nghệ, vừa đưa tay mời chào vừa hát ngân nga theo điệu khắp Thái. Một bạn gái trẻ tạm dịch cho tôi nghe "Hôm nay khách đến chơi nhà đi bằng đường nào? Nếu đi lối cổng trời có thấy con chim bay qua dẫn đường? Nếu qua khe suối có được con cá sỉnh quẫy nước bơi theo? Đi trên đường ruộng có được hoa lúa rắc lên gót chân thơm không đấy?". Ôi! Lòng tôi thấy bâng khuâng quá đỗi trước lối chào khách vô cùng ý nhị ấy của đồng bào, chẳng trách…

            Sau buổi giao lưu thắm đượm tình người xứ núi, tôi cùng anh trở về ngôi nhà nhỏ trên đường Tô Hiệu, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ. Trăng mùa hè đã lên cao dát ánh vàng xuống từng vòm cây góc phố. Nhấp ngụm trà chị Hiền vợ anh mới pha, quay ra thấy thằng con cả của anh cười lơ ngơ chào khách. Chị Hiền biết ý thanh minh:

            - Cháu sinh năm 1977 đấy, bị di chứng thần kinh do ảnh hưởng chất độc da cam nên mới như vậy…

            Không khí gia đình trầm hẳn xuống. Anh giấu ánh mắt sang màn hình ti vi. Trước đây còn công tác ở Thị ủy Nghĩa Lộ, tôi thường sang Hội Cựu chiến binh nơi anh đang làm Chủ tịch hội và được nghe anh kể chuyện về chiến tranh. Tôi liền bắt chuyện nhanh:

            - Anh Đông à! Hồi trước em nghe anh về kỷ niệm chiến trường, em rất thích chuyện các anh vây bắt tên tướng ngụy quyền ở Buôn Mê Thuột. Nó tên gì anh nhỉ?

            - À… Tên nó là Hứa. Chuẩn tướng, Chánh Thanh tra quân đội Sài Gòn!

*

            Tháng ba Tây Nguyên năm 1975 không còn vẻ yên ả của mùa ong làm mật mà nháo nhác, xôn xao sau những ngày quân và dân ta giành chiến thắng. Đơn vị được tin mật báo có tên tướng ngụy từ Sài Gòn- Gia Định đang về lẩn trốn trong nhà riêng giữa đồn điền cà phê. Đông cùng một số anh em công binh và trinh sát nhận lệnh phải tiếp cận kêu gọi ra hàng và bắt sống hắn. Làm xong nhiệm vụ trinh sát, mấy anh em chụm đầu bàn đi tính lại chiến thuật vây bắt rồi phân công nhiệm vụ cho từng người. Đến khi triển khai không ngờ việc tiếp cận ngôi biệt thự lại dễ dàng đến thế. Đông chưa kịp ra lệnh cho công binh phá chốt cửa xông vào thì cánh cửa đã mở toang. Một người đàn bà ăn mặc sang trọng, môi son, tóc uốn kiểu cách ôm gọn khuôn mặt trái xoan bước ra khoanh hai tay trước ngực cúi chào:

            - Xin chào các ông! Các ông tìm ai? Có việc chi ạ!

            - Ngài chuẩn tướng có nhà không? Chúng tôi, thừa lệnh Ủy ban quân quản đến để gặp ngài!- Chính trị viên đại đội Bùi Xuân Đông dõng dạc lên tiếng.

            Với vẻ mặt điềm tĩnh không hề lộ chút lo sợ, người đàn bà ấy nói:

            - Các ông Việt cộng lầm rồi! Ảnh đâu có phải tướng tá chi, mà hôm nay đâu có ở nhà!

Đông khoát tay ra lệnh:

- Không nói vòng vo! Các đồng chí tiến hành lục soát!

            Theo kế hoạch phân công, mỗi người từ mỗi phía thận trọng tìm kiếm dưới gầm giường, góc tủ, xem xét dấu vết hầm ngầm nếu có. Đông liếc nhìn vào bộ Comple treo trên mắc áo rồi nhanh chân đến khám. Anh đắc chí lôi ra một khẩu súng ngắn rất đặc biệt, nó nhỏ gọn chưa từng thấy, rồi quay ra giương súng về phía chủ nhà vừa nói vừa ra lệnh:

            - Cái này đã khẳng định chồng bà đang có mặt trong ngôi nhà này! Bà hãy tự kêu ông nhà ra đầu hàng cách mạng! Hầm ngầm ở đâu? Khai ngay! Nếu không tôi sẽ bóp cò!

            Vẫn vẻ điềm tĩnh, người đàn bà xua nhẹ tay:

            - Ấy đừng!... Khẩu súng này không an toàn... Ông hãy hạ súng và cứ việc tìm. Tôi đã nói là ảnh không có nhà mà!

            Đông tiếp tục ra lệnh cho các chiến sĩ đặt những "quả bộc phá giả" được chuẩn bị sẵn vào các vị trí bốn góc nhà, chân cầu thang, đoạn nói lớn:

            - Nếu bà còn ngoan cố không khai, không kêu gọi chồng bà ra trình diện thì những trái bộc phá kia sẽ nổ tung trong chốc lát! Bà thấy thế nào?

            Chưa bao giờ Đông gặp phải một người phụ nữ phía bên kia chiến tuyến gan đến vậy. Mặt bà ta vẫn tỉnh khô đầy thách thức. Hơn một tiếng đồng hồ trôi qua thật căng thẳng, buộc Đông phải ra lệnh cho rút ra ngoài tạm lui, chỉ để hai tay súng ở lại canh chừng trong nhà. Suốt một ngày hôm sau, tình thế vẫn không gì thay đổi. Bà chuẩn tướng cứ điềm nhiên lên xuống cầu thang, vào bếp nấu ăn như không hề có chuyện gì xảy ra. Đông và các chiến sĩ bên ngoài ruột gan như lửa đốt. Làm cách nào bây giờ? Liệu tin báo có chính xác không? Tiếp tục vào vây bắt hay rút lui vô điều kiện trước mụ đàn bà lì lợm, gan góc kia? Bỗng một trinh sát mót tiểu tiện xin phép đi "tháo nước". Đông đồng ý ngay. Anh trinh sát thận trọng đi ra phía sau ngôi nhà rồi chạy nhanh vào rãnh cà phê đang trút đầy lá khô. Từ phía đó, tiếng trinh sát giật mình la lớn rồi anh loạng choạng như muốn ngã:

            - Báo c..á..o...!!! Nó... Nó đây rồi!..!..!

Nhanh như cắt, Đông lao tới chĩa súng. Tên tướng ngụy người cao lớn đội đống lá cà phê khô chui lên giơ tay hàng, lặng thinh cho bộ đội trói quặt hai cánh khuỷu ra sau lưng...

            - Mới đó mà đã hơn bốn mươi năm rồi...!

Tiếng thở dài của Đông cắt đứt dòng hồi tưởng trong tôi khi nhớ về câu chuyện anh kể năm trước. Rồi tôi thấy ánh mắt anh không còn vẻ đượm buồn mà linh hoạt trở lại, anh hồ hởi kể cho tôi nghe về những trận chiến đấu ở biên giới phía Bắc Tổ quốc, khi Trung đoàn 148 thuộc Sư đoàn 316 của anh làm nhiệm vụ trong những thời điểm giao tranh ác liệt…

Lời kể của anh gợi lên trong tôi một quá khứ hào hùng, nó như từng thước phim thời sự sinh động được ghi lại từ chiến trường. Hình ảnh những người lính Cụ Hồ đánh Nam dẹp Bắc, từ Tây Nguyên xuống Sài Gòn, ra Bình Dương, Thủ Dầu Một và tiếp tục lên biên ải phía Bắc làm nhiệm vụ ứng cứu cho bộ binh đánh quân xâm lược bành trướng ở thị xã Lào Cai. Rồi trận tử thủ trên đèo Khí Tượng, nơi được coi là con mắt của dãy núi Phan- Xi- Păng, nhiệm vụ của các đơn vị là phải bảo vệ bằng được điểm chốt quan trọng này, không cho giặc tràn sang Lai Châu và các vùng bên kia dãy núi. Là một chính trị viên đại đội, rồi làm trợ lý tổ chức của trung đoàn, anh hiểu hơn ai hết những mất mát, hy sinh của đồng đội. Trước mắt anh, từng gốc cây, ngọn cỏ, từng tấc đất quê hương đã thấm bao mồ hôi, xương máu của lớp lớp cha anh từ ngàn năm như thôi thúc, như khích lệ tinh thần các chiến sĩ hôm nay.

Với chiến thuật đánh chặn từ trên cao, đơn vị đã xây dựng được một tuyến phòng thủ vững chắc, trong đó có trận địa pháo phòng không 37 ly. Bằng trí thông minh, sáng tạo, đơn vị đã sử dụng kỹ thuật hạ nòng để chuyển thành pháo mặt đất, dùng bắn chặn không cho quân địch từ chân núi tràn lên. Trận địa pháo của ta đặt ở vị trí rất đắc địa, tầm ngắm trúng vào một cua đường đèo cho nên cứ đoàn xe chuyển quân của địch đi đến đó là bị bộ đội ta bắn chặn đầu, chặn đuôi rồi nã pháo hàng loạt, khiến đoàn xe bốc cháy chồng đống lên nhau. Một ngày bốn, năm trận liên tiếp làm cho địch phải ra lệnh rút lui vì không thể qua nổi đèo Khí Tượng. Trên đường tiếp tục hành quân lên phía Bắc, đơn vị lại đụng đầu với một sư đoàn lính Sơn cước trên đèo Ô Quy Hồ. Với anh, đây cũng là một trận đánh đầy cam go bởi phía địch đã quen địa hình. Nhưng bằng kinh nghiệm của một sư đoàn đã được huấn luyện chiến đấu ở địa hình miền núi nên chỉ trong vài ngày giao tranh, đơn vị đã giành lại được các điểm chốt trọng yếu, buộc quân địch phải rút về bên kia biên giới. Chiến công nối tiếp chiến công, đó cũng là thành tích xứng đáng để Trung đoàn bộ binh 148 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lần thứ hai. Đang kể rất hào hứng, bỗng giọng anh trùng xuống:

- Giành giật được từng tấc đất biên cương đấy, nhưng bộ đội ta thương vong nhiều lắm… Xót xa lắm! Số tôi quá may mắn hơn bao nhiêu đồng đội… Nhiều thằng tan xương nát thịt, giờ không biết nằm đâu nơi ấy?

Tôi hỏi anh một câu có vẻ vừa vô duyên, vừa thừa cốt là để xua đi cái không gian nặng trĩu này:

- Sư đoàn 316 thuộc Quân khu II hả anh? Nhưng sao lại chiến đấu ở trong Nam nhỉ?

Anh vui vẻ cho biết:

- Đúng, thuộc Quân khu II, sư đoàn còn làm cả nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Lào. Nhưng chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, sư đoàn được lệnh điều động vào Nam thuộc Quân đoàn III, sau khi huấn luyện thêm kinh nghiệm đánh địch ở vùng thành phố là vào ngay chiến dịch Tây Nguyên, đánh luôn trận Buôn Mê Thuột đó.

- Đánh Nam, dẹp Bắc, lại chiến đấu ở Lào nữa. Thảo nào thấy anh múa Lăm vông trong buổi giao lưu văn nghệ điêu luyện đến vậy!

            Anh không hưởng ứng gì với câu nói của tôi. Mắt anh lại xa xăm khiến tôi hình dung trở về mùa mưa những năm 1969- 1970 của thế kỷ trước. Khi ấy người chiến sĩ quân tình nguyện mới 22 tuổi, trung đội trưởng trực tiếp chỉ huy tiểu đội công binh có nhiệm vụ mở cửa để cho tiểu đoàn 4 bộ binh xung phong tiến đánh quân phỉ Vàng Pao nhằm giải phóng Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng bên nước bạn Lào.

            Thủ phủ Pom Lọng giữa cánh đồng Chum, sở chỉ huy của tướng phỉ được lính canh phòng cẩn mật. Xung quanh đồi núi bao bọc được đặt tuyến phòng thủ trên các điểm cao từ H1 đến H5. Hệ thống phòng thủ của địch thì kiên cố, trong khi lực lượng của ta lại mỏng, xung quanh là đồi núi trọc, chủ yếu là cỏ gianh, nơi trú quân ở xa. Vì vậy việc tiếp cận đánh địch rất khó khăn. Công binh phải nhích từng tý một, vượt qua giao thông hào, cắt đứt dây thép gai dưới làn đạn pháo rát rạt như mưa rào của địch để mở đường cho bộ binh. Mỗi lần ngoái lại, người chỉ huy chỉ biết nuốt nước mắt khi thấy đồng đội hy sinh quá nhiều. Người này được khênh ra thì loạt người sau lại vào, lại đổ máu mà không thể nào tiến đánh nổi điểm cao. Nhưng lệnh của sở chỉ huy là phải nêu cao quyết tâm, chiến dịch phải giành thắng lợi. Vậy là phải tìm mọi cách để giảm thương vong cho chiến sĩ, làm vô hiệu hóa khả năng phòng thủ của địch. Cuối cùng ta đã nhanh chóng chuyển từ bí mật tấn công sang vây lấn. Lực lượng của ta phải bám sát trận địa cả ngày lẫn đêm. Bộ đội đào hào lấn dũi như chiến thuật của trận Điện Biên Phủ năm xưa để nhích dần từng mét. Riêng lực lượng công binh thì không thể nào khác, vẫn phải dùng thuốc nổ đào đường hào cho bộ binh tiến công. Vì vậy đội hình luôn lộ trên mặt đất và liên tục bị hỏa lực của địch nã tới. Người này ngã, người kia lại thay. Chiếc bi- đông trên thắt lưng của Đông trúng đạn chan chát, rồi cái mũ sắt trên đầu cũng bị bắn văng đi. "Ừ, chúng mày cắt được bi- đông và cối sắt của tao chứ đừng hòng lấy được đầu của tao!", Đông lật ngửa người thách thức vừa nằm đào vừa chỉ huy đồng đội tiến công. Cứ như vậy, cuối cùng lực lượng bộ binh đã tiến sát cứ điểm. Cuối ngày điểm lại, đơn vị công binh thương vong quá lớn, chỉ còn hai anh nuôi bám theo trung đội trưởng. Đông bình tĩnh trấn an:

            - Anh em!... Mình vào được đến đây là thắng rồi! Bọn nó bị thương còn đau đớn khổ sở hơn cánh ta nhiều!

            Chẳng ai bảo ai, cả hai chiến sĩ cùng lao vào ôm chặt lấy người chỉ huy, nước mắt trào ra nóng bỏng. Đông cũng ôm ghì hai người đồng đội, xung quanh họ là ngổn ngang trận địa, là biết bao những gương mặt non tơ bị vương đầy khói bụi nhưng không hề biểu lộ vẻ mệt mỏi sau hàng tuần ăn lương khô ngay tại chiến trường. Họ chỉ nghĩ đến ngày mai. Ngày mai họ lại bên nhau, can trường và quả cảm. Tất thảy đều coi thường đạn bom, coi thường cái chết...

Đó là một trong những chuyện kể về kỷ niệm cuộc đời quân ngũ mà chúng tôi đã từng nghe hồi gặp anh ở khối Dân vận Thị ủy Nghĩa Lộ. Bây giờ mỗi khi nhắc đến, nó cứ hiển hiện tràn về sục sôi hào khí của một thời hoa lửa.

            Năm 1987 anh chuyển ngành về Công ty thương nghiệp tổng hợp II Yên Bái, một thời gian dài làm kế toán của công ty thương nghiệp đóng trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ. Từ năm 1997 cho đến năm 2012 anh làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã. Suốt ba nhiệm kỳ dẫn dắt phong trào, Hội Cựu chiến binh Nghĩa Lộ luôn giương cao ngọn cờ thi đua. Cánh chim đầu đàn của những cựu binh đất Nghĩa luôn là điểm tựa tinh thần cho anh em vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Nay nghỉ hưu trở về đời thường, vị đại tá quân đội ấy vẫn vui vẻ đảm nhận vai trò Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ở tổ dân phố. Vẫn giữ tư chất của người chính trị viên năm xưa cùng với phong thái đĩnh đạc, thái độ chỉ huy nghiêm khắc, biết nắm tình hình và biết lựa tình huống, anh luôn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xử lý được nhiều vụ việc phức tạp, góp phần củng cố chi bộ đảng và góp phần xây dựng phong trào ở cơ sở. Không những thế, khi tỉnh có chủ trương thành lập Hội nạn nhân chất độc màu da cam tại Thị xã Nghĩa Lộ, anh được các đồng chí lãnh đạo thị xã mời tham gia Chủ tịch Hội lâm thời để chuẩn bị cho Đại hội. Với tinh thần của người lính Cụ Hồ, anh lại vui vẻ nhận nhiệm vụ, tích cực tuyên truyền, vận động và tập hợp danh sách hội viên. Tại Đại hội anh đã được bầu giữ chức Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam, tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chăm lo cho những đối tượng chính sách trên địa bàn.

            Gặp lại anh, người lính già còn đang mang trong mình bao mảnh đạn quân thù nhưng tâm hồn và nhiệt huyết thì mãi trẻ. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, cậu con trai đầu lòng là nạn nhân của chất độc màu da cam, cậu con trai út hiện trong quân ngũ, lại nối nghiệp cha là sĩ quan binh chủng công binh, đang làm nhiệm vụ ở Trung tâm xử lý bom mìn thuộc Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô bộ đội biên phòng, nhưng anh luôn sống lạc quan. Vốn say mê nhiếp ảnh nên anh có thú vui cầm máy đi đến mọi bản làng, đến tận ngọn suối, đầu non để đem về những bức hình đẹp. Được biết anh đã có nhiều ảnh được đăng trên báo, tạp chí và cũng rất nhiều tập thể, cá nhân đến với anh để đặt mua những bức ảnh làm quà kỷ niệm cho bạn bè, làm quà tặng cho các đoàn khách quốc tế, khách từ các tỉnh bạn khi đến với Nghĩa Lộ. Chắc hẳn trong mỗi bức hình về vùng đất và con người Tây Bắc qua ống kính của anh có dáng dấp, có hơi thở, có cái tình và có cả trách nhiệm của người chiến sĩ.

            Chia tay anh, lòng tôi tràn ngập cảm xúc trân trọng và nể phục. Thật ngẫu nhiên khi đúng lúc ấy trên loa truyền thanh công cộng đang vang lên giọng hát của bài ca "Người chiến sĩ ấy". Lời ca bay bổng tự hào "Người chiến sĩ ấy... Ai đã gặp anh, không thể nào quên... không thể nào quên...". Ánh trăng như xuống thấp hơn cho tiếng ca vút cao hùng tráng. Lòng tôi cũng lâng lâng một niềm kiêu hãnh về những người chiến sĩ như anh. Anh cũng như những đồng đội của anh, có người nằm xuống giữa chiến trường nóng bỏng, có người gửi lại trên miền đất mẹ một phần xương máu, có người trở về mang trong mình nỗi đau của chất độc da cam, có người may mắn được cuộc sống bình yên, có người còn chật vật mưu sinh…nhưng tất cả đều toát lên vẻ đẹp kiên cường của những chiến binh từng trải qua một thời hoa lửa hào hùng.

                                                                                    

                                                                                         N. T. T.

                                                                                 

                                                                                    

           

 

Các tin khác:

26-30 of 335<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter