Kỷ niệm về nhà thơ Nông Quốc Chấn

HÀ LÂM KỲ

 

Tháng 10 năm 1971 tôi vào học Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Một chiều, tôi đang ngoài sân ký túc xá, có chiếc ô tô nhỏ lăn bánh đến bên. Một người đàn ông dáng cao, đẹp, rất nhã nhặn:

- Cháu cho hỏi thăm Nông Quốc Thắng có ở trong phòng…..

Tôi vào gọi Thắng, rồi bước nhanh ra ngoài.

Lát sau quay lại, thì cũng vừa lúc Thắng tiễn "khách" ra sân. Ông khách bắt tay, dặn tôi, Hà Thắng Nhân và Hoàng Đức Hoan.

- Các cháu là người dân tộc ở xa, về đây học, cố gắng mà học nhé. Rồi ông lên xe. Chiếc xe nổ máy lăn bánh ra phía cổng trường.

Tôi và Hoan đứng nhìn theo, tỏ ý chưa rõ. Hà Thắng Nhân cười cười.

- Nhà thơ Nông Quốc Chấn, bố của Nông Quốc Thắng đấy!

Tôi, Hoan cùng "ồ" lên. Ở chung phòng với Thắng đã được tháng, giờ mới biết bạn là con nhà thơ Tày nổi tiếng mà tôi đã từng được học tác phẩm "Dọn về làng" ngày phổ thông. Rồi, tôi cùng Nhân, Hoan nhập ngũ (tháng 5/1972) đem theo kỷ niệm đầu tiên ấy về ông- nhà thơ Nông Quốc Chấn.

Hơn hai mươi năm sau, tháng 8 năm 1994, tôi đi dự Trại sáng tác văn nghệ do Ủy ban Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tổ chức tại Nhà sáng tác Đại Lải, bất ngờ gặp lại nhà thơ Nông Quốc Chấn mà không nghĩ ông vừa nghỉ hưu ở chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa, đứng ra thành lập Hội Văn hóa (sau đổi tên là Hội Văn nghệ) các dân tộc thiểu số Việt Nam. Trại viết còn có nhà văn Xuân Thiều, nhà thơ Thúy Bắc, Tiến sĩ Đoàn Thị Đặng Hương, tác giả kịch bản Lưu Trọng Ninh, tác giả văn học Hữu Tiến. Bác Xuân Thiều sửa chữa bộ tiểu thuyết về Mậu Thân 1968, Lưu Trọng Ninh nghiền ngẫm kịch bản phim Ngã ba Đồng Lộc, còn tôi, lao vào viết truyện dài Gió rừng thông (sau đổi là Gió Mù Cang), và hoàn tất nó trong vòng hai mươi ngày. Nhà thơ Nông Quốc Chấn với tư cách người phụ trách Trại (Trại trưởng) của Liên Hiệp các Hội VHNT rất quan tâm đến tôi và Hữu Tiến (người Tày Cao Bằng). Ông động viên, chỉ bảo, góp ý sửa chữa những trang viết ngay tại trại. Hoàn thành tác phẩm viết tay, chép lại ngay ngắn, tôi có ý nộp lên "Trưởng trại". Nhà thơ Nông Quốc Chấn cầm bản thảo giở lướt qua rồi nói: "Hoan nghênh, nhưng Kỳ cứ về sửa lại cho tốt hơn rồi gửi xuống cho tôi". Hơn tháng sau, tôi nhận được thư tay từ ông, báo tin "Gió Mù Cang viết được, đã chuyển đến Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc". Năm sau, 1994, truyện dài Gió Mù Cang của tôi được Nhà xuất bản văn hóa dân tộc in, đẹp. Tôi thật vui, liền về Hà Nội biếu tặng sách, ông hỏi về đầu sách, về giải thưởng văn học, tôi thưa. Rồi nhà thơ gợi ý tôi viết đơn xin vào Hội Nhà văn. Tôi đắn đo, và viết. Nhà thơ Ngọc Bái ký giới thiệu với tư cách Chủ tịch Hội văn nghệ địa phương, và ông, nhà thơ Nông Quốc Chấn ký tên giới thiệu kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam thông qua Hội đồng văn học thiếu nhi (nhà thơ Phạm Hổ đứng đầu) và Hội đồng văn học dân tộc thiểu số mà ông là Chủ tịch. Tháng 12 năm 1995, Ban Chấp hành Hội Nhà văn do Tổng thư ký Vũ Tú Nam chủ trì, họp xét, bỏ phiếu. Và tôi trở thành hội viên cùng Quyết định với Nguyễn Thị Thu Huệ, Pờ Sảo Mìn, Trần Hùng….

Năm 1997 tại Hội nghị "Về văn học dân tộc và miền núi" do Hội văn nghệ các DTTS Việt Nam tổ chức tại Sa Pa (Lào Cai), tôi đọc tham luận. Giờ giải lao, nhà thơ Nông Quốc Chấn vỗ vai tỏ ý hài lòng, rồi nói: "Mình là người miền núi dân tộc, viết được nhiều được ít, đều quý, miễn sao những gì viết ra, giúp ích cho đồng bào mình". Tôi đinh ninh nhớ lời ông dặn.

Nhà riêng ông Nông Quốc Chấn ở phố Yên Bái, quận Hai Bà Trưng. Lúc đầu nghe bạn Nông Quốc Thắng nói, tôi cứ ngỡ nói vui, đến khi đọc bài viết "Hà Nội có phố Yên Bái" đăng trên bản tin Dân tộc- Miền núi tôi mới ngỡ ngàng. Trong bài, nhà thơ viết có đoạn: "Anh bạn ở tỉnh Yên Bái tặng cây cọ đồi rất đẹp, cọ được trồng trong chậu sành, tôi đặt ngay ngắn trên sân thượng!" Chợt nhớ ngày lên Yên Bái làm việc về việc thành lập Chi hội văn nghệ DTTS địa phương, nhà thơ Nông Quốc Chấn có ghé thăm gia đình tôi. Nhà tôi ở chân đồi cọ, ông bảo: "Mưa đồi cọ, gió đồi thông...", tôi nói vui: Cháu muốn biếu bác cây cọ làm kỷ niệm! Ông cười gật đầu, thế là Nông Quốc Thắng bê ra xe. Hôm đó tôi chuẩn bị sẵn cây kim giao lấy từ văn phòng Tỉnh ủy nơi tôi công tác để nhà thơ trồng lưu lại. Lúng búng thế nào quên mất, đến khi xe chạy khỏi thị xã Yên Bái mới nhớ ra. Tháng sau về Hà Nội, tôi đến 51 Ngô Quyền gặp ông, lấy làm tiếc chuyện này, Nhà thơ Nông Quốc Chấn cười hiền lành: "Thì tôi nhờ Kỳ trồng giúp, vẫn là kỷ niệm của mình". Hôm nay cây kim giao xanh mướt, cao quá tầng hai nhà riêng.

Với tỉnh Yên Bái, quê tôi, Nhà thơ Nông Quốc Chấn có những tình cảm sâu nặng thể hiện trong văn chương của ông. Mỗi lần có dịp đến với Yên Bái, ông có xúc cảm riêng- chung, rất Nông Quốc Chấn. Âu cũng là những kỷ niệm về ông.

Tháng 5 năm 1967 nhà thơ đi Mù Cang Chải, ông có bài thơ dài: Lên núi

Kìa! Những con đường vào bản

Ta sắp đến nơi rồi!

Đường đất như đường đời

Cứ một hướng. Ta nắm dây cương yên ngựa

Đầu những năm 70. Nhà thơ Nông Quốc Chấn đến Văn Chấn, Nghĩa Lộ. Nhà thơ Đình Sơn đưa ông đi tắm suối nước nóng Bản Bon xã Sơn A.

Ta say vì suối nước trong

Hay say vì suối mặn nồng suối ơi?

Người yêu suối. Suối yêu người?

Dựng nhà ở mãi đây thôi, chẳng về?

Ngày 10 tháng 4 năm 1975. Không khí chiến thắng đang lan nhanh cả nước. Nhà thơ về huyện Lục Yên dự Hội nghị Văn hoá. Ông cảm xúc nói thay lời người nghệ nhân Tày xã Mường Lai trong bài Tiếng sáo Mường Lai:

Nhớ anh, nhịp sáo hào hùng

Như cờ nổi dậy tiến công diệt thù

Sáo vang sông Chảy, sông Lô

Đất trời Yên Bái bốn mùa xanh trong.

Tháng 4 năm 1972. Nhà thơ đến với anh em văn nghệ Yên Bái. Với tư cách nhà quản lý văn hóa, và là nhà thơ lớp trước, ông có bài viết Trò chuyện với các bạn văn nghệ Yên Bái (In trong tuyển tập Nông Quốc Chấn. NXB Văn hóa dân tộc. 1998).

Cái hồ thật của Thác Bà, chúng ta đã đắp nên rồi. Bây giờ, là cái hồ Văn học nghệ thuật. Cái hồ mà chúng ta dùng chữ, dùng nét nhạc, dùng màu sắc...  Tóm lại, là dùng nghệ thuật để phản ánh cuộc sống của mình, miêu tả con người của mình, để cho thiên hạ biết đến mình, để cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh tự soi gương mình...".

Những lời nói ra từ gan ruột như thế của nhà thơ lớn Nông Quốc Chấn, hôm nay, vẫn rất thời sự. Và Văn nghệ sĩ Yên Bái tự thấy mình đã cố gắng làm, nhưng chưa được bao nhiêu.

Những năm 1990- 1991, nhà thơ Nông Quốc Chấn làm Trưởng ban vận động thành lập Hội Văn nghệ các DTTS Việt Nam, rất được anh em văn nghệ sĩ miền núi ủng hộ. Rồi ông đắc cử Chủ tịch khóa I, khóa II. Hội có bản tin (Sau này là Tạp chí Văn hóa các dân tộc) do ông làm chủ bút buổi đầu, tôi là cộng tác viên tích cực. Khi ông gợi ý tôi đứng ra làm triệu tập viên, tổ chức vận động thành lập Chi hội văn nghệ các DTTS tỉnh Yên Bái mà nhà văn Hoàng Hạc, tác giả Hoàng Hữu Sang, nhà thơ Lâm Quý, nghệ sĩ múa Hoàng Anh Đậu, họa sĩ Quang Bộ và tôi, đã là hội viên. Tôi nhận lời. Chỉ thời gian sau Chủ tịch Hội văn nghệ các DTTS Việt Nam Nông Quốc Chấn ra Quyết định công nhận và chỉ định tôi làm Chi hội trưởng lâm thời, ấy là tháng 9 năm 1997. Đến hôm nay Chi hội văn nghệ các DTTS tỉnh Yên Bái vẫn là tổ chức cơ sở hoạt động mạnh của Trung ương Hội.

Năm 2000 nhà thơ Nông Quốc Chấn được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 2), tôi về Hà Nội nhờ nhà thơ Lò Ngân Sủn Chủ tịch Hội văn nghệ các DTTS khóa III, cùng đến, chức mừng. Anh Sủn không đi được lại cử Nông Quốc Bình- Con trai ông- đưa về nhà. Nhà thơ trong bộ quần áo lụa chấm xám thường ngày cười nói vui: Chúng ta, những người làm Văn hóa dân tộc thiểu số, chúc mừng nhau!".

Hôm nghe tin nhà thơ Nông Quốc Chấn đột ngột qua đời, tôi sững sờ đến mấy ngày, nhưng phải hai tuần sau mới về được Hà Nội, đến nhà riêng ở phố Yên Bái, thắp hương cho ông và chia buồn cùng anh chị Nông Quốc Bình người chịu hương khói thân mẫu, thân phụ.

Cùng với nhà văn Vi Hồng, nhà thơ Phạm Hổ, nhà văn Nguyễn Quỳnh; nhà thơ Nông Quốc Chấn- người thầy văn chương của tôi. Xin được ghi lại tên tuổi Thầy vào trang viết nhỏ này.

 

                                                                                                H.L.K

Các tin khác:

36-40 of 332<  ...  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter