Ông lão đánh rọ tôm trên hồ Thác Bà

 

Kỉ niệm chìm sâu đáy mắt (*)

Truyện ký của PHÙNG QUỐC HIỂN(**)

 

Mặt trời xuống núi, hắt những tia nắng sẫm màu lên khuôn mặt khắc khổ của ông Bảy; bóng ông cùng với những chiếc rọ tôm trên vai trông như một gã khổng lồ đi chậm chạp dưới chân núi Cao Biền. Thoáng thấy Bình đang thả lưới trên hồ, ông Bảy cất tiếng hú khàn khàn báo hiệu sự có mặt và gọi với:

- Nửa đêm được con cá nào kha khá làm con nhắm rượu nhé. Lão có rượu đây, uống rượu mãi với tôm cũng chán, dạo này tôm gầy nên tanh lắm.

Không đợi trả lời, ông lão đã lặng lẽ bước khuất sau bụi cỏ gai rậm rạp bên hồ. Bình ái ngại nhìn theo, tuy là một già, một trẻ, nhưng ông lão vẫn coi anh như người bạn chài lưới. Mỗi ngày, Bình đều cảm thấy tuổi tác thời gian lấy dần đi sự nhanh nhẹn của ông lão. Tuy quen đã lâu, anh vẫn thắc mắc nhưng không dám hỏi, sợ chạm vào nỗi đau của ông. Nghèo như anh làm công nhân lâm trường không đủ nuôi năm miệng ăn mới phải bươn chải ở chốn sông nước. Còn ông, con cái đều khá giả, thằng con trai ông cũng xấp xỉ tuổi anh, nhưng có nhà to nhất phố huyện sao lại để bố vất vả vậy? Bình chép miệng, cuộc đời đen bạc vậy đấy!

Thả xong tấm lưới cuối cùng, trời cũng vừa sập tối. Bình ghé thuyền vào bờ kiếm củi nhóm lửa. Cũng như mọi lần, anh đợi ông lão đặt xong rọ tôm quay về là hai bác cháu lại hàn huyên đủ thứ chuyện trên đời. Đêm trời yên tĩnh, hơi tối sẫm báo hiệu có sự thay đổi về thời tiết. Xa xa thấp thoáng ánh đèn của những thuyền câu đêm lúc ẩn, lúc hiện, sau những đảo nhỏ càng làm cho đêm hồ Thác Bà lặng lẽ và bí ẩn. Gió từ hồ thổi vào không làm dịu cái nóng từ hơi đất phả lên. Trời đất kiểu này sẽ đánh được nhiều cá hơn. Bình nghĩ vậy. Bỗng một bàn tay lạnh ngắt sờ vào gáy làm Bình giật thót mình quay lại. Ông Bảy đã đứng sau từ bao giờ.

- Bố làm con hết cả hồn, sao bố đặt rọ lâu vậy?- Bình hỏi.

- Chà, chà… Hôm nay sao nước lạnh quá vậy… Lão thấy ghê ghê…

- Con vẫn thấy thế, có gì khác đâu?

- Anh khác, lão khác, hừ… Lão cả đời sống với sông nước mà sợ nước là ông trời muốn gọi lão đi rồi đây… Này, uống đi cho ấm bụng.

Ông lão rót rượu vào nắp bi đông đưa cho Bình.

- Chà… Rượu của bố ngon thật… Ăn đứt rượu quán Ngọc “trố” đầu phố, tăng này phải hàng chục ngàn một lít chứ chả bỡn.

Men rượu làm Bình mạnh dạn hẳn lên, ý nghĩ ban đầu về ông lão làm anh bật lên câu hỏi đã kìm từ lâu:

- Thằng cả Đông giàu như vậy mà để bố lụi cụi sông nước kiếm ăn vậy sao?

- Hầy… Anh đừng nghĩ oan cho nó, thằng cả nhà này tính lầm lì, ít nói, nhưng là đứa sống có tâm, thương bố, thương em… Chuyện sông nước của lão nó không cản được phải chịu thôi. Mà lão một ngày không đi ra hồ một lần là đứng ngồi không yên. Anh không phải là người vùng này phải không?- Ông lão bất chợt hỏi Bình.

- Vâng! Con là người Phủ Lý lên trên này làm công nhân lâm trường từ năm bảy sáu.

- Ừ. Anh lên đã có cái hồ này rồi. Anh chẳng biết cũng phải. Nhiều lúc lão ghê sợ sự yên tĩnh, lặng lẽ này vì nó đã kéo đi tất cả kỉ niệm một thời trai trẻ của lão. Anh đã bao giờ vượt thác chưa? - Ông lão bỗng hỏi.

- Xì… Thác con còn chưa thấy bao giờ nói chi là vượt.

- Làm trai mà chưa vượt thác, xuống ghềnh thì chưa phải từng trải.

Dưới ánh lửa bập bùng, đôi mắt mờ đục của ông lão bỗng trở nên lấp lánh một niềm kiêu hãnh, giọng kể của ông lão cuốn hút Bình vào câu chuyện của một thời…

Phủ Bình vốn được coi là một vùng địa linh, nhân kiệt, đất đai màu mỡ, lại có thế non cao, sông lượn quần tụ như rồng quấn, hổ ngồi, sinh khí mạnh mẽ, đời nào cũng có anh hùng mại khách nổi tiếng, nơi đây đã in dấu những vết chân của Tướng quân Trần Nhật Duật, Gia Quốc công Vũ Công Mật… Phủ Bình vừa giàu, lại có nhiều sản vật quý hiếm như ngọc quý, ngà voi, gỗ mun, gạo thơm, cam ngọt… Nó như cục nam châm hút người bốn phương và những tay lái buôn sừng sỏ ở các miền mò đến. Ngày cũng như đêm, trên bến dưới thuyền, chợ phủ lúc nào cũng tấp nập kẻ buôn người bán. Những tay lái buôn sạt nghiệp ở mạn sông Thao, sông Đà về đây làm ăn một vài mùa thì ruột tượng cũng kha khá bạc nén. Nhưng có lẽ làm ăn phát đạt nhất phải là những tay lái gỗ. Gỗ quý thuộc loại tứ thiết đinh, lim, sến, táu… từ các dãy núi dọc chiều sông Chảy, từ Lục Yên châu đóng thành những bè lớn đổ về neo ở bến chợ phủ chuẩn bị về xuôi thành bạc, thành vàng chảy vào túi các tay lái gỗ.

 

Tuy nhiên, buôn bè trên sông nước chẳng dễ nhằn, lơ mơ là mất mạng như chơi. Chuyện đời nhiều khi miếng ăn đến miệng còn bị mất huống hồ lại là buôn bè. Những bè gỗ nằm ở dưới bến chợ phủ, muốn trở về xuôi phải vượt qua đoạn Thác Bà, rồi đến Thác Ông; nói đến Thác Bà thì những tay lái bè, chở bè lão luyện nhất cũng phải ớn lạnh xương sống. Thác Bà có độ dốc lớn, nước chảy vừa mạnh, vừa xiết, dọc hai bên bờ có rất nhiều đá ngầm làm thu hẹp luồng nước mà thuyền bè có thể đi qua; tiếng nước réo kinh người đập vào các tảng đá ngầm tạo bọt tung trắng xóa; đáng sợ là ở cuối thác có một tảng đá ngầm to nhất nằm giữa dòng chảy thò đầu lấp lửng trên mặt nước, nó như đón sẵn để xé toang các bè mảng từ trên đỉnh thác lao xuống. Muốn vượt qua thác, người đứng mũi lái bè phải là một tay lão luyện, dũng cảm, thông thuộc luồng lạch, khi bè lao xuống thác phải dùng sào đẩy vào các hòn đá ngầm để lái bè đi đúng hướng, đến cuối thác cả chiếc bè xục xuống nước và chìm nghỉm, sau đó bất ngờ trồi ngược lên và ngay lập tức phía trước hiện ra hòn đá ngầm to nhất, người lái bè chỉ có một cái chớp mắt định thần để chọc sào vào hòn đá, lái dãy bè lượn qua êm ả xuôi dòng. Nếu chọc sào trượt thì ngay lập tức cả dãy bè sẽ bị hòn đá xé nát và hất tung lên, người lái bè chỉ còn là cái xác tìm thấy ở Thác Ông nằm ở đoạn sông dưới Thác Bà.

Ngay bờ Thác Bà giữa một vùng rừng núi âm u có một ngôi đền nhỏ rất linh thiêng. Ngôi đền thờ một người đàn bà, tương truyền rằng ngày xưa, có một vợ chồng nhà nọ rất nghèo, quanh năm kiếm ăn ở ven sông Chảy, lúc lên rừng kiếm củi, khi xuống sông đánh cá, tuy nghèo nhưng họ rất thương yêu nhau. Một ngày kia, người chồng vớt củi bên sông chẳng may chết đuối, người vợ đợi mãi không thấy chồng về liền đi dọc sông tìm kiếm, vừa khóc vừa gọi ngày này qua ngày khác, đến khi kiệt sức gục xuống không bao giờ dậy được nữa, mái tóc xõa xuống bờ sông, nước mắt của người đàn bà chảy xuống dòng sông, cùng với tiếng gào thét gọi chồng đã biến cả đoạn sông thành thác, người ta gọi là Thác Bà. Tiếng khóc bi ai của vợ làm xác của người đàn ông không trôi đi được cũng biến thành thác, gọi là Thác Ông. Thác Ông và Thác Bà ở bên nhau trở thành huyền thoại về tình cảm vợ chồng nơi bến nước, sống chết bên nhau không thể chia lìa. Dân quanh vùng lập đền thờ quanh năm hương khói ghi tạc tưởng nhớ mối tình chung thủy.

 

Từ đó, mỗi khi vượt thác, để cầu mong sự phù hộ, che chở, các tay lái bè đều sắm lễ vật đến cầu tại đền Bà, đốt vàng hương rắc xuống sông và xin quẻ, nếu được thần thác chấp thuận “nhất âm, nhất dương”, họ mới dám thuê người chở bè vượt thác.

Cả vùng ai cũng biết ở đằng sau đền Bà có một gia đình sống gắn bó với ngôi đền và dòng thác hung dữ qua nhiều đời. Họ sống bằng hưởng lộc của đền và chở bè thuê vượt thác. Con của họ mỗi đời thường độc đinh, chỉ có một con trai, nhưng đều là những người dũng cảm, giỏi nghề sông nước, từ tấm bé đã lặn ngụp và được truyền dạy cách chở bè vượt thác. Cậu bé Bảy được sinh ra ở gia đình đó. Khi mười lăm tuổi cậu đã là con cá kình của dòng sông Chảy, đã được cha giao đưa những chuyến bè vượt thác. Có lẽ, cuộc đời cậu sẽ gắn bó với Thác Bà như cha ông nếu không có một buổi chiều định mệnh, cha bắt cậu tới nhà người bạn chài có ý kết nghĩa thông gia, chuyến đi này cũng có nghĩa như một lễ “vấn danh” và để đôi trẻ biết mặt nhau.

Chỉ khổ cho cậu, quanh năm quần cụt, cởi trần lặn lội sông nước, nay phải gò bó trong bộ áo the, khăn xếp đi mượn, cậu càng lúng túng khi chiếc khăn xếp quá rộng cứ sụp xuống mặt, trong khi hai tay của cậu đang phải ôm khư khư chai rượu và bu gà trống thiến. Đến giữa sân chưa kịp chào hỏi chủ nhà, cậu đã ngã oạch xuống làm chai rượu và bu gà lăn lông lốc. Tiếng gà kêu quang quác, những tràng cười của mọi người xung quanh khiến cậu xấu hổ vùng bỏ chạy, mặc cho bố gọi lại thế nào cũng không được. Chạy đến bến sông, cậu chạy ào xuống, bơi một mạch sang sông. Vừa buồn vừa xấu hổ, cậu ngồi mãi nhìn dòng nước trong xanh êm đềm và tự hỏi con sông chảy về đâu.

Rồi cậu ngủ thiếp đi lúc nào không biết, cho đến lúc có người lay, cậu mới giật mình tỉnh dậy. Đứng trước mặt là một chàng trai chỉ hơn cậu một hai tuổi gì đó, mặc bộ quần áo của Vệ quốc đoàn đã sờn, với xanh tuya to thắt ngang bụng, trên tay cầm khẩu súng trường mút cơ tông. Vừa tươi cười, chàng trai vừa hỏi: “Này cậu bé, cậu ở vùng này phải không? Có thể giúp tớ một chiếc thuyền hay bè mảng gì để vượt sông được không?” Tuy tự ái vì bị gọi là “cậu bé”, song trước vẻ oai phong trong bộ quân phục, khiến cậu cũng muốn được như chàng trai, và để thể hiện mình không phải là một chú nhóc, cậu đã xăng xái đi tìm mảng, cùng với kinh nghiệm sông nước của mình, cậu đã giúp cho cả trung đội Vệ quốc quân vượt sông Chảy hành quân về Lục Yên châu.

 

Lúc chia tay, cậu chợt nảy ra ý định xin được đi theo đoàn quân, nhưng người chỉ huy sau này cậu mới biết đó là trung đội trưởng tên Trí, người Hà Nội cứ vỗ mãi vào lưng cậu khen: “Khá lắm, khá lắm, chúng tớ rất cần những người giỏi sông nước, nhưng cậu còn ít tuổi, lại chưa được sự đồng ý của cha mẹ, tớ không thể nhận cậu.”

Còn chàng trai tên Phúc mà cậu gặp đầu tiên khi tìm phương tiện vượt sông cứ cảm ơn rối rít, nhưng vẫn nháy mắt tinh nghịch trêu cậu: “Về ăn thêm cơm cho lớn hơn chút nữa, lúc đó tìm tớ, tớ sẽ nói với cấp chỉ huy nhận cậu.”

Nhìn theo đoàn quân đi xa dần mà đôi chân cứ nặng trĩu, cậu không muốn trở về để rồi lại bị bố kéo đi hỏi vợ. Nghĩ lại cái cảnh bị ngã và bị cười chê, cùng với dáng vẻ oai phong của những người lính trẻ, thực sự là lực hút để cậu chạy theo đoàn quân và năn nỉ bằng được.

Cuối cùng sau hai ngày đi bộ lẽo đẽo theo trung đội của anh Trí, khi đến nơi tập kết ở làng Khánh Thiện, huyện Lục Yên, cậu đã được anh Trí dẫn lên gặp Tiểu đoàn trưởng Lập để xin cho cậu vào Vệ quốc đoàn. Thế là cậu được chấp nhận và trở thành chiến sĩ trẻ nhất của Trung đoàn 165, và Phúc cũng trở thành người bạn chiến đấu trải qua cuộc chiến tranh gian khổ. Cậu đã đi qua các chiến dịch Sông Thao, chiến dịch giải phóng Nghĩa Lộ, rồi tham gia chiến dịch Điện Biên. Trong chiến tranh chẳng ai tránh được bom đạn, chỉ có bom đạn tránh né người mà thôi, bị thương thì nhiều nhưng cậu và Phúc vẫn còn sống cho đến ngày giải phóng miền Bắc.

***

Từ ngày bỏ nhà ra đi, cậu không viết một bức thư, chẳng ai biết cậu còn sống hay đã chết, cậu được về thăm nhà lần đầu tiên sau bao năm xa cách, cậu muốn để mọi người phải ngạc nhiên và bất ngờ; khi đi cậu chỉ là một chú bé, bây giờ đã là một chàng trai, một quân nhân từng trải trận mạc, với chức vụ trung đội trưởng. Bố mẹ cậu mừng khôn xiết vì tưởng không bao giờ còn gặp lại con nữa. Bố cậu cứ đứng chết lặng ngắm con trong bộ quân phục mà cả đời ông không bao giờ nghĩ con mình có được, mẹ cậu thì cứ ôm cậu mà khóc, bà tưởng dòng sông Chảy đã cướp đi đứa con yêu quý của bà.

Chỉ được nghỉ một ngày, hôm sau bố mẹ cậu đã nêu lại chuyện cậu phải lấy vợ: “Cái con bé bố mẹ định nhắm cho con nó vẫn chưa lấy ai và vẫn có ý chờ đợi con.” Nhựa sống của một chàng trai cùng với trí tò mò muốn được nhìn thấy người con gái chưa biết mặt thôi thúc cậu tự mình tìm đến với cô ấy. Bảy thực sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của Hiên, người con gái mang tên bến sông quê hương. Cậu đã cảm ơn ông trời vẫn sắp đặt cho mình một mối lương duyên suýt nữa đã chối bỏ. Lúc này, bố mẹ Hiên không ở bến nữa mà đã chuyển về Đông Lý quê gốc.

Đám cưới được tổ chức trong sự vui mừng của hai gia đình, lần lượt thằng Đông, cái Lý ra đời và cậu cũng được phục viên trở về với dòng sông quê hương, nơi có vợ, có con và cả gia đình. Cuộc đời cậu đã cảm thấy mãn nguyện. Ngày ngày chồng chống sào vượt thác, vợ buôn bán ở bến sông, cuộc đời tưởng như vậy mà cuộn trôi như con sông Chảy đủ hết những ghềnh thác, những tiếng gào thét, đôi lúc êm ả trôi về biển rộng. Nhưng rồi cũng như bao bạn bè khác, trai thời loạn, với những cuộc chiến đã lại kéo cậu khỏi vòng tay của vợ, hơi ấm của các con để một lần nữa cầm súng ra trận.

Ngày ra đi, Bảy chìm trong mái tóc thơm ngát của vợ. Cậu chẳng thể nào quên được tiếng gọi của vợ và tiếng khóc gọi cha của hai đứa trẻ. Là một người lính đã từng trải trận mạc, biết có thể chẳng còn được gặp lại vợ con, nhưng sao lần chia tay này vẫn nặng nề khôn tả. Cậu vẫn không sao quên được trách nhiệm làm cha, làm chồng của mình. Nếu cậu ra đi thì vợ con sẽ ra sao? Nhưng vợ con, bố mẹ sẽ nghĩ gì khi cậu buông súng. Cũng như một người vượt thác, nếu buông sào nghĩa là không tồn tại, dòng thác đó sẽ quấn anh đi, sẽ nhấn chìm anh xuống đáy của biển nước mênh mông.

Thật lạ kì, một lần nữa bom đạn đã buông tha cậu, mười năm chinh chiến qua bao chiến dịch, qua bao lần cái chết cận kề, nhưng cậu vẫn là người còn lại của cuộc chiến. Cảm giác háo hức, trọn vẹn được sum họp với vợ con đã thôi thúc cậu từ bỏ tất cả để quay về với quê hương, bên bờ sông Chảy. Cậu lại được ngập chìm trong mái tóc của vợ, được ôm ghì những đứa con yêu thương, được vẫy vùng trên dòng thác dữ. Tất cả, tất cả đang chờ và cậu cảm thấy mình hạnh phúc tột cùng, mình may mắn hơn bao đồng đội đã nằm xuống mà không bao giờ có được những phút giây hạnh phúc như thế.

Nhưng cuộc đời cũng như dòng sông có khúc quanh, khúc chảy, có lên thác, xuống ghềnh, chẳng ai đoán trước được điều gì; những lúc êm đềm nhất cũng là lúc phía trước có thác ghềnh. Cuộc đời ai cũng vậy, những lúc cậu tưởng hạnh phúc nhất thì trái lại là lúc phải đối mặt với những đớn đau. Khoác ba lô về đến quê hương, cậu hãi hùng khi dòng thác dữ biến mất, làng xóm và cả chợ phủ huyên náo, ồn ào nay chỉ còn lại mênh mông trời nước, với một sự yên lặng đến tột cùng. Những người yêu sự phẳng lặng có thể coi đây là thiên đường, thì với cậu nó chỉ còn là sự trống vắng đến ghê người. Gia đình, vợ con đâu, biết hỏi ai giữa trời đất mênh mông? Thủy điện Thác Bà với sức mạnh của nó đã nhấn chìm tất cả kỉ niệm, quê hương cậu dưới biển nước. Cả một tháng sau đó, cậu mới tìm thấy thằng Đông, cái Lý ở nơi định cư mới tại huyện Văn Yên. Nhìn hai đứa con ngơ ngác, hỏi đến mẹ chúng chỉ khóc mà nói mẹ đã đi sao bố không về. Trước khi ra đi mẹ dặn hãy để mẹ ở lại trong lòng hồ để mẹ đợi bố về. Rồi những ngày sau đó, ba bố con anh lại dắt nhau về sống ở bên hồ, ngoài mục đích mưu sinh còn vì mối nhân duyên, nỗi niềm đối với người vợ nằm dưới đáy nước…

Thời gian cứ trôi đi, cuộc sống vẫn đâm chồi nảy lộc. Cậu lính phục viên ngày nào bây giờ đã là ông lão. Con cháu ông đã vương trưởng đầy đàn, làm ăn thịnh vượng, nhưng với ông, Thác Bà, sông Chảy và người vợ thảo hiền đã là máu thịt. Sự biến mất của dòng thác, sự ra đi của người vợ đã đem theo tất cả những kỉ niệm của ông một thời trai trẻ.

***

Bình lặng nghe câu chuyện của ông Bảy, như nghe một chuyện cổ tích thời hiện đại. Qua câu chuyện của ông, anh mới chợt hiểu vì sao ông lão ngày nào cũng ra hồ; chắc ông muốn tìm lại những kỉ niệm xưa đã chìm sâu đáy nước.

Tiếng ông Bảy đều đều, như một lời ru làm Bình ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Chỉ khi những cơn gió lạnh từ hồ ùa đến mới làm anh bừng tỉnh. Bếp lửa đã tàn, còn ông lão thì không thấy đâu, Bình tưởng ông đi thu rọ tôm, nhưng đến khi thu lưới xong Bình vẫn không thấy ông lão. Bình gọi mãi mà vẫn không có tiếng trả lời. Anh liền chạy dọc bờ hồ, tìm các gốc cây, bụi cỏ ven bờ vẫn thấy còn nguyên các rọ tôm, chưa ai đi thu. Bình hoảng hốt thực sự, linh tính báo cho anh biết có điềm không hay đến với ông lão. Bình bỏ cả thuyền, cả lưới chạy về thị trấn tìm Đông. Khi hay tin, Đông cùng Bình tiếp tục quay lại tìm ông lão, nhưng rồi vẫn không thấy.

Trong ánh chiều mây núi vần vũ, chợt nhớ những điều ông lão nói về nỗi nhớ thương người vợ, đến bến sông Hiên, Bình nói với Đông: “Hãy đi tìm ông lão ở bến Hiên”. Và dự cảm của Bình đã trở thành sự thật, khi tìm thấy thì ông Bảy đã lưng dựa vào cây sung gù bên bến sông, khuôn mặt hướng về cõi xa xăm. Ông đã tìm thấy bà và họ đã đi vào cõi vĩnh hằng như một minh chứng về tình yêu bất hủ...

P.Q.H

(*) Lời một bài hát

(**) Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, ĐBQH Việt Nam khóa 13, thuộc đoàn đại biểu tỉnh Yên Bái; UVBCH TW Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, UV Đảng đoàn Quốc hội; Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam.

Các tin khác:

11 ngày với Tây Nam bộ

Ký của NGUYỄN HIỀN LƯƠNG

           

            7 ngày với Cần Thơ!

Tháng 8 năm 2023, 15 văn nghệ sĩ Yên Bái được cử dự Trại sáng tác VHNT tại Nhà sáng tác Cần Thơ. Từ lâu, chỉ biết Cần Thơ qua những câu ca: Cần Thơ có bến Ninh KiềuCó dòng sông đẹp có nhiều giai nhân”;Cần Thơ gạo trắng nước trong/Ai đi đến đó lòng không muốn về”; “Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh/ Vú sữa nào ngọt bằng vú sữa Cần Thơ/ Ai về Chợ nổi Cái Răng/ Thăm cô em gái khăn rằn vắt vai?…

76-80 of 326<  ...  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter