Nhạc sĩ - Nhà thơ Ngọc Bái
Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc Yên Bái
Các tác giả sáng tác âm nhạc ở Yên Bái hầu hết trưởng thành từ phong trào ca hát địa phương. Bám sát đời sống văn hoá của xã hội và thực tế ở vùng miền và các dân tộc, đáp ứng các hoạt động phục vụ xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Từ đó hình thành một số tác giả hoạt động âm nhạc. Hầu hết các tác giả đã qua các lớp bồi dưỡng chuyên môn âm nhạc của các trường Nghệ thuật, của các trại sáng tác, và học ở thực tiễn cuộc sống. Các tác giả âm nhạc Yên Bái, đã lao động nghệ thuật ngay trên vị trí công tác của mình, lấy các sáng tác để tự khẳng định và lấy nghệ thuật làm đích hướng tới. Với sự cố gắng lao động nghệ thuật, đã có 5 tác giả và ca sĩ biểu diễn đã trở thành Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Cùng với 5 Nhạc sĩ Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, còn có một số tác giả: Dương Nhâm, Âu Văn Hợp, Hoàng Công Dung, Xuân Vệ, Bùi Huy Mai, Lầu A Sa, Nguyễn Thiện Tín, Vũ Ngọc San và các nhạc công phối khí biểu diễn ở đoàn Nghệ thuật. Về việc quảng bá sáng tác âm nhạc ở Yên Bái, ngoài Đoàn Nghệ thuật, còn có phương tiện truyền thanh truyền hình, đã góp phần đưa một số sáng tác đến công chúng nghe và nhìn
Trước đây, Yên Bái đã tập hợp in ấn được một số tập sáng tác ca khúc. Tiêu biểu là các tập: "Ca khúc Yên Bái" (1) của 11 tác giả, "Ca khúc Yên Bái" (2) gồm 32 ca khúc của 21 tác giả, do Hội Văn học Nghệ thuật Yên Bái ấn hành. "Một miền đất ta yêu" gồm 11 ca khúc và "Yên Bái màu xanh tình yêu" gồm 43 ca khúc của 25 tác giả do Trung tâm Văn hoá Thông tin ấn hành. Nhạc sĩ Quách Hùng có tập "Một thoáng Khau Phạ" gồm 20 ca khúc do Nhà xuất bản Âm nhạc ấn hành. Nhạc sĩ Ngọc Bái có tập "Dâng tặng thời gian" gồm 30 ca khúc do Nhà xuất bản Âm nhạc ấn hành. Dương Nhâm có tập "Tiếng hát giữa rừng biên cương" gồm 18 ca khúc...
Trong nhiệm kỳ này (2005-2010) các nhạc sĩ đã có một số sáng tác ghi được dấu ấn. Ngọc Bái có 2 hợp xướng "Tráng ca khởi nghĩa Yên Bái" và "Bay lên từ dáng Rồng thiêng" do Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng. Nhiều ca khúc của các Nhạc sĩ Yên Bái được phát trên sóng Phát thanh và Truyền hình trong tỉnh và cả nước. Nhạc sĩ Đoàn Ngọc Bình được Uỷ ban Toàn quốc Văn học Nghệ thuật trao giải A ca khúc "Mù Cang Chải" năm 2008. Nhạc sĩ Hoàng Xô được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải khuyến khích ca khúc " Đất nước hình chim câu" năm 2007. Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải khuyến khích ca khúc "Tắm trăng ngàn" năm 2008 và Giải 3 hợp xướng "Bay lên từ dáng Rồng thiêng" năm 2009 cho Ngọc Bái. Một số nhạc sĩ còn đạt được các Giải thưởng do các ngành và các địa phương trao. Cuộc vận động viết về "Yên Bái đổi mới" đã có Đoàn Ngọc Bình, Hoàng Xô, Hoàng Công Dung, Âu Văn Hợp, Thiện Tín, Dương Nhâm, Bùi Huy Mai, Xuân Vệ đoạt giải của tỉnh. Các Nhạc sĩ có những đóng góp đáng kể trong việc xuất bản ca khúc và được sử dụng trên tạp chí Văn Nghệ Yên Bái. Năm 2010, Hội Văn học Nghệ thuật xuất bản tập ca khúc chọn lọc gồm 27 bài, tập hợp những ca khúc của các tác giả Trung ương và địa phương viết về Yên Bái.
Những năm trước năm 2000, đã có một số Nhạc sĩ Trung ương và tỉnh bạn sáng tác một số ca khúc về đề tài Yên Bái, có một số ca khúc đã đi vào trí nhớ của người dân Yên Bái, như "Trăng sáng trên rừng quế" của Nhạc sĩ Trọng Loan, "Đêm trên Thác Bà" của Phùng Chiến...nhưng số đó không nhiều. Cũng có một số ca khúc viết vội, chưa có sức hấp dẫn. Các Nhạc sĩ của tỉnh cũng đã có một số sáng tác được công chúng mến mộ, luôn được vang lên trong các sinh hoạt văn hoá. Đó là các ca khúc "Về lại bến xưa" của cố Nhạc sĩ Ngọc Quang, phổ thơ Địch Ngọc Lân. Ca khúc "Đêm Mường Lò" của cố Nhạc sĩ Thanh Bình, phổ thơ Vũ Quý. Một số ca khúc có đời sống trong công chúng: "Yên Bái quê em" của Dương Nhâm, "Yên Bái một vùng quê" của Dương Soái, "Yên Bái mưa" của Âu Văn Hợp, "Màu xanh quê hương" của Vũ Trọng Quý, "Đi chợ Mường Lò" của Bùi Huy Mai, "Cô gái đi nương" của Lầu A Sa... Các Nhạc sĩ Yên Bái đã khai thác chất liệu dân ca các dân tộc, tạo nên những ca khúc mang âm hưởng núi rừng. Một số ca khúc đã có ngôn ngữ hiện đại, mang lại hiệu quả nghệ thuật, được công chúng thừa nhận. Đã có nhạc sĩ đưa ra những thể nghiệm với ngôn ngữ âm nhạc hiện đại. Một số sáng tác âm nhạc đã vươn tới thể hiện những đề tài chung của đất nước, không còn bó hẹp trong phạm vi Yên Bái. Các tác giả thơ cũng có nhiều đóng góp phần lời cho ca khúc.
Tuy nhiên, hạn chế của Nhạc sĩ Yên Bái là sự thiếu bài bản, một số sáng tác còn cũ trong ngôn ngữ thể hiện, chưa tạo được những nét mới mẻ cách tân trong các tác phẩm. Nhạc khí ở Yên Bái mới chỉ dừng lại ở việc phối khí các ca khúc biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật chuyên nghiệp với soạn giả Hà Thành. Còn thiếu ê-kíp sản xuất đồng bộ các tác phẩm âm nhạc. Hạn chế nữa là sáng tác ít được quảng bá cho công chúng thưởng thức, do điều kiện dàn dựng và phương tiện công bố tác phẩm. Các Nhạc sĩ còn phải bỏ kinh phí riêng để tự nhờ người thể hiện tác phẩm, không tránh được thô sơ trong nghệ thuật. Chưa được đầu tư các đĩa CD-VCD tác phẩm tác giả có chất lượng nghệ thuật thực sự. Một số tác giả có số tác phẩm, mới chỉ in sao qua đài, chứ chưa có điều kiện dựng thành đĩa riêng.
Đó là thực trạng của các hoạt động âm nhạc của Yên Bái, các Nhạc sĩ đều nhận rõ khả năng sáng tạo của bản thân mình. Để hoạt động âm nhạc Yên Bái phát triển rất cần sự hỗ trợ của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh trong chủ trương và chỉ đạo:
- Tổ chức sáng tác âm nhạc hàng quý, hàng năm bằng việc mở các trại sáng tác âm nhạc tại địa phương.
- Tạo điều kiện cho Hội viên đi thực tế sáng tác và công bố tác phẩm.
- Quan hệ với các cơ quan chức năng, các địa phương và xã hội nhằm quảng bá những sáng tác của Nhạc sĩ. Dàn dựng mỗi tháng một ca khúc đăng tạp chí Văn nghệ Yên Bái và phát trên sóng Phát thanh - Truyền hình của tỉnh. Có điều kiện giới thiệu chân dung tác giả.
- Bồi dưỡng những hạt nhân sáng tác âm nhạc và giới thiệu tác giả có thành tích sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
- Xây dựng đề án thu in CD và VCD các tác phẩm âm nhạc tiêu biểu của các Nhạc sĩ Yên Bái và các Nhạc sĩ viết về Yên Bái, để lưu giữ lâu dài cho tỉnh nhà.
N. B