Không chỉ là “nghệ thuật băm thịt gà”!?

Năm 1940 tập phóng sự “Việc làng” của Ngô Tất Tố ra đời đã tạo ra một tiếng vang trong làng văn làng báo. Tất cả những việc được nói tới không mới, được tác giả ghi chép lại một cách, không thể nói có tính hệ thống nhưng có chủ ý đem đến cho người đọc những suy nghĩ mới về vấn đề đã cũ.

Đến nay “nghệ thuật băm thịt gà” vẫn còn tính thời sự về sự “chia chác”, nhất là ở những dự án, người ta chia nhau phần trăm hưởng lợi. Thế nên có khi việc đấu thầu chỉ là cái vỏ che mắt bề ngoài. Thời nay có hàng trăm ngàn “thằng Mới”, có thể không “điệu nghệ” trong việc “băm thịt gà” nhưng tài giỏi hơn nhiều trong việc “lách luật”…

Bìa cuốn “Việc Làng” của nhà văn Ngô Tất Tố.

Nhưng chúng tôi muốn bàn sâu hơn đến cái “lịch sử” của việc “chia phần” trong tập quán!

Từ đâu dẫn đến tập quán “chia phần”, mà ngày hôm nay nhiều nơi vẫn có tục đi ăn cỗ lấy phần. Có người bảo thế là văn hóa vì biết “chia sẻ” vật chất (miếng ăn) cho người thân. Có người lại chê thế là thiếu lịch sự. Thậm chí có địa phương còn ra “văn bản” khuyến cáo không nên “lấy phần”…

Chưa bàn chuyện ấy hay dở thế nào, xin dẫn ra một câu tục ngữ: “Một miếng lộc Thánh còn hơn một gánh lộc trần”. Chữ “Thánh” ở đây nên được hiểu theo nguyên lý “tam giáo đồng nguyên”, vừa là Phật, vừa là Tiên, là Thành hoàng, là các bậc tiên tổ đã khuất. Ngày xưa có tục lên chùa cúng Phật rồi lại đem một ít đồ cúng về, gọi đấy là “lộc”. Có người không đem đồ cúng nhưng đi vãng cảnh chùa vẫn được chia “lộc”.

Có câu: “Thờ Phật được ăn oản”, lại cũng có câu “Vào chùa được ăn oản” là vậy! Đến tận hôm nay người ta vẫn có tục “hái lộc” ở chùa. Tức trước lúc giao thừa vào chùa khấn Phật rồi ra vườn chùa “hái lộc” tức bẻ ngắt những nhành, nụ cây rồi về “xông nhà” đem “lộc” bày lên bàn thờ tổ tiên…

Đã gọi là “lộc” thì không nhiều. Lễ Phật xong, (thường là) các “vãi” đếm người để “chia lộc” và để dành “lộc” cho những ai đó… Tập quán “ăn lộc”, “chia lộc” nhà chùa hắt bóng vào ngôn ngữ hiện đại kết tinh thành hai chữ “của chùa” rất đúng nghĩa cũng rất sâu cay. Để chỉ những kẻ khôn ranh thụ hưởng “miễn phí” vật chất lợi lộc công sản.

Gần gũi với tục ngữ trên là câu: “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, cũng nói về tục “chia phần”, “ăn phần”. Cũng được gọi là “lộc” nhưng gốc gác sự việc có khác. Bắt nguồn từ văn hóa “trọng xỉ” (kính trọng người có tuổi), “trọng danh”, “trọng chữ” mà những người già cả, những bậc chức sắc, những người đỗ đạt, những thày đồ… được ngồi “chiếu trên” hưởng (chia phần) những “miếng ngon” nhất, theo tập quán. Đấy cũng là cách khuyến khích việc học, ai học giỏi đỗ đạt làm quan, thì dù ít tuổi vẫn được ngồi mâm “các cụ”.

Cũng Ngô Tất Tố trong “Lều chõng” tả rất sinh động hôm dán danh sách những người đỗ, có một thí sinh thấy tên mình sướng quá, phát cuồng nhảy cẫng lên mà hô: “Sỏ lợn về ai?”. Nghĩa là cậu ta từ nay, khi làng có “việc” sẽ được làng cho hưởng riêng (tùy nơi, tùy đỗ thứ mấy) hoặc ngồi mâm “các cụ” mà ăn “sỏ lợn”. “Sỏ lợn” này trước đó phải cúng “Thành hoàng” thành “lộc thánh” để dân làng “thụ lộc”. Nhưng “Lộc bất tận hưởng” nên ai ai cũng suy nghĩ “lấy lộc” về cho gia đình mình hưởng chung!

Thế nên việc ngày xưa ăn cỗ lấy phần (thường là xôi và thịt), trong bản chất là văn hóa, là tình nghĩa nhường nhịn sẻ chia đùm bọc. Ở ngày hôm nay, món ăn phong phú, đa dạng nên nếu lấy phần cũng phải ý tứ thật…!?

Tranh vẽ minh họa cảnh rước Thành hoàng làng!

Một mặt trái của tập quán cộng đồng là chuyện “chè chén”. Người ta mong làng có “việc” từ chuyện tang ma hiểu hỉ đến chuyện “ăn khoán” (bắt vạ) để “đánh chén”. Bài ca dao này là một sự “miêu tả”: “Con cò chết rũ trên cây/ Cò con mở lịch xem ngày làm ma/ Cà cuống uống rượu la đà/ Chim ri ríu rít bò ra lấy phần/ Chào mào thì đánh trống quân/ Chim chích cởi trần, vác mõ đi rao”. Hẳn là mượn chuyện chim chóc để nói chuyện người, chuyện làng xóm, xã hội.

Bài ca dao chính là một “mô hình” của tập quán tang ma ngày xưa: dù chết đã lâu (chết rũ) nhưng vẫn phải đợi ngày “đẹp” (xem ngày làm ma); phải làm cỗ mời chức sắc, chức dịch uống rượu (cà cuống uống rượu la đà); phải có “phần” dành cho hàng xóm, dù họ xuất thân hèn mọn (chim ri ríu rít bò ra lấy phần); phải có kèn trống, như ở câu tục ngữ “Sống không đèn dầu, chết không kèn trống” (chào mào thì đánh trống quân); phải rao làng đến dự đám (đi rao)…Thành ra “đám hiếu” nhiều khi trở thành “đám hội”. Lại có câu “Ma chê cưới trách”, đám ma rất dễ bị “chê”: khóc không khéo; khăn áo không đúng tang phục…Và cả vì làm cỗ không đủ, mời không khắp…nên bị chê!!!

Quay trở lại cái tập “Việc làng” của cụ Tố!

Tập phóng sự dài 17 chương phơi bày những hủ tục lạc hậu ở nông thôn Việt Nam đầu thế kỉ trở về trước. Đoạn trích “Nghệ thuật băm thịt gà” (chương IV) tả một cảnh “chia phần” ở một làng nọ. Ngô Tất Tố xứng đáng là nhà văn của thôn quê, đúng hơn, nhà văn của phong tục, tập quán: “Sao không lấy gì mà che, lại đi đội trời thế kia! Nước mưa ướt cả đồ lễ!”.

Hai chữ “đồ lễ” cuối này rất quan trọng vì nó là cái “khóa mã” của tập quán tâm linh của làng. Nếu bỏ qua sẽ chỉ thấy người ta tập trung để “chia phần” và “nhận phần”. Không phải là người ta đội mưa đến ngôi nhà chật chội như vậy chỉ vì mấy “mảnh” thịt gà, mà cái chính đến để “hưởng lộc”, “thụ lộc”!

Đây là hình ảnh “mâm lộc”, tất nhiên sau khi cúng: “Một người vừa lù lù bưng mâm xôi gà lên thềm và đặt vào chiếc phản giữa. Rồi một người khác để luôn lên đó hai chai rượu lớn. Con gà cũng không nhỏ lắm, ước chừng một người ăn cố mới hết. Cỗ xôi vừa kín cái lòng mâm đồng, nó phải độ bốn đấu gạo! Còn hai chai rượu thì đầy ăm ắp, hạng chai ba phần tư lít”.

Có “nhà phân tích” thích thú với hình tượng con gà “một người ăn cố mới hết” này rồi “phê phán” nạn chè chén xôi thịt ngày xưa “ăn” cả “gà con”!? Khổ quá! Không phải thế. Đồ lễ ngày xưa phải là gà trống chưa đạp mái. Lại là giống gà “ri” thì “to” như thế là rất đúng!

Thằng Mới đúng là một nghệ sỹ khi con gà như thế mà “phải làm hai mươi ba cỗ”. Hơn nữa “có năm cụ và bốn ông đàn anh. Vậy thì sỏ gà pha năm, phao gà pha bốn”.

Phải là nghệ sỹ thực thụ nó mới làm chủ được động tác để tạo ra những “sản phẩm” thật sự này: “Nhưng mà hình như tay hắn đã có cỡ sẵn, cho nên con dao của hắn giơ lên, không nhát nào cao, không nhát nào thấp. Mười nhát như một, có khi chỉ lên khỏi mặt thớt độ khoảng một gang và cách cái ngón tay hắn độ vài ba phân. Tiếng dao công cốc đụng vào mặt thớt, nhịp nhàng như tiếng mõ của phường chèo, không lúc nào mau, cũng không có lúc nào thưa. Mỗi tiếng cốc là một miếng thịt gà băng ra. Miếng nào cũng như miếng ấy, đứt suốt từ xương đến da, không còn dính nhau mảy may.

Trông những miếng thịt gà của hắn bốc ra góc mâm, mới đẹp làm sao! Không giập, không nát, không bong da, nó giống như tập cánh con bươm bướm. Nếu để trước môi mà thổi, có thể bay được mười thước. Băm xong con gà, hắn móc túi lấy một nắm tăm. Mỗi miếng thịt gà, hắn xâu cho một cái tăm vào giữa. Rồi hắn cắm vào mâm xôi. Cứ mỗi tảng xôi là bốn xâu thịt. Thịt vừa hết, xôi cũng vừa kháp. Té ra cái mình con gà, hắn đã băm được 92 miếng”.

Nhiều người nhìn đoạn trích theo kiểu “miếng ăn miếng nhục” rồi mỉa mai nạn chè chén ở nông thôn xưa. Đúng là có nhiều chuyện ấy thật. Qua trích đoạn này Ngô Tất Tố cũng có ý sâu cay mỉa mai cái tâm lý tiểu nông chỉ giỏi “đèm đẹp” ở những cái nhỏ, tiểu tiết, vụn vặt như thế. Cái ý phổ quát bật ra mà ông muốn nói là người tiểu nông phải vượt qua cái kiểu “nghệ sỹ” “băm thịt gà” chi li nhỏ bé như vậy để vươn tới “băm” cái lớn lao hoành tráng hơn!

Nhưng nhìn từ phía phong tục thì đấy lại là một khát vọng được no ấm, hạnh phúc. Vì hạt nhân của chuyện cầu cúng (“cầu” nghĩa là mong muốn) chính là khát vọng hạnh phúc. “Thụ lộc” từ “lễ” chính là một biểu hiện được hưởng thụ hạnh phúc (quả phúc). Thế nên “lộc” phải chính đáng (ai xứng thế nào được thế), phải đẹp và phải công bằng!

NGUYỄN THANH TÚ

Theo Vanvn.vn

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter