Nhớ về bố Mai Văn Hiến

Nói đến nền hội họa cách mạng Việt Nam không thể không nhắc đến người cha thân yêu của tôi – họa sĩ Mai Văn Hiến. Sự nghiệp của ông đã được nhiều người viết và giới thiệu. Trong cuốn sách này, tôi muốn viết về những cảm xúc, cảm nhận của tôi về bố của mình, về góc riêng của người cha hết lòng thương yêu chăm sóc con cháu, dù nhiều lúc cô đơn, vất vả, nhọc nhằn nhưng vẫn nở nụ cười trên môi.

Hôm nay ngồi soạn lại những giấy tờ của bố để chuẩn bị in sách, ký ức lại ùa về trong tôi. Từ khi bố mất, tôi gói tất cả những giấy tờ, ghi chép của ông lại, cất kỹ, không muốn giở ra bởi nó gợi lại ký ức buồn về sự ra đi nhẹ nhàng của ông vào một buổi chiều hè ngày 8 tháng 5, một ngày sau ngày lễ kỷ niệm 52 năm chiến thắng Điện Biên Phủ năm 2006.

 

 

Họa sĩ Mai Văn Hiến (1923-2006)

 

 

MAI VĂN HIẾN – Bác Hồ ở Pác Bó. 1990-199. Sơn dầu.130x170cm. Sưu tập tư nhân, Hà Nội

 Vậy là đến hôm nay, bố tôi rời dương thế đã sang năm thứ 15, còn mẹ tôi sang năm thứ 32. Ông ra đi sau mẹ tôi 17 năm. Thời gian trôi thật là nhanh và nhớ về bố mẹ như chuyện vừa xảy ra ngày hôm qua.

Bố mẹ sinh được tôi và một cô em gái. Từ nhỏ tôi đã thấy bố hiền lành, vui tính và hóm hỉnh. Đặc biệt, bất cứ tình huống nào cũng có thể chuyển thành truyện cười. Tôi nhớ bố tôi rất ít mắng chị em tôi. Hai chị em chỉ bị măng khi không chịu ngủ trưa. Chị em chúng tôi nhớ mãi một kỷ niệm, đó là vào năm 1972, chúng tôi theo cơ quan bố đi sơ tán tại làng Mông Phụ – thuộc xã Đường Lâm – Sơn Tây, nơi là đất hai Vua và có chùa Mía rất đẹp. Buổi tối đi ngủ phải mắc màn cho khỏi muỗi đốt. Bố tôi thường bảo 3 bố con mắc màn thi xem ai mắc nhanh nhất. Em gái tôi lúc đó mới 11 tuổi luôn là người thắng cuộc và rất tự hào vì mình là người nhanh nhất. Tôi và bố “nháy mắt” cười khen và khuyến khích em lần sau cứ thế. Mãi sau này nó mới biết là nó bị mắc bẫy của bố và tôi. Trong thời gian ba bố con ở nơi sơ tán, mẹ tôi là người tiếp tế quà, thức ăn từ Hà Nội lên. Ba bố con chúng tôi luôn mong mẹ thứ bảy và chủ nhật được nghỉ để lên thăm. Hồi đó mẹ tôi rất vất vả, phải thồ đồ tiếp tế bằng xe đạp, đi quãng đường dài hơn 50km từ Hà Nội qua Sơn Tây rồi đến Đường Lâm để thăm bố con chúng tôi. Một thời đạn bom vất vả khôn lường, bây giờ khi tuổi đã lớn, bố mẹ không còn, chị em chúng tôi không bao giờ quên kỷ niệm về những ngày xưa ấy.

 

MAI VĂN HIẾN – Tiếng hát mùa chiến dịch. 1994. Sơn dầu. 120x180cm. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

 

 

MAI VĂN HIẾN – Bộ đội và dân công Đông Bắc 1999. Sơn dầu. 70x100cm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Bố tôi có rất đông bạn bè ở nhiều lứa tuổi khác nhau, họ là những họa sĩ, nhà văn…, nhiều người đã đến nhà tôi chơi, chuyện trò, ăn cơm và uống rượu cùng ông như các nhà văn Hoàng Trung Thông, Đoàn Giỏi, Vũ Cao, Đỗ Chu, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, các họa sĩ Hoàng Tích Chù, Nguyễn Thế Vinh, nhà phê bình Thái Bá Vân, nhà phê bình Nguyễn Quân, họa sĩ Lê Huy Tiếp… Giao du với giới họa sĩ trẻ, bố tôi hầu như không có khoảng cách, ông thường ngồi tán chuyện và uống rượu vui với đám trẻ như các họa sĩ Công Quốc Hà, Đỗ Phấn, Nguyễn Đình Đăng… Tôi còn nhớ, thời nhà điêu khắc Diệp Minh Châu là đại biểu Quốc hội, một năm hai lần ra Hà Nội họp, lần nào ông cũng cùng vợ là họa sĩ Trần Thị Phương Dung đi bộ từ nhà khách Chính phủ ở phố Chu Văn An đến thăm bố tôi vào các buổi tối. Cuộc thăm hỏi động viên nhau, chia sẻ, nói cười rôm rả xong lại tạm biệt hẹn lần sau.

Bố tôi thông thạo tiếng Pháp, và rất nhiều bạn ngoại quốc quý mến ông. Khi lâm bệnh không đi lại được, nhiều bạn đã gửi thuốc cho ông điều trị. Ông và gia đình tôi vô cùng cảm động, không bao giờ quên những tình cảm thân thương ấy.

 

 

MAI VĂN HIẾN – Mẹ con. 1995. Sơn dầu. 50x60cm

 

 

 

MAI VĂN HIẾN – Chú học sinh. 1996. Sơn dầu. 90x60cm

Gia đình tôi sống tại ngôi nhà 65 Nguyễn Thái Học từ khi tôi chào đời. Nơi đây nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng đã từng sinh sống như các họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Huỳnh Văn Gấm, Văn Giáo, Trần Đông Lương, Song Văn, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Lý, các nhà văn Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam, Thanh Hương, nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Hội trẻ con chúng tôi là con, cháu của toàn văn nghệ sĩ, gắn bó với nhau từ tuổi thơ, khi lớn lên, dù mỗi người một ngả nhưng vẫn thân thiết chia sẻ với nhau đến bây giờ. Tôi nhớ như in vào dịp hè, chúng tôi được các bác tổ chức biểu diễn văn nghệ trên lối đi xuống khu nhà phụ của tập thể. Buổi biểu diễn rất rôm rả, nhiều tiết mục thú vị của lũ trẻ con ngây thơ và trong sáng. Khán giả là các bác hàng xóm và bố mẹ chúng tôi cùng các em nhỏ. Bố Hiến cũng là khán giả nhưng động viên nhiệt tình và luôn tặng chúng tôi những chuỗi cười nghiêng ngả.

Khi trưởng thành, tôi biết bố là người hài hước, thân thiện và được nhiều người trong giới họa sĩ biết đến. Ông có nhiều tranh trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và trong các sưu tập quốc tế. Nhận thức về bố rõ hơn khi ông nghỉ hưu và khi tôi tốt nghiệp đại học Mỹ thuật năm 1983 và được về công tác tại Hội Mỹ thuật Việt Nam, nơi bố tôi đã làm việc ngay sau khi ông rời quân ngũ. Càng làm việc, càng hiểu thêm tài tổ chức và tài đối ngoại của bố trong công tác ở Hội Mỹ thuật Việt Nam. Tôi học tập ở bố được nhiều và đã gắn bó với nơi này đến nay hơn 36 năm.

 

MAI VĂN HIẾN – Hoa doanh trại. 1956. Sơn dầu. 80x80cm

 

 

 

MAI VĂN HIẾN – Sương tan. 1992. Sơn dầu. 60x90cm. Lưu giữ tại Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội

Bố tôi ít khi kể về ông và gia đình của ông, có lẽ vì ông phải xa gia đình từ khi còn rất trẻ nên ông như vậy. Thỉnh thoảng khi vui, ông kể từng chút một và chị em tôi cứ lắp ghép những ký ức đó để xâu chuỗi, hình thành về gia đình của bố. Chúng tôi biết bà nội tôi sinh ra toàn con trai, duy nhất có một cô con gái là em bố tôi nhưng đã mất năm 3 tuổi vì bệnh sởi. Ông nội tôi là bác sĩ thú y, kiểm dịch nguồn thịt cung cấp vào thành phố. Bà nội tôi làm nội trợ và chăm sóc 6 cậu con trai. Bố tôi kể, hồi ấy, lần nào được bà tôi dẫn đi xem phim thì cả rạp đều hướng mắt nhìn vẻ cao lớn, đẹp trai của mấy anh em bố.

Bố tôi là thứ hai trong gia đình và rời nhà đi học năm 16 tuổi. Rồi từ đó đến lúc mất năm 2006, ông chưa một lần gặp lại cha, mẹ và các anh em ruột của mình. Tôi nghĩ đó cũng là bi kịch vì chiến tranh và cũng là nỗi buồn sâu thắm trong trái tim ông. Năm 2001 ông có gặp em dâu là người Pháp, bà là vợ người em sát bố tôi. Chú tôi cưới bà ở Việt Nam rồi sang Pháp cùng bà. Lần ấy bà đưa cậu con trai cả sang Việt Nam để lấy vợ. Khi đó bố tôi đã 78 tuổi, yếu và bị đau chân, không đi lại được, chỉ ngồi trên giường để tiếp bà. Có hôm hai anh em ngồi nói chuyện suốt buổi chiều bằng tiếng Pháp. Chị em chúng tôi không hiểu hai người nói gì, chỉ đoán là nói chuyện về bố mẹ, gia đình, anh em của bố tôi. Trong suốt buổi nói chuyện, bố tôi rất trầm tư và có lúc im lặng, ánh mắt nhìn xa xăm. Mãi sau này tôi mới biết bà nội tôi sang Pháp định cư rất muộn. Trong suốt những năm bố tôi rời gia đình ra Huế học, rồi chiến tranh xảy ra liên miên, bà nội tôi mất liên lạc với bố tôi, luôn dò hỏi, kiếm tìm và lo lắng không biết ông còn sống hay đã chết.

 

MAI VĂN HIẾN – Trăng non. 1980. Lụa. 70x110cm

Chúng tôi chỉ được ông kể rằng khi ông rời nhà đi học, buổi lên đường, chú út lúc đó khoảng 6 tuổi chạy theo và đưa bố tôi cái xoong nói là “anh Ba cầm lấy để mang đi nấu cơm”. Bây giờ ở tuổi không còn trẻ, nhớ lại những lời kể của bố, tôi nghĩ chắc lúc đó ông đang buồn và nhớ bố mẹ, anh em ruột thịt mình lắm. Mặc dù đã có gia đình riêng nhưng trong ông có nỗi buồn không ai có thể hiểu nổi. Từ lúc rời gia đình đi học (năm 1939), đến lúc mất (năm 2006), trong suốt quãng thời gian 67 năm, bố tôi chưa một lần gặp lại bố mẹ, anh chị em ruột, ông vẫn chờ đợi và hy vọng… Thế rồi một ngày vào năm 1969, bố tôi may mắn nhận đươc thư của bà nội từ Pháp gửi người họ hàng nhờ tìm kiếm bố tôi. Từ đó đã có thư từ qua lại giữa ông bà nội tôi với gia đình của tôi. Khi khoa học kỹ thuật phát triển, Việt Nam có điện thoại quốc tế thì bố tôi đã liên lạc được với các em qua điện thoại. Để có được liên lạc cũng là do các chú tôi chủ động tìm gọi về. Họ nhờ những người Việt Nam quen biết, đi công tác ở Mỹ, Pháp tìm bố tôi; với thông tin: “Tìm anh Mai Văn Hiến, họa sĩ nổi tiếng ở Việt Nam”. Tôi còn nhớ, một lần có một chú tìm đến và hỏi “đây có phải là nhà họa sĩ Mai Văn Hiến không, tôi trả lời đúng và mời vào nhà gặp bố tôi. Chú nói đã tìm bố tôi suốt 3 tháng liền, hỏi rất nhiều người mà chẳng ai biết, may nhờ ông bạn nhà ở khu tập thể nghệ sĩ phố Nguyên Bỉnh Khiêm mới tìm được bố tôi. Chú ấy chuyền cho bố tôi một chai rượu và một bức thư của chú út, người đã chạy theo đưa bố tôi cái xoong để nấu cơm khi ông rời nhà ra Huế học. Khoảng những năm 1996, 1997, nhà tôi lúc đó chưa có điện thoại, nên để liên lạc được, bố tôi phải đến một nơi khác nghe nhờ. Có lần đợi mãi điện thoại không đổ chuông, bố tôi ra về, 5 phút sau chuông đổ, vậy là ông lại vội vàng quay lại, may quá cuộc nói chuyện thành công, nếu không ông mang theo chút buồn và đêm lại trầm tư.

 

 

MAI VĂN HIẾN – Anh bộ đội Cụ Hồ với nhân dân Tây Bắc. 1998. Sơn dầu. 100x140cm. Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh

Ký ức của chị em chúng tôi về ông bà nội của mình là những lời nhắn nhủ qua những bức thư ông bà gửi về từ nước Pháp qua đường bưu điện. Năm tôi thi trượt, ông nội đã viết động viên tôi đừng từ bỏ ước mơ của mình. Những bức thư ông viết cho bố mẹ tôi và chúng tôi thật cảm động, sâu sắc. Tôi hiểu ông bà nội tôi rất yêu thương gia đình tôi và luôn dõi theo con trai ông bà- họa sĩ Mai Văn Hiến.

Sau khi học xong Quốc học Huế (bằng thành chung), bố tôi thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Và khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, bố tôi theo Việt Minh đi kháng chiến và tham gia mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954, tham gia chiến dịch Biên giới. Thời gian này ông vẽ bức tranh địch vận rất to, kêu gọi binh lính Pháp ra đầu hàng. Trước đó trường sơ tán về Mông Phụ – Sơn Tây, bố tôi ở nhà của hoạ sĩ Phan Kế An, cùng tham gia chống giặc Pháp.

Sau khi cách mạng thành công năm 1945, ông cùng một số họa sĩ tham gia vẽ tiền cho Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ông thể hiện tờ bạc mệnh giá 5 đồng. Một mặt là hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, một mặt là hình người công nhân đang quai búa. Để có được hình ảnh người công nhân, ông đã vào ga Hàng Cỏ để ghi chép tư liệu.

 

Bìa sách Họa sĩ Mai Văn Hiến – Nhà xuất bản Mỹ thuật, 2020

Phục vụ nhiều năm trong quân đội, năm 1964 với quân hàm đại úy, bố tôi về công tác tại Báo Vệ Quốc quân, sau là báo Quân đội Nhân dân đến năm 1966 thì chuyển ngành sang công tác tại Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông làm việc ở Hội Mỹ thuật Việt Nam 26 năm liên đến khi nghỉ hưu năm 1988. Ông từng là Ủy viên Ban Thường vụ và là Trưởng ban đối ngoại của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông đã viết nhiều bài nghiên cứu về mỹ thuật, có một thời gian ngắn ông làm Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật. Ông còn là cộng tác viên của Nhà xuất bản Kim Đồng và đã vẽ nhiều minh họa truyện cho các cháu – thiếu nhi.

Trong thời gian công tác tại Hội Mỹ thuật Việt Nam, tuy bận các công việc hành chính nhưng luôn ông có sáng tác mới và vẫn thường xuyên có tác phẩm tham gia các cuộc triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc, triển lãm Mỹ thuật đề tài Lực lượng vũ trang và Chiến tranh cách mạng, triển lãm Mỹ thuật khu vực, triển lãm Mỹ thuật Thủ đô. Ở triển lãm nào tác phẩm của ông cũng đều được đánh giá cao và có giải thưởng của Ban Tổ chức.

Ngoài các sáng tác về tranh, một mảng quan trọng khác trong sự nghiệp của ông đó là tranh biếm họa. Vốn là người hài hước nên tranh biếm họa của ông rất dí dỏm, rất đời thường nhưng sâu sắc, được độc giả yêu thích.

Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt đầu tiên năm 2001 và Huân chương Lao động hạng Nhất mà bố tôi được trao tặng đã khẳng định tài năng, sự sáng tạo và đóng góp của ông cho nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Còn riêng với chị em chúng tôi, mãi khắc ghi trong tim hình ảnh người cha hiền lành, đức độ, vui vẻ, hài hước và vô vàn kính yêu.

 

Hà Nội tháng 11 năm 2020

    Mai Thị Ngọc Oanh

Theo nguồn: Tạp chí Mỹ Thuật 

 

Các tin khác:

71-75 of 102<  ...  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter