Trần Văn Cẩn – Người ươm mầm

Từ nhiều năm nay, trong nghề làm báo của mình, tôi thường đến gõ cửa phòng của nhiều nghệ sĩ cao tuổi. Trong khoảnh khắc chờ đợi, tim tôi bao giờ cũng xao động âm thầm bởi ý nghĩ, chỉ một lát nữa thôi là tôi lại được trò chuyện với một con người đã chứng kiến, đã tham dự vào biết bao biến cố của lịch sử đất nước, lịch sử của nghệ thuật cách mạng. Tôi lại được lắng nghe những kinh nghiệm sống, những kinh nghiệm sáng tạo của các bậc cao nhân, và đôi khi, tôi cũng được dự phần vào những câu chuyện riêng tư của họ.

Và vì thế, tôi đã nhiều lần đến gõ cửa căn phòng gác 3, số nhà 10 phố Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội, nơi ở của họa sĩ Trần Văn Cẩn.

Căn phòng này, trước khi họa sĩ dọn đến, là chỗ thường trú của nhà phê bình văn học đã quá cố: Hoài Thanh. Tầng dưới, gác hai, là gia đình nhà thơ Tế Hanh và nhà văn Nguyễn Văn Bổng.

Từ bao năm nay, khu nhà ba tầng này vẫn chẳng có gì thay đổi. Độ hơn chục năm một lần, những người thợ quét vôi của Sở nhà đất lại vác những chiếc thang thật dài đến, và những mảng tường, lúc ấy, mới như được sáng bừng lên.

Chỉ có chiếc hòm thư sơ sài với chữ “Ô. Cẩn” viết bằng sơn đóng trên tường bên lối lên tầng là mỗi ngày mỗi cũ, và chỗ khoét hở trên cửa hòm thư lúc nào cũng như cặp mắt nhìn chờ đợi.

Đã có biết bao nhiêu thư từ, công văn, giấy mời họp, đi qua chiếc hòm thư cũ kỹ này? Và đã có biết bao nhiêu thời gian mà ông phải chi dùng do những tờ giấy trong hòm thư kia mang đến!

TRẦN VĂN CẨN – Hòa bình. Khoảng 1955-1960. Màu nước. Tư liệu của Trần Văn Cẩn

 

Từ khi họa sĩ dọn tới nơi này, trên ban-công gác ba, chỗ căn phòng ông mở ra nhìn xuống đường phố, đã xanh lên màu lá phong lan. Những giò phong lan và những loài cây có hoa đỏ tý xíu, xúm xít ngoài bệ cửa phòng!

Đó là khả năng trang trí duy nhất cho căn phòng ông ở. Căn phòng làm việc không lấy gì làm rộng rãi, bao giờ cũng lộn xộn vì những phác thảo, những chiếc ghế tre, những tấm gỗ dán và mấy chiếc ghế mây đan thường thấy trên sàn nhà của đồng bào Mèo.

Ông đã từng đặt chân đến nhiều nơi, đã lưu lại trong nhiều khách sạn sang trọng trên thế giới, đã gặp gỡ biết bao bạn bè khác màu da, ngôn ngữ… nhưng căn phòng này đã không có một kỷ vật nào lưu lại dấu tích của những chuyến đi ấy. Ngoài mấy mẫu gạch mộc cổ, chiếc gùi của đồng bào Tây Nguyên và vài mẫu điêu khắc gỗ đình chùa, kỷ vật nước ngoài duy nhất ở đây là một mảnh kim loại, mang hình đất nước Pa-lét-stin với những dòng chữ lạ, gắn trên mảnh gỗ màu đen.

Căn phòng đã nói lên một đời sống còn nhiều thiếu thốn, một cuộc sống thanh đạm và quá giản dị của người lãnh đạo cao nhất Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Nhưng không phải vì sự xuềnh xoàng này mà ông hạn chế việc giao tiếp. Từ lâu, căn phòng đã trở nên quen thuộc của nhiều nghệ sĩ, của các thế hệ họa sĩ học trò của ông, của các tác giả từ nhiều địa phương đến và cả những nghệ sĩ nước ngoài.

Ngay trong những lúc giao tiếp long trọng nhất, khách và chủ cũng chỉ ngồi trên mấy chiếc ghế nhỏ và chung quanh vẫn là tất cả sự lộn xộn thường ngày. Có lẽ sự trang trọng nhất trong những lúc như vậy là sự hiện diện của mấy bông hoa tý xíu, không tên tuổi, ngắt từ ngoài hiên cửa. Những bông hoa màu đỏ, mảnh như những chú chuồn chuồn kim, cắm trong chiếc bình nhỏ đặt trên bàn thấp. Tất cả đều nho nhỏ, đơn sơ và kín đáo.

Ông thường ngồi lặng hàng giờ trước chiếc bàn chân tre, sơn đen bóng này, để tìm bố cục trên những mảnh giấy nhỏ khố, chiếc xe đạp dựa vào tường. Đó là phương tiện đi lại mà ông đã dùng từ ngày ở Việt Bắc về. Chiếc xe đạp khung nam, không biết trước kia nó được sơn màu gì, còn giờ đây màu mè đã bay đi hết. Có lẽ mấy chục năm nay, ông vẫn chưa sang sửa gì thêm.

Trần Văn Cẩn đang vẽ trên ban-công nhà ông Khoảng 1960-1970. Ảnh sưu tập Phạm Văn Thông

Nhưng cho đến bây giờ, khi đã ngoài tuổi bảy mươi, ông vẫn luôn dùng đến nó. Ông vẫn đạp đi đến nhiều vùng, nhiều nơi, họp hành, làm công việc. Đối với ông, chiếc xe cũng đầy kỷ niệm. Nó đã cùng ông trong bao chuyến đi vẽ gần xa. Những lần ông gò lưng phóng xe qua đoạn đường bom đạn ở Thanh Hóa hoặc vác nó trên vai, lội bì bõm qua mấy bờ ruộng ngập nước ở vùng đồng trũng Nam Hà và giờ đây, tối tối, ông vẫn vác nó bước qua mấy chặng cầu thang lên gác, vào phòng.

Nhiều lần tới thăm ông, tôi thường gặp ông ngồi bên máy nước ngoài sân dãy nhà cuối cùng, vào lúc mà mọi người đi làm vắng. Chỉ có chú bé con đứng vẫy nước một cách tự do là luôn mồm ngỏ ý muốn giúp đỡ ông. Thông thường, những người có cuộc sống tâm hồn phong phú bao giờ cũng cảm thấy hài lòng khi tiếp xúc với trẻ em. Có lẽ vì thế mà chú bé đã luôn chạy lên chạy xuống nhà ông và coi ông như một người “bạn”! Ông hứng nước, nhặt rau, vo gạo như mọi lần. Lúc ông lên, một tay cắp rổ rau, rá gạo, một tay xách xô nước. Ông bước thật nhanh, những giọt nước từ đáy rổ nhỏ xuống in thành một đường loằn ngoằn trên nền gạch.

Ông làm mọi việc một cách lặng lẽ, từ tốn như khi ông ngồi vẽ.

Cuối mùa khô năm 1979, tình cờ tôi gặp ông ở nhà khách của Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai – Kon Tum ở Plây-cu. Nơi này, trước đây là một khách sạn nhiều tầng. Ông đến Tây Nguyên đã gần một tháng nhưng không ở lại thị xã. Ông xuống các công trường thủy lợi, thăm những vùng đã diễn ra chiến sự ác liệt, về các buôn làng người Ba Na. Tây Nguyên hùng vĩ và chói chang đã nhuốm màu da ông rám nắng. Ông cắp chiếc cặp vẽ to, đó là hành trang quan trọng nhất trong những lần dịch chuyển của ông.

Bìa vựng tập Triển lãm cá nhân đầu tiên của Trần Văn Cẩn. Hà Nội 1980

Nhưng hôm sau, tôi xuống tìm ông thì cô phục vụ nhà khách cho biết ông đã đi Ayun Pa, Cheo Reo, chưa biết khi nào trở lại.

Chiếc gùi hình hoa Pơ-lang nở của người Ba Na treo trong phòng là ông mang về từ chuyến đi ấy. Chuyến đi ấy, ông đã mang về hàng mấy chục bức trực họa lớn nhỏ. Xem những ghi chép của ông về Tây Nguyên, tôi mới càng hiểu thêm cách làm việc tỷ mỷ, chi tiết. Chỉ một nét trang trí ở nhà rông, một chiếc cầu thang gỗ, ông đã có đến năm, sáu ký họa. Một cô gái Ba Na cũng cho ông đến mấy trực họa trong các dáng ngồi, đứng, khác nhau. Tôi đã đến Tây Nguyên và mong ước được thấy những tác phẩm đầy nắng, đầy khoáng đạt của phong cảnh cao nguyên hùng vĩ, mà không một vùng núi cao nào trên phía Bắc đất nước ta lại mang vẻ đẹp riêng như thế. Những con đường nhựa rộng rãi thẳng tắp, thăm thẳm trong màu nắng rần rật. Những cánh rừng bằng phẳng kéo dài và đầy sức sống. Những đám mây cuộn trên bầu trời vời vợi của cao nguyên.

Và, tôi đã xúc động gặp lại cảnh sắc rất thực đó của Tây Nguyên trong nhiều ký họa của Trần Văn Cẩn. Đứng giữa phòng triển lãm các tác phẩm về Tây Nguyên sau một chuyến đi thực tế của nhiều họa sĩ ở Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội, tôi mới thấy hết được sự làm việc nghiêm túc và tài năng của ông trong nắm bắt đặc điểm của cảnh sắc, nhân vật để truyền đạt cho công chúng. Cái hồn của thiên nhiên như đọng lại trong nét vẽ, mảng màu, mà bất cứ lúc nào cũng có thể bay khỏi bức tranh nếu ta là người xem hời hợt, vô tình!

TRẦN VĂN CẨN – Trong địa đạo Vĩnh Mốc. 1969. Màu nước. Tư liệu của Trần Văn Cẩn

Mặc dù ông đã ngoài tuổi bảy mươi, đã có nửa thế kỷ sáng tạo và đã cống hiến cho nền nghệ thuật Việt Nam không ít những tác phẩm xuất sắc, nhưng ông vẫn thèm khát những chuyến đi và không ngừng thể nghiệm. Trước giá vẽ của ông là hai phác thảo sơn mài: Mùa gặt và Buôn ở Tây Nguyên. Mùa gặt đã được ông phác thảo từ nhiều năm nay. Bức tranh là toàn cảnh vụ thu hoạch ở một hợp tác xã nông nghiệp vùng Quảng Bình. Cánh đồng lúa chín vàng rực. Một dòng sông nhỏ, hẹp, chật chội những thuyền lúa. Mấy cô gái lái thuyền chở lúa như múa. Chiếc bơm nước đang đổ nước vào ruộng cày, chuẩn bị cho vụ sau. Con đường qua cánh đồng dẫn vào sân kho có mấy người đang gánh lúa về. Phía xa, sau màn tre xanh thấp thoáng những nhà mái ngói… Ở bức tranh này, ông muốn tìm một hòa sắc vàng trong sơn mài, còn ở Buôn ở Tây Nguyên ông lại muốn đưa hòa sắc xanh để dựng cảnh sắc cây lá nhiều tán, nhiều tầng.

Xuất thân từ một gia đình viên chức nhỏ, lớn lên ở một thị xã nhỏ bé và yên tĩnh. Cuộc sống, con người và đôi khi cả trong nghệ thuật của họa sĩ Trần Văn Cẩn hình như mang ít nhiều dấu ấn của môi trường sống xa xưa. Ông sống giản dị với một tấm tình hiền hậu. Chưa bao giờ tôi thấy ông nặng lời, to tiếng. Ngay cả những khi ông kể chuyện về những chuyến đi sôi nổi nhất, giọng ông cũng chỉ vừa đủ nghe đến hai người.

Và, cũng chưa bao giờ tôi thấy ông phủ nhận giá trị ở người khác. Có một lần, tôi hỏi ý kiến ông về một tác giả chưa được đào tạo cơ bản, nhưng lại muốn rút ngắn chặng đường bằng cách tìm “hiện thực” qua sách nước ngoài, mà giới mỹ thuật đang có nhiều ý kiến, họa sĩ Trần Văn Cẩn không đưa ra nhận xét chung về tác giả, chỉ nói cụ thể về một bức tranh đã triển lãm của tác giả ấy, chỗ được, chỗ chưa được, chỗ còn dao động và lúng túng.

Ông đọc nhiều sách, hiểu biết khá rộng về những nền văn hóa thế giới và có mỹ cảm tinh tế, sắc sảo, nhưng ít khi ông bộc lộ điều đó. Ông lánh xa những cuộc cãi vã, đối thoại ồn ào và thường nể nang trước sự cả quyết của đồng nghiệp.

Năm 1980, sau cuộc triển lãm các tác phẩm của ông nhân dịp ông 70 tuổi, Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã dành cho ông một sự trân trọng và vinh dự hiếm thấy: Bảo tàng quyết định mua toàn bộ tác phẩm mà ông trưng bày. Người ta cho rằng với số tiền ấy – mấy chục ngàn đồng – có thể ông sẽ chi dùng, mua sắm những phương tiện và tươi tắn hơn trong cuộc sống. Nhưng căn phòng ông ở vẫn như mọi năm. Tất cả vẫn như thường lệ. Ngày ngày ông vẫn xuống sân, lên gác với xô nước, với rá gạo, rổ rau… Số tiền bán tranh được trả dần dà một cách ít ỏi theo từng quý, có lẽ không thể vung vẩy được trong khi thời giá cứ vòn vọt tăng lên! Nhưng tôi không hề nghe ông nhắc nhở đến điều ấy. Có một lần, một người khách ngoại quốc ngỏ ý muốn mua bản gốc tác phẩm của ông với một số tiền mặt khá lớn. Ông từ chối mà chẳng giải thích lý do. Mãi sau này, tôi mới biết rằng ông không muốn để tranh mình rời khỏi xứ sở. Tôi còn được biết thêm, một số họa sĩ của chúng ta, dù đời sống còn nghèo cực, cũng đã xử sự như vậy.

TRẦN VĂN CẨN – Cảnh trung du. 1955. Màu nước. Tư liệu của Trần Văn Cẩn 

Dạo ấy là mùa đông năm 1981, trời rất lạnh. Căn phòng ông ở được đóng kín cửa. Ánh sáng ảm đạm của một ngày đông lạnh ẩm qua làn cửa kính trở nên đục mờ. Ông bị mệt nhưng vẫn ngồi trước giá vẽ. Những ống sơn dầu đã gần hết cong queo trên nền gạch. Từ chiếc bảng pha màu, mùi sơn lan tỏa khắp căn phòng làm cho không khí yên tĩnh trở nên hoạt động. Ông ngồi, mặt đỏ bừng vì bị sốt. Bức tranh sơn dầu Buôn ở Tây Nguyên tôi tưởng ông đã vẽ xong từ tháng trước thì lúc này vẫn còn trên giá với bố cục khác và hòa sắc khác. Sắp tới, với tác phẩm này ông sẽ tham dự Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc chào mừng Đại hội Đảng lần thứ V, nghe nói sẽ được khai mạc vào dịp sau Tết Nguyên Đán.

Khuôn khổ bức tranh không lớn nhưng ông phải làm gấp, vì bao nhiêu công việc đang chờ. Ông cần có mặt ở Thành phố Hồ Chí Minh để chọn tranh cho cuộc triển lãm và cũng có thể sẽ về lại Quảng Ninh, ở đó có hàng chục tác phẩm vừa được vẽ, không thể để anh em mang lên Hà Nội rồi lại mang về vì tác phẩm không được tham dự triển lãm…

Những tác phẩm của ông ra đời trong hoàn cảnh như thế. Ông không có nhiều khoảng thời gian nghỉ ngơi để chuyên tâm sáng tác. Có thể nói, tác phẩm của ông là kết quả của những chuyến đi thực tế và hiện thực muôn màu của cuộc sống đã mang lại khí sắc và vẻ đẹp cho tranh của ông.

Người ta thường nói, tuổi già thường trở nên khó tính, nhưng với họa sĩ Trần Văn Cẩn điều đó đã không xảy ra. Ông vẫn rất ôn tồn và nhã nhặn trong mọi cư xử, và hình như ông lại có vẻ dí dỏm hơn, trẻ trung hơn trong tình cảm. Tác phẩm của ông càng về sau càng phơi phới tươi vui, càng khoáng đạt và càng đậm đà sắc thái, phong vị tâm hồn của con người và cảnh sắc Việt Nam.

Vẽ là người. Điều đó rất dễ nhận ra ở tác phẩm của Trần Văn Cẩn.

TRẦN VĂN CẨN – Trong địa đạo Vĩnh Mốc. 1969. Màu nước. Tư liệu của Trần Văn Cẩn

Trải dài nửa thế kỷ, con đường nghệ thuật mà họa sĩ Trần Văn Cẩn bước đi, có lẽ cũng giống với nhiều người. Nghệ thuật ông không có những lối rẽ bất ngờ, những “tuyên ngôn” đột khởi, những khai phá mới lạ, những sự kiện náo nhiệt… Tác phẩm của ông như những hạt phù sa, cứ dần dà, cứ nho nhỏ như thế, nhưng qua tháng, qua ngày chúng đã lặng lẽ đi vào lòng công chúng với một tình cảm dịu nhẹ, hồn nhiên…

Trần Văn Cẩn là một tài năng hiền hậu. Nghệ thuật của ông được tình cảm cách mạng bồi đắp, được hiện thực đấu tranh làm cho phong phú và lại trở về với đông đảo công chúng. Sự “nhận” và “trả” là một ý thức trong nghệ thuật ông.

Cho tới bây giờ, trước sau, ông cũng vẫn là một nhà thơ trong hội họa. Ông viết những bài thơ trữ tình bằng tranh, một cách dung dị và thoải mái. Đọc những bài thơ ấy, ta như được lắng nghe một giọng nói thầm thì, hồn nhiên, ca ngợi vẻ đẹp kín đáo và tế nhị của cuộc đời, trên nền một hiện thực hào hùng, khắc nghiệt mà vẫn tươi mát…

Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng II, Huân chương Lao động hạng III và nhiều phần thưởng cao quý khác. Là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, là Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhưng bao giờ ông cũng là một nghệ sĩ. Nghệ sĩ trong sáng tạo và nghệ sĩ cả trong ứng xử và giải quyết công việc. Con người công dân và con người nghệ sĩ trong ông thật thống nhất, thật tự nhiên…

Trần Văn Cẩn trong xưởng họa của ông. Hà Nội 1981. Ảnh Hà Tường (sưu tập Phạm Văn Thông)

Từ Thành phố Hồ Chí Minh về, ông mang theo một khúc thân cây thiết mộc lan mua ở góc phố, trông như một khúc gỗ nhỏ chẳng có chút gì thẩm mỹ. Vậy mà ông đã mất nhiều thì giờ lục lọi tìm được một chiếc đĩa gốm màu da lươn. Ông đặt đứng khúc gỗ dài chưa đầy gang tay lên đĩa và rót vào một chút nước, để lên bàn. Tôi thầm nghĩ, trò chơi này hẳn là một dấu hiệu lẩn thẩn của tuổi già, và chẳng để ý đến khúc gỗ mốc đặt lên chiếc đĩa một cách thận trọng. Thì, chính tôi lại phải thích thú trong lần đến thăm ông sau đó. Từ khúc gỗ mốc mác và có vẻ cằn cỗi kia đã vọt lên hai chiếc mầm xanh. Một chiếc cao, một chiếc thấp xòe những lá xanh đậm, bóng như mỡ. Hai chiếc mầm mọc ở vị trí như đã được lựa chọn, soi bóng xuống đĩa nước và nổi lên một cách kín đáo trên nền sơn đen của mặt bàn. Họa sĩ Trần Văn Cẩn nói với tôi: Đấy, anh xem, còn cái mầm mới nhú bằng hạt đỗ đây nữa, chỉ tháng sau là thành lá, nom đẹp lắm. Thế mới tuyệt chứ!

 

Hà Nội, tháng 6/1982

Triều Dương

(Rút từ sách “Trần Văn Cẩn”, tác giả Triều Dương, phần mang tiêu đề “Lời đầu sách nói ở cuối sách”, Nxb Văn hóa, 1983. Đầu đề do Tạp chí Mỹ thuật đặt)

 

Theo nguồn: Tạp chí Mỹ Thuật

Các tin khác:

91-95 of 102<  ...  12  13  14  15  16  17  18  19  20  21  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter