Ngọc Bái
Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Yến có nhiều chi tiết mới, táo bạo. Những chi tiết của đời sống đương đại, với nhiều mẫu người, nhiều kiểu sống khác nhau. Tác giả rất chú ý tạo những tình huống, những đoạn văn tải tâm trạng của nhân vật, bộc lộ những ý tưởng của người viết. Mỗi truyện ngắn chứa đựng một thông điệp, tạo nên bức tranh xã hội đa màu sắc.
Truyện ngắn “Ca nương”, tác giả viết về nhân vật Huy, một doanh nhân trẻ thành đạt, đã từng du học ở nước ngoài, không thiếu tiền. Cái mà anh “nặng lòng” chính là điệu ca trù truyền thống của dân tộc, Anh từng quan niệm “tiền có thể đến ồ ạt nhưng văn hóa chỉ thấm từng giọt”. Có lẽ vì thế mà anh yêu Sương, cô ca nương có “tiếng hát đầy mê hoặc, ám ảnh”. Hai người đã từng gắn bó xác thịt. Ấy thế mà cuộc đời đưa đẩy, để Sương theo người đàn ông đại gia nhiều tiền hơn. Như thể nghiệp chướng, đứa con của Sương và Huy không thành người. Cuối cùng chỉ còn lại tiếng hát của Sương “đầy da diết”. Truyện có cái kết lửng, gợi suy tưởng về kiếp ca nương đa truân.
Bìa tập truyện ngắn "Mùa xa" của Tác giả Nguyễn Ngọc Yến
Đọc truyện ngắn “Café tím” là câu chuyện trớ trêu giữa Bảo, chàng trai trẻ kém Diễm gần chục tuổi. Dù Diễm đã có chồng là Thụy, nhưng những gì ở quán café tím, trong đêm “không gian ngập trong màu tím”, nghe những lời Bảo thổ lộ, đã khiến Diễm mủi lòng. Họ đã đến với nhau. Thật khó cắt nghĩa khi tình yêu không phân biệt tuổi tác. Đây chính là sự lắt léo trong tâm lý mỗi nhân vật. “Tôi muốn quá khứ của tôi mãi là bí mật với cả Thụy và Bảo”. Suy nghĩ của Diễm cũng là lời thú nhận. Trong phân tâm học, đó là nhân cách mang tính xã hội, có đặc điểm riêng biệt. Tác giả không nhằm phân tích, mà chỉ kể lại hiện thực như nó từng xảy ra.
“Chòng chành”, cái tên truyện ngắn đã gợi sự hẫng hụt, không thăng bằng. Đúng với tình cảnh Nhi, đang say xỉn và thất vọng. Phong đã đưa Nhi về nhà, và họ đã ở cùng nhau, như vợ chồng hờ, “Phong không phải là người trước, nhưng bên cạnh anh, Nhi có cảm giác mới mẻ…”. Rồi Nhi được công ty cử đi đào tạo ở nước ngoài!... Đám cưới của Nhi và Phong đã không xảy ra theo đề nghị của Nhi. Phong bỏ đi. Khi xem chiếc ví Phong bỏ quên ở nhà, với tiền, thẻ rút tiền, chứng minh thư, đặc biệt là tấm ảnh có dòng chữ “con yêu ba”, Nhi bàng hoàng, nhận ra “Phong là con trai của người đàn ông đầu tiên trong cuộc đời cô?”. Đó là sự trớ trêu không ngờ. Tình huống ấy có thể xảy ra?
Diên, cô gái miền sơn cước trong truyện ngắn “Chiều buông”, vốn “lớn lên hồn nhiên như cây cỏ” đã thay đổi, “thích ứng nhanh với cuộc sống mới”. Minh, chàng thanh niên của bản, gắn bó với bao kỷ niệm từ ấu thơ, đã phai nhạt dần trong tâm thức của Diên, khi Diên đi học trung cấp kế toán, rồi ra tỉnh công tác. Diên quen Dương, giám đốc công ty khai thác khoáng sản, rất nhiều tiền, vợ con mãi dưới xuôi. Diên trở nên con người khác, với quan niệm “Đàn ông đối với Diên không cần trẻ, không cần đẹp, cũng không cần hiền lành, tử tế”. Tiền là tất cả! Và Diên thành bồ của Dương quá dễ dàng. Cuối cùng, cái gì đến sẽ đến! Những thứ Diên cần, Dương đều tìm cách thoái thác. Rồi đến một ngày, Diên tìm đến Dương thì Dương đang ôm trong tay một cô gái trẻ hơn. Diên mất tất. Ít ngày sau Dương chết vì ung thư. Kết cục “hình ảnh của Minh như hiện lên rõ nét trước mắt Diên...” Truyện là vậy, con người luôn phải trả giá trước những cám dỗ. Kết cục núi lại về với núi. Đấy có phải là gửi gắm của tác giả?
Có lẽ triết lý về đời sống rõ nhất là ở truyện ngắn “Dấu ba chấm của tình yêu”. Mở đầu là câu triết lý tác giả dẫn của một hiền triết Hà Lan “Người ta có thể mua đồng hồ nhưng chưa chắc đã mua được thời gian…”. Đó là mối tình đơn phương của anh lính mới xuất ngũ với Ngân ngày bước vào đại học. Ra trường, Ngân lấy chồng, có con và đâu ngờ cuộc đời quá lắt léo. Ngân ly dị, khiến anh lính xuất ngũ xưa đã có điều kiện để đến với Ngân. Nhưng oái oăm là “em lấy chồng lần nữa”! Và sự lắt léo lại đeo bám Ngân. “Em phát hiện ra những lá thư chồng em mới viết cho người yêu cũ…”. Chọn ai? Chồng đã quay về người yêu cũ! Em tìm đến những nơi xa xôi tiếp tục viết báo viết văn. Người lính năm xưa lại đến với Ngân, nhưng Ngân nói mình đã có người yêu là nhạc sĩ. Rồi tưởng tượng chắp cánh. Nơi xưa anh lính với Ngân “cùng ngả người trên thảm cỏ”, Và phiêu diêu “chỉ có em và tôi, em của riêng tôi không gì có thể thay đổi…”. Câu chuyện tình ấy chỉ có thời gian ghi nhận.
Trong truyện ngắn “Đêm nghiêng”, Liễu có con với Bành chỉ là nhắm mắt đưa chân. Bành chết do tai nạn giao thông. Do mai mối Liễu đến với Thịnh, trong sự choáng ngợp đặc biệt. Những lần đi với Thịnh, Liễu mới hiểu thế nào là hưởng thụ vật chất và tinh thần. Tưởng rằng đến hồi kết, nhưng chuyện đã không thành, vì Liễu biết Thịnh chỉ kém bố mình 3 tuổi! Ở truyện ngắn “Đò chiều” dù Lệ và Bang như hình với bóng. Nhưng ông Chính, bố của Lệ phản đối. Đến khi ông Chính chết, mối tình ấy mới thành hiện thực. Hạnh phúc ấy muộn màng, nhưng sâu xa. Tác giả viết: “Trong bóng chiều nhập nhoạng, hai chiếc bóng kéo dài, kéo dài rồi nhập vào làm một…”. Kết có hậu. Đấy có phải là sự sắp đặt có dụng ý của tác giả.
“Không thể” là truyện ngắn chỉ xoay quanh hai nhân vật cô ấy và ông ấy. Tác giả đã khai thác triệt để tâm lý của nhân vật. Do chênh lệch tuổi tác, ông ấy không thể cùng cô ấy trọn vẹn. Dù cô ấy “muốn ông được hưởng cái cảm giác từ lâu ông không còn muốn nữa”. Tâm lý đồng cảm và thương hại cô dành cho ông, đã được tác giả trân trọng. Nhưng “không thể” là lý do đương nhiên, nhân vật phải chấp nhận. Truyện ngắn “Vết nứt” có phải Hà, cô gái Lục Yên da trắng tóc dài, đã để cho Long chồng mình cặp bồ với Xuyến. Chuyện chỉ bị lộ khi Nga cung cấp cho Hà chứng cứ những cuộc điện thoại hàng giờ giữa Long và Xuyến. Long bị cơ quan bắt làm kiểm điểm, Xuyến bị chồng là Hùng bỏ lửng. Truyện giăng gió ngoài vợ ngoài chồng đã được tác giả đưa vào truyện tự nhiên, thường thấy. Chỉ đến khi Xuyến đến với Hà, được Hà tha thứ, đồng cảm “khẳng định Xuyến và chồng tôi chưa có chuyện gì đi quá giới hạn” nút thắt mới được mở. Xuyến cảm ơn Hà. Sự cố đã xảy ra, chỉ có lòng bao dung mới có thể cứu rỗi được con người. Thông điệp ấy đã được tác giả gửi gắm qua “Vết nứt”.
Truyện ngắn “Nhạt” lại có kết cục khá rắc rối. Kim với ASâng đã là vợ chồng, có con với nhau, nhưng ở nơi đất khách quê người, Kim không có ai thân thích, buồn và tẻ nhạt. Khi gặp Toàn đồng hương, họ đã yêu nhau. Tình yêu thật trớ trêu, trong khi ASâng hết lòng yêu và chiều chuộng Kim, thì Kim lại yêu Toàn! Trong lần Toàn vũ phu với Kim thì ASâng bênh vực. “Tình yêu và độ lượng của ASâng dành cho Kim” rất lớn. Còn Toàn thì chơi bời, rượu thuốc, cục cằn. Toàn trở về nước. Kim cũng về nước, Lúc ấy Kim mới biết Toàn sẽ lấy người con gái cùng làng. Hình ảnh của ASâng trong mắt Kim đã bắt đầu thay đổi! Và cái giá phải trả đâu có rẻ? “Giá như ASâng đừng quá yêu Kim thì có lẽ Kim còn đường quay lại”. Có phải đấy là cái kết cục mà Kim nhận ra?
Đối với truyện ngắn “Quyền lực”, người đàn ông đã có năm con vẫn khao khát tình yêu! Tặng vật người đàn ông đem đến cho nàng là cuốn sách mà nàng ao ước. Đã có những chàng trai trẻ đến với nàng, nhưng đến để mà đến, nàng như một thứ quyền lực đã trói người đàn ông kia vào lưới tình. Ông ta “mua nhà, mua xe, sắm sửa mọi tiện nghi cho nàng”. Và chiều chuộng nàng! Ở đó nàng “lạc lõng và cô đơn”. Chính cái sự đầy đủ, viên mãn đã khiến nàng “mất tự do”. Điều đó là nguyên nhân để nàng “quyết định rời bỏ ngôi nhà mà nàng đã từng mãn nguyện…”.
“Mùa xa” truyện ngắn xoay quanh nạn bạo hành với phụ nữ. Nam “lúc nào cũng muốn chứng tỏ quyền sở hữu của mình đối với dì”. Do vũ phu, do ghen tuông mà Nam xử sự như một kẻ khùng điên. Không chịu đựng nổi, người phụ nữ ấy quyết ra đi, nhưng nghĩ đến con, nghĩ đến sự ràng buộc gia đình, nên không đi nổi. Đấy là sự chịu đựng thường thấy ở người phụ nữ chân quê, sẵn sàng chịu khổ vì tình thương… Đó cũng là thông điệp tác giả mong muốn gửi gắm.
Nguyễn Ngọc Yến đã khai thác triệt để tâm lý của các nhân vật phụ nữ trong các truyện ngắn của mình. Những thân phận, những nỗi niềm của nhân vật hiện lên rất rõ trong từng trang viết. Đấy cũng là đặc điểm trong thi pháp viết truyện ngắn của tác giả. Có thể nói đấy chính là mặt mạnh trong tổ chức tác phẩm và tái hiện đời sống hiện thực. Thành công phải kể đến là việc sử dụng ngôn ngữ và sự linh hoạt trong xử lý các tình huống truyện. Hơi thở của cuộc sống, giọng điệu của văn chương góp phần quan trọng trong truyện ngắn hiện đại. Kể và trần thuật là yếu tố tiên quyết của truyện ngắn. Cần phải có trí tưởng tượng và sắp xếp chi tiết sao cho logic, đấy là bí quyết thành công.
Không thể nói tất cả mọi truyện trong “Mùa xa” đều hay, vẫn có những yếu tố ngẫu nhiên, những đoạn văn thừa. Song sự cố gắng của tác giả vẫn là chủ yếu, đáng ghi nhận. Đấy cũng là mong muốn để tác giả có những truyện ngắn hấp dẫn hơn.
N.B