LÊ TIẾN VƯỢNG
Trong những năm gần đây thị trường xuất bản Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể. Riêng năm 2021 đã có 4 triệu bản sách được phát hành với gần 33.000 đầu sách, và doanh thu đạt gần 3000 tỷ đồng. Hằng năm, giới xuất bản đều tổ chức bình chọn giải thưởng sách dành cho các tác giả, người biên tập cho các tác phẩm hay… nhưng chưa có một triển lãm nào, một cuộc hội thảo nào được tổ chức để ghi nhận và tôn vinh các họa sĩ thiết kế sách, bìa sách. Quyết định tổ chức một triển lãm đầu tiên trên quy mô toàn quốc về hoạt động này của Chi hội Đồ họa 2, Hội Hội Mỹ thuật Việt Nam có thể nói là một cuộc hội ngộ để chia sẻ về công việc sáng tạo thú vị này.
Bìa sách phải là “chiếc áo đẹp”
Có thể nói Triển lãm “Nghệ thuật sách Việt Nam 2022” là một cuộc trình diễn, một cuộc biểu dương lực lượng đầu tiên của các họa sĩ đồ họa, các designer chuyên và không chuyên từ khắp các tỉnh thành trên cả nước tham gia. Đây là dịp, các họa sĩ chuyên nghiệp đã, đang làm các công việc thiết kế sách và bìa sách cùng gặp gỡ, sẻ chia, giới thiệu nghệ thuật thiết kế bìa sách từ thô sơ đến hiện đại, từ tối giản đến tối đa kỹ thuật, với phong cách đa dạng và kỹ thuật thể hiện qua các bìa sách.
Trước hết, bìa sách là yếu tố không thể thiếu của bất cứ cuốn sách nào, ngoài chức năng là “chiếc áo” bền chắc bảo vệ cuốn sách, bìa sách ngày nay còn phải là “chiếc áo đẹp” mang tính thời trang, thể hiện một cách mạnh mẽ hồn cốt và thông điệp của cuốn sách. Thậm chí, có cuốn sách với thiết kế bìa độc và lạ như “tiếng sét ái tình” hấp dẫn độc giả ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Ngay từ xa xưa, kỹ thuật in còn thô sơ, bìa sách vẫn luôn là thứ cần đầu tư nhất cả về chất lượng, kỹ thuật và rõ ràng, bìa sách chính là cầu nối bằng ngôn ngữ thị giác chuyển tải những điều “thầm kín” bên trong cuốn sách tới đọc giả. Đây còn là “quầy thông tin” với tên tác giả, tên sách, nhà xuất bản và xác định thể loại cuốn sách đó một cách khéo léo. Một tác phẩm bìa sách vừa là một sự diễn giải, diễn ngôn, vừa là một bản ngôn ngữ viết chuyển sang ngôn ngữ hình ảnh, hoặc tưởng tượng... Họa sĩ thiết kế bìa luôn là người bằng sáng tạo của mình mà truyền tải những điều mới mẻ, độc đáo khác biệt của tác phẩm để người đọc qua đó nhận ra cuốn sách mình cần.
Hiểu biết để sáng tạo
Để có được một tác phẩm bìa sách đúng, trúng, đẹp, người họa sĩ càng cần phải hiểu sâu, hiểu rộng về đối tượng, thị trường mà mình hướng tới. Trước một cuốn sách chuẩn bị được xuất bản, họa sĩ cũng cần phải đọc qua để hiểu nội dung cuốn sách, cần liên tục đặt các câu hỏi cuốn sách dành cho ai, lứa tuổi nào, cuốn sách sẽ bán ở đâu, tâm lý người mua thế nào… Thậm chí, hoạ sĩ phải biết đặt mình vào vị trí người mua để sáng tạo những trang bìa thỏa mãn nhu cầu độc giả và góp phần nâng tầm giá trị cuốn sách. Trước một bìa sách, người đọc còn nhận ra “trình độ, năng lực” của người họa sĩ thiết kế ở tầm mức nào.
Hiện nay, việc thiết kế và sáng tạo bìa sách ở ta vẫn đang chập chững trên con đường chuyên nghiệp hóa. Nhiều nhà xuất bản có rất ít họa sĩ chuyên làm bìa mà phải trông chờ vào đội ngũ các họa sĩ là cộng tác viên của mình. Nhiều biên tập viên của nhà xuất bản cũng tự đặt họa sĩ, người quen để làm bìa mà không rõ sở trường, đặc tính sáng tạo của người họa sĩ ấy có phù hợp với việc thiết kế bìa sách của mình hay không. Thực tế cho thấy, có những trường hợp mà người họa sĩ chỉ phù hợp với sáng tạo bìa sách cho thiếu nhi mà không phù hợp cho thiết kế bìa sách triết học hay kinh tế hoặc hoặc lại… Cũng có tình trạng người làm biên tập hoặc đơn vị xuất bản còn “đơn giản hóa” coi bìa sách “chỉ là một cái bìa” để mà dễ dãi chấp nhận cả những bìa sách qua loa, thiếu sáng tạo.
Người viết bài này đã từng nhiều năm thiết kế sách, báo và cũng như đã thiết kế không biết bao nhiêu bìa sách, nhưng cũng phải từ chối rất nhiều bìa sách khi được đặt hàng vì tự thấy không hứng thú, hoặc không hợp sở trường, phong cách sáng tạo của mình. Họa sĩ Tạ Lựu người đã vẽ hàng ngàn các minh họa thiếu nhi đẹp mê mẩn nhưng ông thú thật là rất sợ làm bìa sách. Nhiều lần Nhà xuất bản Kim Đồng đặt hàng, ông đành tìm lý do từ chối vì ông cảm thấy không tự tin khi sáng tạo bìa sách. Ông thổ lộ: “Vẽ minh họa phóng bút thoải mái, tung tăng tung tẩy, nhún nhẩy trên trang giấy, trang báo hiệu quả bao nhiêu thì khi thiết kế bìa, cảm xúc ấy phải cẩn thận dè chừng, phải suy đi tính lại, đắn đo bấy nhiêu. Vì một trang bìa yêu cầu cao hơn nhiều lắm… Vẽ cho một trang sách hay trang báo là chỉ cần quan tâm chi tiết câu chuyện trang báo trang sách đó, còn làm trang bìa là phải cô đọng hóa, biểu tượng hóa cả một cuốn sách, điều này đôi khi quá sức với mình…”.
Có thể nói, bìa sách không chỉ là sản phẩm của kỹ thuật, nghệ thuật mà còn là các “đóng gói thương mại” hay sản phẩm đa phương tiện kết nối các nền tảng văn hóa khác nhau. Bìa sách còn như một quá trình “trung gian kết nối” các khía cạnh xã hội của việc viết sách, xuất bản và người đọc. Một bản thảo là của một hoặc một nhóm tác giả độc lập, nhưng một cuốn sách lại là nỗ lực tập thể. Bìa sách ra đời thông qua một quá trình có sự tham gia của tác giả, biên tập viên, nhà xuất bản, giám đốc tiếp thị, nhà in,….
Hiểu được nhiều tâm tư của rất nhiều họa sĩ thiết kế, các designer, Ban Tổ chức Triển lãm “Nghệ thuật sách Việt Nam 2022” cũng không quên mời một số Nhà xuất bản, nhà sách trên địa bàn Hà Nội cùng hưởng ứng và tài trợ cho các hoạt động của triển lãm, cũng như trực tiếp tham gia giới thiệu sản phẩm, các hoạt động xuất bản, phát hành sách. Qua đây, giới thiết kế bìa sách hy vọng kết nối các họa sĩ, các cộng tác viên các Nhà xuất bản, cũng như cùng “lắng nghe” từ nhiều phía những người làm sách như người viết, biên tập, phát hành cùng tìm hiểu và cảm nhận các công việc của nhau, để hợp tác tốt hơn, giúp cho việc thiết kế, chế bản, in ấn, phát hành ngày một tiệm cận các giá trị của xuất bản quốc tế.
Đặc biệt, trong không gian một ngày, Triển lãm cũng đã mời các Nhà xuất bản tự thiết kế, tổ chức các diễn đàn xung quanh việc xuất bản, việc thiết kế bìa sách, thăm dò dư luận, đánh giá thị hiếu và nhu cầu người đọc với sách và bìa sách thời gian qua cũng như xu hướng cho tương lai… Đây là hoạt động thiết thực và bổ ích, là dịp gặp gỡ giao lưu các CLB đọc và yêu sách, các nhà văn, nhà văn hóa, các biên tập viên, các họa sĩ thiết kế cùng nhau tọa đàm sau hơn hai năm bị dịch covid-19 ngăn cách.
Qua Triển lãm lần đầu tiên, Hội Mỹ thuật Việt nam, Chi Hội Đồ họa 2 rất mong triển lãm đặc biệt này sẽ hội tụ được nhiều tác phẩm nghệ thuật thiết kế bìa sách của các họa sĩ nhiều thế hệ cùng các Nhà xuất bản có được nhiều tham luận, ý kiến về Nghệ thuật thiết kế bìa sách, cùng rút ra những bài học hay, những kinh nghiệm quý và tôn vinh các họa sĩ tâm huyết yêu nghề, có nhiều tác phẩm bìa xuất sắc để trao giải của Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Giới làm bìa sách cũng mong mỏi dịp này, các Nhà xuất bản ghi nhận thêm những đánh giá về chuyên môn của các chuyên gia Mỹ thuật, Hội Mỹ thuật Việt Nam, để có thêm những định hướng Mỹ thuật và đặc biệt là về thiết kế, sáng tạo cho bìa các loại ấn phẩm của mình.
Đặc biệt, Hội Mỹ thuật Việt Nam hy vọng có thể cùng các đơn vị xuất bản tổ chức hoạt động này thường niên hai năm một lần nhằm ghi nhận, đánh giá, tôn vinh các trang bìa đẹp, các tác giả tài năng, thu hút nhiều hơn các tác giả trẻ tham gia vào các công việc làm sách, viết, biên tập và thiết kế sách, bìa sách, góp phần thúc đẩy sự phát triển nhiều mặt của thị trường xuất bản Việt Nam.
L.T.V