Dương Soái, mãi Gửi em ở cuối sông Hồng

 Hoàng Thế Sinh

Chớm hạ!

Trận mưa đầu mùa rải từ Ba Vì cuốn ngược lên núi Hoàng Liên Sơn, núi Con Voi, đến tận đầu nguồn A Mú Sung, lướt thướt cả tuần, đã khiến nước sông Hồng duềnh lên, ngầu đỏ phù sa. Tôi ngồi Thiền, mặt hướng ra dòng sông Hồng, lặng nghe nước chảy. Ý tưởng hướng tới sự thăng hoa trong im lặng, khát vọng vô thức. Ơ mà, tai vẫn nghe nước chảy rì rầm. Tâm hồn chẳng thấy lắng xuống, sâu thẳm bỗng vọng về lời ca: "Anh ở biên cương nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt/ Ở nơi đây mùa này con nước lắng phù sa in bóng đôi bờ"... Lời thơ và cả giai điệu bài hát Gửi em ở cuối sông Hồng khiến lòng tôi xốn xang. Sao mà Thiền được cơ chứ! Không phải chỉ hôm nay, mà bao lần như thế rồi, tôi hướng ra sông Hồng, ngồi Thiền, nhưng tâm hồn lại cứ vang vọng lời thơ, lời ca Gửi em ở cuối sông Hồng, chợt nhớ Dương Soái. Nhớ anh, lại nghĩ xa nghĩ gần về anh với bao thăng trầm cuộc đời và bao thăng hoa sáng tạo văn chương.  

Số phận đưa đẩy, chàng trai quê chiêm trũng nghèo xơ xác lũy tre Hà Nam bỗng trở thành công nhân địa chất, nên cả thời trai trẻ đam mê cống hiến nhất thì Dương Soái cùng đồng nghiệp dành cho công cuộc săn tìm kho báu cho Tổ quốc. Dấu chân anh và đồng nghiệp còn in sâu trong tầng đất khắp dãy núi Con Voi và dãy núi Hoàng Liên Sơn cùng các nhánh núi khác, đây đèo Ách, Khau Phạ, Khau Giềng, Khau Co, này Púng Luông, Nậm Tăng, Quí Xa, kia Mường Khoa, Bản Xèo, Mường Hoa, cao vời FanSiPăng... và anh cùng những công nhân địa chất đã tìm ra mỏ than Văn Chấn, mỏ than Hồng Quang, mỏ mica Bảo Châu, mỏ đá Lục Yên, mỏ sắt Khe Lếch, mỏ apatít Tằng Loỏng, mỏ đồng Sin Quyền... Cuộc sống lao động, tìm tòi, khám phá địa chất gắn liền với rừng già, núi cao, vừa gian khổ vừa lãng mạn bởi được nghe tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim hót líu lo, tiếng nai giác đêm hoang hoải, tiếng gà rừng gáy te te..., với khát khao phát hiện những thứ quặng quí dưới địa tầng đầy bí ẩn kia, đã cho anh cảm hứng về thiên nhiên tươi đẹp và kỳ bí. Có lẽ thế nên chàng công nhân địa chất Dương Soái cao lớn, đẹp trai, mặt rỗ hoa dễ thương, mắt to sáng, thông minh, vẻ thô mộc, tính cách mạnh mẽ, ăn to nói lớn, thẳng như mũi khoan địa tầng nhưng trái tim trai trẻ lại rất nhạy cảm, dễ rung động trước vẻ đẹp thiên nhiên và con người, nên đã nảy ra một Dương Soái mẫn cảm, lãng mạn, giầu cảm xúc, tâm hồn bay bổng thi ca. Chẳng thế mà trong tập thơ Đất lạ (Nxb Lao Động, 2010), Dương Soái đã dành biết bao tình cảm cho cái nghề săn tìm khoáng sản quí hiếm, bằng một loạt bài thơ viết về cuộc sống lao động và tâm hồn của người công nhân địa chất. Đấy là những chuyến lộ trình dài mất ngủ, cơn sốt đến chùn chân, chỉ có cơm ống, rau măng, và phải vạch rừng mà đi, leo ngược thác nước mà đi, ngược chiều con lũ mà đi, trườn lên đá mà bước tới..., với chiếc búa nhà nghề, với mũi khoan nhà nghề, chỉ để hỏi vách địa tầng kia ở sinh kỷ nào và tuổi đã mấy trăm triệu năm, để tìm cho ra kho báu tài nguyên cho Tổ quốc (Những chuyến lộ trình). Tìm thấy mỏ quí rồi, những người công nhân lại leo lên giàn khoan, người leo phải xoay nghiêng, tay ghì chặt, gối gập vòng theo xoắn ốc, lúc đại hàn lạnh tái, buốt giá càlê, khi mùa hạ nắng lửa, bỏng ran cần thép, chai sần bàn tay theo vòng xoắn ren..., và cứ thế, "Bàn tay người thợ khoan sâu/ Nở hoa khi mẫu quặng dầu hiện ra" (Bàn tay người thợ khoan). Còn bao nhiêu chuyện vui buồn nữa của người đi tìm mỏ trong: Địa tầng, Chiếc cầu và con đường tìm mỏ, Những vùng mỏ đã thăm dò, Vào đêm vùng mỏ, Lên tháp khoan, Gia đình địa chất, Y tá địa chất, Tiết mục tốp ca địa chất, Gửi em địa chất... Ây dà, cứ gọi là miên man cái tình người địa chất! Tôi nghĩ, Dương Soái phải là một chàng trai biết yêu thương con người, biết trân quí cuộc sống lao động, thật lòng yêu nghề và biết rung động trước thiên nhiên tươi đẹp, là mỗi dòng suối, mỗi ngọn thác, mỗi rừng cây, mỗi ngọn núi, mỗi bản làng xa vời hoang lạnh nhưng ấm nồng tình người, ấm nồng lửa ấm, thì Dương Soái mới có được những câu thơ giản dị, chân thật và vô cùng ấm áp tình người như thế. Nhờ có năng khiếu viết báo, soạn những vở chèo, câu chuyện truyền thanh và viết ký, làm thơ nữa, nên chàng trai địa chất vốn mê chèo- anh có hẳn một tập sách "Phía sau cuộc họp báo" (Nxb Văn hóa dân tộc, 2001) trong đó có hoạt cảnh chèo Trên cánh đồng xuân, Trọn vẹn niềm vui, Êm cửa ấm nhà, khá hay- được tuyển sang làm phóng viên Đài phát thanh Lào Cai, rồi Đài phát thanh Hoàng Liên Sơn, càng đi thực tế cơ sở nhiều, lại sẵn trái tim giầu cảm xúc thành ra tức cảnh sinh tình- anh mê mải sáng tác thơ! Vẫn nhớ những năm bảy mươi, tám mươi của thế kỷ trước, ngày anh Dương Soái cùng gia đình còn ở ngôi nhà lá đơn sơ ven con đường nhỏ, cạnh Đài phát thanh Hoàng Liên Sơn tít cây Bảy, tôi thường đọc thơ Dương Soái, Trần Tế, Lê Vân, Huyền Sâm, Vũ Chấn Nam, Trịnh Thoại, Hán Trung Châu, Mã A Lềnh, Lò Ngân Sủn, Pờ Sảo Mìn, Ngọc Bái..., thấy ngưỡng mộ và phục tài thơ lắm. Thế mà ngày làm Phó Giám đốc Đài Phát thanh- Truyền hình Yên Bái, bỗng dưng Dương Soái im lặng, như con gấu ngủ hang đá từ đông nọ sang đông kia, như con chim sơn ca thôi hót trú bão phương trời xa?! Có lần tôi hỏi, tại sao anh không làm thơ nữa? Anh tần ngần một lúc, rồi bảo, mình bận làm báo quá, mà chuyện nhà thì chênh vênh, lại khỗ nỗi phải quay quắt với cơm áo gạo tiền nữa, mới lại...? "Mới lại" cái gì thế? Anh mỉm cười, im lặng. Sau này tôi tự tìm hiểu mới biết chuyện "mới lại...?" của anh. Thì ra, có nhiều điều thật khó nói…

Tập thơ Gửi em ở cuối sông Hồng của tác giả Dương Soái

 

Cực chẳng đã, năm ấy là năm nào nhỉ, Dương Soái được anh em văn nghệ sĩ tỉnh nhà - toàn những tay vẻ ngạo nghễ, phớt đời và tự do kinh khủng, có mấy tay quần áo thì lòe xòe, râu tóc thì bù xù, nhưng luôn khát khao sáng tạo văn- thơ- nhạc- họa cho đời, đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng đấy- liền bầu Dương Soái làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Yên Bái. Ừ thì làm! Khổ nỗi, Hội Văn Nghệ vốn nghèo khó, mà bấy lâu trầm lặng quá thể. Nay không "phó" nữa, là "trưởng" nên Dương Soái lại phải vắt óc suy nghĩ, làm sao xây dựng Hội Văn nghệ cho ra một cơ quan Văn nghệ đàng hoàng, phân định chức trách nhiệm vụ, phòng ban rõ ràng, người lãnh đạo phải có chức sắc chính danh, giờ giấc, công việc văn phòng đâu ra đấy, Tạp chí Văn nghệ Yên Bái ra hàng tháng hình thức đẹp, có nội dung phong phú, khá hay và đúng định hướng văn nghệ, rồi tập hợp văn nghệ sĩ cho đi thực tế cơ sở khắp tỉnh nhà, đi Tây Bắc, đi miền Trung, đi miền Nam đến tận Cà Mau, rồi cho đi dự các trại sáng tác ở các Nhà sáng tác Tam Đảo, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tầu, Đà Lạt để khơi nguồn cảm hứng, xứng với tầm vóc và khát vọng sáng tạo của văn nghệ sĩ, là "Chiến sĩ trên mặt trận văn hóa-tư tưởng", đâu có thường. Dương Soái còn là người khởi xướng, rồi hì hụi xây dựng "Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Yên Bái" 5 năm/ lần, với văn nghệ sĩ là nguồn động viên và ghi nhận công lao sáng tạo, quí lắm. Vậy là mất năm năm! Dương Soái vừa lãnh đạo cơ quan vừa tranh thủ sáng tác. Thêm mấy tập thơ ra đời. Giở lại thời gian, rõ là Dương Soái không chỉ làm thơ về nghề địa chất, mà còn mở rộng đề tài sáng tác, đã có nhiều bài thơ thật trữ tình. Cứ giở tập thơ Gửi em ở cuối sông Hồng (Nxb Hội Nhà văn, 2007) và tập thơ Giao mùa (Nxb Hội Nhà văn, 2013) mà xem, bạn sẽ không thể ngờ một tâm hồn thô mộc như chàng trai địa chất Dương Soái lại trở nên trữ tình đến thế, trữ tình đến từng con chữ và hình ảnh thơ. Kia, "Bỗng bừng hoa nở trắng xô lệch chiều"(Hoa mận), rồi "Hương quả ùa mênh mông" (Hương quả), rồi "mỗi nhành non, mỗi nụ, mỗi hoa/ nối đời cây đến tận cùng xanh biếc/ một thoáng tin, một thoáng người xa biệt/ thót tâm can khắc điểm tiết giao mùa"(Giao mùa) và "Lại đến mùa mặt ruộng sánh phù sa/ Cây mạ vặn mình hóa thân làm cây lúa/ Chân ai bước trong thụt lầy buốt giá/ Đồng như mơ trước bụi mưa phùn/... Đâu dễ vô tình trước tiếng tách chồi non/ Dăm bảy cánh hoa vừa bay rời nhụy/ Ấy là quả đã hình hài lấp ló/ Ngọt ngào đang đón đợi mùa sau" (Trước mùa Xuân). Mùa sau, ấy là lúc Mùa gặt cho "Sân kho chật ních/ Lúa và rơm", ấy là khi "Tôi đi giữa quê hương lóa nắng/ Mía tháng năm xanh mướt tận chân trời/ Nghe trong gió lá mía đùa xào xạc/ Thoảng mơ hồ tiếng tách nở sinh sôi" (Mía), đó là lần Trở lại Quí Xa với bao kỉ niệm "Nơi con đường trơn nhẫy cơn mưa/ Người đi ca chân lùa trong ngã trượt/ Nơi đất bùn cũng cong lên sắc ngọt/ Làm mũi gai khi hanh giá khô về/ Cơn gió Lào ào ạt thỏi lòng khe/ Một mùa hè mấy lần cây rụng lá/ Không gian cong tưởng sắp tan thành lửa/ Nơi mùa đông gió bấc thổi mù sa". Thoảng khi Dương Soái cũng hí hớn, lúng liếng đáo để. Cho nên cái chất trữ tình còn bộc lộ trong tình yêu mộc mạc mà không kém phần ngọt ngào, sâu nặng, vẫn biết "Chẳng phải má em thơm vị mía lùi/ đôi môi em đỏ thắm/ ai hiểu lòng ta tình yêu sâu nặng/ mới biết tận nguồn tiếng của tình yêu" (Gửi một tình yêu). Anh ví "mắt em là hạt lửa/ vì đằm trong đó có bỏng đâu" (Hạt lửa), và chợt nhận ra "Con mắt mới làm quen/ Hắt vào nhau ngỡ ngàng/ Hắt vào nhau trói buộc/ Thắt lòng người nhớ thương" (Con mắt em). Thơ Dương Soái vừa đậm chất trữ tình vừa sâu nặng tinh thần công dân. Ở đấy, tư tưởng của một công dân- nhà báo- thi sĩ bao giờ cũng bao hàm cả nghĩa vụ và tình yêu với Tổ quốc. Chẳng thế mà, qua làng biên giới Lô Hà, trái tim anh thì thầm: "Ơi Lô Hà làng biên giới của tôi/ Đi mở đất và đi giữ đất/ Trải tình yêu khắp rộng dài đất nước/ Dẫu giặc còn kia vẫn say chuyện miếng trầu/ Cây súng, tình đời và đất nước quyện vào nhau" (Lô Hà trên biên giới). Với kẻ thù xâm lược, gần nhất, từ giặc Pháp, giặc Mỹ đến giặc Pôn Pốt, giặc bành trướng phương Bắc, qua mưa bom bão đạn của giặc, càng đánh giặc quân ta càng lớn mạnh, anh nhận thấy "Đâu chỉ chiến hào đá vụn tơi ra/ Mặt đất pháo đài dầy thêm mảnh đạn/ Đánh bọn giặc này, chiến sĩ ta vụt lớn/ Hóa Phù Đổng Thiên Thần trên đất ải Lê Hoa" (Sắt thép trên đỉnh pháo đài). Anh cảm thương một đồng nghiệp- nhà báo, nhà văn Bùi Nguyên Khiết, đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, lòng nghẹn ngào: "Phải hương trầm hay đấy lòng anh/ Mà nắm đất trong tay em ngạt ngào đến vậy/ Chốt Tả Ngải Chồ đạn thù đốt cháy/ Thương chỗ anh nằm đất đỏ như nung/ Nhớ trước ngày vào cuộc chiến tranh/ Anh cứ tần ngần cùng bút, phim, máy ảnh/ Anh dặn em chăm nuôi cháu Khánh/ Để chiến hào anh chăm những trang văn/ Để bây giờ đồng đội kể về anh/ Cây súng, sổ ghi lên chiến hào đánh giặc/ Một mình anh diệt bao tên xâm lược/ Phút hy sinh trái lựu đạn vẫn cầm" (Trang viết cuộc đời). Nhiều nữa! Và, như một sự xuất thần, Dương Soái đã dựng nên cả một câu chuyện rất thực mà như huyền thoại. Ấy là câu chuyện của người lính biên cương với người con gái thân thương ở cuối sông Hồng. Như tôi đã có lời từ trước, rằng Gửi em ở cuối sông Hồng được hát lên như một bản tình ca tràn đầy yêu thương, một tình yêu thương gói ghém cả tình yêu con người với tình yêu Tổ quốc. Mới thấy, sức mạnh và sự cảm hóa tình người của thi ca đến thế nào! Sự cảm hóa đến nỗi, tôi và nhà báo Thế Quynh cũng thấy áy náy rằng, từng biết cả Hoàng Liên Sơn rồi, mà sao vẫn chưa biết A Mú Sung- nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt? Kém thế chứ! Nên một ngày kia, phóng viên Báo Lào Cai đã đưa tôi và Thế Quynh, vốn cùng là phóng viên của Báo Yên Bái, ngược sông Hồng lên thăm Đồn biên phòng A Mú Sung, rồi thăm Trạm gác biên phòng A Mú Sung đặt ngay bờ sông Hồng. Chiến sĩ trạm biên phòng đưa chúng tôi ra ven bờ lau, ngó sang bên kia đất nước Trung Hoa, thấy con đường cao tốc Vân Nam - Lào Cai uốn lượn quanh sườn núi đỏ rực hoa gạo, đẹp như mơ. Nhà báo Thế Quynh hí hoáy ghi chép tư liệu viết báo, còn tôi thì tần ngần nhìn dòng sông Hồng lịm đỏ phù sa, đang rì rầm chảy xuôi. Biết rằng, sông Hồng bắt nguồn từ muôn vàn dòng thủy sinh núi Ngụy Sơn bên Trung Hoa, nhưng dòng sông Hồng của Trung Hoa chỉ đến A Mú Sung thôi, và ngay đấy, liền tiếp đấy, là dòng sông Hồng của đất nước Việt Nam ta. Nhìn cái ranh giới không ngăn cắt, vẫn không ngừng chảy kia, tôi xúc động quá và cảm giác thiêng liêng vô cùng. Ôi, dòng sông Hồng của đất nước Việt Nam tôi bắt đầu từ đây ư? Các chiến sĩ biên cương đội trời đạp đất ngày đêm canh giữ cái ranh giới chảy không ngừng nhưng bất biến kia ư? Và anh Dương Soái ơi, có phải anh đã bắt đầu Gửi em ở cuối sông Hồng là từ cái ranh giới này không? Thiêng liêng quá! Càng hiểu thêm, Dương Soái sáng tác bài thơ ấy với một cảm xúc rất sâu nặng, rất tự hào, tràn trề tình yêu thương con người và Tổ quốc. Bản tình ca Gửi em ở cuối sông Hồng, tôi cứ gọi thế cho sướng, được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc, hay đến lạ, ở chỗ, bài hát ngân lên khắp mọi miền đất nước- miền Bắc, miền Trung, miền Nam. Hát trong các cuộc sinh hoạt chiến sĩ, hát ở đám cưới, hát giữa các cuộc giao lưu bạn bè, hát karaoke, hát trên sân khấu nhỏ nhà hàng ẩm thực, hát biểu diễn trên sân khấu quốc gia, hát chơi một mình, hát tùm lum cả các cuộc nhậu nữa chứ. Mà hát từ mùa xuân, hát qua mùa hạ, hát đến mùa thu, hát xuyên mùa đông. Mà không chỉ chiến sĩ hát, người công nhân hát, công chức hát, sinh viên hát, học sinh hát, trai hát, gái hát, trẻ hát, già cũng hát, cứ ngân nga... "Anh ở biên cương biết là em năm tháng ngóng chờ, cứ chiều chiều ra sông gánh nước, nên ngày ngày cùng bạn bè trên chốt, anh lại xuống sông Hồng cho thỏa nỗi em mong/ Em ở phương xa nghe đài báo gió mùa đông bắc/ Em thương anh nơi chiến hào gặp rét và em thương anh chiều nay đang đứng gác lo canh giữ đất trời áo ấm có lạnh không? Hỡi anh yêu, người chiến sĩ biên thùy/ Có gì đâu tấm lòng người chiến sĩ có tình yêu bốn mùa vẫn ấm/ Dù gió mưa/ Dù mùa đông/ Vì rằng em luôn ở bên anh...". Ôi giời, hát mê mải, hát tha thiết, hát như trao gửi, hát não nuột cả cái tình yêu đẹp như huyền thoại ấy. Hát để thêm yêu đất nước mình. Hát cho thêm yêu thương người Việt Nam mình. Hát như một nguồn sức mạnh vô biên bảo vệ Tổ quốc mình. Hát nữa! Hát mãi! Gửi em ở cuối sông Hồng... Như thế, Dương Soái đã ghi được dấu son vào nền thi ca Việt Nam, còn ghi dấu son vào nền âm nhạc Việt Nam nữa. Vẫn có người nói, bài thơ Gửi em ở cuối sông Hồng của Dương Soái được nhạc sĩ Thuận Yến chắp cánh bay cao bay xa, nên mới thấy bài thơ hay như thế. Cũng phải! Nhưng không hẳn thế đâu! Nói cho vuông là, chính bài thơ của Dương Soái đậm chất trữ tình lắm lắm, đã bảo bài thơ vốn như một bản tình ca đượm màu sắc huyn thoại cơ mà. Cứ đọc kỹ tập thơ Đất lạ, Gửi em ở cuối sông Hồng, Giao mùa của Dương Soái, thấy rằng, anh đích thực là một nhà thơ. Mà thơ Dương Soái tuy có vài bài còn quá mộc mạc, hơi dễ dãi, thiếu chiều sâu của tâm tư nghệ sỹ và có chỗ gân guốc tí, vì anh vốn là công nhân, tính tình thẳng như mũi khoan địa tầng ấy, nhưng thơ anh thật sự nhiều chất trữ tình. Ở đấy có tình người, tình nghề, tình yêu trai gái, có gian khổ, vui buồn, có nhiều màu sắc, ánh sáng, nước, lửa, có cây lá xôn xao, rì rào suối ngàn, đèo cao mây trắng, giông bão rừng già, gió bấc sương sa, có nhiều điệu nhạc của trái tim và nhiều tiếng nhạc thiên nhiên đất trời. Vậy nên, Thuận Yến thổi nhạc vào thơ chỉ là thêm một cái cớ cho bài thơ Gửi em ở cuối sông Hồng hay hơn nữa mà thôi. Có lúc tôi nghĩ, giá mà, lại "giá mà", Dương Soái cứ Thiền mỗi sớm mai, cứ phớt-ăng-lê chuyện "mới lại" đi và makeno cái tham- sân- si thì chắc thành một nhà thơ Dương Soái với cả "gia tài" thơ phì nhiêu nở nang núc ních, tên tuổi lẫy lừng thiên hạ, chứ không à!

     Bây giờ thì ngoài bảy mươi Xuân rồi, nhà thơ Dương Soái thỏa chí mà làm thơ nhé. Bài thơ hay nữa vẫn chờ anh ở phía trước kia, là bởi luật sáng tạo không có tuổi, không có giới hạn nào cả. Dù thế, ở trần gian còn chiến tranh và còn nhiều chia ly đau khổ này, mà con người còn tình yêu thương con người, còn tình yêu Tổ quốc, thì còn mãi Gửi em ở cuối sông Hồng.

 

 H.T.S

                                        

                 

 

Các tin khác:

1-5 of 81<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter