THẾ QUYNH
Là cây bút nữ, Hoàng Kim Yến được biết với những câu chuyện hồn nhiên nhưng mang tính giáo dục cao dành cho thiếu nhi. Chị cũng từng đạt nhiều giải trong các cuộc thi viết tại địa phương Yên Bái cùng cuộc thi truyện ngắn hằng năm của ba tỉnh Yên Bái- Phú Thọ- Lào Cai. Tác giả vừa gửi đến bạn đọc tập truyện ngắn “Chiều đầy nắng”- Nhà xuất bản Văn học. Tập truyện đã đạt giải C dành cho các tác phẩm văn học nghệ thuật của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2020. Với 16 truyện, tác phẩm tập trung vào phản ánh cuộc sống đầy biến động ở nông thôn miền núi thời kinh tế mở; những góc khuất trong đời sống tinh thần của con người và nhất là đức hy sinh, tấm lòng bao dung của người phụ nữ.
Sinh ra và lớn lên từ nông thôn, những kỉ niệm ấu thơ cùng các mối quan hệ xã hội in đậm trong ký ức để bây giờ Hoàng Kim Yến trải lòng trên trang viết. Điều dễ nhận thấy trong tập truyện là cuộc sống gian khổ còn nhiều thiếu thốn của con người vốn sâu rễ bền gốc với mảnh đất làng. Nhớ lại cái thời bao cấp, một ông Bố vì chính trực bị kẻ xấu gieo oan đã quyết bỏnơi bon chen về sống đời thanh sạch. Nhưng ở đâu thì cũng không thoát khỏi cái nghèo. Là trụ cột gia đình không khỏi xót xa mỗi lúc nghe “cái tiếng con Hoa vét gạo quèn quẹt xuống đáy thùng lại vang lên. Nó cứ như tiếng cưa sắt với những cái răng nhỏ li ti nhưng thật bén đang miết vào lòng bố” (Bán nhà). Bươn chải đủ đường, từ buôn mớ rau đến chặt nứa rừng để bán mà vẫn chật vật. Chỉ khi con người ta tự vươn lên bằng chính ý chí cùng nghị lực của mình thì mới có một cơ ngơi khang trang với ngôi nhà, vườn cây, ao cá, đàn bò và sự ngưỡng mộ của cộng đồng. Rồi hội nhập và kinh tế thị trường, vấn đề lao động luôn là thời sự. Ly nông mà thiếu việc làm, lại chạy chọt để có chỗ đứng trong nhà máy hoặc đành xa vợ con kiếm sống nơi đất nước xa lạ với bao phấp phỏng về những món nợ chưa trả… Trong cái vất vả ấy đối tượng bị tác động nhiều nhất vẫn là người phụ nữ. Một bà Mẹ “cố gắng hơn để kiếm tiền. Nắng dai như đỉa rút sức lực của mẹ đọng thành mồ hôi. Mồ hôi ướt lưng áo, mồ hôi chảy ròng ròng từ mặt xuống cổ, loang lổ trên ngực, trên hai vạt áo. Dường như vẫn không đành lòng để vậy, nắng lại kiên trì làm khô đến cong vênh cái áo bảo hộ lao động đã trắng ra vì muối mặn mồ hôi. Cứ thế ướt lại khô, khô lại ướt” (Bán nhà). Những người Chị, “Nắng tháng sáu, thứ nắng rang con người ta cho khô quắt. Mặt đường chảy nhựa bóng loáng dưới nắng trưa, bốc hơi nóng hầm hập. Chị vừa chạy chuyến xe ôm lên Lục Yên. Cả thảy khoảng một trăm cây số. Nóng đến phát ban cả người nhưng chị lại vui vì vừa kiếm được chút tiền nộp học cho bé Hồng” (Người trụ cột). Không chỉ khổ về miếng cơm, manh áo, họ còn là nạn nhân của lề thói lạc hậu, hủ tục, bạo hành. Bà Vui (Chiều đầy nắng) gần trọn đời sống trong uẩn ức chồng nọ con kia mà không thể thanh minh, chỉ đến khi nhắm mắt tắt hơi nỗi oan mới được giải tỏa. Người phụ nữ trong các truyện “Bước ngoặt”, “Người trụ cột”, “Người nối dõi”, “Chuỗi cười giòn tan” dường như đánh mất tuổi thanh xuân của mình vì chồng nghiện ngập, bội bạc; có khi day dứt đau khổ bởi định kiến xã hội do không sinh được quí tử nối dõi tông đường. Không phải ai cũng giống Cô (Bước ngoặt) dám mạnh dạn dứt bỏ. Nhìn chung lòng vị tha, đề cao bổn phận, thiên chức vẫn là nét chung của những nhân vật nữ.
Qua tập truyện, bạn đọc còn được chứng kiến sự biến động của vùng quê vốn dĩ yên ả nay chuyển động cùng kinh tế thị trường. Đường cao tốc mở ra, “Những tấc đất từ trước đến nay vẫn bỏ không cho lợn dũi, gà bới giờ bỗng dưng mang về cho chủ bạc triệu. Thành ra lại nảy sinh nhiều mâu thuẫn giữa anh em, làng xóm chỉ vì không ai chịu nhường ai cái gang đất bạc triệu ấy”. Nhà máy về quê dẫn đến thảm họa môi trường; cha mẹ bán nhà theo con ra phố để rồi cuối đời trắng tay… Nhưng giữa sự băng hoại đó cái bản chất sâu rễ bền gốc là tình quê, tình người không dễ mất. Ông Bố trong “Đồng đội” không quên bạn chiến đấu dù bây giờ đang trong hoàn cảnh lang thang, nhớ nhớ quên quên do hậu quả chiến tranh. Bài học ông dạy con thành liều thuốc quí cho chứng bệnh vô cảm ở bao người “Chính tình người mới sưởi ấm được lòng người, con ạ. Nếu chỉ nghĩ đơn giản như con thì bố đã đưa bác ấy vào viện dưỡng lão lâu rồi”. Người Bố trong “Bán nhà” sẵn sàng giang tay giúp đỡ ông Tuấn- kẻ chủ mưu vu oan gá họa đẩy ông vào bước đường cùng- khi thất cơ lỡ vận; ông Kha với cậu con nuôi Hùng (Vết sẹo) là bác sĩ phụ trách trại cai nghiện luôn rộng lòng bao dung “Nó bảo nó thương họ, cũng là con người nhưng do dại dột mà sa ngã giờ ra nông nỗi ấy họ cũng khổ sở lắm rồi. Giúp đỡ họ được gì để họ bớt đi mọi khổ ải thì cố giúp”. Và Chị (Chuỗi cười giòn tan), ông Vĩnh (Món quà), Bà Loan (Làm con)… đều là những nhân vật truyền cảm hứng nhân văn bởi lòng tốt luôn được đền đáp.
Vì tính chất và giới hạn về dung lượng của thể loại đòi hỏi người viết phải dồn bút lực sao cho tác phẩm “ngắn” có thể chuyên chở thành công những ý tưởng nghệ thuật, mang đến cho người đọc những xúc cảm thẩm mĩ. Thế nên bút pháp là yếu tố quan trọng chi phối đến thành công của truyện ngắn. Ở “Chiều đầy nắng”, ta ngỡ ngàng khi gặp một giọng văn quê kiểng mà không thiếu chất thơ, chất trí tuệ. Chính điều này sớm làm nên cái riêng của cây bút Hoàng Kim Yến. Không phải ngẫu nhiên tác giả lấy tên truyện ngắn “Chiều đầy nắng” để làm tên chung cho cả tập sách. Cái “nắng” được miêu tả sinh động ở từng thời điểm, trong không gian khác nhau và quan trọng hơn cả là nhằm bộc lộ tình cảm, tâm lý người. Đa phần nắng gợi sự vất vả bươn chải kiếm sống của người mẹ, người chị; có cái nắng chứa chan đủ đầy “Cả đàn bò thấp thoáng trong bóng hoàng hôn, đông đúc no nê chạy về. Chúng đang chở trên lung rất nhiều đốm nắng gom nhặt từ khắp nơi mang về quây quanh bố” (Bán nhà); khi thì biểu lộ sự tức giận “Nắng, cái nắng làm cho người ta cảm giác bị khô quắt lại. Thứ nắng làm cho những người huyết áp như tôi là sợ nhất. Nó khiến cho mặt tôi phừng phừng như vừa uống xong cút rượu. Mạch máu hai bên thái dương căng phồng, giật liên hồi. Đau đầu như búa bổ” (Nỗi đau của chị); hơn hết vẫn là niềm vui hạnh phúc“Nắng chiều quét một vệt dài trước sân nhà ông Vĩnh. Thằng cu ngồi trên chiếc xe ba bánh ôm con lật đật cười khanh khách theo từng nhịp ú òa của bà Thái. Ông Vĩnh đang đẩy phía sau, xoa đầu con, mủm mỉm cười theo” (Món quà)… Và nếu nghĩ: mộc mạc dễ ít trí tuệ thì chưa hẳn đã đúng với Hoàng Kim Yến. Đọc văn chị hay gặp những câu gần gũi cách nói người quê “Chỉ có bà là lội ngược dòng. Bà giống như cây măng mù mắt mọc vào gốc cây tre. Thành ra cả bà, cả ông Hùng và đứa con dứt ruột đẻ ra của bà đều mang tiếng xấu” (Chiều đầy nắng), hay “Bố được thuyên chuyển sang làm bảo vệ, nhanh chóng, cương quyết như thể người ta mang vứt đi cái gậy vô duyên dám luồn vào bánh xe” (Bán nhà). Vậy mà nhiều lúc rất triết luận “Hiện đại mà không coi trọng truyền thống ông cha là cái thứ hiện đại mất gốc, chỉ là phần ngọn của cái cây thôi. Cao đấy, được tắm gội nắng gió đấy, được thể hiện mình giữa trời cao đấy nhưng cái gì nuôi cho ngọn tươi tốt mà vươn cao. Không phải gốc thì là gì” (Quê núi). Có lúc tác giả mạnh dạn luận đàm về cách nhìn nhận, đánh giá con người trong xã hội, vấn đề cao siêu cũng thành giản đơn như một cuộc cờ “Vì bác muốn xem đời người bị xoay vần ra sao. Bác cháu ta cũng đang là những quân cờ trong bàn cờ cuộc đời đấy thôi. Cuộc đời này có nhiều dạng người lắm, người ngay thẳng, chuyên đi thẳng mà vẫn làm được việc như cái anh xe. Rất thân cận, trọn tình nhưng lại không có nhiều quyền lực như hai anh sĩ, chỉ quanh quẩn trong bốn ô vuông thôi. Thiếu nó cũng nhiều tai bay vạ gió. Cái anh tốt là bị coi thường nhất, ít quyền lực, lại phải luôn đứng đầu chịu mọi hòn tên mũi đạn nhưng có lúc chính anh tốt lại làm nên đại cục. Có điều cần cái giỏi của người cầm quân, biết đặt chúng vào những chỗ thích hợp với khả năng của chúng” (Đồng đội).
Là các câu chuyện kể bằng văn xuôi và có xu hướng ngắn gọn, súc tích, vì thế tình huống truyện cũng luôn là vấn đề quan trọng bậc nhất của nghệ thuật truyện ngắn. Do vậy xây dựng tình huống truyện độc đáo trở thành một trong những yếu tố góp phần đem lại sự thành công, giúp nhà văn khắc họa rõ nét phẩm chất, tính cách, khả năng ứng xử của nhân vật đồng thời bộc lộ sâu sắc ý đồ tư tưởng của mình. Truyện ngắn của Hoàng Kim Yến chủ yếu là tình huống hành động, mọi chi tiết xoay quanh hành động có tính bước ngoặt của nhân vật. Mười sáu truyện là mười sáu tình huống khác nhau, không có sự lặp lại. Một cô Vui được anh Thắng kiểm lâm hy sinh thân mình cứu thoát khỏi cơn lũ bùn khi đang mang bầu thằng Tý. Người duy nhất biết chuyện là Hùng chồng cô cũng lại sớm qua đời. Lời trăng trối của anh là đưa ảnh Thắng lên bàn thờ cùng để được hưởng chút hương hoa khỏi trở thành ma đói ma khát. Việc làm này khiến mẹ chồng và mọi người trong gia đình nghi ngờ “đàn bà có chồng mà vẫn tơ tưởng tới người yêu cũ”. Thằng Tý cháu đích tôn cũng vì thế “nghiễm nhiên bị loại khỏi dòng tộc” sinh oán hận mẹ và bỏ nhà ra đi. Mọi sự chỉ thật sự sáng tỏ khi ông Tam được cứu sống nhờ “dòng máu nhà họ Triệu đang chảy trong huyết quản thằng Tý” và được biết sự thật qua câu chuyện của anh Cường bạn cùng đơn vị với Hùng kể lại. Kết thúc buồn khi bà Vui hấp hối lúc xuống mồ vẫn chờ đợi đứa con trở về trong một “Chiều đầy nắng”. Có truyện hành động thuộc hiện tại mà tình huống đậm chất liêu trai, gần với chuyện thiếu phụ Nam Xương. Cô Vân (Đợi) có chồng đi xuất khẩu lao động ở Malayxia, đêm đêm hai mẹ con ngóng điện anh gọi về trong nỗi nhớ khắc khoải. Hoàn cảnh mẹ yếu, con thơ khiến cô khát khao một bờ vai đàn ông làm chỗ tựa lúc bão giật, con đau. Hùng là bạn học cùng làng đã đến tận tình giúp đỡ với cả những lời yêu gan ruột. Nhưng chính lòng chung thủy đã thắng cám dỗ nhục thể, Vân đứng vững dù trong cơn mê sảng chót chặt đứt ngón tay út của mình. Tuy vậy vẫn có vài truyện như: “Quê núi”, “Điều không thể mất”, “Tôi sẽ về” tình huống đặt ra và hướng giải quyết đơn giản nên chưa tạo hấp dẫn.
Không ồn ào, lặng lẽ viết và gặt hái thành công, Hoàng Kim Yến dần tự khẳng định mình. Cùng một số cây bút nữ: Nguyễn Ngọc Yến, Dương Thu Phương, Thái Ly, Bùi Kim Cúc, Thúy Hợp, Lương Tuyết Nga… đang góp phần làm phong phú diện mạo văn xuôi Yên Bái.
T.Q