NGÔ XUÂN KHÔI
Rất khó kiếm một tờ báo nào không sử dụng minh họa. Theo một số tư liệu, tờ báo đầu tiên ra đời tại Việt Nam là Gia Định Báo, xuất bản từ 1865. Tính từ bấy đến nay đã hơn 1,5 thế kỷ các bức vẽ minh họa luôn đồng hành với báo chí, văn chương. Trong một bài viết nói về các minh họa trên báo xuân miền Nam trước năm 1975, tác giả Phạm Công Luận rút tít lớn: “Minh họa quyết định sự thu hút của trang báo”. Điều này là hẳn nhiên, không có gì phải bàn cãi. Như chúng ta đều biết, các tín hiệu từ hình vẽ đến mắt độc giả với vận tốc của ánh sáng. Với đặc trưng ngôn ngữ mang tính toàn cầu, không cần phiên dịch, các bức minh họa đóng vai trò không thể thiếu trong thông tin báo chí. Minh họa không phải để lấp chỗ trống, không phải chỉ thuần tuý làm đẹp mà đó là một kênh thông tin.
Đã từ lâu, Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, sau này có cả tờ Văn nghệ Công an và ở hầu hết tạp chí văn nghệ các địa phươnglà những địa chỉ quen thuộc không chỉ phát hiện, đăng tải các tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của nền văn học nước nhà mà còn là nơi hội tụ các họa sĩ tài danh của giới mỹ thuật, từ trung ương đến địa phương. Thế hệ trước có: Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Sỹ Ngọc, Văn Đa, Huy Toàn, Vũ Duy Nghĩa… thế hệ tiếp theo có Vũ Huyên, Lê Trí Dũng, Thành Chương, Phạm Minh Hải, Lương Xuân Đoàn, Đặng Xuân Hòa, Hoàng Hồng Cẩm, Đỗ Phấn, Đỗ Dũng, Hà Chí Hiếu, Hoàng Phượng Vỹ, Phạm Quang Vinh, Ngô Xuân Khôi, Đào Quốc Huy…
Trước năm 1975, báo chí miền Nam có đội ngũ hoạ sĩ minh họa khá đông đảo, thế hệ trước có thể kể tên: Ngọc Dũng, Phạm Tăng, Ngân Hà, Mạnh Quỳnh, Hoàng Tích Chù, Tú Duyên… trong số ấy có những hoạ sĩ Mỹ thuật Đông Dương, từ Bắc di cư vào. Thế hệ sau có: Bình Thành, Mai Hoàng Minh, Thế Chương, Hưng Hội, Nguyễn Văn Mười, Phan Khánh, Lê Minh… Các báo chủ yếu của tư nhân, bị chi phối bởi kinh tế thị trường nên sự đua tranh về độ hấp dẫn khá quyết liệt.
Mỗi người một cá tính, một phong cách khác nhau, nhưng có điểm chung là tranh của họ đều đẹp và phù hợp với các tờ báo mà họ được mời cộng tác. Chỉ vài ba nét vẽ đơn sơ đen trắng, đầy xúc cảm mà rất có hồn, bố cục chặt chẽ, mảng nét khúc chiết nửa như gợi mở, nửa như khái quát chưng cất mà thành… Có hoạ sĩ luôn tìm tòi sáng tạo, lấy cảm hứng từ hình tượng văn học, từ ý tứ văn chương để tạo hình, lựa chọn cách thể hiện, đa dạng hoá bút pháp, đồng cảm với người viết để cộng hưởng, để phù hợp với giọng điệu của từng tác giả. Với những hoạ sĩ như vậy độc giả luôn bất ngờ, khó đoán trước họ vẽ gì và vẽ như thế nào. Nhưng cũng có những hoạ sĩ cá tính mạnh, họ luôn áp đặt lối vẽ. Với gương mặt và dáng vẻ đã định hình rất riêng ấy họ càn lướt qua các trang văn bất chấp tác giả hay câu chuyện đến từ vùng miền văn hoá nào…
Mỗi thể loại văn học lại cần một cách vẽ minh họa khác nhau. Thơ cần vẽ bay bổng, nhẹ nhàng, đa nghĩa. Truyện ngắn có thể vẽ cách điệu, ẩn dụ, tượng trưng. Ký, bút ký lại cần sự chân thực, đôi khi sự tả kể lại có tính thuyết phục. Truyện hay, độc đáo, ấn tượng sẽ kích thích sự sáng tạo của hoạ sĩ.
Nhận bản thảo đọc để minh họa, các họa sĩ thường không mấy hào hứng khi gặp thể loại Bút ký. Ký, Bút ký là những ghi chép người thật, việc thật gần như là đã vạch ra đường biên giới hạn không gian, đề tài và cũng đồng nghĩa với việc bó hẹp sự bay bổng trong sáng tạo của họa sĩ. Cũng giống như làm thơ, minh họa đôi khi cũng cần tìm tứ, nhưng điều này không phải lúc nào cũng làm được vì bị câu thúc bởi thời gian, “sáng đưa, trưa lấy”. Cái tứ trong minh họa thật mơ hồ, vô hình, khó nhận biết.
Có nhận định đại ý thế này: Chỉ cần xem các minh họa trên các báo cũng có thể thấy hình ảnh đất nước, gương mặt xã hội qua các thời kỳ phát triển. Nhưng để ý các minh họa trên báo chí mấy chục năm qua chúng tôi thấy hình như các họa sĩ rất né tránh vẽ các sản phẩm công nghiệp như máy móc, các phương tiện giao thông... ngoại trừ súng ống. Có thể vì các đối tượng kia khô khan, ít chất thơ hay vì lý do gì khác?
Nghệ thuật nói chung là thứ để cảm nhiều hơn để hiểu. Độ thẩm thấu nông sâu về tác phẩm tùy theo trình độ, mỹ cảm của người thưởng lãm, không riêng gì hội họa.Có người bảo minh họa đẹp đã như một tác phẩm hoàn chỉnh đứng độc lập. Nhưng cũng có những minh họa nếu tách khỏi nơi nguồn gốc nó phát sinh, tức là văn bản ngôn ngữ thì nó trở nên khó hiểu, vô lý, đôi khi như là ngớ ngẩn. Tên của truyện như chìa khoá, như nút thắt, như đầu mối để người xem lần theo để tìm câu giải thích cho trạng huống, cho các chi tiết xuất hiện trong bức vẽ...
Nhìn ra thế giới, những tờ báo in đầu tiên được xuất bản hàng tuần ở Đức từ năm 1609. Nhưng phải hơn 200 năm sau tức là đến nửa sau thế kỷ 19 các tờ báo chuyên về tranh minh họa mới xuất hiện tại Anh. Các tờ báo như: "The Penny Illustrated Paper" (1861), "The Illustrated Police News" (1864) và "The Graphic" (1869) đã xuất bản và tái bản hàng nghìn bức tranh minh họa, từ giật gân đến trần tục, từ chân dung đến các bức tranh liên hoàn, toàn cảnh. Điều này đã làm thỏa mãn độc giả thời ấy bằng những trải nghiệm thị giác vô cùng thú vị. Và chính điều này đã làm cho các tờ báo minh họa trở thành tiền thân của truyền thông đại chúng một cách hiệu quả.
Công nghệ in và khắc minh họa cuối thế kỷ 19 ở Anh: Các bản vẽ minh họa ban đầu được chuyển lên bề mặt gỗ bởi các nghệ sĩ khắc. Vì gỗ hoàng dương không phải là một cây lớn, phải dùng nhiều mảnh vuông ghép và khóa lại với nhau để có hình minh họa lớn hơn. Các khối này sau đó có thể được tách ra và chia cho một số thợ khắc tay cùng một lúc, những người này đã phối hợp nỗ lực để tạo ra bản âm của hình ảnh. Sau khi được khắc, các khối được lắp ráp lại và khóa thành một dạng mẫu, hoặc để in trên máy ép hơi, hoặc có thể được “sao chép” thông qua quy trình tạo khuôn mẫu và đúc lại dưới dạng tấm in cong, sẵn sàng để sản xuất nhanh hơn trên máy in trục cuốn.
Ở ta, trước đây khi còn sử dụng công nghệ in tipo thô sơ, các bức vẽ thường chỉ đơn sắc, mảng bẹt để tiện cho việc khắc thủ công trên gỗ, sau đó tạo khuôn in. Ngày nay, với sự phổ biến của máy tính và công nghệ in hiện đại, các họa sĩ đã thoả sức sáng tạo, có thể sử dụng mọi thủ pháp, không hạn chế số màu và tốc độ xuất bản cũng nhanh hơn rất nhiều, gần như là tức thì.
Sách Guinness, kỷ lục thế giới ghi nhận bức minh họa đắt nhất thế giới thuộc vềtranh gốc đen trắng do cố họa sĩ người Bỉ Georges Prosper Remi (1907- 1983), nổi tiếng qua bút danh Hergé vẽ. Bức minh họa này trong khuôn khổ tập truyện "Thám hiểm mặt trăng" ấn hành năm 1954, được rao bán giữa tháng 11/ 2016 với giá 1,55 triệu euro, tương đương gần 1,65 triệu USD tại Nhà bán đấu giá Artcurial.
Công nghệ thông tin, truyền thông mạng đang ngày càng đẩy báo giấy vào khó khăn, giảm số lượng ấn bản, thu hẹp phạm vi phát hành, sức lan tỏa trong cộng đồng bạn đọc cũng đang ngày càng yếu đi. Điều đó đồng nghĩa với việc các minh họa trên báo giấy ngày càng ít đi, ngày càng thưa vắng hơn. Trí tuệ nhận tạo ra đời, với khả năng vẽ vời siêu phàm chắc chắn đang là mối “đe doạ khủng khiếp” với những người vẽ minh họa. Nhưng có lẽ giống như trong một xã hội văn minh tất cả đều là sản phẩm công nghệ thì người ta lại trân quí, thấy giá trị hơn đồ handmade. Những bức minh họa được sinh ra từ nguyên cớ văn học, từ câu chuyện, từ nhân vật của nhà văn và làm tròn sứ mệnh của mình khi song hành với văn chương, với báo chí; chắp cánh cho văn chương, làm sáng rõ ý nghĩa, thông điệp câu chuyện thông qua ngôn ngữ tạo hình.
N.X.K