Tại Trung tâm Văn hóa Pháp vừa diễn ra buổi tọa đàm khá long trọng Đời và thơ Lê Đạt có tiêu đề khá hấp dẫn: “Bóng chữ ngả dài trên Đường chữ”
Tại Trung tâm Văn hóa Pháp vừa diễn ra buổi tọa đàm khá long trọng Đời và thơ Lê Đạt có tiêu đề khá hấp dẫn: “Bóng chữ ngả dài trên Đường chữ” với sự tham gia của nhiều diễn giả là các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình để tỏ lòng tri ân đối với ông, nhưng mặt khác cũng là sự khẳng định thêm giá trị đích thực trong đời sống thi ca đương đại Việt.
Sau hơn 30 năm kể từ vụ Nhân văn - Giai phẩm (1958), năm 1988, nhà thơ Lê Đạt đã được phục hồi và ông cho ra mắt bạn đọc tập Bóng chữ (1994) và hàng loạt tác phẩm tiếp theo như: Hèn đại nhân, (1994), Ngó lời (1997), Từ tình Effel (1998), Mi là người bình thường, (2007), U75 từ tình (2007); và năm 2009, sau khi ông mất được 1 năm, tuyển tập Đường chữ được công bố với đông đảo công chúng ngưỡng mộ thơ ông.
Tác phẩm để đời Bóng chữ, một tập thơ đã tạo nên thương hiệu riêng, minh chứng cho sự làm mới nền thi ca Việt đương đại. Ngay từ Bóng chữ, Lê Đạt đã bước lên thi đàn với tư cách một nhà thơ lớn. Ông cùng với Thanh Tâm Tuyền, Đặng Đình Hưng, Trần Dần đã xây dựng nên nền thơ Việt Nam hiện đại. Chính nhờ điều đó mà năm 2007, cùng với Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm..., ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật.
Đường chữ (2009) là tập hợp những gì tinh tuý nhất trong sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Lê Đạt. Ở đây, người đọc thấy một Lê Đạt càng viết, càng hay. Thơ ông táo bạo, lạ lùng, không trộn lẫn vào đâu được. Lê Đạt là một “cái gạch nối” sâu đậm nhất giữa truyền thống và đương đại về thi ca. Ông là một trong số ít những nhà thơ chủ trương theo đường lối thơ “tạo sinh” nghĩa mới cho chữ, cái làm nên văn bản thơ. Với ông, thơ phải đạt đến “ý tại ngôn ngoại”, phải cô đúc, đa tầng, đa nghĩa và đa ngã. Đọc thơ ông buộc người ta phải nghĩ khác, bởi lẽ nó rất giàu nhạc điệu, sáng tạo, vừa nhiều điển cố văn học và lịch sử, lối chơi chữ tạo hình hóm hỉnh, vừa mang chất dân gian nhưng lại cũng rất bác học. Đấy cũng chính là cái mà ông gọi là “bóng chữ”, tức là chữ không chỉ là vỏ ngôn ngữ tạo nên hình hài của tư duy thơ mà cần phải có hồn vía (bóng) của chữ mới có thể tạo thành thơ.
Người đọc tinh ý không quá khó để có thể thấy trong ông có hai con người cùng song hành. Một nhà thơ Lê Đạt vừa cách tân, theo truyền thống của Mallarmé (Pháp), Đỗ Phủ (Trung Quốc)... và một nhà thơ Lê Đạt với tư cách là người đi tiên phong mở ra một kỷ nguyên mới cho thơ Việt đương đại. Muốn vậy, ông phải lao tâm, khổ tứ lắm để lùng sục vào tận ngõ ngách của chữ và lời, của từ và tiếng để rồi ngay lập tức bỏ qua cái vỏ bên ngoài của nó, để tìm đến bản chất bên trong của nó mà ông gọi là “bóng chữ”. Với phần lớn người thơ Việt đương đại, việc tìm được chữ hợp với ý mình cho thơ đã là một chuyện vô cùng khó, còn nói gì đến việc tìm được bóng của chữ. Có lẽ ngoài nhà thơ Lê Đạt, từ trước đến giờ, thậm chí đến cả mai sau cũng ít ai dám nghĩ và có thể làm được cái việc như ông đã từng làm. Không chỉ riêng lĩnh vực thơ, mà cả ở truyện ngắn, đoản ngôn..., mỗi con chữ ông dùng đều có một vị trí hết sức độc lập, riêng biệt, tạo nên các tầng giá trị ngữ nghĩa và thẩm mỹ độc đáo, mà dù ai có muốn cũng khó có thể thay bằng một chữ khác, nếu không muốn làm biến dạng cấu trúc câu thơ, mạch văn, sai lệch nghĩa chữ của ông.
Về khía cạnh sáng tạo thi pháp thơ, ông rất xứng đáng được tôn vinh là người hẳn hoi nhất trong làng thi ca Việt đương đại.
Đỗ Ngọc Yên
Theo Tạp chí Sức khỏe & đời sống