Anh Thư
“Trắng ngần hoa Ban” là tập tản văn và ký đầu tiên của cô giáo Dương Hiền Nga nhưng là tập sách thứ hai tác giả cho ra mắt bạn đọc. Trước đó, tập truyện thiếu nhi “Ước gì có cánh” xuất bản cuối năm 2011 nhanh chóng nhận được sự yêu mến của độc giả đã ghi nhận tâm huyết của một “cô giáo viết văn”.
58 bài ký và tản văn trong “Trắng ngần hoa Ban” là đầy ắp những cung bậc cảm xúc, nỗi lòng của tác giả qua từng chuyến đi, với mỗi vùng đất, con người mà tác giả yêu mến. Đọc những bài viết của tác giả Dương Hiền Nga, ta bị lôi cuốn không chỉ bởi giọng văn mượt mà, chau chuốt mà còn bởi đó là cái nhìn tinh tế của một cô giáo dạy văn; của một người yêu quê hương xứ sở; và của một người lãng mạn, yêu thiên nhiên.
Với cái nhìn của một người lãng mạn, yêu thiên nhiên, tác giả đã khiến bạn đọc “mê mẩn” trước “Sắc thắm hoa Ban đỏ”, “Trắng ngần hoa Ban”, “Đợi mùa ban nở”, “Hoa đào Tây Bắc”; trước vẻ đẹp rực rỡ của rừng hoa tớ dảy, vẻ tươi tắn bừng sức sống của mưa xuân trong “Hơi thở mùa xuân”… Qua con mắt và cảm nhận của tác giả Dương Hiền Nga, thiên nhiên là người bạn gần gũi, có tâm hồn và đời sống riêng. Mỗi loài hoa Tây Bắc mang một vẻ đẹp khác nhau nhưng dường như tác giả có phần ưu ái hoa Ban mỏng manh, dung dị. Có lẽ vì Ban là “loại cây bình dị gắn bó với người Tây Bắc từ bao đời. Người Tây Bắc yêu Ban bởi Ban là hóa thân của người, là biểu tượng của tình yêu trắng trong chung thủy, là nỗi niềm thương cảm, khâm phục và xót xa lưu truyền từ bao đời. Người Tây Bắc dù sống ở đâu cũng coi hoa Ban là loài hoa đẹp nhất, đáng yêu, đáng quý nhất.” Cũng vì yêu loài hoa này nên tác giả đã chọn “Trắng ngần hoa Ban” làm nhan đề cho cả tập và nhấn mạnh vẻ đẹp của hoa Ban qua đoạn trích bìa cuối. “… Ban không phải một bông, một đóa, một cành mà cả một cây toàn hoa, một rặng toàn hoa, một rừng hoa đồng loạt nở trong nắng xuân phơi phới, làm lòng người cứ rưng rưng xúc cảm về một vẻ đẹp trong ngần thơm thảo. Ban đã nở là nở hết mình, đẹp dịu dàng mà quyến rũ, không rực rỡ, không chói lòa mà êm đềm ngọt ngào, một vẻ đẹp chỉ tri ân với những ai yêu cỏ cây thiên nhiên”. Đọc những dòng ấy, hẳn bạn đọc ước ao một lần được chiêm ngưỡng vẻ đẹp mộc mạc mà quyến rũ của loài Ban.
Tập Tản văn và Ký "Trắng ngần hoa ban" của tác giả Dương Hiền Nga
Với cái nhìn của một cô giáo dạy văn yêu nghề, yêu trò; ta thấy được những trăn trở trong cuộc đời dạy học; những suy tư, cảm nhận trước một vấn đề của văn học. Có thể bắt gặp điều đó qua các bài: “Lời ru ngọt lành”, “Hơi ấm tình quân dân”, “Bàn tay ấm áp”, “Cây đa, giếng nước, sân đình”, “Cô trò tôi học viết báo”, “Hình tượng trái tim trong văn chương”, “Khai bút đầu xuân, một nét đẹp văn hóa”, “Vườn quê trong hồn người”, “Ngẫu hứng một bài báo”, “Thăng Long- Hà Nội qua những trang ca dao”, “A Mú Sung ngày nắng đẹp”, “Vầng trăng tình thương”… Đó có thể là trăn trở, xót xa về những thiếu thốn, khó khăn của các em học sinh vùng cao nơi mảnh đất xa xôi Nậm Mười của huyện Văn Chấn- Yên Bái; nơi giáp biên giới Việt- Trung A Mú Sung của tỉnh Lào Cai hay điểm trường nằm trên sườn đèo Ô Quy Hồ- Sa Pa… Là một nhà giáo cũng trải qua nhiều gian khó nhưng khi theo đoàn thiện nguyện đến với những điểm trường xa xôi, tác giả Dương Hiền Nga cảm nhận “Những ai chưa một ngày dạy học ở vùng đặc biệt khó khăn thì khó mà mường tượng hết và cũng khó có bút mực nào tả xiết những gian lao đó. Lòng tôi dâng lên niềm yêu mến, khâm phục các đồng nghiệp trẻ… ”. Hay khi được tận mắt chứng kiến quãng đường đi học của các em học sinh Trường THPT Văn Chấn, nhà thì cách trường 10 đến 15 cây số nhưng các em vẫn đi về hàng ngày “mà lòng tôi trào dâng một tình cảm yêu thương trìu mến với những học trò không quen biết và cảm thấy trách nhiệm làm thầy của mình có sức nặng hơn nhiều trước các thế hệ học sinh”.
Sâu sắc, lắng đọng hơn cả là qua cái nhìn của một người yêu đất nước, quê hương; vẻ đẹp mỗi miền quê đất nước hiện lên với cảm xúc thật tự hào. Bạn đọc sẽ bắt gặp cảm xúc ấy khi tác giả viết về quần đảo Hải Vân của huyện Vân Đồn trong bài “Chuỗi ngọc trên biển Đông Bắc”. “Tinh mơ, bừng tỉnh trên hòn đảo đẹp như một viên ngọc ngoài khơi của Tổ quốc cho ta cái cảm giác lạ lẫm, thú vị. Cát trắng mịn ngọt ngào dưới gan bàn chân, biển nơi đây trong veo và được công nhận là bãi biển đẹp và trong nhất miền Bắc quả không hổ danh. Một ngày một đêm trên đảo để lắng nghe vang vọng của mấy ngàn năm tuổi, để cảm nhận cả mấy ngàn trang sử đọng lại trên mảnh đất vẻn vẹn 15km2 giữa trùng dương khiến lòng xao xuyến và tự hào”. Khi đến Phú Quốc, tác giả “bỗng nhận ra điều giản dị: biển đảo quê hương ta máu thịt vô cùng, mảnh đất âm vang bao truyền thống anh hùng. Ôi xứ sở giàu đẹp như bức tranh nhung gấm mà bàn tay tiên đã tỉ mỉ thêu lên biển biếc Kiên Giang…”. Sâu đậm nhất là tình cảm dành cho miền quê Tây Bắc trắng ngần hoa Ban. Đó là thung lũng Mường Lò nơi tác giả gắn bó cả cuộc đời dạy học. Yêu thương mảnh đất này, tác giả thông thuộc nhiều nét văn hóa của đồng bào các dân tộc nơi đây như: ngày hội xuống đồng, lễ mừng cơm mới, văn hóa múa xòe, tập quán nằm đệm bông lau… của người Thái Tây Bắc; tập quán đi chơi núi ngày xuân của đồng bào Mông. Đó là mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc- Lào Cai, nơi tác giả sinh ra và lớn lên, nơi cất giữ những kỉ niệm tuổi thơ luôn đau đáu trong tim. Tình yêu ấy của tác giả khiến những ai chưa một lần đặt chân đến cây cầu Cốc Lếu cũng có cảm giác mến thương nơi này. “Đi suốt chiều dài đất nước, lòng tôi từng rung động trước bao cây cầu đẹp bắc ngang những dòng sông thơ mộng với bao địa danh nổi tiếng, nhưng chỉ cây cầu Cốc Lếu nơi đầu sông là lòng tôi gửi trọn niềm yêu thương, nhớ nhung vô hạn, cho dù xa cách đã bao năm”.
Trong tình yêu quê hương xứ sở của tác giả, còn có hình ảnh những con người hiền hậu, tảo tần, chịu thương chịu khó như “Bà tôi”; hình ảnh anh nhân viên trông coi khu tượng đài chiến thắng Nghĩa Lộ hết lòng với trách nhiệm lặng thầm của mình; hình ảnh những hội viên chi hội nhiếp ảnh Yên Bái mà tác giả gọi là “những người nghệ sĩ săn lùng cái đẹp”; hình ảnh những người thầy, người bạn tuổi học trò... Đó đều là những con người tác giả yêu mến, trân trọng và ghi nhớ mãi trong cuộc đời.
Với độ dầy gần 300 trang, tập ký “Trắng ngần hoa Ban” chứa đựng ăm ắp những cảm xúc về đất và người quê hương; và sự phân chia “cái nhìn” như ở trên chỉ là tương đối bởi đó vẫn là cảm nhận của một người- tác giả Dương Hiền Nga. Tựu chung lại, qua những cái nhìn ấy, cô giáo Dương Hiền Nga muốn mang đến cho người đọc những niềm vui, niềm tin yêu cuộc đời. Với cô, mỗi bài viết là một “phút giây lắng lại giữa dòng đời bộn bề để nhận ra bao điều kì diệu ở cuộc sống quanh ta, nhận ra sự vĩ đại nhiều khi chất chứa trong những điều bình thường, giản dị…”. Bởi thế, đọc tập ký này, ta thấy quý trọng hơn một tấm lòng nhân hậu Dương Hiền Nga.
A.T