Nỗi niềm "Hoa ban trắng"

THẾ QUYNH

 

 

 

Truyền thuyết của dân tộc Thái Tây Bắc kể rằng: Ngày xưa, ở một bản nọ có một cô gái tên Ban. Nàng xinh đẹp, nết na và có giọng hát mê đắm lòng người. Nhiều trai mường ngấp nghé song trái tim nàng đã trao gửi cho chàng Khum, một thanh niên giỏi săn bắn và làm nương. Nhưng cha Ban chê Khum nghèo nên đã gả cô cho con trai Tạo Mường, vừa gù vừa lười. Thấy cha cùng nhà Tạo Mường bàn chuyện cưới hỏi, nàng Ban chạy đến người yêu cầu cứu lại đúng lúc chàng Khum đi xa. Tuyệt vọng, nàng Ban bèn buộc chiếc khăn piêu của mình vào cầu thang nhà Khum rồi vượt núi, vượt đèo tìm chàng. Cuối cùng kiệt sức, nàng gục xuống chết. Nơi đó sau này mọc lên một loài cây ra hoa trắng muốt, hương thơm dịu vào mùa xuân. Dân Mường gọi là hoa Ban và coi đó là loài hoa tượng trưng cho tình yêu chung thuỷ. Còn chàng Khum trở về, thấy nàng đã bỏ đi bèn theo tìm. Cuối cùng chàng cũng kiệt sức mà chết hoá thành con chim sống lẻ loi. Cứ đến mùa xuân, khi hoa Ban nở chim lại cất tiếng gọi bạn tình da diết. Thế nên mỗi độ xuân về, người Thái lại tổ chức Lễ hội Hoa Ban như một sự khắc ghi về ý nghĩa tình yêu đôi lứa và mong cầu những điều tốt đẹp sẽ đến trong cuộc sống. Vào dịp đó, trai gái bản lại rủ nhau đi hội chơi núi bày tỏ tình yêu đôi lứa, mong muốn có được mối tình chung thuỷ như cặp Ban- Khum.

Cũng từ lâu, hoa Ban đã trở thành đề tài gợi cảm hứng sáng tạo cho nhiều nhà thơ, nhà văn khi viết về miền quê Tây Bắc. Với nhà thơ Ngọc Bái, loài hoa này luôn là nguồn thi cảm giàu năng lượng để cho ra đời những thi phẩm hay. “Hoa ban trắng” là một trong những bài thơ đó:

Hoa ban trắng nói gì hoa ban trắng

Nghe rưng rưng dòng nhựa trong cây

Hoa ban nở một khoảng trời thầm lặng

Có mảnh hồn em cất giấu ở nơi này

 

Hoa ban trắng cứ lặng thầm mà trắng

Cánh mong manh canh cánh trong mơ

Những đêm vắng giữa thênh thang đồng nội

Có bóng em thổn thức dưới sương mờ

 

Phía trời Tây cây từ độ hoang sơ

Cánh hoa trắng nhỏ nhoi xao động

Một khoảng nhớ chứa chan màu nắng

Cất vào thơ trinh trắng nẻo đơn côi

Cảm xúc bắt đầu từ một buổi chiều bất chợt gặp nhành ban trắng Mênh mang chiều ơi một nhành ban”. Hơn một lần, đã từng bần thần trước phận hoa “đến kỳ thì nở trắng/ rồi lặng lặng tàn phai”. Nhưng hoa ban trắng chiều nay dường như đang trở thành bạn tâm giao “Hoa ban trắng nói gì hoa ban trắng”. Mượn hoa để giãi bày nỗi niềm, bộc lộ cảm xúc trước mênh mang cuộc đời vốn không phải chuyện hiếm trong văn chương. Thời nhà Lý, Mãn Giác thiền sư trong bài “Cáo tật thị chúng” (Có bệnh bảo mọi người) từng viết “Đừng bảo Xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước nở nhành mai”; Nguyễn Du- thi hào dân tộc tả tâm trạng buồn của chàng Kim khi tìm về vườn Thúy “Trước sân nào thấy bóng người/ Hoa đào năm ngoái còn cười gió Đông”… Trước hoa Ban, nhà thơ ngắm và lắng tự trong trái tim mình để rung cảm mà bắt nhịp được cái “rưng rưng dòng nhựa trong cây”. Hoa đâu chỉ là hoa bởi “Có mảnh hồn em cất giấu ở nơi này”. Đọc đến đây tôi chợt nhớ tới câu thơ trong bài “Gửi Lai Châu” của nhà thơ Trần Mạnh Hảo “Hoa ban nở thành người con gái Thái”. Người con gái ấy là nàng Ban truyền tích; là những em áo cóm, khăn piêu uyển chuyển giữa vòng xòe; kín đáo, e ấp, không rực rỡ khoa trương “cứ lặng thầm mà trắng” bên “khoảng trời thầm lặng”. Những bông hoa ban gồm có năm cánh trông như hình trái tim, màu sắc chuyển dần từ tím, hồng nhạt rồi đến trắng. Nhị hoa có vị ngọt, rất hấp dẫn đối với nhiều loại côn trùng. Hoa ban nở, hương hoa dịu êm khiến tâm hồn người thơ đắm chìm trong trong sắc trắng của hoa. Ấy vậy mà dự cảm thi sĩ vẫn thấy “cánh mong manh canh cánh trong mơ”. Một cái gì “mong manh” không bền vững, một nỗi niềm nhung nhớ “canh cánh trong mơ”. Phải chăng yêu hoa, mơ hoa và đã từng rơi lệ vì hoa đã tạo nên cảm giác này. Đọc thêm Ngọc Bái mới hay tác giả giãi bày “Cái vẻ đẹp của hoa ban thật là mong manh. Cái sự mong manh của làn mây, giọt sương, vệt nắng ban sớm đậu trên cành lá. Cái mong manh của loài hoa muôn thuở, của mẫn cảm thương mến, dễ xao động”. Hoa ban là vẻ đẹp vốn có của thiên nhiên hào phóng ban tặng cho con người. Nó trở thành đối tượng thẩm mĩ của nghệ thuật và càng đẹp trong thế giới nội tâm của người nghệ sĩ. Thế nên, chút lãng mạn “con nai vàng ngơ ngác” của thơ mới và “Trăng mờ bên suối” của nhạc tiền chiến để người thơ bộc lộ tâm tình “Những đêm vắng giữa thênh thang đồng nội/ Có bóng em thổn thức dưới sương mờ”. Em “thổn thức” hay chính nỗi lòng tác giả đang cảm thương cho một đời hoa!

Hoa ban trắng tượng trưng cho tình yêu chung thủy và sự chân thành, dù tình yêu có gặp nhiều trắc trở, khó khăn thì cũng tự tin vượt qua và sẵn sàng đi đến bến bờ hạnh phúc. Bao cặp đôi yêu nhau đã từng thề nguyện dưới gốc cây hoa ban như một minh chứng cho tình yêu bền chặt. Loài hoa này còn tượng trưng cho sự trong trắng, trinh nguyên của người con gái. Vẻ đẹp thuần khiết của hoa ban trắng thường được ví như tâm hồn của những cô gái tuổi mười chín, đôi mươi. Vì vậy, khi chàng trai trao cho người con gái những bông hoa ban trắng tức họ muốn nhắn nhủ rằng mình sẽ chinh phục được sự cảm mến nơi bạn tình. Cũng bởi yêu hoa, yêu người mà loài hoa đặc trưng của vùng Tây Bắc ấy cứ trở đi trở lại trong thơ “Hoa ban trắng nói gì hoa ban trắng”; “Hoa ban trắng cứ lặng thầm mà trắng” như một nỗi nhớ nhung, một niềm khắc khoải. Để rồi bật thành lời yêu:  

Phía trời Tây cây từ độ hoang sơ

Cánh hoa trắng nhỏ nhoi xao động

Một khoảng nhớ chứa chan màu nắng

Cất vào thơ trinh trắng nẻo đơn côi

 

Em và hoa, nhà thơ và cái tôi thi sĩ hoà quyện. Cái trinh trắng của hoa, tinh khôi của đất trời và trong trẻo của hồn người được trao gửi vào thơ “Cất vào thơ trinh trắng nẻo đơn côi”. Thoáng nét buồn nhưng “khoảng nhớ chứa chan màu nắng” thắp sáng niềm tin, cho “Cánh hoa trắng nhỏ nhoi xao động” hồn người. Câu chữ hết mà dư ba của màu trắng hoa ban cứ nở xoà trong tâm tưởng, mở ra mênh mang chiều từ một nhành ban.

N.T.Q

Các tin khác:

1-5 of 68<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter