Tác giả: Nhà thơ Dương Kỳ Anh
Đọc Chiếu dời đô nghĩ về MỆNH TRỜI VÀ Ý DÂN
Không hiểu sao, mỗi lần đọc Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn, tôi lại nghĩ đến triết lý cái sâu xa của bậc tiền nhân: “Trên cung kính mệnh trời, dưới dựa theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi, cho phúc nước lâu dài, phong tục phồn thịnh”.
Hơn mười thế kỷ đã trôi qua, biết bao đổi thay trong cuộc đời dâu bể, nhưng, câu nói trên của Lý Công Uẩn trong Chiếu dời đô vẫn nguyên giá trị, vẫn mới mẻ, vẫn là bài học lớn cho đất nước chúng ta.
Chẳng phải suốt chiều dài lịch sử chống ngoại xâm, chúng ta đã vâng mệnh trời và theo ý dân nên được trời đất và nhân dân ủng hộ, đã lập được nhiều chiến công vang dội đó sao… Thế nhưng, sau đó có những thời điểm chúng ta đã coi thường mệnh trời và ý dân, kết quả ra sao thì ai cũng rõ.
Mệnh trời phải chăng là quy luật tự nhiên? trời sinh ra muôn loài, không có loài nào đáng phải tuyệt diệt. Trời sinh ra sông biển, sông phải chảy, biển phải có lúc vơi, lúc đầy. Có nắng, có mưa, đêm ngày tuần hoàn, thay đổi. Không làm theo mệnh trời là không làm theo quy luật tự nhiên, là phá vỡ thế cân bằng của trời đất, phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên, dẫn đến việc phá vỡ tầng ô dôn mà ta vẫn thường nói…
Có một thời, ta làm theo ý chí, bất chấp quy luật tự nhiên, cái mà ta thường gọi là ý chí luận. Ta phá rừng, ta phá chùa, ta săn bắt thú rừng, làm phá vỡ sinh thái, kết quả là lũ lụt tàn hại, rồi hạn hán, mất mùa, nhiều nơi điêu đứng.
Có một thời ta bất chấp các quy luật xã hội, muốn triệt tiêu cái tôi bản thế, dẫn đến triệt tiêu động lực làm giàu chân chính của người dân, muốn tất cả đều cào bằng, tất cả đều là “của chung”, là cái thời ta vẫn gọi là “bình quân, bao cấp”.
Kết quả là đói ăn, thiếu mặc, nước nghèo, dân khổ.
Công cuộc đổi mới thực ra là chúng ta đã nhận thức được phần nào cái giá phải trả cho sự ấu trĩ, coi thường quy luật tự nhiên, quy luật xã hội. Thực ra là chúng ta đã biết sợ mệnh trời, biết được không làm theo ý dân là thế nào?! Đó chính là cái giá phải trả cho sự chủ quan, tùy tiện, cho tư duy bao cấp, ý chí luận!
Bây giờ, sau 30 năm đổi mới, đất nước có nhiều thay đổi, nhưng không phải là chúng ta đã tuân thủ các quy luật tự nhiên, quy luật xã hội một cách khoa học, một cách triệt để. Nhiều việc chúng ta làm cũng chưa “Trên cung kính mệnh trời, dưới dựa theo ý dân” như đức Thái Tổ đã viết trong Chiếu dời đô. Việc phát triển kinh tế theo chiều rộng, dàn trải, phung phí tài nguyên đất nước, để cho các nhà đầu tư vào nước ta với bất cứ giá nào… như nhiều nhà khoa học đã lên tiếng trên nhiều diễn đàn, đã tàn phá môi trường, làm tài nguyên cạn kiệt… Việc làm theo ý chí, mong muốn chủ quan đã nảy sinh không chỉ một VINASHIN, một VEDAN, một vụ Fomosa… mà còn bao nhiêu hệ lụy khác nữa. Có thể kể ra nhiều việc khác nữa, về tàn phá môi trường, về việc chưa làm theo ý nguyện chính đáng của người dân, còn thiếu minh bạch, công khai từ đó nẩy sinh nạn tham nhũng, cửa quyền, các nhóm lợi ích thao túng… dẫn đến kiện cáo, tranh chấp, làm xói mòn niềm tin trong dân chúng…
Bởi vậy thiển nghĩ, tất cả chúng ta, nhất là những người lãnh đạo, quản lý cần đọc kỹ từng câu, từng chữ: “Trên cung kính mệnh trời, đưới dựa theo ý dân” để khi làm bất cứ việc gì có liên quan đến nhân dân, đất nước, cũng nhất thiết tuân theo các quy luật của tự nhiên và xã hội, để rồi “Nếu thấy thuận tiện thì thay đổi”, chứ không nhất quyết khư khư ôm lấy mớ giáo lý cũ rích và luôn cho rằng mình đúng. Có như vậy mới làm cho “Phúc nước lâu dài, phong tục phồn thịnh…”. Mới thực sự thấm nhuần tư tưởng cao đẹp, luôn luôn mới mẻ của các bậc tiền nhân …
Đọc lại HEINE trong mùa Covid
Trong lúc cả nước đang đồng lòng, chung sức chống lại căn bệnh Covid-19, trên mạng xã hội cũng đang rộ lên những bài thơ mà nhiều người gọi là “mùa thơ” Covid
Những bài thơ ca ngợi chủ trương đúng đắn, kịp thời của chúng ta nhằm đẩy lùi nạn dịch đang hoành hoành trên khắp thế giới. Những bài thơ nói lên quyết tâm của mỗi con người trước khó khăn thách thức của đại dịch cùng những vần thơ cả ngợi những bác sỹ, doanh nhân, nghệ sỹ, những người dân bình thường góp tiền của, công sức cho công cuộc chống dịch… Người ta còn lấy thơ của những nhà thơ nổi tiếng như Huy Cận; Xuân Diệu; Nguyễn Bính… để “chế tác” ra những khổ thơ, vần thơ trong mùa dịch… Có nhiều ý kiến khác nhau về “mùa thơ” Covid-19, khen, chê, đùa cợt đến hài hước! Song không thể phủ nhận rằng Đại dịch Covid-19 đã trở thành một đề tài xã hội của thơ ca
Tôi có một người quen từ Đức về bị cách ly ở Sơn Tây, có lên Facebook tâm sự, rồi gọi điện cho tôi và nói, nhờ có cuốn thơ của Heinrich Heine mang về, nên những ngày cách ly đọc cũng đỡ buồn, đọc đến thuộc lòng: “Tim ta ơi đừng nên u uất/ Số phận mình gắng chụi cho quen/ Những thứ gì mùa đông cướp mất/ Mùa hạ về sẻ trả lại cho em…”. Bạn đọc bài thơ bằng tiếng Đức và dịch lại cho tôi nghe mà đâu hay trước đây tôi cũng đã từng thuộc bản dịch những câu thơ trên.
Thủơ còn là sinh viên đại học tôi đã thuộc lòng nhiều câu thơ mà sau này khi có trong tay cuốn H. Heine thơ trữ tình (NXB Văn học), mới biết đó là của H. Heine. Những người yêu thơ Việt Nam có lẽ không ai là không nhớ tới những câu thơ trong bài thơ Trong mơ anh đã khóc của Heine qua bản dịch của nhà thơ Hoàng Trung Thông: “Trong mơ anh đã khóc/ Thấy em trong áo quan/ Đến khi anh tỉnh giấc/ Nước mắt cứ tuân tràn/ Trong mơ anh đã khóc/ Thấy em không trung thành/ Tỉnh dậy, anh, đôi mắt/ Lệ đắng còn chảy quanh/ Trong mơ anh đã khóc/ Thấy em vẫn dịu hiền/ Thế rồi anh tỉnh giấc/ Nước mắt vẫn triền miên”…
Nói về thơ H. Heine nhà nghiên cứu văn học Nga T.I.Sinman cho rằng “Ông đã cho ta thấy một cái tôi trữ tình đau khổ, sáng tạo, bông đùa, phủ định và yêu thương - tất cả đều xuất phát từ cuộc sống thường nhật… có lẽ Heine đã đạt tới mức độ cao nhất trong sự gắn bó với đọc giả của ông”… Đọc lại nhận định này tôi càng thấm thía hơn khi nghĩ về thơ. Nhà thơ phải sống thế nào, yêu thế nào, sáng tạo thế nào, gắn bó với người đọc thế nào… mới có những bài thơ, câu thơ còn lại với thời gian.
Bây giờ, ở ta người làm thơ rất nhiều, thơ in trên báo, trong các tập thơ, trên mạng xã hội cũng rất nhiều. Nhưng, có một nghịch lý ấy là người thích đọc thơ lại rất ít. Tôi đã tận mắt chứng kiến một nhà thơ khi mở trang thơ của một tờ báo văn nghệ chính thống, chỉ lướt qua hơn chục bài thơ in trên đó, rồi dừng lại đọc bài thơ của mình, không đọc thơ ai cả, và ngồi rung đùi!
Bản thân tôi là người thấy thơ là đọc, ở trên báo, trong sách hay trên facebook, những, nhiều khi đọc cả mấy chục bài thơ, mỏi cả mắt mà không tìm được dù là một câu thơ mà mình thích. Thế nhưng khi đọc lại H. Heine lại say mê không muốn rời cuốn sách. Không phải tại tôi đã chán thơ mà tại thơ dở làm tôi chán chăng?!
Heinrich Heine (1797-1856) là người Đức, gốc Do thái. Tác phẩm thơ đầu tiên của ông là Gedichte (Những bài thơ), viết về mối tình cuồng si của ông với cô em họ. Nước Đức thời ông sống không phải văn minh, phát triển như bây giờ. Ông đã trải qua nhiều khổ đau trong đời sống thường nhật. Năm 1831 ông phải rời bỏ quê hương sang Paris thủ đô của nước Pháp sống ở đấy cho đến cuối đời. Có một câu nói nổi tiếng của ông mà mãi sau này nhiều người còn nhắc lại: “Nếu một người lúc nào cũng có thể mỉm cười trước tất cả mọi điều thì chắc chắn người đó trong lòng đã có nhiều rạn nứt đau đớn”. Đọc thơ ông ta thấy nhiều nhiều “rạn nứt đau đớn” trong đó, những “rạn nứt” mà ông đã không hề dấu diếm, nó đã biến thành thơ, biến thành nụ cười vươn dậy trước mọi khổ đau.
“Con thường sống ngửng cao đầu mẹ ạ/ Tính tình con hơi ngang bướng kiêu kỳ/ Nếu có vị chúa nào nhìn con vào mắt/ Con chẳng bao giờ cúi mặt trước uy nghi/ Nhưng mẹ ơi - con xin thú thật/ Trái tim con dù kiêu hãnh thế nào/ Đứng trước mẹ dịu dàng, chân chất/ Con thấy mình bé nhỏ làm sao…”. Trước đây tôi từng ngân lên những câu thơ này trong bài thơ Gửi mẹ của H. Heine (Tế Hanh dịch qua bản tiếng Pháp), khi nghĩ về người mẹ. Năm học lớp 10, một lần tôi bị thầy giáo dạy toán phạt vì mải lúi húi chép lại một bài thơ của H. Heine từ sổ tay của một người bạn cùng lớp. Đến nay tôi vẫn thuộc lòng bài thơ này: “Mùa hè nồng cháy/ Ở trên má em/ Mùa đông lạnh lẽo/ Ở trong tim em/ Nhưng có một ngày/ Hỡi em/ Mùa đông sẽ trên má/ Mùa hè ở trong tim” (Mùa hè nồng cháy - Tế Hanh dịch).
Bài thơ Họ dày vò thân tôi của H. Heine cũng là bài thơ được nhiều người yêu thích: “Họ dày vò thân tôi/ Họ làm tôi phát cáu/ Người với lòng yêu thương/ Người với lòng căm ghét/ Họ đầu độc bữa ăn/ Họ đầu độc chén nước/ Người với lòng yêu thương/ Người với lòng căm ghét/ Nhưng cái người dày vò/ Và đầu độc tôi nhất/ Chẳng bao giờ yêu tôi/ Cũng chẳng bao gờ ghét” (Tế Hanh dịch). Bây giờ ta hay nói đến thói vô cảm như là một tôi ác vô hình đang trở thành căn bệnh của xã hội hiện đại. Ấy vậy mà H. Heine đã thể hiện rất tài tình thói vô cảm này trong bài thơ Họ dày vò thân thôi từ những năm đầu của thế kỷ 19. Tính hiện đại trong cấu tứ, trong ý tưởng, trong cách thể hiện, cả trong ngôn từ của bài thơ thực sự sâu xa, minh triết và còn nguyên giá trị dù thời gian cách chúng ta gần hai thế kỷ
Không phải thời bây giờ thơ không cần thiết cho đời sống thường nhật, mà chính là thơ dở mới không cần thiết cho đời sống, không cần cho ai cả. Đôi khi chính lọai thơ này làm hại cho chính bản thân thơ, bản thân người làm thơ - những người làm ra thơ dở!
Tôi chỉ làm thơ khi không còn cách gì có thể diễn đạt được những rung sâu xa động trong tâm hồn mình. Để kết thúc bài viết này, tốt nhất là đưa bài thơ Khi anh nói cùng em của H. Heine:
Khi anh nói cùng em những điều anh đau khổ,
Em ngáp dài không nói năng chi;
Khi trong thơ anh nỗi đau thổ lộ,
Em khen anh thi tứ diệu kỳ.
(Hoàng Trung Thông dịch)
Theo nguồn: Báo Văn Nghệ