Học đọc, học viết, rồi học nói

·         Tác giả: Nhà văn Nguyễn Ngọc Quế

 

Lẽ tự nhiên, đời người từ khi lọt lòng mẹ đến tuổi vị thành niên học phổ thông đều theo một quy trình: Học nói, học đọc, rồi học viết. Đó là con người bản ngã, tự nhiên, sinh học…

Nhưng trong xã hội hiện nay, thực tế đang đặt ra một quy trình ngược lại cho người học đã trưởng thành, có địa vị và vai trò trong xã hội, trong bộ máy công quyền là: Học đọc, học viết, rồi học nói. Thật ra bất cứ ai đã trưởng thành, từ người viên chức mẫn cán đến người nông dân trên đồng ruộng, người công nhân trong xưởng máy v.v… ai cũng đều cần học đọc, học viết rồi học nói để nâng cao kiến thức và giao tiếp. Nhưng với những người có địa trong vị xã hội, có quyền lực trong cộng đồng, có vai trò lãnh đạo và quản lý trong bộ máy công quyền… thì càng cần phải học đọc, học viết, học nói hàng ngày; vì sự đọc, sự viết, sự nói của họ có ảnh hưởng đến chất lượng công việc mà họ được giao phó. Hoặc nói như đại thi hào Nguyễn Du, họ là những người “quan trên trông xuống, người ta trông vào…”.

Sau khi học hết bậc phổ thông, chúng ta đã có tối thiểu trang bị đầy đủ, cơ bản các kiến thức khoa học, văn hoá, xã hội… để tồn tại lao động nuôi mình và đóng góp cho xã hội. Với những người có ý chí tiến thủ, khao khát vươn lên về kiến thức và quyền lực thì quy trình: Học đọc, học viết, rồi học nói là phẩm chất máu thịt cả đời người của họ. Học đọc ở lần này không phải như ở tuổi nhỏ là ghép vần A, B, C… mà học đọc ở đây là phải đọc đúng từ, đúng câu, đúng nghĩa... Học đọc trong các tác phẩm văn học, triết học, khoa học, văn hoá… đã được định danh trong lịch sử nhân loại. Đọc các tác phẩm đó học hiểu đúng nghĩa đúng tư tưởng của tác giả. Đọc để học làm Người rồi sau đó để “Tề gia trị quốc bình thiên hạ”. Những tác phẩm văn học dày cộp, những trang sách triết học có cấu trúc ngôn ngữ đa tầng khúc triết, câu văn tầng lớp ngữ nghĩa… thì phải tĩnh tâm đọc mới hiểu mới thấm. Những tác phẩm văn học nổi tiếng của thế giới, như: Những người khốn khổ, Chiến tranh và hoà bình, Sông Đông êm đềm… chứa đựng trong đó biết bao kiến thức về lịch sử, địa lý, văn hóa, triết học…

Có những tác phẩm “tổng hợp” như: Tứ thư, Sử kí Tư Mã Thiên, Bình Ngô đại cáo… ta đọc để thấy việc trị nước an dân. Lại có những tác phẩm như: Truyện Kiều, Cung oán ngâm khúc, thơ Nguyễn Trãi, thơ Hồ Chí Minh… người đọc phải có kiến thức văn sử, hiểu biết các điển tích của nhân loại… mới thấm hiểu tính nhân văn của bậc tiền nhân... Bác Hồ dạy: “Dân ta phải biết sử ta”… nhưng có bảo nhiêu người đã đọc các tác phẩm như: Hoàng Lê nhất thống chí, Đại Việt sử kí toàn thư, Việt điện u linh tập… để hiểu thêm lịch sử dân tộc? Chưa kể, các cán bộ nghiêm cứu, lãnh đạo, quản lý hiện nay có mấy ai đã từng đọc hết vài chương Tư bản luận của Cácmác, Phép định chứng tự nhiên của Ăng-ghen, Bút ký triết học của Lênin? Thật buồn thay là trong thực tế hiện nay, không ít người làm công tác tư tưởng của đảng của chính quyền nhưng chỉ học đọc tài liệu văn kiện, nghị quyết… chứ mỗi năm không đọc nổi vài cuốn sách văn học, lịch sử, báo chí tiêu chuẩn hằng ngày văn thư mang lên xếp chồng có ngọn trên bàn nhưng hầu như không đọc vì… “không có thời gian”. Do vậy mới có những giai thoại “cười không nổi” kiểu như có ông làm công tác tuyên truyền văn hoá nhưng phân biệt Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai vua; hoặc có vị lãnh đạo trợ lý/ thư ký viết sai vẫn… vô tư đọc sai trên diễn đàn, hội nghị. Học viết - nói chính xác là học viết đúng chữ, đúng từ, đúng ngữ pháp… cho người khác đọc hiểu ý mình. Học viết của học trò phổ thông là luyện chữ đẹp vở sạch.

Học viết của nhà văn, nhà thơ là chọn câu chọn chữ cho đúng nghĩa diễn đạt của mình. Học viết của các quan chức hiện nay còn quá ít, họ dựa vào thư kí để trình bày ý kiến của mình. Thư ký viết thế nào, viết gì… thì cứ đọc nguyên xi như thế. Đáng lẽ, họ phải không ngừng học viết đúng câu, đúng từ, đúng ngữ pháp… để diễn tả được suy nghĩ, ý tưởng của mình cần truyền đạt đến quần chúng. Hồi tôi còn dạy học phổ thông, tuy là các môn toán, lý, hoá… nhưng tôi vẫn thường khuyên các em phải viết đúng chữ, đúng số, đúng câu… để sau này vào đời viết báo cáo đề cương trong quản lý kinh tế không sai. Tất nhiên với các học sinh có năng khiếu văn chương, báo chí… thì các em phải học viết cả đời, gian khổ lắm! Học nói - không phải học nói của trẻ nhỏ mới sinh ra trên đời. Học nói ở đây dành cho người trưởng thành, nhất là những người có vai trò cầm đầu dẫn dắt cộng đồng. Họ phải đăng đàn phát biểu trước đám đông quần chúng. Thời cổ đại của các nước Hy Lạp, Ba Tư, Ấn Độ, Trung Hoa… các nhà tư tưởng hiền triết phải tập nói luyện giọng để diễn đạt đúng chuẩn lôi cuốn thu hút người nghe.

Người nói hay, nói giỏi là người có tài hùng biện. Người Việt từng có câu: “Học ăn, học nói” đó sao? Học nói là học cách diễn đạt khúc triết có âm điệu. Có mở đầu, có nội dung, có kết luận… để dẫn dắt chinh phục người nghe. Thời cách mạng công nghệ 4.0, đội ngũ những người quản lý, lãnh đạo, cán bộ công quyền… được ăn học bài bản ở những trường đại học uy tín. Đó là tài sản của nhà nước, của Đảng, của nhân dân. Tuy vậy, trong đội ngũ này còn có một số cá nhân tự mãn, thoái hoá tư tưởng, xuống cấp đạo đức, chỉ lo chạy chức rồi tham ô tiền của nhân dân, không tiếp tục quy trình học đọc, học viết, rồi học nói. Đó là những hạt sạn gây ra những phản cảm trong xã hội. Ở các diễn đàn hội nghị và trên truyền thông đại chúng họ phát ngôn tuỳ tiện thiếu chọn lọc. Nhất là trong thời kì thế giới phẳng mạng xã hội bùng nổ thì những lời nói không chuẩn mực đấy gây bão dư luận. Thật buồn là không ít đại biểu Quốc hội phát biểu trên hội trường cũng góp phần “gây bão” như vậy vì những phát ngôn của họ trên nghị trường. Xin điểm qua một vài ví dụ ngẫu nhiên được phát tán trên mạng xã hội:

Một cán bộ đề nghị người dân sắm lu để chống ngập. Một ông bộ trưởng yêu cầu Hà Nội cần thêm có ao để chống lụt. Thậm chí một ông bộ trưởng tuyên bố: “làm nông nghiệp chưa chắc đã cần đất” v.v… Những phát ngôn trên đây về nội dung cốt lõi không hẳn là “ngớ ngẩn”, nhưng vì cách diễn đạt không rõ khái niệm hoặc làm người nghe hiểu sai khái niệm, nên mới buồn cười. Nhưng cũng có những phát biểu sai từ quan niệm và phương pháp luận. Một bà làm công tác tư pháp nói những điều khiến ai cũng hoảng sợ: “Bây giờ làm việc gì cũng sợ sai lầm... Thậm chí không làm gì cũng dẫn đến sai lầm”. Hoặc như trên nghị trường Quốc hội có bộ trưởng nói về tăng giá sách giáo khoa “vì in khổ to, giấy đẹp” mà không bàn đến nội dung chất lượng của sách. Một vị đại biểu thì đổ lỗi học sinh chưa ngoan là do nhà trường và gia đình. Theo đó thì xã hội, đoàn thể và chính quyền vô can ư? Thâm chí có đại biểu còn xin Quốc hội thêm danh hiệu nhà văn ưu tú, kiến trúc sư ưu tú…

Thật là loạn danh hiệu do loạn ngôn. Người dân nghe mà buồn cho học vấn của những người được nói trên một diễn đàn uy tín. Nhân đây cũng nói thêm về các kênh truyền thông đại chúng, có những chương trình, có những diễn giả phát ngôn những lời thiếu văn hoá. Chương trình hài thì nhạt, diễn viên văng tục tự nhiên tùy tiện. Thậm chí có diễn giả học vị, học hàm hẳn hoi nhưng gọi người khác là “con điếm, thằng điên”. Chỉ nguy hại cho người nghe, nhất là trẻ em, phải nghe những lời thô thiển, thiếu văn hoá như thế. Đọc để học tiền nhân về lý tưởng đạo đức. Viết để ghi lại những suy nghĩ việc làm của tổ chức, của cá nhân. Nói đúng, nói hay để truyền cảm hứng hành động của mình cho cộng đồng, cho tập thể. Mong rằng Học đọc, học viết, rồi học nói là việc thường ngày của những người trưởng thành. Nhất là với các cá nhân có vai trò, có địa vị trong xã hội.

Văn nghệ 312022

Các tin khác:

31-35 of 82<  ...  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter