Tác giả: Thanh Thảo
Trong dịch bệnh Covid-19, nổi lên một vấn đề rất thiết cốt: khi nhà nước nắm y tế giống như nắm quốc phòng, thì có thể huy động hết nguồn lực và tiềm lực để dập dịch. “Chống dịch như chống giặc”, mà nhà nước không coi lực lượng y tế ngang với lực lượng quân đội, thì làm sao “chống giặc”?
Kinh nghiệm về thất bại trong chống dịch ở phương Tây chỉ rõ: chính việc “thị trường hóa” toàn bộ ngành y tế, gồm các bệnh viện và các tập đoàn dược phẩm, chính việc không giải quyết được bảo hiểm y tế tới những người nghèo hay có thu nhập thấp, thêm nữa, chính vì giá viện phí quá cao đã dẫn tới nhiều người dân nghèo sợ không dám đến bệnh viện mỗi khi mắc bệnh, nhất là khi nhiễm dịch, điều đó dẫn tới sự mất kiểm soát về số lượng người bị nhiễm. Hàn Quốc cũng là nước tư bản, cũng chủ trương kinh tế thị trường toàn diện, nhưng nhà nước đã kịp thời đầu tư cho công nghệ sản xuất các kit xét nghiệm nhanh, đã kịp thời cô lập những vùng dịch bệnh, và nhanh chóng xét nghiệm người dân trên diện rộng, kèm với kiểm soát người được xét nghiệm bằng chip công nghệ thông tin, nên đã không quá chậm để kiểm soát được tình hình. Với Hàn Quốc, công nghệ hiện đại trở thành “cánh tay nối dài” của ngành y tế, thành một đội quân chủ lực tinh nhuệ của ngành y trong phát hiện và dập dịch.
Khi không có nhiều tiền, chưa có công nghệ cao đáp ứng, thì cách duy nhất là phải nắm cho được lực lượng từ cơ sở của mình, và đưa vào hoạt động cho hiệu quả. Việc Hà Nội “gõ cửa từng nhà” không phải bằng công nghệ cao, mà bằng các lực lượng từ cơ sở của mình, là một kinh nghiệm quí báu cần nhân rộng. Khi chưa có “chip” thì phải có người, có lực lượng tận tâm và sâu sát. Đến từng nhà, vừa nắm được tình hình dịch bệnh, vừa kiểm soát được dân số. Dĩ nhiên, việc đó mất thời gian và công sức hơn việc dùng công nghệ cao rất nhiều, nhưng hiệu quả thì có thể ngang nhau, nếu làm tốt.
Nếu trong việc dập dịch, ngành y tế được coi như lực lượng quân đội quyết định sự thành bại, thì điều đó yêu cầu sắp tới đây chính phủ phải nâng cấp các bệnh viện công ở các địa phương, liên kết các bệnh viện công địa phương với các bệnh viện công trung ương, tăng cường lực lượng bác sĩ giỏi cho các bệnh viện địa phương. Không có bác sĩ chuyên môn giỏi, không có chuyên viên giỏi về công nghệ cao ngành y, thì bệnh viện địa phương không thể trở thành bệnh viện có thương hiệu và uy tín. Ngành y phải trở thành một đội quân có chuyên môn sâu và làm chủ công nghệ cao, sẵn sàng cho những tình huống hiểm nguy như dịch covid-19 này. Chính qua lần dập dịch covid 19, chúng ta nhận ra những điểm mạnh và những điểm còn yếu còn thiếu của ngành y để kịp thời khắc phục.
Không ai dám nói covid-19 là trận dịch lớn cuối cùng mà nhân loại phải chịu đựng, vì vậy phải sẵn sàng cho những tình huống nguy hiểm nhất. Từ những năm tháng chiến tranh ngày trước, ngành y tế Việt Nam đã là đội quân xung kích anh hùng, chịu vô vàn hy sinh để bám mặt trận cứu chữa cho thương bệnh binh. Truyền thống ấy đang được phát huy trong ngày hôm nay, khi Việt Nam phải đối mặt với dịch bệnh hiểm nguy.