Tình người nở hoa giữa thiên tai bão lũ

 

Chưa bao giờ mạng xã hội lại trở thành nơi chia sẻ thông tin kịp thời và hữu ích như thời điểm cơn bão Yagi đổ bộ vào miền Bắc. Thông tin cứu giúp, thông tin cứu trợ… được người dân chia sẻ chóng mặt không kể ngày đêm.

Người có giúp người cần

“Tôi đang có 120 chiếc đèn pin đội đầu. Đơn vị trực cứu hộ đưa người nơi ngập úng phường Quang Vinh nào cần xin liên hệ số điện thoại… tôi mang cho. Xin cảm ơn đã đọc”.

“Bên em có 5 xe đầu kéo mooc sàn, 1 xe cẩu 12 tấn. Nhận chở thuyền, ca nô cước 0 đồng. Xe em ở khu vực Hòa Bình, khu vực huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ai cần liên hệ số điện thoại….”

“Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La gọi… Biệt đội Vạn đò Chùa Hương lên đường. Đã xuất hiện hình ảnh những tay lái lụa của siêu biệt đội vạn đò Chùa Hương ở vùng lũ lụt. Tuyệt vời lắm các anh, các chị”.

“Chúng tôi đã sẵn sàng. Xe 20 tấn nhận chở hàng cứu trợ từ Nghệ An – Hà Tĩnh ra Thái Nguyên và các tỉnh phía Bắc đang bị lũ. Cước hoàn toàn 0 đồng, bên em sẽ chịu phí xăng dầu. Mời mọi người chia sẻ đến các mạnh thường quân và tổ chức thiện nguyện ạ. Điện thoại….”

“Trưa mai em muốn ủng hộ 200 suất bánh khúc cho đội cứu trợ gửi đến tay các gia đình gặp lũ không có đồ ăn. Em mong được kết nối liên hệ với đơn vị nào được ạ. Sức nhỏ nên em muốn đóng góp một phần nhỏ để chia sẻ khó khăn mùa lũ”.

“SOS. Ngay bây giờ – số nhà …, thành phố Tuyên Quang. Nước đã ngập lên tầng 2 rồi ạ. Hiện trong nhà đang có 2 em bé mới sinh mấy tháng và 2 người lớn rất cần được giúp đỡ ạ. Số điện thoại….” – Thông tin lập tức được chia sẻ nhanh chóng trên Facebook, khoảng một tiếng đồng hồ sau cả gia đình đã được đưa đến nơi trú ẩn an toàn.

Thị trấn Phố Ràng – Lào Cai ngập sâu trong nước lũ

 

Bảo tàng Quảng Ninh bị tàn phá bởi siêu bão số 3 – Yagi

“Bệnh viện Phục Hồi Chức Năng Hương Sen (ngay gần Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Tuyên Quang) đang thiếu nước trầm trọng. Mong các nhà hảo tâm giúp đỡ ạ…”. Chỉ nửa giờ từ khi dòng trạng thái xuất hiện trên Facebook đã có nhà hảo tâm chở nước sạch đến tiếp tế cho bệnh viện.

“Người lớn nhất trong nhà em là 104 tuổi phát biểu cả cuộc đời chưa trải qua trận lụt nào như ngày 9.9.2024. Còn em chưa bao giờ nghĩ mình dùng đến những bữa cơm từ thiện. Mà cả xóm, cả tổ nhà em dùng cơm từ thiện. Trân quý và cảm ơn rất nhiều”.

Trên đây là những dòng trạng thái trong số hàng vạn dòng trạng thái liên quan đến bão lũ trên các nền tảng mạng xã hội. Chưa bao giờ mạng xã hội lại trở thành nơi chia sẻ thông tin kịp thời và hữu ích như thời điểm cơn bão Yagi đổ bộ vào miền Bắc. Thông tin cứu giúp, thông tin cứu trợ… được người dân chia sẻ chóng mặt không kể ngày đêm. Trong bối cảnh nước lên nhanh, giao thông bị chia cắt, nhiều khu vực chìm sâu trong nước, mất điện, những thông tin như này đã được nhiều người chia sẻ, kết nối giữa người có đến người cần nhanh nhất, từ đó giảm bớt thiệt hại và khó khăn cho người gặp nạn.

 

Nỗi tang thương bị xóa trắng ở làng Nủ – Lào Cai

 

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn tiếp cận khu vực chiếc xe khách 29 chỗ bị vùi lấp ở Cao Bằng.

Ảnh: Quốc Đạt/TTXVN

Tình người nở hoa trong bão lũ

Hình ảnh nhà cửa bị tốc mái, cây cối đổ ngổn ngang, xe cộ chìm trong nước, làng mạc bị vùi lấp… khiến ruột gan ai nấy đều đau như cắt. Bên cạnh những nỗi đau xé ruột, xé gan là tình nghĩa đồng bào như ngọn lửa được thắp lên, sưởi ấm lòng người bị nạn. Rất nhiều đoạn video ghi lại cảnh người dân tương trợ lẫn nhau được lan truyền mạnh mẽ. Nhiều tài xế lái xe container, xe tải che chắn cho người đi xe máy vượt cầu trong gió mạnh, Chủ nhà trọ miễn phí tiền trọ cho học sinh có gia đình gặp nạn. Những điểm dừng chân phát đồ ăn nhanh miễn phí cho các đoàn xe cứu trợ từ miền Nam, miền trung ra Bắc… Tất cả được chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, TikTok, Instagram, Facebook, WeChat, Douyin, nền tảng X…

Kể từ ngày 7.9.2024, cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) với sức gió rất mạnh đã tàn phá hàng loạt các tỉnh phía Bắc. Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), báo cáo của các địa phương cho thấy tính đến 7h00 ngày 13.9 đã có 336 người chết, mất tích (233 người chết, 103 người mất tích), tăng 36 người chết (Lào Cai 16, Cao Bằng 09, Yên Bái 06, Tuyên Quang 03, Vĩnh Phúc 01, Phú Thọ 01) so với báo cáo ngày 11.9. Số người bị thương là 823 người. Bão và mưa lũ đã làm 136.705 nhà bị hư hỏng, 67.653 nhà bị ngập; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều cột điện, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gẫy đổ. Về nông nghiệp, 202.094 ha lúa và 39.298 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 22.288 ha cây ăn quả bị hư hại; 1.848 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi, 4.594 con gia súc, 1.786.872 con gia cầm bị chết. Ước tính tổng thiệt hại về tài sản lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Hiện nay các địa phương tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại.

 

Nhóm thiện nguyện đưa hàng cứu trợ tới xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng.

 

Cán bộ công chức Cục Quản lý thị trường Lào Cai trao quà đến người dân

Lào Cai là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3. Tính đến trưa ngày 13.9, tỉnh có 98 người chết, 81 người mất tích, 76 người bị thương. Hiện nay còn 3 xã A Lù, Y Tý, Dền Thàng vẫn bị cô lập hoàn toàn không thể đi bộ được; 32 xã không thể tiếp cận bằng ôtô. Qua thống kê sơ bộ, đến thời điểm này, ước thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn tỉnh Lào Cai lên đến 3.000 tỷ đồng. Tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, vụ sạt lở đất xảy ra sáng 10/9 đã vùi lấp 37 hộ dân với 158 nhân khẩu của ngôi làng này. Đến 9 giờ sáng 13.9, số người được xác định mất tích ở Làng Nủ là 41 người, 46 người đã tử vong.

Từ tổ chức

Nhằm chia sẻ những đau thương, mất mát với bà con nhân dân thôn Làng Nủ, Quỹ Tấm lòng Việt của Đài Truyền hình Việt Nam đã đề nghị và được sự chấp thuận phối hợp cùng tỉnh Lào Cai tham gia tái thiết, xây dựng lại nhà ở cho tất cả 37 hộ dân thôn Làng Nủ.

Ngày 12.9, Tập đoàn Vingroup công bố tài trợ 250 tỷ đồng cho đồng bào đang chịu thiệt hại do siêu bão Yagi và mưa lũ kéo dài. Một loạt doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong cả nước cũng ủng hộ, quyên góp cho đồng bào miền Bắc thông qua Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các tổ chức, các đơn vị báo chí, truyền thông… Riêng thống kê của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đến 17h ngày 12/9, số tiền các tổ chức, cá nhân đã chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương là 527,8 tỷ đồng. Các tỉnh, thành trong cả nước đều phát động đợt quyên góp, ủng hộ. Bước đầu, Thành phố Hồ Chí Minh đã đăng ký và chuyển về Trung ương MTTQ Việt Nam 120 tỷ đồng và trực tiếp hỗ trợ Ủy ban MTTQ Việt Nam 10 tỉnh, thành mỗi tỉnh 10 tỷ đồng để triển khai các hoạt động ứng phó, giúp đỡ nhân dân bị thiệt hại do bão số 3.

Một loạt các tỉnh, thành trong cả nước đều phát động quyên góp ủng hộ đồng bào miền Bắc. Bước đầu tỉnh Khánh Hòa quyên góp được 10 tỷ đồng, Phú Yên trên 7,7 tỷ đồng, Nghệ An trên 4 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế hơn 3,1 tỷ đồng, Kon Tum gần 2,5 tỷ đồng, Điện Biên trên 2,8 tỷ đồng…

Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam do Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều thay mặt phát lời chia buồn và kêu gọi chia sẻ với đồng bào vùng bão lũ, đã có những kết quả tích cực. Các đoàn nhà văn đã lên đường hỗ trợ hàng hóa, tiền mặt cho những cá nhân, gia đình gặp nạn ở Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lào Cai, Cao Bằng,…

Nguồn tiền ủng hộ sẽ được phân bổ trực tiếp cho hoạt động cứu trợ khẩn cấp như dựng lại toàn bộ những ngôi nhà bị sập đổ, hỗ trợ từ cho các gia đình có người thiệt mạng, góp phần tái thiết cơ sở hạ tầng cũng như các công trình dân sinh… giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống sau thiên tai.

Bên cạnh sự ủng hộ bằng tiền mặt, các tỉnh, thành còn ủng hộ nhu yếu phẩm, thuốc men, nhân lực để hỗ trợ các địa phương miền Bắc. Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh phát động chương trình “Túi thuốc gia đình” để hỗ trợ 30.000 túi thuốc cho 10 tỉnh, thành miền Bắc. Dự kiến, ngày 14.9, các túi thuốc đầu tiên được vận chuyển đến Sở Y tế các tỉnh, thành để kịp thời hỗ trợ người dân. Sở còn phân công mỗi bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của thành phố kết hợp với một bệnh viện quận, huyện thành các đoàn y tế, sẵn sàng chi viện cho công tác y tế cộng đồng khi nước lũ rút. Tỉnh Bình Định cử 67 y, bác sỹ ra Bắc để hỗ trợ các tỉnh chăm sóc sức khỏe người dân, khắc phục hậu quả bão lũ.

Hội Nhà văn Việt Nam hỗ trợ đồng bào vùng lũ Tuyên Quang

 

Hội Nhà văn Việt Nam hỗ trợ 2 tấn gạo cho đồng bào bị nạn xã Văn Lăng,

huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên

Đến cá nhân

Sáng 10.9, tin tức GS.TS Lê Ngọc Thạch, 76 tuổi – giảng viên thỉnh giảng Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đã cầm cuốn sổ tiết kiệm 1 tỷ đồng đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ gửi hỗ trợ cho đồng bào miền Bắc đang chịu thiệt hại bởi bão lũ đã làm lay động trái tim hàng triệu người đọc. Đây là số tiền “dưỡng già” mà ông dành dụm từ tiền hưu trí, tiền đi dạy và cả tiền viết sách suốt nhiều năm qua. Ông cho biết hiện tại đang sống một mình nên không chi tiêu nhiều, chỉ mong góp chút công sức nhỏ bé cho những người bị nạn ở miền Bắc.

Ngày 13.9, Ủy ban MTTQ thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã tiếp nhận một trường hợp rất đặc biệt đến đóng góp tiền ủng hộ đồng bào miền Bắc. Đó là cụ Hồ Thị Miêu, 102 tuổi, là một trong những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn nhất của địa phương. Số tiền cụ có dù chỉ là 100.000 đồng, bằng một bát phở “đặc biệt”, nhưng đối với cụ đó là số tiền dành dụm được bấy lâu nay. Không chỉ có cụ Miêu, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều thuộc diện hộ nghèo tại xã biên giới Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình cũng nhiệt tình tham gia quyên góp khi nghe tin kêu gọi ủng hộ theo đúng tinh thần “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”.

Không chỉ là tiền, những chiếc áo phao, đèn pin, chai dầu gió, thuốc cảm, quần áo… đã trở thành những nhu yếu phẩm cần thiết của bà con vùng lũ. Chị Ngô Mai ở Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi trên mạng xã hội để bạn bè thân thiết cùng nhau chung tay ủng hộ được hàng trăm chiếc áo phao, đèn pin chuyển ra miền Bắc. Các họa sĩ xứ Huế bán đấu giá tranh mong được đóng góp phần của mình. Còn anh Hoàng Anh Tuấn, “cha đẻ” ATM gạo, cho biết đã chuyển thuyền máy và 1.000 áo phao ra cho bà con…

Tất cả, tất cả tấm lòng và hoạt động ấy làm ấm lòng người trong cơn hoạn nạn, rằng không một ai bị bỏ lại, rằng một sinh linh dù yếu hèn nhất vẫn không bao giờ cô độc chống chọi với bão lũ. Rằng tình đoàn kết gắn bó keo sơn vẫn luôn có mặt kịp thời, nó làm tăng thêm sức mạnh từ nội lực để vượt qua thử thách khắc nghiệt nhất. Món quà dù lớn đến hàng tỷ đồng, hay nhỏ chỉ vài chục, một trăm nghìn lẻ cũng có ý nghĩa như nhau, như là sự sẻ chia nặng tình người vẫn là nguồn động viên vô tận.

Bão lũ rồi cũng qua đi, nhưng những gì nó để lại vẫn còn hằn sâu trong tâm trí con người. Sự mất mát lớn, từ sinh mạng đến của cải vật chất, từ cơ sở công cộng đến nhà cửa riêng tư, như một vết sẹo lớn. Theo thời gian, vết sẹo sẽ phai dần, riêng tình người còn lại, đậm thêm. Và từ tình người nồng ấm ấy, ta sẽ dựng xây lại từ đổ nát, có lại hy vọng mới.

THÈN HƯƠNG (Theo Vanvn.vn)

 

 

Các tin khác:

1-5 of 1231<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter