THANH TỬU
Đình Hòa Quân ở xã Minh Quân, huyện Trấn Yên đã có tuổi đời hàng thế kỷ. Tên gọi của đình gắn với địa danh thôn Hòa Quân, bên Hữu ngạn sông Hồng- nơi có xứ đồng Vườn Hồng phù sa màu mỡ, thuận tiện cho canh tác lúa nước và trong cây rau màu. Đình tọa lạc tại khu đồi nhỏ giữa cánh đồng, hướng Đông Nam, nhìn ra phía sông Hồng, ở vị trí giáp ranh giữa thôn Hòa Quân và thôn Gò Bông của xã Minh Quân. Hòa Quân là một trong tám thôn của xã Minh Quân- mảnh đất ven sông có lịch sử lâu đời với cảnh quan đặc trưng của làng quê Việt: Cây đa, bến nước, sân đình, gắn với những mùa lễ hội, thân thương tình cảm xóm làng. Đình Hòa Quân được tôn tạo vào thập niên thứ 3 của thế kỷ trước (năm Giáp Tuất- niên hiệu Bảo Đại) bằng chất liệu vữa tam hợp, theo kiểu chữ Nhất với 1 gian Đại bái và một Hậu cung. Như vậy, ngôi đình này đã tồn tại trước đó khá lâu. Mặt trước cửa chính của Đình, vẫn còn đó 3 đại tự đắp nổi “Trạc Quyết Linh” (Ý rằng: Đây là thôn linh thiêng ) và 2 đôi câu đối: “Thần tích tự Hùng Vương quý thế, kỹ kim thiên dự tải- Linh từ dĩ Bảo Đại, Giáp Tuất... tái vạn kim niên”- “Bách niên lễ nhạc tư công địa- Vạn đạ ... xuất... môn...”. Có nghĩa là: Theo thần tích, đình này rước chân nhang Hùng Vương lên thờ phụng; cầu cho đất nước luôn trường tồn cùng nhật nguyệt. Ngôi đình thiêng được tôn tạo năm Giáp Tuất- niên hiệu Bảo Đại. Mãi mãi vẫn giữ phong tục thờ các vị thần ở đất này. Nơi dựng ngôi đình này, chính là cửa đi lại của muôn đời. Dấu thời gian hiện hữu trên tường xưa đình cũ và rêu phong cổ thụ đa làng. Những nét tự dẫu không còn nguyên vẹn, nhưng vẫn còn đây thân thương hình bóng làng xưa với xuân thu nhị kỳ tưng bừng mùa lễ hội.
Đình Hòa Quân còn lại ngày nay là một trong 3 ngôi đình từng tồn tại ở đất này, gồm đình Trung, đình Thượng và đình Hạ- gọi chung là đình Hòa Quân. Cả tổng Giới Phiên thuộc Châu Trấn Yên xưa (gồm xã Minh Quân, Giới Phiên và Phúc Lộc) thì đây là quần thể đình làng đầu tiên được xây dựng đủ cả 3 thiết chế. Cách đình Thượng ngày nay không xa, phía bên trái, xưa kia còn có đình Trung bề thế 7 gian, cột lớn làm bằng gỗ mít; kiến trúc theo kiểu “Trồng bồn, kẻ nghé” vách lịa gỗ, mái lợp lá cọ, cũng hướng ra sông Hồng. Đình Trung thờ Lục vị Đại vương và có 4 kỳ lễ được tổ chức hằng năm tại ngôi đình này. Do thời gian, mưa nắng, và biến cố lịch sử, đình Trung và đình Hạ giờ đây chỉ còn lại dấu tích nền xưa.
Ngược dòng thời gian, địa danh Hòa Quân đã có từ thời Hùng Vương thuộc nước Văn Lang. Thế kỷ thứ VI đến thế kỷ X, nơi đây thuộc huyện Thừa Hóa- quận Phong Châu; thời Trần thuộc huyện Hạ Hoa, châu Thao Giang, lộ Tam Giang; thời Lê thuộc phủ Thao Giang, trấn Sơn Tây. Năm 1805, dưới triều vua Gia Long- Hòa Quân có tên gọi là Bảo Lộc, thuộc tổng Đoan Thượng, huyện Hạ Hoa, tỉnh Sơn Tây. Sau này, triều Nguyễn đổi Hạ Hoa thành Hạ Hòa. Năm 1891, chính quyền thực dân Pháp thành lập tỉnh Hưng Hóa, Bảo Lộc thuộc huyện Hạ Hòa, tổng Đan Thượng, phủ Lâm Thao, tỉnh Hưng Hóa. Năm 1902, Hòa Quân được sáp nhập về tổng Giới Phiên, phủ Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Thôn Hòa Quân hiện nay có 730 hộ gia đình với 1.100 nhân khẩu. Ngành nghề chủ yếu là canh tác lúa nước với 32 ha. Ngoài ra, người dân Hòa Quân còn phát triển chăn nuôi, trồng chè, trồng dâu, cây màu, cây ăn quả và một số ngành nghề nông thôn khác. Đã có 98% số hộ gia đình trong thôn có nhà xây kiên cố và bán kiên cố; tỷ lệ hộ khá, giàu đã chiếm trên 70%. Hòa Quân trở thành thôn Nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2020.
Cùng với sự khởi sắc về đời sống vật chất, các giá trị văn hóa tinh thần cũng luôn được quan tâm gìn giữ và phát huy trong đời sống mới. Với những gì còn lại của các thiết chế văn hóa truyền thống làng xưa, đã và đang được những người con sinh ra và lớn lên nơi mảnh đất này nâng niu gìn giữ. Đình Hòa Quân đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, có ý nghĩa giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, phát huy tinh thần đoàn kết, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh; cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Đình Hòa Quân thờ Tam vị Đại Vương (Cao Sơn Đại Vương, Hạ Sơn Đại Vương và Quang Minh Đại Vương). Trong Hậu cung còn lưu giữ hai câu đối đắp nổi: “Lịch triều gia tặng trung hưng thánh- Vạn cổ anh linh thượng đẳng thần”. Xuân thu nhị kỳ, đình Hòa Quân đều duy trì 3 kỳ lễ chính theo âm lịch (ngày mùng 7 tháng Giêng: Lễ Cầu đình; ngày mùng 10 tháng 3: Giỗ Tổ Hùng Vương và lễ đóng cửa rừng vào cuối tháng Chạp). Lễ vật là những sản phẩm địa phương, dâng cúng vua Hùng và các vị Thành Hoàng, như bánh chưng, bánh giầy, bánh cuốn, chè kho, thịt lợn, chim ngói xôi và hoa trái trong làng.
Khác với các di tích Văn hóa- Lịch sử thường gặp, đình Hòa Quân nằm trong một tổ hợp kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng thống nhất gồm đình, đền, chùa. Trong khuôn viên đình Hòa Quân, hiện còn hai thiết chế văn hóa tồn tại song hành đó là chùa Hòa Quân và đền thờ Tam tòa Thánh Mẫu (Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải) theo truyền thống thờ Mẫu của người Việt. Tại đình Trung ở Hòa Quân vào trung tuần tháng 7 năm 1948, từng diễn ra Hội nghị cán bộ tỉnh Yên Bái lần thứ nhất- đánh dấu mốc quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng và kháng chiến của địa phương.
Chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và thông điệp lịch sử gắn với vùng quê có truyền thống lâu đời trên đất Minh Quân, đình Hòa Quân đã được xếp hạng Di tích Lịch sử- Văn hóa cấp tỉnh vào ngày 7/1/2009.
Qua thời gian, Đình Hòa Quân hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Hy vọng rằng, trên cơ sở đã quy hoạch; sự quan tâm của các cấp các ngành, sự đồng lòng, chung sức của người dân trong thôn và sự hỗ trợ từ các nguồn xã hội hóa, đình Hòa Quân sẽ từng bước được tôn tạo, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của các thế hệ người dân đã bao đời sinh cơ lập nghiệp nơi làng quê ven sông này. Đình Hòa Quân và các thiết chế chùa xưa, đền Mẫu dưới bóng cổ thụ đa làng sẽ trở thành không gian văn hóa, thiêng liêng tình cảm cộng đồng và là điểm nhấn trong hành trình du lịch trải nghiệm những làng quê có lịch sử lâu đời dọc đôi bờ sông Hồng ở Yên Bái.
T.T