Một Nhật Bản đương đại khác biệt

Đoạt giải văn học Akutagawa vào năm 2020, tựa đề Thần tượng của tôi dính phốt rồi thoạt nghe có thể khiến những độc giả yêu thích văn chương nghi ngại. Nhưng đi xuyên qua hơn trăm trang sách, ở đó có một Nhật Bản đương đại hiện lên khác biệt.

Văn hóa Nhật Bản có sức tác động đặc biệt đến với giới trẻ thế giới. Trong những năm qua, khái niệm otaku, oshi hay hikikomori đã len lỏi vào giới trẻ. Nhắc đến Nhật Bản hiện đại, người ta không còn nhớ đến xứ sở thanh tao của Kawabata Yasunari, đến nỗi hoài hương đầy sự chật vật của Kazuo Ishiguro… mà thay vào đó là sự nghi ngại dành cho giới trẻ, một kiểu hippie châu Á hướng vào nội tâm. Nắm bắt điều đó, những tác giả trẻ đã phơi bày bức tranh đa sắc diện hơn, có thể kể đến Cô nàng cửa hàng tiện ích của Sayaka Murata, Tôi muốn tan làm đúng giờ của Kaoruko Akeno hay cuốn sách này của Usami Rin - tác giả sinh năm 1999.

Xoay quanh nhân vật Akari Yamashita - người kể chuyện 17 tuổi, tiểu thuyết đặt vào tình huống tương đối khốc liệt, khi nam thần tượng Masaki của nhóm Mazumazu bỗng nhiên một ngày dính “phốt” vì đánh người hâm mộ. Sau đó anh còn công khai chiếc nhẫn đính hôn, quyết định rời nhóm, rút lui khỏi làng giải trí, kéo theo sự tan rã của nhóm nhạc ấy. Đứng trước điều ấy, một otaku – người hâm mộ cuồng nhiệt như Akari, sẽ thấy thế nào và sống ra sao? Qua tiểu thuyết này, bức tranh sống động của giới trẻ Nhật Bản đối lập với những định kiến hà khắc sẽ được khắc họa một cách ấn tượng.

Định kiến cố hữu

Vào năm 1976, tiểu thuyết Màu xanh trong suốt của nhà văn Ryu Murakami khi mới ra mắt đã tạo nên tiếng vang rất lớn, nhưng không phải vì thứ văn chương hương xa – cổ điển thường thấy, mà bởi những sự khắc họa về chủ nghĩa khoái lạc thập niên 1960, nơi thanh thiếu niên gắn liền với các tệ nạn ma túy, sử dụng chất cấm và tình dục phóng khoáng. 3 thập niên sau, Usami Rin trở lại với địa hạt ấy, nhưng chỉ còn lại nhân vật duy nhất với 4 bức tường. Hikikomori đã len lỏi vào văn chương, trở thành đặc điểm nổi trội cho các nhân vật, những người lặng lẽ tách mình ra khỏi xã hội, duy trì trạng thái tồn tại nhợt nhạt bằng mạng xã hội và sự phụ thuộc vào gia đình mình.

Akita cũng là một người như thế. Là học sinh trung học, cô sống nhờ vào phụ cấp của cha mẹ mình, chán nản việc học và dành hết tiền từ việc làm thêm để ủng hộ cho vị thần tượng. Với Akita “chỉ cần sống thì những gánh nặng sẽ tự chất lên vai, giống như khi mình ngủ dậy thì kiểu gì chăn cũng sẽ nhàu. Để nói chuyện với người khác, phải căng da mặt lên, rồi sẽ phải đi tắm vì bị đổ mồ hôi, móng tay dài ra thì lại phải cắt. Để đạt được mức tối thiểu, tôi đã cố gắng hết sức, nhưng gắng mấy cũng không đủ. Bao giờ cũng vậy, trước khi đạt được đến cái mức tối thiểu ấy thì cả ý chí lẫn thể xác tôi đều đã rã rời”.

 

Tác giả Usami Rin sinh năm 1999 và cuốn tiểu thuyết phản ánh đời sống thế hệ trẻ Nhật Bản của cô.

Hikikomori là những người như thế, nhưng vẫn may mắn khi họ còn có mục tiêu để mà tồn tại – là thế giới ảo, nhưng cũng nghiệt ngã khi đó là điều duy nhất. Trong cuốn sách này, với Akari và những người khác đó là thần tượng. Như cô từng nói “Nhìn ánh mắt, cảm nhận nguồn năng lượng to lớn không tích cực mà chẳng tiêu cực đang trào lên từ tận sâu cõi lòng mình, và nhớ tới việc ‘sống’”. Nhìn từ bên ngoài, phản ứng của mẹ và chị gái Akari nói riêng và cả xã hội nói chung là không hiểu nổi. Họ không chấp nhận sự co cụm ấy, họ không đồng ý sự cực đoan ấy… mà quên rằng đó cũng đồng thời là một cách sống, một cách tồn tại, và đồng thời là một lựa chọn.

Điều này gợi nhắc đến nhân vật Keiko – một người phụ nữ 36 tuổi, chưa từng có công việc thực sự mà ngày nay qua đến tháng nọ chỉ làm việc ở cửa hàng tiện ích, cuộc sống lặp lại như chiếc đồng hồ trong cuốn tiểu thuyết của Sayaka Murata. Cô không quan tâm đến hôn nhân hay lập gia đình, cô cũng không có nhu cầu giải trí… Vòng lặp ấy chính là tôn chỉ của cô, cô hòa vào nó và ở trong nó. Dễ thấy cả Akari và Keiko dễ thấy đều hạnh phúc và mãn nguyện với lựa chọn của mình. Họ tuyệt đối chống lại những kịch bản đã được sắp đặt của thị hiếu xã hội, để tồn tại riêng bản thân mình. Trong sự cố chấp của hai nhân vật đều là ý chí tồn tại độc lập, được sống một cách mạnh mẽ và không khoan nhượng.

Từ đó con người với những kịch bản mang tên thành công trong sự nghiệp, lập gia đình sớm… mới chính là những gông cùm giam kín con người. Sử dụng thủ pháp đối lập, cả Usami Rin và Sayaka Murata đều cho thấy việc lựa chọn của mình là hợp lí, độc lập. Cả hai tác giả đều chứng minh rằng việc tôn sùng ai đó, sống theo vòng lặp nào đó… nếu vẫn có thể giúp họ tồn tại, thì là lựa chọn đúng đắn, và bản thân họ sẽ chịu trách nhiệm cho riêng chính mình. Trong trạng thái đầy nghi ngại ấy, họ giành phần sống, từ đó đặt ra câu hỏi, ai mới thực sống và ai chỉ là con rối trong xã hội này? Nhiều người cho rằng Akari có phần nào đó tương tự Holden Caulfield của J.D.Salinger, và đúng như thế, đó là cảm giác không hề thỏa mãn bởi những định kiến cũng như kì vọng trong thế giới này.

Bức tranh hiện thực

Bên cạnh câu chuyện về sống trung thực, Usami Rin cũng họa nên bức tranh chung về cuộc sống của những Hikikomori thuộc thế hệ mình. Đó có thể là những người hâm mộ mới còn phát điên lên vì một nhóm nhạc thần tượng nổi tiếng, thế mà giờ lại bảo “Tớ chẳng thà thích một nhóm nhạc ngầm mà được chạm vào người họ còn hơn là một nhóm công khai mà xa tít chín tầng trời”; nhưng cũng có thể là những người hâm mộ trung thành, những người thấy ở thần tượng của mình một điểm gì đó giúp họ tồn tại.

Theo Akira, tự họ rồi sẽ hình thành một nhóm riêng biệt, dù mỗi người mỗi khác nhưng điểm kết nối vẫn chính là vị thần tượng. Họ không tìm thấy được sự gắn kết đối với xã hội, nhưng họ tìm thấy chính mình trong những người khác có cùng đam mê. Với họ “việc theo đuổi thần tượng lại luôn là trung tâm, là điều tuyệt đối trong cuộc sống, chỉ riêng việc đó lúc nào cũng sáng rõ hơn tất thảy. mà không phải trung tâm, phải nói là xương sống mới đúng”. Cuộc sống của họ cũng gắn liền với mạng xã hội, blog cá nhân và những nền tảng chia sẻ khác. Như Akira nói “Theo đuổi thần tượng là phương thức để tôi có thể sống, là nghiệp của tôi. Tôi quyết định sẽ dốc toàn bộ những thứ mình có cho buổi biểu diễn cuối cùng của anh”.

Thế nhưng họ rồi sẽ phải đối mặt với những định kiến của người xung quanh, về thế nào là bình thường hay có được mối quan hệ bình đẳng, lành mạnh. Họ có thể tỉnh táo, có thể lạc quan, có thể hiểu biết, có thể cực đoan… nhưng đó là kim chỉ nam, và cũng là thứ giúp neo họ lại với cuộc sống này. Việc theo đuổi ấy như là xương sống giúp họ đứng vững trước những định kiến của xã hội xung quanh, và họ một lòng gắn kết với nó. Sự vững vàng ấy còn được gắn kết bởi đó dù có ra sao cũng là do họ lựa chọn và sống hết mình, không cần phải đeo mặt nạ hay sống ẩn mình như người mẹ chịu nhiều kìm nén và người cha chỉ thể hiện mình trên mạng xã hội ẩn danh…

Kết thúc tác phẩm, Usami Rin cho nhân vật của mình lại tiếp tục sống một cuộc đời mới, nhưng không phải đứng thẳng người như sự trưởng thành vốn luôn tồn tại, mà là những sự mò mẫm, đến từ sự khởi đầu lại bằng cả tứ chi. Đó là hình ảnh mang tính ám ảnh kiểu truyện Sâu bướm của Edogawa Ranpo, nhưng cũng đồng thời là niềm hi vọng, về cuộc sống mới sẽ được bắt đầu. Bởi “róc hết thịt và chỉ còn lại xương, theo đuổi thần tượng rõ ràng là nghiệp do tôi tự gieo”, nên cũng từ khung xương ấy, cuộc đời sẽ lại bắt đầu và biết đâu là sẽ tươi sáng hơn.

Thần tượng của tôi dính phốt rồi theo đó không chỉ là bản cáo trạng về văn hóa fandom, nghiện mạng xã hội hay một thế hệ trẻ chỉ toàn lười biếng… mà cũng còn là áng văn kêu gọi thay đổi góc nhìn về những thứ vẫn đang hiện diện, từ đó nhìn nhận cuộc sống tràn đầy màu sắc và đa dạng hơn.

ĐOÀN ANH TUẤN dịch Theo Văn nghệ Quân đội

 

 

Các tin khác:

56-60 of 104<  ...  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter