Những nhà văn có tài “tiên tri”

Thật thú vị khi dõi theo các nhân vật trong những bộ phim và những cuốn sách được sinh ra từ trí tưởng tượng của các nhà văn và các nhà biên kịch trong quá khứ nhưng đã sử dụng nhiều thành tựu của khoa học hiện đại.

Một số điều trong đó có vẻ hài hước và ngây ngô, song cũng không ít câu chuyện tạo nên cảm giác ngưỡng mộ và lý thú cho độc giả, bởi vì thực tế xảy ra sau đó đúng với trí tưởng tượng của các tác giả. Vậy có phải các nhà văn đó từng là những nhà tiên tri, hoặc giả họ đã biết cách tiếp cận với các công nghệ bí mật của tương lai?

Minh họa cuốn sách “Cuộc phiêu lưu không gian” (1968) của nhà văn Arthur Clarke.

Từ hai thế kỷ trước

Trong cuốn tiểu thuyết “Frankenstein hay Prometheus hiện đại” (1818) của Mary Shelley, có một nhà khoa học đã tạo ra một người mới bằng cách sử dụng các bộ phận của người đã mất. Sau này, khoa học thực sự bắt đầu nỗ lực hồi sinh bệnh nhân bằng dòng điện. Còn hiện nay, tức là sau hai thế kỷ, việc cấy ghép thành công nội tạng của người hiến tặng sau khi qua đời không còn là chuyện hiếm nữa. Hơn nữa, việc khâu lại các chi tiết của tứ chi bị đứt rời đã được thực hiện từ khá lâu rồi.

Nhà văn Jules Verne được gọi là một trong những người tưởng tượng thành công nhất, mặc dù thực tế là trong nhiều năm ông đã không đi ra khỏi vùng ngoại ô Paris. Ông đã từng nói: “Sẽ đến lúc những thành tựu khoa học sẽ vượt qua sức mạnh của trí tưởng tượng”. Và thực sự là nhiều năm sau, module mặt trăng, cánh buồm của mặt trời và tàu ngầm chạy động cơ điện được mô tả trong cuốn tiểu thuyết “Hai vạn dặm dưới biển” (1870) nổi tiếng nhất của ông đã trở thành hiện thực.

Edward Bellamy, người đã mô tả giấc mơ tuyệt vời về nhân vật của mình ở tuổi 113, đã mô tả về thẻ tín dụng sớm hơn 63 năm trước khi chúng bắt đầu được sử dụng. Cuốn tiểu thuyết “Trong năm 2000” đã dự đoán về việc sử dụng loại hình thanh toán này để mua bán hàng hóa và dịch vụ.

Việc khám phá của các nhà thiên văn học từ hòn đảo tuyệt vời Laputa có thể được gọi là điều kỳ diệu. Họ thấy rằng hành tinh sao Hỏa có hai vệ tinh. Chuyện này được hình thành như một cuốn tiểu thuyết châm biếm. Tuy nhiên, cuốn “Hành trình của Gulliver” (1726) đã có thể đưa ra dự đoán này sớm hơn 150 năm trước khi khám phá thực tế.

Từ đầu thế kỷ XX

Chiến tranh Thế giới thứ nhất không chỉ thúc đẩy sự tiến bộ khoa học khi các công nghệ quân sự bắt đầu được áp dụng trong cuộc sống thường ngày, mà còn tạo động lực cho những ý tưởng mới. Nhà văn khoa học viễn tưởng nổi tiếng Herbert Wells đã dự đoán về sự xuất hiện của một loại vũ khí hoàn hảo mới trong cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng quân sự tiếp theo. Ông đã nghĩ ra bom nguyên tử từ rất lâu trước khi nhà vật lý Leo Szilard tạo cơ sở cho phản ứng hạt nhân tự duy trì và tham gia “Dự án Manhattan”. Tuy nhiên, trong tiểu thuyết “Thế giới tự do” của ông, phiên bản vũ khí nguy hiểm được mô tả có kích thước bằng một quả lựu đạn cầm tay gồm có khí trotyl thông thường có thêm chất phóng xạ. Chỉ 30 năm sau, những quả bom nguyên tử thực sự đã thả xuống các thành phố của Nhật Bản.

Có lần, một phụ nữ là nhà ngoại cảm đã đến gặp luật sư Alexander Belyaev nhờ ông bảo vệ trước tòa. Vụ kiện thắng lợi và nhà ngoại cảm dự đoán rằng luật sư này không chỉ thành công trong sự nghiệp luật, mà sẽ trở thành một nhà tiên tri. Và quả thật, nhà văn khoa học viễn tưởng đã dự đoán việc phát minh ra phổi nhân tạo, thiết bị lặn khí nén, đoán trước về ô nhiễm không khí, việc đi bộ ngoài không gian, trạm quỹ đạo và du hành vũ trụ.

Ngoài ra, một nhà văn khoa học viễn tưởng khác người Nga đã say mê mô tả tàu vũ trụ liên hành tinh từ rất lâu trước khi chúng được xuất hiện. Năm 1923, câu chuyện của Alexey Tolstoi “Aelita” được xuất bản, trong đó các nhân vật mang các ý tưởng của các nhà khoa học Nicolai Kibalchik và ghi chép của Sionkovsky đã chế tạo ra thiết bị bay để bay lên sao Hỏa.

Từ những năm 50 của thế kỷ XX

Trong thời kỳ hậu chiến, con người không chỉ nghĩ về cách xây dựng một thế giới mới, mà còn nghĩ về những gì sẽ chờ đợi xã hội của họ trong tương lai gần. Sự cạnh tranh của các siêu cường, sự phân chia lại thế giới, những suy nghĩ tự do không kiểm soát – tất cả những điều đó, theo ý kiến của nhiều người, đã dẫn đến các cuộc chiến tranh thế giới, phải trải qua quá trình biến đổi trong tương lai. Tác phẩm kinh điển “1984” (1949) của George Orwell đã đưa ra những khái niệm chính trị như “Người anh cả”, “Cảnh sát tư tưởng”, “suy nghĩ kép”. Cũng trong tác phẩm của ông, Cảnh sát xuất hiện, làm công việc giám sát thành phố trên trực thăng, về sự quan sát diện rộng với sự trợ giúp của các camera được lắp đặt ở khắp mọi nơi, về sự kiểm duyệt và tuyên truyền đại chúng.

Thập niên 60 của thế kỷ XX

Tất nhiên, trong những năm tích cực chinh phục không gian, các nhà văn khoa học viễn tưởng hàng đầu không thể không mơ về một tương lai lý tưởng về mặt kỹ thuật. Cuốn sách “Cuộc phiên lưu không gian” (1968) của Arthur C.Clarke đã dự báo sự ra đời của trí tuệ nhân tạo khiến cho siêu máy tính mới HAL 9000 vừa vô cùng tiện lợi vừa tiềm ẩn những sự nguy hiểm nhất định. Hẳn là đúng, khi hàng ngày chúng ta vẫn truy cập vào các trang web mới. Vậy là, cuốn tiểu thuyết đã có từ năm 1968 đã thấy trước khả năng này khi mô tả về “báo điện tử”.

Còn nhà văn khoa học viễn tưởng John Brunner đã không giới hạn bản thân trong các tờ báo, mà còn mô tả về hoạt động truyền hình với sự trợ giúp của tín hiệu từ vệ tinh. Ngoài ra, những nhân vật trong cuốn sách “Mọi người đứng trên Zanzibar” (1968) sử dụng máy in laser, lái xe điện và thậm chí bình thản hút cần sa…

Từ những năm 70 của thế kỷ XX

Lần đầu tiên đề cập đến một dạng nửa người – nửa máy mà chúng ta được thấy trong cuốn tiểu thuyết “Người máy” (1972) của Martin Caidin, trong đó nhân vật chính đã bị mất một mắt và gần như tất cả các chi do một tai nạn ngoài không gian. Vị bác sĩ kỳ tài đã tìm ra cách để đưa phi hành gia trở lại cuộc sống bình thường: họ đã cấy ghép vật cấy bằng kim loại vào người đó, cải thiện thị lực của anh ta với sự trợ giúp của một chiếc máy có thể tháo rời. Và 41 sau năm ứng dụng cấy ghép đã thành công!

Một tác phẩm tuyệt vời khác trong thời gian này là “Tàu tự hành xuyên qua dải Ngân hà” (1971) của Douglas Adams. Sự phát triển của giao thông vận tải, việc mở các tuyến đường mới, khả năng đi đến được những góc xa nhất của hành tinh cho phép các nhà văn nghĩ rằng, thật tuyệt nếu có một dịch giả đa năng biết tất cả các ngôn ngữ trên thế giới. Ý tưởng này được thể hiện trong một cuốn tiểu thuyết giả tưởng, trong đó các nhân vật chính buộc phải du hành qua mọi góc trong Vũ trụ của chúng ta. Giấc mơ này đã trở thành hiện thực sau 34 năm.

Từ thập niên 80 của thế kỷ XX

Tin học hóa toàn cầu đối với những người thuộc thế hệ ngày nay dường như không còn là một thực tế xa vời nữa. Các nhà văn bắt đầu tự hỏi – thế giới mới sẽ mang lại cho họ điều gì? William Gibson đã bắt đầu suy ngẫm về điều đó trong cuốn tiểu thuyết “Nhà thần kinh học” (1984). Tác phẩm này từ lâu không chỉ sử dụng các khái niệm như trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật di truyền, không gian mạng trước khi xuất hiện trong văn hóa đại chúng, mà cùng lúc còn nhận được ba giải thưởng danh giá là “Tinh vân”, “Hugo” và “Giải thưởng của Philip Dick”, được trao cho các tác phẩm khoa học viễn tưởng hay nhất. Điều thú vị là chính cuốn tiểu thuyết này đã được gõ trên một chiếc máy chữ bình thường.

HẢI YẾN/CAND tổng hợp- VANVN

 

 

Các tin khác:

86-90 of 104<  ...  12  13  14  15  16  17  18  19  20  21  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter